Đôi Lời về Lệnh Triệu Ban Rồi của Tâm Thanh (& Khánh Hà) - Nguyễn Văn Thực

2014-08-29 09:34

Tôi, một chiều Thu 2013, vội vã mở thùng thư trước khi đạp xe đi làm, vội vã và nản nản trước công việc nặng nhọc đang chờ mình, thì thấy một phong bì, tôi đoán là có sách mà tôi đã đặt mua, mừng, nhưng khi mở ra lại mừng hơn vì đấy là tác phẩm mới của Tâm Thanh gởi tặng. Mừng là vì mỗi tác phẩm Tâm Thanh ra đời là một biến cố quan trọng trong trong đời sống văn học của tôi. Truyện ngắn của anh đã nâng nghệ thuật viết truyện ngắn Việt Nam lên thêm một bậc. Anh đã cho ra đời ba tập truyện ngắn như thế. Nhưng tôi chững lại khi đọc tựa đề cuốn sách: LỆNH TRIỆU BAN RỒI, chữ in hoa, mẫu chữ chững chạc, uy nghiêm công đường, chữ lại màu đỏ, cái uy nghiêm công đường lại càng hiện rõ thêm, hàng chữ còn nằm trên nền đen. Và cái nền đen với hàng chữ kể trên lớn gấp hai cái nền dưới màu xám hư hao bị đè bẹp thấy rõ, với hàng chữ thường cở chữ nhỏ ốm yếu phận người, bằng một phần ba cở chữ của hàng chữ uy nghiêm trên kia: một trường hợp ung thư. Và bìa như thế mới là vẽ bìa chứ! Thằng cha nào vậy? Tôi tò mò lật vào trang trong thấy ngay: Bìa: Tiêu Dao.

  Trong tác phẩm, tác giả dùng từ ”bạn” như đại danh từ ngôi thứ nhất để rỉ rả tâm sự, chia sẻ với các bạn khác và người thân.

  Trước đó không lâu, tôi phong phanh nghe anh bệnh, một loại bệnh mang tính án tử. Bệnh ung thư. Tôi buồn, tôi buồn.

  Nhưng tôi tôn trọng sự đau đớn của anh như lâu nay tôi vẫn tôn trọng sự tĩnh lặng của một người trí thức trước và sau khi bắt đầu cuộc sống nhàn tản của anh: chỉ gởi mail khi cần, vài câu thơ, câu đối tặng cuối năm, nhưng không đến chơi cũng như điện thoại mà tôi nghĩ sẽ quấy rối anh. Có thể anh không nghĩ như thế; tôi quá cẩn trọng, suy bụng ta ra bụng người.

  Chiều đó, ở sở làm, tôi lại kiếm cách, trộm giờ đọc được mươi trang của cuốn sách. Cảm giác đầu tiên của tôi là mình đang chạm tới cái mênh mông dễ chịu, đọc tử thư mà lòng lại thấy nhẹ nhàng. Các bạn xem: trên kia tôi vừa mới Tôi buồn, tôi buồn! Sao vậy? Nói ra giùm coi!

 

Cuốn sách gồm những mảnh suy tư nhỏ, có những ý lạ về bệnh, hay nói cách khác bệnh cũng có cái hay của nó, quá hay nữa là khác:

  - ”Bệnh, cây roi của từ phụ.”

  - Có bệnh mới dễ thương người khác, hơn khi còn khoẻ, vì tha nhân là đồng hành chung phận. Chung phận với cả loài vật.

  - Nhờ bệnh mà Tâm Thanh mới thấy được nghệ thuật sống tràn đầy, sống trọn cái đời sống quá ngắn ngủi. Đời sống làm bằng những chuổi khoảnh khắc. Thiên Thu cũng vậy. Sống mà ý thức mình sống trong từng cử chỉ, hành vi. Định tâm vào mỗi hơi thở là bạn nắm được hiện tại. Trì hoãn một giây trước mỗi phản ứng là bạn làm chủ được mình, ví dụ như khi mở thư người mình hằng trông mong, khi mở vòi nước: khoan thai. Tổng cộng những giây phút khoan thai trong một ngày - những “thì chết” - thực ra là những thì sống.

  - “Những chân lý như Thượng đế và Phật tính, cứu độ và giải thoát, linh hồn và luân hồi, vv, bề ngoài có vẻ mâu thuẩn loại trừ nhau, ngày nay bạn thấy tất cả được dung hợp, mặc dầu bạn chỉ có thể hành một đạo, Ki-tô giáo… Bạn ước mong làm người lữ hành tới nơi tới chốn một con đường, nhưng bước chân trên một con đường là đi mọi con đường khác về cùng đích.” Tác giả chỉ cầu tự giác, không có khả năng giác tha, không có khả năng truyền đạo, truyền một loại đạo như đạo Công giáo, một đạo độc thần, một Chúa có bản vị, với một hệ thống thần học cơ cấu chắc nịch, mang tính loại trừ các đạo khác một cách rõ ràng về phần hình nhi thượng. Phải chăng những điều tác giả muốn nói ở đây là nói về đạo làm người, đạo sống, phần nhi hạ của đạo, như câu người ta hay nói: “Đạo nào cũng là đạo. Đạo nào mà chẳng dạy ta ăn ngay ở lành.”?

 

  - Đau khổ còn có một dụng cụ cao hơn đó là thanh tẩy và thăng hoa. Tác giả cũng biết đau, nhưng đau đớn làm cho tác giả ý thức được rằng: “Trong sự sống đã cài sẵn mầm chết, sống một phút là chết đi một phút. Ngược lại chết, là tái sinh.”

  - Trong trường hợp đặc thù của tác giả, nhờ bệnh mà Tâm Thanh gặp được người bạn đường. Tác giả muốn ý trung nhân ở chung, nàng không chịu, nhưng khi tung ngón khổ nhục kế: bệnh lao ho ra máu, nàng bỏ qua gia phong:

“Không ngờ cô sụp đôi mắt cong xuống, nói: ‘Cũng được. Chỉ để (em) chăm sóc anh thôi à nghe!’”

“Tình yêu đến với bạn như giấc mơ, như phép lạ. Nước cam lồ rót vào bạn qua cái phểu bất hạnh, đau đớn bệnh tật.”

Và nàng đã mở cửa địa đàng cho chàng, như một tiểu đề trong sách: GIA ĐÌNH, CỬA ĐỊA ĐÀNG.

   - Nhờ bệnh mà thấy được tình con cái qua những chăm lo tỉ mỉ của đứa con gái, qua những câu nói hóm hỉnh ý nhị khi giúp ba, nhắc ba. “Một hôm bạn ngồi trong cầu tiêu ở trạm trực y tế, để lấy mẫu thử phân, rặn hoài không ra. Nó thấy lâu quá, gõ cửa nói: ‘Ba không có gì đọc phải hôn? Con chỉ có cái bằng lái xe của con, Ba đọc đỡ nghe Ba.’ Bạn phì cười, và lạ thay một cục lì lợm phải thò đầu ra.” Ngay cả đứa con trai đại lãn: “Đi làm về là nó mở máy tính, nằm theo thế César ăn tiệc, chờ mẹ bưng cơm tới tận giường. Nó lệ thuộc hoàn toàn vào sự nuông chiều của mẹ, từ ly nước xí muội cho tới đôi vớ.” Chàng đi làm gọi điện thoại cho má, hỏi má có cần mua gì cho ba không. Dù mẹ nói không cần gì nó vẫn mua về cho bố một vài vật gì đó mà nó nghĩ bố thích - trái đu đủ, một phong bánh khô, hai chai vørterøl…” Chàng đại lãn ấy, đôi khi, ở một chỗ khác Tâm Thanh gọi là thằng khờ, chính là Tiêu Dao, người vẽ mẫu bìa ăn ý hoàn toàn với tấm lòng cha mình.

 

Ai làm cho bạn lành bệnh?

Một người đạo Hồi đồng bệnh chung phòng thì cho là ”Ai làm gì thì làm, người làm cho bạn hết bệnh, chính là Allah”. Nhưng tác giả lại cho đó là nhờ nền y tế Na Uy và những bác sĩ tận tâm và tài giỏi Gladehaug và Jakub (đạo Hồi). ”Thật vô ơn với Thượng đế nếu bạn quên các sứ giả của ngài.”

 

Phần nói về chòm xóm, bạn văn, đồng môn, các bạn bè thời niên thiếu, các nữ tu, đồng hương ở Na Uy, bạn bè, chiếm một phần khá lớn trong cuốn sách. Xét về mặt nghệ thuật, đây là phần quan trọng, vì Tâm Thanh đã với một vài nét đã tài tình phác họa được những mẫu người độc đáo:

- Anh C., để nói tới lòng tốt, sự ân cần của anh, Tâm Thanh chấm phá một vài nét như sau: “C. thường là người đầu tiên tiến lại bắt tay thăm hỏi khi bạn vừa ngơ ngác vào một hội trường đông người. Khi bạn ra về C. cũng là người tiễn duy nhất.” Cảnh này làm tôi nhớ tới cảnh mục sư (cha xứ chính thống giáo) Koruga và con trai Traian tiếp đón quýnh quáng mà tự nhiên, ân cần mà như không chàng Iohan Moritz khốn khổ bồng người yêu Suzanna đang trong cơn quẫn bách dưới mưa tầm tã vào nhà xứ xin trú ngụ, trong cuốn Giờ thứ Hai Mươi Lăm của Virgil Gheorghiu. Những hành vi như thế, nhận vật Traian, cũng là một nhà văn trong truyện, có cảm tưởng như sau:

“Traian lại nghĩ: ‘Thượng đế cũng hành động vô ích như thế, khi tạo lập vũ trụ. Thượng Đế sáng lập nhiều vật không lợi ích thật tiễn, nhưng đó là những công trình tuyệt mỹ. Đời người là một sáng tạo vô ích. Cũng vô ích và vô lý như hành động của ta và cha ta bây giờ. Song le, sự nhiệt tâm rất cao quý. Dẫu vô ích, nhưng nhiệt tâm ấy không có gì so sánh nổi!’" (Lê Ngọc Trụ và Võ Thị Hay dịch)

- Nhóm xập xám mà Tâm Thanh là thành viên, họ tự diễu là nhóm “Tám lão mất nết”. “Có người gọi chúng tôi là mất nết, nhưng chúng tôi có nết đâu mà mất, nhưng vui vẻ nhận cái tên hay hay”. Chừng đó cũng đủ vẽ ra được cái tình thân tới cỡ nào của nhóm.

- Để nói về cái tình của chị Thu Sương, vợ bác sĩ Mộ: “Vậy mà anh bị Parkinson mười sáu năm nay. Mười sáu năm chị chăm sóc anh vô cùng vất vả, càng những năm về sau càng vất vả, người ngoài khó lòng tưởng tượng nổi, vậy mà chị cười nhiều hơn khóc. Cái lần chị khóc nhiều nhất có lẽ là lần chị đi công chuyện về, thấy anh phong phanh ngồi trên ghế giữa nhà, trên vai khoác cái váy của chị, mặt ngơ ngác, mắt thất thần.”

- Về chị Hồng Trinh, cũng bị ung thư, để nói tới ý chí của chị, Tâm Thanh viết: “Dù kiệt quệ vẫn mỗi sáng đứng dậy đi làm, ngày nghỉ đi 700 cây số lên đại học Trondheim kèm bài cho con trai. Vài lần bạn lái xe đi làm, thấy chị ẻo lả lội tuyết bắt xe điện đi làm mà mủi lòng.”

- Về cặp Tập-Bảy: ”Thói đời vợ chồng đồng loã thì nhiều, đồng chí thì hiếm, anh chị Tập-Bảy trong trường hợp sau.”

- Và còn nhiều nữa.

Những mẫu nhân nhân vật kể trên với những tính cách cao đẹp của tình người, tình bạn của một lớp người nay đang sắp tiệt giống, với những miêu tả như thế, Tâm Thanh vô tình đã tạo được bộ sưu tầm quý giá về nhân văn cho đời sau - dù tốt hay xấu.

 

Và rồi những nét hóm hỉnh, đầy minh trí của tác giả vốn có trong các truyện ngắn, còn có cả ở đây:

”Vợ bạn và hai đứa con hì hục nhiều lắm mới tìm được những thực phẩm hợp với bạn, nhưng hợp hôm nay bỗng nhiên ngày mai giở chứng không hợp, y như  người Việt hải ngoại với nhau.”

Và còn nhiều nữa.

 

No đầy tình thương của vợ con, bạn bè, đồng hưong, chòm xóm, của đất nước Na Uy, và với ý thức mình đã trở thành ”con trẻ”, theo lời dạy của chúa Giêsu,  với ”mộc mạc, chân phác” của Lão tử, với  ”sơ tâm” của Thiền (Nhật Bản?), rồi thấy sự ra đi không luyến tiếc của GS triết học Lê Tôn Nghiêm (1), rồi tâm đắc lập luận của Huệ Tử rằng cái chết của vợ ông ta là lẽ tự nhiên, Tâm Thanh sẵn sàng theo Lời Triệu Ban Rồi lên đường đi vào Cõi Khác.

 

Nhưng Khánh Hà, người yêu một thuở và muôn thuở đó của Tâm Thanh thì sao? Nàng có sẵn sàng cho chàng ra đi không?

Không, không, không.

Trong 23 bài trong ”tập thơ” kèm

Vần Cuối Cho Anh, tôi

vẫn thấy nàng luyến tiếc; không có một cái ý siêu việt, trường phái suy tư nào, ngay cả ”trường phái Tâm Thanh”, chồng mình, có thể làm cho nàng ok chuyện chàng xa nàng. Nàng đã chăm sóc chàng suốt cuộc đời từ miếng ăn: ”Nàng làm bếp một cách khoan thai và âu yếm” đến thuốc men như con thú hoang biết bạn mình cần thuốc gì khi đau ốm, nàng không muốn bất cứ tư tưởng của trường phái nào o bế, chăm sóc, những tư tưởng mà chàng đã cần mẫn học hỏi, sưu tầm, sàng lọc, nhào nặn, và rồi đưa ra để dặn lòng, mà chàng dùng để đóng thuyền vượt sông Lú sao cho êm dằm xuôi mái. Tình yêu của nàng mà thôi cũng đủ thay thế những thứ ấy, nàng là hành trang duy nhất của chàng, khi chàng buộc phải qua Bên Kia:

Một mai người có lìa xa

Trở về bản thể,

nơi ta cùng về.

(người viết nhấn mạnh).

Cũng cần nêu ra: Thơ Khánh Hà lần này không trau chuốt như những tập thơ trước. Tại sao? Bạn đọc hẳn đã có câu trả lời.

Đọc xong tác phẩm của Tâm Thanh, tôi vẫn còn cái cảm giác đầu tiên: như chạm tới cái mênh mông dễ chịu.

Nhưng khi đọc xong tập thơ ly biệt chàng của nàng ở phần tiếp, tôi không dám nói gì nữa, tôi thiệt không biết nói sao đây.

 

Nguyễn Văn Thực