Bà Tôi - Nguyễn Tấn Vinh

2015-12-04 15:24

(Viết để tưởng niệm bà nội)

 

Khi tôi bắt đầu biết nhận thức, thì thấy bà là người đàn bà vóc dạc hơi thấp, nhưng vừa người. Răng bà to và đen, nhưng không phải "đen nhánh hạt huyền" kiểu mấy bà Bắc nhuộm răng mà có lẽ là do ăn trầu lâu năm. Điểm đặc biệt ở bà là cái đầu trọc. Bà chăm lo công việc nhà cửa, ruộng vườn, không hề sai biểu con cháu, chuyện gì bà cũng tự cáng đáng.

Bình thường bà được gọi là bà Hai, bác Hai...là theo thứ của ông nội tôi và gọi bà Ba, bác Ba là thứ của bà. Bà thứ ba trong gia đình.Tên thật bà là Phan Thị Ngưu, có lẽ do cái tên này vận vào mà đời bà rất cực khổ, người ta thường nói là cực như trâu mà! Nghe kể ông cố ngoại là thầy thuốc Bắc, có nghĩa là dư thừa chữ nghĩa để đặt cho con gái một cái tên hay, không dè cụ nhớ đến ngưu lang chức nữ. Khiến bà tôi phải chịu chữ Ngưu cho em trai kế bà được tên Lang (và về sau ông này không biết có phải nhờ chữ lang không mà đã nối nghiệp cha làm thầy thuốc). Không nghe nói các em kế của bà nội tôi có ai tên Chức và Nữ không? Chứ bà có 2 người em nữa tên liền là Danh và Vọng.

Nhân vụ đặt tên này, tôi được biết có cụ lôi câu "cầm kỳ thi họa" ra đặt tên con, vô tình chữ họa nhằm ngay cô con gái xinh đẹp, thế mới khổ cho cô cả đời phải mang cái tên không ai chuộng này!

Sau này lớn hơn một chút, tôi mới được nghe kể: khoảng năm 1945-46 xuất hiện phong trào Thanh niên tiền phong ở Sài Gòn, thu hút giới thanh niên, sinh viên, học sinh rồi lan ra các tỉnh. Rồi tới phong trào Việt Minh. Nhà cầm quyền Pháp mở ra những cuộc bắt bớ những người tình nghi có tham gia hoạt động chống chúng. Thế là trong xóm tôi có vài người bị bắt. Sau một thời gian bị giam giữ, họ mất tích luôn, nghe nói là ban đêm Tây đem ra cầu tàu trên bờ sông Cái (Tiền giang) bắn và xô xuống sông. Rồi tới lượt ba tôi lúc ấy đang là giáo viên dạy học ở trường tỉnh cũng bị bắt, cầm chắc cái chết trong tay. Bà cầu khấn đủ điều và trong đó có việc nguyện xuống tóc để cầu cho ba tôi được thả. Không biết là do sự ngẫu nhiên hay Phật trời cảm ứng mà rồi ba tôi được thả ra, nhưng bà tôi vẫn không để tóc lại, cứ cạo đầu hoài, nói là cạo đầu quen rồi, cứ cạo luôn cho mát! Khi tóc bà mọc ra lún phún và bạc trắng thì thấy đầu bà như một thúng bông giống như bà mẹ chồng trong câu ca dao:...Tay dắt mẹ chồng đầu đội thúng bông.

Thế rồi trong một cuộc ruồng bố, nhà ông nội tôi bị Tây đốt, nên gia đình phải tản cư lánh nạn rày đây mai đó. Khi thì ở đậu nhà người tốt bụng, khi thì dựng chòi ở tạm.Trong thời gian đó thì chừng năm ba ngày lại có tin Tây bố, thì người với mùng mền, gạo thóc, nồi niêu, son chảo chất hết xuống chiếc xuồng ba lá rồi bơi đi về hướng xa, qua làng khác. Bà có tánh hay lo, sợ xuồng chở khẳm chìm, nên cứ lâu có xuồng nào đi gần cũng đều cất tiếng hỏi:"Cô ơi/ chú ơi, coi giùm xuồng tui có khẳm quá không?".

Những ngày "bình yên" không phải chạy Tây thì bà bày ra làm bánh trái cho con cháu ăn. Thôi thì đủ thứ, thứ nào ngoài chợ có bán thì bà đều có làm, có khi còn hơn nữa. Nhờ vậy mà bây giờ khi tán gẫu với bạn bè về đề tài này thì tôi có kiến thức rất phong phú.

Có lúc vào nửa đêm có "mọt chê" của Tây từ thị xã bắn vào. Bà lôi các cháu xuống hầm núp ở dưới bộ ván ngựa, miệng hốt hoảng luôn nhắc nhở con cháu niệm Phật.

Tôi là cháu đích tôn nên được bà đặc biệt cưng chiều, cái gì cũng được ưu tiên. Khi tôi bị ba má đánh đòn, thì bà bênh vực, can ngăn, không được thì nói lẩy: "Bây đánh nó cho chết đi mới vừa bụng hả!", thế là ba má tôi phải buộc lòng tha Tào một phen.

Khi tôi "ể mình" nằm một chỗ thì bà đi ra đi vô sờ trán xem nóng lạnh ra sao. Khi thấy tôi nằm lì một chỗ thì biết tôi bịnh thật chớ không phải giả bộ, thì bà mời thầy coi mạch hốt thuốc cho uống. Ôi thôi thuốc Bắc đắng thấu trời xanh, phải nhắm mắt nhắm mũi mà uống, dòm trước dòm sau không thấy ai thì đổ bớt. Khi tôi bị u nhọt thì bà đi vạt mù u lấy mủ làm thuốc dán cho tôi. Đến mùa nóng nực, bà hay đi cạy mủ trôm về ngâm với hột é, đười ươi ăn cho mát. Những buổi tối bà hay luộc khoai lang cho chúng tôi ăn. Vừa ăn vừa nghe bà kể đủ thứ chuyện nào "Thạch sanh chém chằn", tới "Thoại Khanh, Châu Tuấn", Phạm công-Cúc Hoa, Con Tấm, con Cám...Có khi bà còn đọc vè như bài Tập tầm vong, mà tôi còn nhớ lỏm bỏm: Tập tầm vông, Chị lấy chồng em ở gía, Chị ăn cá, em mút xương, Chị nằm giường, em nằm đất, Chị hút mật..... Và đặc biệt có bài vè mang tính thời sự nói về tù nhân thời Pháp ở Khám lớn hay Côn đảo... mà tôi chỉ còn nhớ được vỏn vẹn có một câu mô tả giờ cơm tù: "Cơm dọn hai hàng như làng ăn trùng cửu". Sau này tôi có ý dò tìm bài vè này nhưng không tìm đâu ra.

Khoảng 1953-54 thì gia đình hồi cư về quê cũ ở gần thị xã, tôi bắt đầu được đi học ở trường làng. Mỗi buổi đi học, sợ mấy đứa em phân bì, bà kín đáo nhét vào tay tôi vài đồng bạc để ăn hàng. Vài năm sau tôi đổi trường xa hơn. Thời đó hay có những đoàn sơn đông mãi võ của người Hoa bán thuốc dán, thuốc rượu: "Tả lù lên (lùng..tùng xèng)...ông Hai bên nây một chai rượu nhức mỏi, chị Tư bên kia một chai thuốc nhức dăng..". rồi các trò phóng dao, nhảy vòng lửa, cắt thịt chảy máu rồi dán thuốc cầm máu... Thật là quyến rủ đối với lũ học trò quê. Chúng tôi coi thật là say mê quên về dù trời nhá nhem tối.

Hễ hôm nào gặp đám sơn đông dọc đường thì thà bị đòn nát đít chớ đứa nào cũng nhứt định ở coi cho tới hết... thì có khi tối mịt mới về tới nhà. Mỗi khi tôi về trễ, gần tới nhà thì đã thấy bà đứng đón, bàn tay khum khum che ngang mày để nhìn cho rõ và còn hỏi: "Thằng V. đó hả con? Dìa mau đi, ông nội mày hăm mẻ răng đó!". Về nhà bị ông nội hay ba má la rầy thì có bà đỡ cho. Vì lý do tản cư, nên phải đi học trễ, nên học tới lớp nhì, lớp nhứt (lớp 5, lớp 6 ngày nay) thì đã lớn xộn rồi. Má tôi bắt phải tự giặt quần áo lấy thì bà lại can thiệp: "thằng nhỏ tay chưn mấy chút mà bắt nó giặt đồ có sạch sẽ gì đâu", rồi bà biểu để đó bà giặt cho. Đến khi tôi vào Trung học, hồi đó thanh niên có "mốt" chải đầu láng mướt bằng bri-dăn-tin, nên ít cậu nào chịu đội nón, cho nên mỗi bữa thấy tôi dắt xe đạp ra là bà nhắc đội nón "trời nắng chang chang để đầu trần bịnh chết nghen con!" Cứ thế bà nhắc hoài khiến tôi đâm bực mình.... Sau này tôi có đọc tập truyện "Sông Mỹ sông Việt" của tác giả bác sĩ Huỳnh Hữu Cửu cũng có kể chuyện thuở mới lớn cũng từng lấy hột bưởi ngâm cho ra nước nhớt để chải tóc cho láng!

Bình sanh bà tôi thích món bí rợ hầm dừa, đó là món bí rợ nấu với nước cốt dừa như chè ăn rất ngán, mà bà thì ưa, hay nói "nữa tao chết cúng tao món này là được". Những lúc chuyện trò thân mật với bà con, bạn bè thân, bà thường hay nói:"Tui chỉ trông sống tới thằng V. cưới vợ, để được thấy mặt con cháu dâu". Lúc đó tôi mới mười mấy tuổi. Mỗi lần nghe nói tới chuyện vợ con thì mắc cỡ đỏ mặt, chạy tránh chỗ khác. Một buổi sáng gần Tết, một người bà con từ quê lên Sài Gòn báo tin bà qua đời. Đó là năm 1964, tôi đang học lớp đệ tam, ba má bận bịu công việc, sai tôi về dự đám tang bà.

Mãi lo việc học hành, đến năm 1972 tôi mới "cưới vợ". Thế là bà không được toại nguyện cái mơ ước đơn sơ là "được thấy mặt con cháu dâu".

Thế rồi vận nước truân chuyên, tôi cùng số phận với hàng triệu anh em khác phải mang kiếp lao tù oan nghiệt. Sau khi được thả, tôi cùng vợ và con gái đầu lòng về thăm quê, nơi ngôi nhà ông bà nội ở, nơi anh em tôi trải qua thời thơ ấu, nay do bà cô quản lý, coi như nhà từ đường, thắp hương cho vợ lạy ra mắt ông bà. Chắc trong cõi vô hình bà đã "thấy mặt con cháu dâu vợ thằng V. rồi!".

Năm 1978, vợ chồng chúng tôi cùng 2 con nhỏ một gái một trai vượt biên, chắc nhờ phước đức ông bà và chắc cũng có sự phù hộ của bà cho đứa cháu thân yêu mà chuyến vượt biên của chúng tôi được trót lọt, may mắn được tàu của vương quốc Na Uy vớt, được cho vào định cư ở Nauy từ năm 1979, được trợ giúp làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng. Đời sống an cư lạc nghiệp, con cái học hành theo đúng sở nguyện của chúng và sau đó đã có công ăn việc làm thích đáng, có nhà cửa riêng ở tại thủ đô Oslo.

Thời gian thắm thoắt, ngày nay tôi đã ở vào độ tuổi "cổ lai hy", nhớ lại vô vàn kỷ niệm êm đềm của đoạn đời thơ ấu sống cùng ông bà nội, cô Năm, thiếm Tư, 3 em ruột tôi là Khánh, Châu, Phương và các em họ là Xuyến, Hùng, Dũng và Việt thật bàng hoàng cảm xúc.

Năm 2005, tôi có dịp trở lại mảnh vườn xưa, ngôi nhà cũ, nhìn lại cảnh cũ mà thiếu vắng người xưa. Bạn bè một thời rong chơi, có người đã qua đời, có người thất tán. Lòng bồi hồi cảm khái. Tất cả như một giấc mơ thoáng qua. Về lại Na Uy, tôi có ghi lại trong bài thơ "Chiêm bao" sau đây:

Ta về thăm quê cũ,
Xóm làng xưa thân thuộc đâu còn.
Đứa cháu giăng cho ta cái võng
dưới tàn cây vú sữa.
Bốn bề yên ắng,
Đồng vọng tiếng chim cu
ngày sắp Tết.
Bìm bịp kêu nước lớn.
Giòng nước đục phù sa
chảy lờ đờ từ vàm vô ngọn
đem theo những đám lục bình.
Vẫn còn cây dừa lão năm xưa
chim chìa vôi làm ổ trong bộng.
Có con chim sâu nhỏ
chuyền trên cành cây cam còi cọc,
kiến vàng đã bỏ đi.
Hàng rào bông bụp không người tỉa xén.
Um tùm
Những chậu kiểng xác xơ
như đời người dâu bể.
Ôn chuyện cũ ấu thơ,
Những ngày xưa rất vội.
Tan như bong bóng mưa.
Ta bỗng thương đời.
Ta bỗng thương mình.
Đời cứ thế hay sao?
Đêm mịt mùng tăm tối,
Trời đất mang mang.
Đốt mẩu nến lên soi
Bạch lạp vẫn sầu muôn thuở trước
Nhỏ hoài lệ trắng xuống thiên thu!.....


Những người thân yêu cũ: ông nội, bà nội, ba, má, cô Năm, những bạn bè, những người hàng xóm láng giềng xưa hồn ở đâu bây giờ?!

 

Nguyễn Tấn Vinh