Biển Đời - Tiếng Thinh Lặng Của Tâm Hồn - Lê Nguyên

2014-08-25 15:14

Chào bạn! Cầm trên tay tập thơ ”Biển Đời” một sáng tác mới của tác giả Phụng Long hiện đang định cư tại Asker, Na Uy. Tôi lấy làm thích thú và không kém phần tò mò về nội dung bên trong mà tác giả muốn gởi gắm đến người đọc. Trang bìa được phác họa hình trái tim với phông màu nâu mang nét buồn thật nhẹ nhàng tĩnh lặng. Môt trăm chín mươi ba bài thơ được sáng tác thuần với 2 thể loại, lục bát và thất ngôn tứ tuyệt đem đến cho nguời đọc một vườn thơ thật phong phú và chan chứa tình cảm.

Ai đó đã nói đúng : ” Thơ ca là nghệ thuật cần sự giảng giải ở người cưu mang và sáng tác ra nó ”. Chính ở điểm này người đọc dễ dàng cảm nhận ngay từ phút ban đầu khi tác giả Phụng Long giàn trải tâm tư: ”Một tác phẩm nghệ thuật, bản nhạc hay bài thơ là sáng tác của một cá nhân. Ai đã sinh ra và lớn lên từ lòng đất mẹ, lớn lên trong chiếc nôi ấy thì dù cho bạn có sống ở đâu.... khi bạn nghe một bài hát, điệu hò hay một bài thơ, chắc chắn bạn cũng sẽ không kềm chế được cảm xúc của mình, nó dẫn bạn vào cõi thinh lặng thâm sâu nhất. Đó là thinh lặng của tâm hồn”.

Đọc thơ của Phụng Long tôi có sự cảm nhận giữa cái qúa khứ và hiện tại quyện lẫn vào nhau như hình với bóng. Thời gian và không gian không còn ngăn cách giữa lối phóng bút tài tình giữa thực và mộng của tác giả như trong bài ”Giấc mơ hoang”

” Ngày xưa em ở thiên đàng
Vì mê hạ giới đày sang thế trần
Cõi trần lạc biển ái ân
Sóng tình vỗ táp bao lần tim em”

Chấp nhận làm kiếp con người với những hệ lụy thì làm sao:

”Thực hư trong cõi vô thường
Không ai tránh khỏi con đường tử sinh”

Dễ dàng tìm thấy trong thơ Phụng Long một chữ TÌNH. Mà ở đây chúng ta  Tình của con người với đấng tạo hóa, tình với trời đất, cỏ cây. Tình với đồng loại với cha mẹ và đặc biệt với tình hôn nhân cao quý mà anh bày tỏ một cách say đắm đến dễ thương chi lạ:

”Thơ này anh cám ơn em
Đã cho anh cái ấm êm tháng ngày
Trời cho anh được số may
Buộc anh vào cuộc tình say thơm nồng…”

Và còn gì hay hơn khi anh đề cao đức tính chịu đựng, lòng dạ sắt son của vợ chồng trong tình yêu hôn nhân:

“Anh em hai đứa một lòng
Em chèo anh lái vượt giòng thời gian
Dù đời nhiều lắm gian nan
Sóng xô mặc sóng, lòng thành sợ chi…”

Và tượng hình hơn nữa trong biển hạnh phúc khi thời gian qua mau ở đoạn “Chợ tình không bán”.

“Đẹp xinh ở nghĩa vợ chồng
Men xưa đã thắm nay lòng còn say
Xá chi là mớ tóc mây
Nay đen mai trắng, tình đầy mới duyên…”

Cuộc sống nơi xứ lạ quê người, ai trong chúng ta cũng có niềm riêng. Với Phụng Long, anh đã phác họa tình yêu thương cha mẹ một cách nhẹ nhàng sâu lắng:

“Hồn ơi! về đi nhớ quê hương
Cho dẫu có xa vạn dặm trường
Hồn cha chìm sâu hằng mong đợi
Lòng mẹ thương nhớ lệ vấn vương….”

Lời thơ dạt dào tình cảm, thật lãng mạn nhưng đôi lúc tác giả chợt nhìn lại để rồi truy nã thân phận đến buồn man mác khó tả:

“Bao năm viễn xứ nhớ làm sao
Lối về quê mẹ lòng nao nao….
Phiêu bạc xứ người, buồn man mác
Thắm thiết tình quê, nỗi dạt dào. “

Hay:

“Đã bao năm rồi tớ đã say
Say vợ say con với tháng ngày
Say tình bè bạn trong thương nhớ
Say cả nhân gian những áng mây…”

Trời đã về đêm, trong khoảng không tĩnh lặng tôi chỉ nghe tiếng côn trùng từ trong tâm thức dội về. Đọc thơ Phụng Long, lòng buồn man mác, bất giác chợt
nhớ về quê nhà. Bên nhà giờ này không khí đón xuân đang rộn ràng, mùa xuân đang về trên quê hương Việt Nam. Vâng dù ở nơi đâu, tôi và bạn luôn hồi tưởng về những kỷ niệm đẹp một thời thơ ấu ở quê nhà.

TẾT..TẾT..TẾT đến rồi, lại một mùa xuân dân tộc trở về trên xứ người, hãy nghe thi sĩ Phụng Long hoài niệm về một mùa xuân trong ký ức và hiện tại trong bài Hoài niệm:

“Đã mấy mươi năm lâu thật lâu
Thắm thoát mà ta đã bạc đầu
Tết đến lòng ta thêm quạnh quẽ    
Xuân về hồn thức cả đêm thâu
Thơ quên ngày tháng lòng thêm bận
Mỗi độ hoàng hôn dạ nhói đau
Bạn bè thuở trước đi đâu cả
Để lại lòng ta một nỗi sầu….”

Thôi bạn nhé, trời đã quá nửa khuya rồi, tập thơ Biển đời còn nhiều bài tôi chưa đọc hết, ý thì còn nhưng lực thì đang đuối vì mai dậy sớm đi “cày” cơm áo gạo tiền nữa chứ!. Tôi tin rằng tập thơ “Biển đời” của tác giả Phụng Long sẽ được bạn đọc khắp nơi đón nhận một cách trân trọng như tình cảm anh dành cho mọi người được biết đến anh. Một thi sĩ đóng góp thêm cho vườn thơ thi ca của cộng đồng người Việt tại Na Uy ngày thêm phong phú và phát triển. 

Lê Nguyên