Biểu Tượng - Đoàn Mai Tâm

2015-12-10 12:48

Người đàn ông lôi các đồ trong kho ra sắp xếp lại cho gọn gàng. Ông lật xem lại từng trang vở viết tay, từng bức tranh vẽ nghệch ngoạc cho đến  từng món đồ thủ công như thêu, đan và đồ mộc của từng đứa con đã làm trong suốt những năm tiểu học. Mỗi thứ còn ghi dấu sự vui chơi trong học hành của các con thời trẻ dại. Từ trong đó, ông lựa ra được một tấm hình chụp ngày Đức vua Harald về khánh thành pho tượng ông Trygve Lie ở trung tâm khu dân cư Furuset. Trong hình các con ông mặc đồng phục của đội kèn trường học và đang đứng nghiêm trang thổi bài quốc ca: Vâng, chúng tôi yêu đất nước này…(Ja, vi elsker dette landet...)

Ngôi nhà vừa được sắp xếp và trang trí lại tạo cho ông bà cảm giác như mới hơn, rộng hơn ra. Và vì chuyển hướng, nên  trong phòng của ông bà bỗng xuất hiện một bức tranh rất sinh động; bức tranh thay đổi theo thời tiết từng ngày. Những ngày trời trong, lặng gió, ánh đèn đường chiếu xuyên qua khóm cây phía ngoài, qua khung cửa kính in hình khóm cây lên bức từng cuối phòng. Và vào một đêm, ngoài bức tranh thường ngày còn có ánh trăng chiếu lên tấm hình tượng ông Trygve Lie, Đức Vua và các con ông. Ông nhích đầu ra chỗ vệt sáng nhìn lên bầu trời trong xanh, một mảnh trăng khuyết lơ lửng ngòai khung cửa kính. Ánh trăng vạch một đường sáng ngang chỗ ông nằm, dần dần thu hẹp vào cạnh phòng dưới chân cửa sổ.

Ánh trăng mờ dần rồi khuất hẳn để lại trong tâm trí ông một quãng thời gian dài từ khi ông vừa dọn về đây, một vùng dân lao động đa phần là dân nhập cư da màu. Ngày ấy, ông ở nhà chung cư và làm việc theo ca, xoay tua như chong chóng. Nửa đêm đi làm về ngang qua cổng xe điện ngầm, có lần ông nhìn thấy một người ngồi tay cầm chai bia, tay kia vạch cu đái thoải mái, miệng nói lảm nhảm. Thỉnh thỏang bước vào cửa chính chung cư, cửa kính bị đập bể; thùng thư, lâu lâu cũng bị như vậy. Mặc kệ giấy cảnh cáo treo: nếu không giữ gìn sẽ tăng tiền thuê nhà. Tin tức đưa lên mặt báo thì dữ nhiều hơn lành; đánh đấm nhau nhiều hơn thành đạt. Thỉnh thoảng bạn đồng nghiệp đọc thấy chỉ cho ông: lại khu nhà mày. Và ngay cả trong những lúc vui chơi, bạn bè đồng hương cũng thường mang ra làm đề tài đùa cợt. Có những lúc ông tưởng chừng như không còn có thể tìm ra được một nhân vật nào trong vùng nổi trội về đức độ và tài năng làm biểu tượng cho đám người như ông nhìn lên, để phấn đấu vươn tới.

Vào những ngày nghỉ, ông thường tìm vào những cánh đồng hoang lân cận. Có khi vui chân, ông vượt qua cả một cánh rừng với những cây cầu cũ kỹ bắc ngang qua suối bị gãy không được sửa sang; hình như cầu dành cho người đi săn thời xa xưa nay không còn nhu cầu nữa. Những hình ảnh đó thường gây cho ông cảnh tượng bon đạn, giựt mìn hãi hùng trong chiến trang. Và cả những cảnh trả thù bằng lao động cải tạo đói lả trong rừng sâu, ông đã từng trải qua sau ngày cuộc chiến kết thúc.

Một hôm vào đầu thập niên chín mươi, trong lúc ông làm ca đêm về đang trong giấc ngủ ngày chập chờn, bị tiếng kèn hoà cùng tiếng trống đánh thức dậy. Tiếng trống và tiếng kèn giống như trong ngày Mười Bảy Tháng Năm, ngày quốc khánh của Nauy; nhưng hôm ấy lại là một ngày thường. Những thắc mắc trong ông muốn vực ông dậy cho ông chạy theo đoàn diễn hành xem, nhưng không thắng nổi cơn buồn  ngủ.

Những thắc mắc của người đàn ông bị cơn buồn ngủ cuốn trôi đi. Cho mãi đến cuối năm ấy, trong lúc ông vừa lên ca, bắt đầu ngày làm việc, bất ngờ ông nhìn thấy tấm hình pho tượng ông Trygve Lie bên cạnh đức vua Harald và có cả mấy đứa con ông mang đồng phục đội kèn trường học từ trong máy đều đều chạy ra. Ông lấy một ấn bản lật xem, và được biết: sự kiện đức vua Harald đến khánh thành bức tượng đồng ông Trygve Lie,Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Đầu Tiên được các nhà phân tích thời sự xếp vào một trong những sự kiện tiêu biểu trong năm. Và nó được đặt nhà máy nơi ông làm việc in và đóng tập bốn mươi lăm ngàn ấn bản kịp phát hành dịp lễ Giáng Sinh và Năm Mới năm ấy.

Theo sau sự kiện này, một cây cầu treo nối từ cửa ngõ vào khu vườn đặt tượng ông Trygve Lie với đỉnh đồi cao phía bên kia xa lộ E6 được khởi công xây cất. Mấy năm sau, cây cầu treo hoàn thành tên ông Trygve Lie được dùng để đặt cho nó. Vào những buổi chiều nắng đẹp, người đàn ông thường đạp xe qua khu vườn nhỏ đặt bức tượng ông Trygve Lie hướng lên cây cầu treo dẫn tới đỉnh đồi. Khi tới điểm cao nhất của cây cầu, ông thường đứng nhìn ngược lại, xuống toàn cảnh các công viên cùng các con đường nối liền chúng với các dòng suối và các hồ nước nằm rải rác trong cùng khu vực. Và khi trở về, ông thường đứng nghỉ bên bệ dưới chân bức tượng đồng. Bệ được làm bằng một khối đá hoa cương màu hồng nhạt; một phần ba mặt bệ, khối đá vươn cao biến thành bục thuyết trình trước mặt pho tượng ông Trygve Lie đang đứng trong tư thế đọc bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Khối đá trước mặt pho tượng, phía hướng về độc giả được khắc huy hiệu Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc. Trong lúc rời khu vườn, ông nhìn thấy trên bảng thông báo: một cuộc đốt đuốc đi dạo dọc theo dòng suối trong khu vực sẽ được tổ chức vào cuối tuần.

Theo đúng lịch trình, người đàn ông rủ vợ cùng đi theo đoàn người đốt đuốc, đi qua những vùng  đất hoang ngày trước, nay biến thành công viên cùng với dòng nước nhân tạo và hệ thống chiếu sáng phản quang vào ban đêm rất sinh động. Qua những dòng suối chảy ngoằn ngèo trong vạt rừng rậm ngày trước, nay có cả một hệ thống đường dành cho người đi dạo, hoặc đi xe đạp uốn lượn theo dòng nước; nhiều đoạn được nối bằng những cây cầu gỗ bề ngang độ chừng hơn một mét bắc dọc trên mặt nước hoặc qua những quãng sình lầy. Những bờ đá được chất cao ở những chỗ tiếp giáp với triền đồi để ngăn chặn đất lở tạo thành những bậc tam cấp đẹp đẽ vững chắc. Trên các vùng đất bằng phẳng, nước được chặn lại, tạo thành những hồ nước lững lờ, êm ả.

Một trong các hồ trên con suối này rất đặc biệt, nó nằm khuất, nấp dưới chân một con thác cao chừng hơn chục mét; gần bên, một ngôi nhà gạch cũ kỹ. Theo bảng ghi chú ở dưới chân thác, thì ngôi nhà gạch này là nhà máy tơ sợi đã có từ hơn trăm năm; và vào thời đó, người ta thường đến đây leo lên ngọn thác này. Đứng trong đoàn người đốt đuốc ca hát, nhưng hai vợ chồng không khỏi ngạc nhiên, vì hằng mấy chục năm, hai ông bà thường chở nhau đi về qua con đường ngoằn ngoè qua dòng nước trên đỉnh thác nhìn xuống ngôi nhà gạch dưới vực, mà chưa một lần nhìn thấy hồ nước cùng các sinh hoạt quanh nó. Và lại thêm một sự ngạc nhiên nữa, khi hai vợ chồng trên đường ra khỏi hồ nước đến trước ngôi nhà số 52 Grorudveien bên trạm xe buýt, tình cờ thấy hàng chữ: Trygve Lie lớn lên trong ngôi nhà này  (Trygve Lie vokste opp i dette hus). Ngôi nhà nằm trên cùng một con đường từ nhà tới sở, hằng ngày hai vợ chồng vẫn thường chở nhau qua lại.

Ngay lúc ấy, hai vợ chồng ông muốn vào bên trong ngôi nhà này, nhưng cửa vào ngôi nhà đã đóng. Những ngày tiếp theo sau, ngừơi đàn ông thừơng lần mò theo các dấu tích  cậu bé Trygve Lie còn để lại trong khu làng quê này từ hồi đầu thế kỷ trước, mà bây giờ là láng giềng của ông. Cuộc đời cậu Trygve Lie ngày ấy thật bi đát. Bố cậu bỏ đi Mỹ từ khi cậu chưa được sinh ra, đúng hơn cậu bị bố bỏ rơi ngay khi còn trong bụng mẹ. Cậu sống với mẹ trong ngôi nhà số 52 Grorudveien này, và với đời sống kinh ở đây hồi đầu thế kỷ trước không phải dễ dàng. Vết thương tuổi thơ làm cho cậu Trygve Lie đau đớn nhức nhối mãi về sau, nhưng cũng chính nghịch cảnh đã giúp cho Cậu mau trưởng thành.

Bây giờ, mỗi lần đi ngang qua khu vườn, nhìn lên bức tượng đồng ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Tiên Khởi đang long trọng công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, một mẫu mực ăn ở và cư xử với nhau giữa con người, người đàn ông luôn thấy thấp thóang bóng dáng cậu Trygve Lie, một tấm gương can đảm trước phận người không may.

(Ông Trygve Halvdal Lie 1896-1968 là một chính trị gia tên tuổi, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ trong chính phủ trong nước, cũng như trong thời gian chính phủ lưu vong ở London. Nhưng ông được biết đến nhiều trong chức vụ Tông Thư Ký Liên Hiệp Quốc tiên khởi 1946-1953. Ông được đúc tượng và được đặt tại một khu vườn nhỏ trước trung tâm Furuset )

 

Đoàn Mai Tâm