Cành Đào Năm Cũ - Nguyễn Văn Thà

2014-08-29 09:11

Đào hoa y cựu tiếu đông phong
(Hoa đào như cũ còn cười gió đông)
Thôi Hộ

 

Chị Ái về hưu non, một năm sau chồng, lúc chị mới 45 tuổi, và ba năm sau ngày con gái chị đậu bác sĩ. Chồng, vì bị đau lưng; chị, vì bệnh trầm cảm trầm trọng. Anh vẫn đi đi về về Việt Nam, chị cũng về Việt Nam đều đều. Anh chẳng những không sụm mà còn đi đánh tennis mỗi ngày ở câu lạc bộ Lao Động, xưa là Cercle Sportif Saigonnais, nơi thời thanh niên nghèo khổ anh ước mơ được vào chơi, và anh vẫn một trà, một rượu, một đàn bà suốt mười năm nay, mà những thứ lăng nhăng dễ chịu ấy, với tiền lương lãnh trọn 100 % như người đi làm, theo chế độ an sinh ở Na Uy, anh dư sức thỏa mãn; chị, cái bệnh trầm uất nặng đó cũng biến mất, có lẽ vì cuộc sống trở nên thoải mái hơn với những chuyến về Việt Nam, một Việt Nam tuy bi thảm là chuyện thường ngày, nhưng đầy nắng ấm, dư dã tình người. Ngoài những lúc đi cứu trợ nạn nhân bão lụt, thăm các cô nhi viện với các đoàn thể trong nước, chị có dịp nằm võng dưới bóng dừa vừa nghe tiếng sóng vừa đọc sách hay ngậm ngùi đọc mấy chục bài thơ đầy tình yêu chồng chị tặng mỗi dịp sinh nhật, và đầy thiền tính (những năm hai người đã kiếm được cho mình tổ ấm riêng), trong khi em kép trẻ của chị đang ngủ vùi trong khách sạn hay đang uống cà phê đâu đó.

***

Ái là con nhà giàu, nữ sinh trường Tây Couvent des Oiseaux, Đà Lạt. Sau đó học Đại Học Đà Lạt. Nàng lúc nào, trong túi mang hippy thổ cẩm màu hoang dại, cũng có sẵn cuốn tiểu thuyết của các tác giả hiện sinh Pháp. Trong lúc chuyện trò với các bạn học, hay những buổi họp mặt sinh viên, nàng có những ý kiến độc đáo được làm cho độc đáo thêm bằng những câu trích dẫn thích hợp và khác lạ mà người đọc khác không để ý, không thấy được cái thâm thúy trong cái lớp vỏ ngôn từ bình thường; đã vậy, nàng còn chuyển chúng qua tiếng Việt, một thứ tiếng Việt nhuần nhuyễn, ý vị. Trong khi các bạn thanh niên nói về cái phi lý của cuộc chiến, đến thực dân mới, nghèo đói, bất công, đến người khác là địa ngục, sự kinh khủng của chuyện chết vô ích vv, Ái lại nói nhiều về sự dấn thân, sự khẳng định thân phận người giữa những hỗn loạn của vũ trụ, của cuộc thế trong tiểu thuyết Malraux, hay về sự sai lầm và hoang tưởng của chủ nghĩa cộng sản dựa theo phân tích của Raymond Aron, về thân phận bi thảm của người đàn bà trong cuộc chiến, tra vấn tại sao vị trí của người đàn bà phải thấp hơn đàn ông là lẽ tự nhiên trong xã hội từ Đông đến Tây, tại sao đức hạnh chỉ dành cho đàn bà trong khi đó ”Tổ quốc, Vinh quang, Tự do chẳng là cái quái gì cả: Vũ trụ xoay quanh cặp mông, tất cả chỉ có thế." (1) Chẳng những thế, nàng còn thổi sáo trúc Trương Chi Ngậm ngùi Bến xuân, tài hoa và mê đắm, đôi môi đỏ nàng xoắn xít trên những lổ sáo; thổi sáo, thổi mà như hút lại linh hồn người nghe đang chết trôi trong sông sáo; và còn hát những ca khúc phổ thơ của Jacques Prévert, giọng hoang dại chẳng thua gì nữ danh Juliette Gréco chuyên hát ca khúc hiện sinh của Pháp.Và nàng đẹp. Tóm lại nàng có đủ công lực để bóp méo, vê tròn bất cứ loại đàn ông nào.

Bắc là một sinh viên triết. Chàng học triết là vì phải học triết, chứ không thể kham mình học môn khác được, dù chàng đủ điểm để vào các đại học khó vào khác. Bắc không phải là người phát biểu sôi nổi trong các buổi hội thảo như các nam sinh viên khác. Anh đến đó để chỉ nghe những sinh viên giỏi, độc đáo nói, mà nàng Ái là một. Bắc người gầy gò, quần áo luộm thuộm, nước da tai tái, đôi mắt sâu đến gây khó chịu, bàn tay hay để trên bàn và nắm chặt lại như hai quả đấm. Và Bắc ngồi đó đê mê Ái; hai bàn tay có vẻ như nắm chặt lại hơn mỗi khi nghe Ái hát những bài với lời ca như

“Ở đây trời tối mãi/ Khí trời cũng không/ Đông cũng như hè luôn luôn mùa đông/ Mặt trời của Chúa Nhân Lành chẳng chiếu vào phía chúng ta/ Nó quá bận bịu trong những khu giàu sang/ Hãy siết chặt em trong vòng tay anh/ Hãy ôm em/ Hãy ôm em thật lâu/ Hãy ôm em/ Lát nữa, đã muộn mất rồi." (2)

Bắc cũng có nhiều bạn là đại chủng sinh ở Giáo Hoàng học viện. Họ hàng tuần được phép ra ngoài, đi dạo phố loanh quanh như những nhóm tu sĩ Công giáo khác, mà Đà Lạt thì có nhiều. Nhìn họ, những khuôn mặt bong bóng nhởn nhơ trong thời cuộc khốc liệt, vẫn không mấy người khó chịu hay ganh ghét, vì họ biết các tu sĩ đó là những tinh hoa, xứng đáng được yên ổn học hành để sau này làm việc đạo. Nhưng không phải ai cũng nghĩ vậy. Có hôm Bắc hẹn với các bạn đang học trong học viện đó cùng đi dạo phố, những con phố hoa đào rực rỡ, cười khinh khỉnh với mọi thiên đàng đâu đó xa xăm. Khi họ đang vừa đi vừa chuyện trò vui vẻ, một nhóm con gái hyppi đang đi ngược chiều. Khi các nàng đi tới sát, một con nhỏ ưỡn ngực, bĩu môi, nói lớn: ”Dodgers! - Bọn trốn lính!”. Cả nhóm tu sĩ sững sốt. Chỉ có Bắc cười to, sảng khoái, như một môn sinh cửa Thiền tâm truyền tâm chợt ngộ. Đã thế con nhỏ đó, khi cả nhóm đã đi qua, Bắc quay nhìn lại, thấy cô nàng lại quét thêm một đường nhãn kiếm lạnh và sắc. Những chủng sinh bạn anh chỉ giật mình một chút, rồi lại trở về với những ngày học hành, tu luyện; và sau này trở thành linh mục cả. Không gì làm lay chuyển niềm tin vào vai trò đồng công cứu rỗi nhân loại của họ, nhưng công án ”dodgers” đã khai ngộ Bắc, và đường nhãn kiếm đó đã chặt đứt cái đời lăng quăng của Bắc từ đó.

 

Bắc quyết định thi xong chứng chỉ cuối cùng và sẽ không xin một chỗ dạy học sau khi tốt nghiệp như dự tính hay xin đi tu như lời khuyên của các bạn tu sĩ của anh. Anh sẽ đi lính. Không ai biết được quyết định của anh. Ngày cuối, khi Bắc đang ngồi trên ghế trong khuôn viên nhìn vơ vẩn hoa lá, Ái đi lại và ngồi bên anh, mỉm cười:

- Anh đang nghĩ gì?

- Không nghĩ gì cả. Giữa một buổi sáng đẹp như vậy mà suy nghĩ gì được!

Nàng chỉ vào cây đào đang chớm nở trước mặt:

- Nó đang nở mùa hoa đầu tiên.

- Sao Ái biết?

- Chính tôi xin phép cha viện trưởng trồng ở đó khi tôi mới học năm đầu.

Bắc buột miệng tự nhiên:

- Nơi Ái cái gì cũng đẹp, từ mỗi hành vi cho tới nhan sắc.

Ái chỉ mỉm cười ”cảm ơn” và có vẻ không xúc động gì nhiều, như thể nàng nghe Bắc đang nói về một khái niệm thẩm mỹ nào đó trong triết học và cũng có thể nàng đang bận bịu với cây đào:

- Đó là cây ghép từ cây đào cổ thụ trong vườn nhà Ái.

- Ồ! Ở Đà Lạt tôi chưa từng thấy cây anh đào cổ thụ nào. Tôi chỉ thấy nó trong những bức tranh cổ của Tàu trong sách.

- Vậy, tại sao lại không xem cây anh đào cổ thụ trong vườn nhà Ái trước khi anh rời Đà Lạt?

- Vậy thì còn gì bằng. Mà sao Ái biết tôi sắp rời Đà Lạt?

- Tôi còn biết anh sẽ đi lính sau khi tốt nghiệp.

Bắc giật mình:

- Sao cô biết?

Ái chỉ vào chồng sách, những cuốn binh thư kinh điển anh vừa mới mượn thư viện để cạnh anh, trên ghế băng, và nói:

- Ái thấy anh hay nắm chặt tay như hai nắm đấm những khi Ái hát những bài về thân phận người, lại còn đỏ mặt.

Bắc giật mình, nói tránh:

- Không phải vậy, tại vì Ái đẹp lại hát hay. Tôi phải làm vậy để kìm lòng, khỏi chạy lên hôn ẩu Ái. Tôi mà hôn được Ái, thì có chết cũng cam.

Ái cười:

- Sao không chạy lên hôn, rồi bây giờ lại tiếc? - Rồi Ái nghiêng người ghé môi sát vào tai Bắc hát, chiều như ân cần, chiều như tuyệt vọng: Serre-moi. Embrasse-moi. Embrasse-moi longtemps. Embrasse-moi. Plus tard il sera trop tard. Notre vie c'est maintenant. Ici on crève de tout. (Hãy siết chặt em trong vòng tay anh. Hãy ôm em. Hãy ôm em thật lâu. Hãy ôm em. Lát nữa, đã muộn mất rồi. Đời chúng ta là bây giờ. Nơi đây, chúng ta sẽ chết hết.)

Bắc siết vai Ái và hôn nhẹ lên tóc. Ái ân cần:

- Đêm nay mời anh đến nhà Ái chơi, em sẽ dưới cội đào hát cho anh nghe những bài em chưa hát cho ai nghe.

***

Nam đạp xe đi làm. Lúc đầu thì thiệt nản, nhưng đạp riết lại đâm ghiền vì Oslo có nhiều con đường hoa mộng. Con đường Nam đạp đi mỗi ngày có những ngôi nhà gỗ nhỏ nhắn, xinh xắn với những mảnh vườn cỏ cây chen đá lá chen hoa. Mùa nắng ấm những ông cụ, bà cụ trầm ngâm với tờ báo, an nhàn hấp háy nắng trên ghế vườn. Những em bé tóc nắng đuổi nhau bắn súng nước; đuổi nhau, cười mà như không cười vì như bị cái tĩnh lặng ngàn đời của núi rừng Na Uy phủ kín. Những bà mẹ phơi bụng bầu trắng nõn xin nắng cho con. Đôi con chim sẻ lích chích quanh chân ngà của những người đẹp tươi. Hương hoa, hương người bay lừng trong không gian. Mỗi ngày đạp qua lại thấy hoa mới, người đẹp mới trong khu vườn nào đó bên đường. Cũng có những lúc, lạ chưa, quê hương lại đổ về trong trí nhớ: những nàng áo trắng con đường tình ta đi, bàn chân nhỏ bé; những bà mẹ quê nghèo nàn vất vả, nhân từ tràng chuổi, nén hương, thương con ốm yếu hư hao; những người cha héo quắt mưa nắng, những người lính chết trận xa nhà; những quả phụ trẻ lệ ứa quanh năm… Nam như chở cả quê hương trên xe đạp mình hay nói đúng ra quê hương nâng xe anh lên bay đi trong không gian xứ xa.

 

Còn mùa đông, tuyết mộng xua tất cả, vùi lấp tất cả, người, cỏ cây cũng như rác rến, gợi nghĩ đến nguồn cội, đến sơ tâm, đến những trinh bạch muôn đời trong những trang sách cổ. Những đêm đông tuyết đổ, đạp xe đi làm khuya về, có bữa Nam thấy có đèn lồng sáng đỏ đã treo trên cây trong góc vườn biệt thự số 22, đường Nhà Thờ, cái biệt thự xinh xắn nhất mà anh vẫn thích nhìn vào mỗi khi đạp qua, đôi bữa anh còn thấy một người con gái đang vói tay ngà thắp. Nam không thấy rõ khuôn mặt nhưng thấy dáng người nàng thanh mảnh chập chờn trong chiếc áo choàng trắng trể nãi, mỏng tang. Nàng khoan thai như không, lại còn hát nho nhỏ. Đèn lồng đỏ thắp người ngọc trong vườn tuyết trắng nõn tưởng như ngoài cõi thế.

Có bữa Nam chạy xe đạp đi làm khuya về. Mệt. Đang ngủ ngon, 8 giờ sáng có tiếng điện thoại từ văn phòng thông dịch quốc tế, nơi anh làm thông dịch viên bán thời, yêu cầu anh đến ngay số 22, đường Nhà Thờ, Oslo, vì cảnh sát cần anh để hỏi một số chuyện. “Dám cha Việt Nam nào bẻ khóa vào chôm đồ nhà người ta!" - Nam lẩm bẩm. Nhưng khi xe tắc xi đưa anh tới cổng biệt thự địa chỉ trên, anh thấy một nhóm cảnh sát đang đứng dưới một gốc cây khá lớn đã trụi lá, và dưới gốc cây đó một người đang nằm úp mặt. Khi lại gần, Nam thấy đó là một người đàn ông có khuôn mặt Á Châu, và miệng đang ngậm một cành hoa đào cánh hoa còn tươi như vừa mới bẻ xuống.

Một người cảnh sát tổ trưởng nhóm điều tra, khi biết anh là thông dịch viên, hỏi ngay:

- Anh có biết nạn nhân là người nước nào không?

- Việt Nam - Nam đáp chắc nịch.

- Sao anh biết được? Người Tàu, người Đại Hàn, người Nhật và người Việt Nam vốn có khuôn mặt và màu da giống nhau.

Nam nhấn mạnh:

- Tôi không căn cứ vào khuôn mặt hay màu da, mà vào cành hoa đào lạ lùng kia? 

Nhóm cảnh sát ngạc nhiên:

- Anh nói sao!? Bộ muốn chơi trò thám tử Poirot hả?

- Nhìn loại hoa đào đơn năm cánh giống hoa mai của cành đào trên miệng nạn nhân và thân của cây  này - Nam chỉ vào cây trọc lá vỏ xám đen như cây phong mà dưới gốc nạn nhân đang nằm - tôi biết ngay cây này thuộc chi đào mận prunus và chi mai cecarus, nên nó có tên khoa học là prunus cecacoidus, hay còn gọi chính xác là Mai Anh đào Đà lạt. Nó là loại hoa bản địa Đà Lạt. Điều này đã được chứng minh một cách khoa học và dựa trên chứng từ của người giám thị lục lộ thời Pháp thuộc, người phụ trách trồng cây cho thành phố Đà Lạt lúc đó. Chính xác là năm 1927, ông đã tìm được cả một rừng hoa mai anh đào và xin phép chính phủ đưa về trồng trong thành phố. Loại cây này chỉ có thể sống ở khí hậu ôn hoà Đà Lạt, không thể sống ở Na Uy với mùa đông quá lạnh. Tôi đã đi học nhiều năm ở thành phố mùa xuân vĩnh cửu này.

Một anh cảnh sát nửa thắc mắc, nửa đùa:

- Ngài Lille Poirot ơi, ngài nói gì mà nghe như trong chuyện cổ tích. Giữa mùa đông làm sao cây mà ngài cho là Mai Anh đào Đà Lạt kia lại có thể nở hoa, mà lại chỉ nở một cành?

Một người cảnh sát khác chen vào:

- Cũng có thể nạn nhân mua từ Đà Lạt mang qua, rồi đến đây làm lễ nghi gì đó trước khi chết hay tự tử.

Nam cười khỉnh:

- Cũng có thể, nhưng tôi thấy có một nhánh gần đỉnh cây có vết bẻ. Ông rà ống nhòm xem có đúng không?

Người cảnh sát rà ống nhòm và nói như reo:

- Đúng, đúng. Có vết bẻ gần đỉnh cây. Chuyện lạ thật! Nhưng trèo lên tận đỉnh mà hái như thế đâu phải dễ.

Nam nửa thật nửa đùa:

- Đâu nhất thiết ông ta phải trèo lên đó: Có thể có ai ở trên đó hái thả xuống cho ông ta.

- Ông nói gì lạ vậy?

Nam chưa kịp trả lời thì có một người đàn ông đứng ở ngoài hang rào nói chỏ vào:

- Tôi là người phát hiện ra nạn nhân. Khi tôi đến, ông ta còn thoi thóp, miệng ngậm cành đào có bông, hát ư ử cái gì đó tôi không rõ, hình như đề da bi dê gì đó.

Nam đỡ lời ngay:

- Ông ta hát bài Deshabillez-moi (3),

 một bài hát thời thượng trong giới có văn hóa Pháp thập niên 60 ở Việt Nam.

- Nghĩa mấy tiếng đó là gì? - Người cảnh sát hỏi.

Nam mỉm cười:

- Hãy cởi quần áo em ra.

- Trời đất! Người Việt Nam các ông thiệt rắc rối, đến chết cũng rắc rối: Đã ngậm hoa đào lại còn cởi quần áo em ra!

Ừ.

Anh biết hát bài đó không?

Biết.

Người cảnh sát gần như ra lệnh:

- Vậy thì anh hát cho tôi nghe. Hát toàn bài và dịch cho tôi nghe, biết đâu nhờ đó, tìm ra nguyên nhân cái chết.

Deshabillez-moi…

Cởi quần áo em ra, cởi quần áo em ra
Vâng, nhưng đừng nhanh đừng vội.
Hãy điệu nghệ thèm em, mê em, quyến rũ em.
Cởi quần áo em ra, cởi quần áo em ra
Nhưng xin đừng như mọi người đàn ông khác, quá vội vã.
Và trước tiên: ánh mắt.
Trong suốt khúc dạo đầu
Đừng chụp giựt, cũng xin đừng lừng khừng.

Hãy ăn tươi nuốt sống em bằng đôi mắt
Nhưng cũng khoan thai, dịu dàng
Để em quen dần nhé anh.

Cởi quần áo em ra, cởi quần áo em ra.
Vâng, nhưng đừng bây giờ, đừng quá nhanh.
Hãy điệu nghệ thôi miên em, phủ lấy em, trói chặt em.

Cởi quần áo em ra, cởi quần áo em ra
Tế nhị, dịu dàng, sành đời.
Chắt lọc lời yêu đương.
Những vuốt ve của anh trên da thịt em

Đừng nhanh quá, đừng chậm quá.
Vâng, được rồi anh, em
Run rẩy và sẵn sàng dâng hiến
Nhờ đôi tay vàng của anh, nào…

 

Cởi quần áo em ra, cởi quần áo em ra.
Ngay bây giờ, ngay lập tức, nhanh đi anh.
Hãy sành điệu chiếm đoạt em, ăn em, ăn em.

Cởi quần áo em ra, cởi quần áo em ra.
Hãy chứng tỏ mình là nam nhi… Hãy xốc tới!
Cởi quần áo em ra, cởi quần áo em ra
Và anh ... Anh cởi quần áo anh đi!

 

Ông cảnh sát cười, rồi nói:

- Cảm ơn ông thông dịch viên giỏi giang. Tôi tính, ngoài các pháp y sĩ, chúng tôi còn phải cần đến sự giúp đỡ của các bác sĩ tâm lý, rồi cả các nhà thực vật học. Dám loại cây đào gì đó của Đà Lạt của ông có chất độc cực mạnh. Và chắc chắn chúng tôi sẽ cần ông giúp đỡ thêm trong những lần điều tra sau.

- Vâng, tôi sẵn sàng, nhưng ông có biết tại sao nạn nhân lại lựa cây này, nhà này không?

- Cái đó thì phải điều tra thêm, nhưng trước mắt chúng tôi biết nhà này là của một cặp chồng già ăn tiền bệnh, hay về Việt Nam, nên ít khi ở đây, họ có đứa con gái lớn, nhưng cô ta đã có chồng, và tạm kể như đã mất tích trong một chuyến du lịch Việt Nam; cô ta là một bác sĩ.

***

Cũng như mỗi năm, từ ngày định cư ở Na Uy, Tết đến năm nào Nam cũng xin ở nhà ăn tết một mình. Đọc sách, đọc thơ cổ, uống trà, thắp hương, nhớ bạn bè đã nằm xuống oan uổng, nhớ những con đường mình đã đi qua suốt cuộc chiến tranh, những con đường máu xương Việt Nam xuất từ Cà Mau thẳng tới Nam Quan, chờ điện thoại mấy người chị góa bụa Việt Nam gọi qua, bỗng có tiếng điện thoại reo, nhìn số đầu 84 anh cứ tưởng là một trong những bà chị của mình gọi, nhưng có tiếng chào bằng giọng đàn ông, khan khan, mệt mệt:

- Chào anh Nam. Năm mới anh Nam mạnh giỏi. Tôi là Khanh đây - Nam còn ngớ, người tự xưng tên Khanh nói tiếp - Khanh Chương đó!

Nam reo lên:

- A, tôi nhớ ra rồi. 

Khanh Chương là bút hiệu của anh Khanh. Anh là tác giả của ba cuốn tiểu thuyết, mà Nam rất phục văn tài.

Anh Khanh thì thều:    

- Tôi bỗng ngã bệnh nặng, tôi biết mình sắp chết, nhưng tôi vẫn còn tĩnh táo và muốn xưng tội với anh.

Nam giật nẫy:

- Ấy chết, tôi đâu phải là linh mục.

- Tôi biết anh đã lâu, tuy ít gặp nhau. Tôi biết anh sống như một tu sĩ giữa đời. Tôi muốn xưng tội với một người từng trải đạo, đời như anh.

- Được anh gởi gắm tấm lòng, tôi rất hân hạnh lắm… Mà thôi từ ngữ chỉ là từ ngữ. Nội dung mới là đáng kể.

Anh Khanh giọng có vẻ gắt lên:

- Không, từ “xưng tội” mới diễn tả đầy đủ nội dung tôi sắp nói với anh.

Và khi nghe đằng đầu giây anh ho sặc sụa, như nghẹn, Nam đành xuôi theo ý anh:

- Vâng, tôi xin được nghe.

Lại nghe tiếng anh rên:

- Đang lên cơn đau. Để tôi kêu y tá chích một mũi giảm đau…

- Vâng, tôi xin chờ.

Khoảng mười lăm phút sau lại nghe tiếng anh, có vẻ khá hơn:

- Anh Nam ạ. Tôi nghĩ tôi đã phạm nhiều tội.

- Xin anh cứ nói. Tôi xin lắng nghe.

Anh thì thào đứt quảng, phải nghỉ nhiều lần, nhưng cũng “xưng” được sau gần ba tiếng đồng hồ những “tội” mà anh muốn “xưng”; và những mẫu đàm thoại rời rạc được sắp xếp lại như sau:                                  

Nữ bác sĩ Trinh, không phải là con ruột của Khanh với Ái. Nó là con của Ái với Bắc, người cùng học ban Triết với Khanh, với Ái, nhưng Khanh đồng ý với Ái giữ bí mật chuyện này và nuôi nấng Trinh như con ruột, vì họ nghĩ như thế thì có lợi cho Trinh hơn. Bắc sau khi thi xong, tháng chạp năm ấy đã đi lính, lại đi loại lính dữ, lính thủy quân lục chiến, trong khi những sinh viên cùng khóa lại cố làm sao để được vào ngành sư phạm, làm thông dịch cho Mỹ, vào ngành tâm lý chiến, hay làm cách này cách khác để khỏi vào lính ra mặt trận. Một hình thức nào đó họ là những kẻ trốn lính. Ái yêu Bắc, không phải vì anh ta là một người đàn ông sáng giá, một sinh viên nổi bật, mà yêu cái dấn thân mang cái màu triết lý hành động của Malraux nơi anh ta. Và kết quả của cuộc tình hiện sinh ấy là bé Trinh. Bắc đi vào nơi gió cát tuyến đầu Mỹ Chánh, Quảng Trị. Khanh lại khác, Khanh được xin vào ngành sư phạm và dạy ngay tại Đà Lạt. Và Khanh đã yêu thầm Ái từ lâu, như bao nhiêu sinh viên khác. Khanh được cái lợi thế, nói như mấy ông Cộng Sản hay nói: Nhất cự ly, nhì cường độ. Khanh không phải là kẻ dấn thân triệt để để được Ái mê, nhưng Khanh có cái cự ly quá gần, quá tốt và sự kiên nhẫn. Nhưng Khanh cũng không phải kiên nhẫn lâu. Anh chỉ cần lượm lặt thêm vài câu trích dẫn trong các cuốn tiểu thuyết hiện sinh, nhiều câu chỉ là lời phát biểu của nhân vật, có khi là nhân vật phản diện trong truyện và không nhất thiết phản ảnh chủ thuyết của tác giả, là đủ để có cớ nói chuyện lâu với Ái, có cái nền để làm bàn đạp nhảy vào lòng đang âm ỉ cỏ hồng của Ái. Lỗi ở Ái, nhưng cũng tội của Khanh: Quyến rủ người yêu của một người đang ở tiền tuyến bảo vệ cho mình được yên ổn nơi hậu phương, và người đó lại là bạn mình. Khanh có đam mê nhưng Khanh cũng có đầu óc suy nghĩ. Nhưng lý lẽ của trái tim vẫn thắng lý lẽ của lý trí là chuyện thường, ai đó đã nói như vậy.

Bắc vẫn miệt mài với chiến trường. Chuyện tình tồi tệ ấy, đối với anh, càng trở nên tồi tệ hơn trong tình hình chiến trường ngày càng tồi tệ.

Và cuộc chiến ấy rồi cũng tàn, tàn một cách tàn nhẫn. Và Bắc mất tích.

Khanh và Ái vượt biên và mang được cả bé Trinh đi.

Khi đến được Na Uy, Khanh, biết mình không đủ năng lực kiến thức để làm lại nghề cũ, anh làm công nhân trong hãng chế tạo bóng đèn, và Ái làm trong nhà trẻ. Con Trinh đi học. Thời gian qua mau. Con Trinh đậu bác sĩ. Đó cũng là lúc phim bộ Hồng Kông tràn sang các cộng đồng người Việt và nhận chìm nhiều người, trong đó có Khanh, có Ái. Coi phim hay, quá hay, những phim dựa trên những cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp một thời trước 75 đã gần như là một phần lẽ sống của nhiều người, lại còn nằm trên giường nệm thơm tho, ấm áp, trong phòng ấm áp, thơm tho để coi, coi tới bốn năm giờ sáng, có khi coi suốt đêm, coi tới cháy máy, trong khi ngoài trời tối tăm, tuyết đổ, đường đi trơn trượt và một công việc đang chờ, một công việc lâu nay không nặng nhọc gì lắm, bây giờ tự nhiên nặng nề dễ sợ. Khanh bắt đầu lôi ra những trích dẫn, những danh ngôn nào đó về bóng câu cửa sổ, về rong chơi trong đời, về bọn tư bản quốc tế toa rập trong cuộc chiến Việt Nam, mà Na Uy nằm trong khối tư bản đó, do đó Na Uy phải trả món nợ máu xương cho người Việt, cụ thể là trả bằng tiền an sinh xã hội cho những người Việt tị nạn như vợ chồng anh. Ái thì lại lôi những câu trích, lại những câu trích, loại nào cũng có, cở nào cũng có, nhờ bao nhiêu năm đọc sách, để biện chính cho những ngày nhàn hạ coi phim bộ. Và họ bắt đầu khai bệnh ở nhà có ăn lương. Ngày nghỉ bệnh dổm hết, mà phim bộ nào có hết, mà có hết, coi lại vẫn hay như thường. Hoàng Dược Sư mỗi lần xem lại, lại thấm thêm cái triết lý sống của ông ta. Vi Tiểu Bảo cũng vậy, đùa giỡn mà ý vị thâm sâu bao giờ mới hiểu cho hết, vv và vv. Và cuối cùng hai người quyết định khai bệnh để được ăn tiền bệnh vĩnh viễn. Vào lúc đó người Na Uy còn rất khâm phục những người tị nạn Việt Nam, những con người quá cam đảm, dám liều mình  trên chiếc thuyền nhỏ mỏng manh đi tìm tự do, thoát khỏi một chế độ mà mình đã từng ủng hộ quá hăng say trong cuộc chiến có chiều kích Goliath - David kia, mà người Việt ấy, trong trường hợp này, lại là một thầy giáo mô phạm, thêm nữa với cái ngón dựng truyện lành nghề trong các tiểu thuyết của mình, lời khai về bệnh đau lưng (tới nay vẫn khoa học vẫn chưa xác định nguyên nhân chính xác) trước hội đồng giám định mà anh đã sắp xếp, thêm thắt, cắt xén và trau chuốt tới mức hợp lý, thông suốt không ai có thể bắt bẻ vào đâu được, và cuối cùng nhưng không kém quan trọng, nữ bác sĩ Trinh, bác sĩ người Việt được đào tạo chính quy đầu tiên ở Na Uy, lúc đó cùng làm trong một bệnh viện với một bác sĩ trong ban giám định và cũng là người yêu của ông ta. Với những đòn bẫy như thế, ông Khanh bẫy tung được mọi nghi ngờ và được công nhận là người bất khiển dụng trăm phần trăm. Cũng tương tự như thế, sau đó một năm, với trường hợp Ái với chứng u uất trầm cảm nặng.

Nhưng cách đây một năm, khi đang tìm tài liệu cho một truyện ngắn với đề tài chiến tranh của mình, Khanh tình cờ tìm đọc được cuốn Tháng Ba Gãy Súng của Cao Xuân Huy, một trung úy TQLC có mặt trong cuộc rút lui dọc đường biển của lữ đoàn TCLC từ Quảng Trị đến cửa Tư Hiền vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975 để chờ tàu hải quân đón. Chỉ có một tàu vào đón, tàu có sức chứa nhiều nhất 1 ngàn người trong khi đó số người hơn 10 000 người đang chờ trên bãi, trong đó lính khoảng 4 000 người. Bi thảm tới mức phi lý. Cả một lữ đoàn TQLC với số quân gần 4 000 người, giặc trước đây mới nghe tiếng đã phải khiếp sợ, đã bị một đại đội du kích cắc ké bắn thoải mái vì lính TCLC không còn đạn, đến nỗi họ phải xách mũ sắt đi lượm từng viên đạn rơi rớt, nhưng đạn rơi rớt rồi cũng hết, đã thế những “đại bàng” của họ lại hèn nhát, vô trách nhiệm, và cuối cùng gần như cả lữ đoàn bị bắt làm tù binh. Không có một cuộc rút lui quân sự trên thế giới, mà Khanh biết, lại bi thảm tới mức đó. Rồi Khanh còn vào trong các trang mạng các binh chủng QĐVNCH để tìm, nơi trang của TQLCVN anh thấy có bài Xé Xác Tăng Địch: “Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 6 TQLC Đỗ Hữu Tùng, người có nụ cười ruồi độc đáo, biết thế nào địch cũng sẽ tấn công với xe tăng yểm trợ ngày mai, đã cho cài mìn chống chiến xa sâu về hướng Tây đường tiến sát căn cứ tuyến đầu Pedro của mình rồi rút quân ra ngoài và đóng chốt mai phục trên các điểm cao chung quanh căn cứ. Địch pháo nát căn cứ đã bỏ trống suốt đêm, và sáng 6 giờ, tăng T54, T 59 xuất hiện từ hướng Tây và cả một trung đoàn bộ binh hăm hở xông lên trong thế khinh địch. Địch bị trúng kế. Khi tăng đã lọt vào căn cứ và một vài chiếc đã trúng mình, quân địch bất đầu hoảng loạn, tiểu đoàn trưởng mới hạ lệnh tấn công. Kết quả 17 tăng bị hạ và 6 bị bắt sống cùng 400 xác địch ngỗn ngang đầy núi rừng.” Ngoài ra còn có một bài báo khác viết: Khi một phóng viên chiến trường phỏng vấn thiếu tá tiểu đoàn trưởng có nụ cười nửa miệng đó về chiến công lẫy lừng đó, anh ta tỏ ý khâm phục tài mưu lược của thiếu tá, ông thiếu tá lại vừa cười nửa miệng vừa chỉ vào anh binh nhì ốm yếu đứng cạnh, nói: “Nhờ cái thằng quân sư mọt sách này.” Khanh nhận ra ngay người binh nhì ấy chính là Nguyễn Hoài Bắc, tốt nghiệp cử nhân triết học, bạn cùng khóa với Khanh nhờ bức ảnh kèm theo chụp thiếu tá tiểu đoàn trưởng với anh “quân sư mọt sách”, ở căn cứ Pedro sau trận đánh. Anh phóng viên cho là ông thiếu tá đó khiêm tốn, nhưng đối với Khanh thì chuyện Nguyễn Hoài Bắc bàn mưu tính kế với chỉ huy của mình là chuyện rất có thể vì Khanh thấy Bắc hồi còn học đại học, ngoài sách trong giáo trình, Bắc, mắt hay như trừng về biên giới đọc sách binh thư Đông Tây, kim cổ. Có lần Khanh hỏi tại sao Bắc đọc loại sách đó, Bắc chỉ trả lời là đọc cho đỡ buồn. Bây giờ ngẫm lại Khanh thấy điều Bắc nói thật đúng: “Buồn”, không buồn sao được trong khi ngoài kia người chết trận hàng ngày, những đồng bào của mình, chết quá nhiều. Và Khanh còn thấy rằng chuyện Bắc không vào trường sĩ quan, trường sĩ quan Thủ Đức chẳng hạn, khẳng định triệt để thêm một bậc nữa sự dấn thân mang màu triết lý hành động của Malraux: Con người là sinh vật duy nhất đã khẳng định thân phận mình từ hỗn loạn của vật chất và của các vì sao, quan niệm dấn thân mà chính Ái đã một thời rất tâm đắc. Bài báo trên còn ghi thêm rằng “Nhiệm vụ sau cùng của anh Đỗ Hữu Tùng là lữ đoàn phó lữ đoàn 369. Anh cùng với lữ đoàn trưởng, trung tá Nguyễn Xuân Phúc, mất tích vào những ngày cuối tháng 3 năm 1975 trên đường rút quân từ Quảng Trị đến cửa Tư Hiền. Hơn hai mươi năm sau, chúng tôi vẫn không tìm kiếm được một dấu tích nào về các anh. Khi ngồi ghi lại những dòng này, người viết không khỏi bùi ngùi, xúc động tưởng nhớ các anh, những chiến hữu đã cùng người viết chia sẽ mười mấy năm vinh nhục trong cuộc nội chiến phi lý nhất lịch sử Việt Nam.” Bắc cũng mất tích với hai vị chỉ huy của mình trên con đường di tản oan nghiệt từ Quảng Trị tới cửa Tư Hiền, mất tích cả trong lòng người anh yêu nhất là Ái, nhưng con ruột của Bắc, Nguyễn Thị Trinh, thì sao? Khanh còn đọc được tin là mới đây người ta tìm được mồ chôn tập thể chôn một số những người lính đó do dân địa phương ở đó vì thương cảm mà chôn. Đọc tin cuối này, anh không cầm lòng được nữa. Anh thấy mình là kẻ hèn, kẻ đê tiện tận cùng đối với Bắc. Và anh tội nghiệp cho Bắc không được một ngôi mộ để sớm hôm hương khói, một góc trong lòng đứa con máu thịt của Bắc cũng không. Khi anh bàn ý này với Ái, Ái gạt ngay. Rồi ngẫm nghĩ một lúc, Ái lại đưa ra những danh ngôn nói về sự cần thiết của quên lãng, để tiếp tục sống cuộc sống trước mặt, còn trưng cả tập tục người Thượng cúng nhà mồ người thân một lần rồi bỏ hẳn. “Nhưng chúng ta chưa thắp cho anh được một nén hương.” - Khanh phản đối. “Tôi muốn nói là sự lãng quên cần thiết để tiếp tục sống, cúng hay không cúng không phải là điều quan trọng.”  - Ái nói lại. Nhưng Khanh vẫn đến gặp Trinh và kể cho Trinh về người cha ruột của nó. Trinh nghe, đỏ hoe mắt. Khanh còn nói thêm về con đường rút lui bi thảm, oan trái của lữ đoàn của cha Trinh và giới thiệu cuốn Tháng Ba Gãy Súng và trang mạng TQLCVN kể trên cho Trinh. Tuần sau Trinh gọi điện thoại cho Khanh và báo là Trinh sẽ về Việt Nam thăm lại con đường máu xương mà Trinh nghĩ là tận cùng phi lý được Cao Xuân Huy kể lại trong cuốn Tháng Ba Gãy Súng. Trinh nói, nếu Trinh không đi đến đó, Trinh sẽ sống không yên. Khanh cảnh báo Trinh: Người đàn bà như Trinh về Việt Nam, lại về một vùng hẻo lánh, dân cư lại nghèo đói cùng kiệt như vùng đó thì rất nguy hiểm. Anh còn kể có báo mới đây đưa tin một nữ sinh viên Đức gốc Việt, vì mê theo lời kể của cha mẹ về cái mênh mông hoang dại của rừng đước, kinh rạch, của những người sống trong đó như thời cổ sơ ở Cà Mau, đã thuê xuồng máy đến đó để xem và bị mất tích. Nhưng nghe Khanh kể xong, Trinh lại buông một câu thật trầm trọng với một giọng rất bình thường: “Cứ sợ nguy hiểm, thì làm được gì!”

Khanh không biết Trinh đã kiếm được tung tích cha mình chưa, hay ít ra đã được về với cha mình trên bờ biển oan khiên đó hay không, mà đã một năm rồi, không thấy Trinh gọi cho Khanh, cho Ái. Khanh có gọi hỏi điện thoại cho bệnh viện, nơi Trinh làm việc, và được biết là Trinh xin nghỉ phép không lương nửa năm, tới nay vẫn chưa thấy trở lại.

Khanh “xưng tội” tới đây, Bắc ngắt lời:

- Thế bây giờ chị Ái ở đâu?

- Ái sau khi đi Tây Tạng về Sài Gòn thì bị một em kép trẻ trong hàng chục kép trẻ của Ái, cướp hết tiền bạc và gây thương tích trầm trọng. Vì mất máu nhiều, và yếu sức sẵn, Ái qua đời một tuần sau tai nạn. Trước khi mất, Ái muốn gặp tôi ở nhà thương, Ái cứ ứa nước mắt mà không nói gì, nhưng một lúc sau Ái kể là lúc đi du lịch Tây Tạng, khi Ái đang đi với phái đoàn vào trong tu viện nữ tự nguyện nào đó mà tôi quên tên, Ái có nghe tiếng một người con gái có cái giọng như đã nghe đâu đó rồi, nhưng lanh lãnh, nói mà như rao:

Lệnh triệu ban rồi... Lệnh triệu ban rồi đó là một phần trong câu thơ của Tagore nói về sự chào ra đi vào cõi khác với lòng thanh thản: ‘Bây giờ ngày đã rạng, đèn trong xó tối lụn tắt, lệnh triệu ban rồi, thôi tôi đi đây.’ nhưng Ái, bây giờ sau tai nạn, trước giờ lâm chung, Ái mới hiểu đó chính là lời triệu tập của sứ giả vị Thẩm phán Chí tôn.

Sau khi Ái chết, Khanh kể: “Tôi hỏa thiêu xác Ái và đưa tro nàng lên Đà Lạt và lén rắc vào dưới cội đào nhà nàng năm xưa nay đã đổi chủ, như ý nguyện của nàng. Đêm đó sương đổ giọt nhiều từ cây anh đào năm cũ làm tôi nhớ tới những giọt lệ ứa của Ái trước khi mất. Những giọt nước mắt đó Thiên Thu đã đón vào nhà mình, như đã đón mọi truân chuyên của bao kiếp người.”

- Tội nghiệp! - Nam thở dài.

- Vâng, nhưng, một cách nào đó, dẫu sao nàng cũng đã sống viên mãn đời theo ý nàng, trừ khúc cuối, dĩ nhiên.

-Vâng.

- Nhiều lúc tôi nghĩ tôi và Ái học hành bao nhiêu năm, và những kiến thức chúng tôi thu lượm được ở nhà trường, chúng tôi lèo lái chúng nhằm phục vụ cho những khoái lạc, đam mê của riêng mình mà thôi, đồng thời lươn lẹo bắt người khác trả phí tổn. Trong khi triết học hiện sinh thôi thúc chúng ta phải truy bức chính mình tới mức hư vô, không phải để nằm bẹp trong đó, nhưng từ hư vô, vươn lên, tự tạo cho mình trách nhiệm, trách nhiệm với mình, với người khác; tự khẳng định thân phận mình, và giúp cá nhân khác khẳng định thân phận của họ, trong vũ trụ, trước một Con Tạo khó khăn, trớ trêu, đểu giả. Trước một Con Tạo như thế, một Con Tạo tổ tiên chúng ta đã nhận diện như thế từ lâu, chúng ta phải đấu tranh để sống, cùng đấu tranh để sống, sống như một con người.

Rồi Khanh trở nên tha thiết:

- Tôi cũng xin anh, nếu Trinh còn sống mà trở về Na Uy, anh hãy giúp đỡ nó như một người cha. Cháu giờ cũng chẳng còn ai. Cháu đã ly dị với chồng, vì không chịu nỗi cảnh chồng mình cứ mỉa mai, khinh thường giống người Việt sống chỉ biết lừa đảo để sướng thân. Cho tôi chuyển lời xin lỗi cháu, đập đầu xin lỗi.

- Vâng. Tôi xin lĩnh ý anh. Tôi sẽ cố gắng.

- Và cũng xin các đấng linh thiêng, các linh hồn thiên cổ, xin mọi người tha thứ cho tôi.

- Vâng. Chúc anh ra đi bình yên!

Bên đằng kia đầu giây, Nam nghe tiếng Khanh cười mãn nguyện pha lẫn tiếng sụt sùi:

Sau khi “xưng tội” với Nam được một ngày, Khanh mất.

 

Cuối tháng Mười Hai, khi cảnh sát Oslo, sau mấy hôm sau gọi điện thoại cho Nam mãi không được, họ đến nhà gõ cửa, nhưng cũng không thấy ai. Họ nhìn qua cửa sổ thì thấy đồ đoàn bị bụi bám đầy và dầy, nhưng lại thấy trên bàn thờ có bình hoa với một cành hoa đào tươi còn đọng sương mai như ai vừa mới cẩn trọng cắt ngoài vườn một sáng xuân rồi nâng niu đưa vào cắm.

Một sáng mùa hạ có người thiếu phụ ngồi trước hiên hoa chợt nhớ cái bóng còm cõi của người đàn ông Việt Nam đã đạp xe qua ngỏ vườn mình bao mùa tuyết, nắng, lâu rồi không thấy nữa, nàng cúi đầu chép miệng: "Ông ấy nay đâu?" rồi ngẫng đầu trông vời chân trời nheo mắt nhìn nắng mới lên.

 

Nguyễn Văn Thà

Oslo, 31 XII 2013

 

Chú thích:

(1) Jean Paul Sartre

(2) Embrasse-moi,(1951), lời: Jacques Prévert, nhạc: Wal Berg.

(3) Tạm dịch từ bài Déshabillez-moi, lời: Robert Nyel, nhạc: Gaby Verlor, Juliette Gréco hát năm 1967.