Của Em - Dương Kim dịch

2014-08-28 09:56

Của Em
(Mitt)

 

Aase Foss Abrahamsen

Aase Foss Abrahamsen sanh ngày 27-8-1930 ở Drammen, Na Uy. Đã xuất bản được nhiều sách cho nhi đồng và thiếu niên

Bản Việt ngữ: Dương Kim

 

 

- Mình ngồi đây một chút nhe anh? Ở trong nhà nghỉ mát tối quá, em chưa muốn xuống đâu.

Không đợi nghe trả lời, Margrete ngồi xuống, nhìn ra vùng cao nguyên rộng lớn. Trời xanh, các ngọn núi cao với những cái tên đẹp đẽ và hùng tráng, Blåhammaren, Vermenotti, Reins-karvet. Trời còn chút nắng, màu xanh dương sáng dịu. Khe núi mé dưới xám xanh, hòa với bóng tối của những cây bạch dương giữa các nhà nghỉ mát. Tới năm giờ, mặt trời lặn sau dãy núi Roni, gần khe nhất.

Không nhìn những dãy núi sau lưng, hay những nhà nghỉ mát ở dưới khe núi, Håkon đứng nhìn Margrete, ngạc nhiên. Tay cô lướt chậm qua giữa mấy nhánh thạch thảo cứng, thỉnh thoảng bứt vài cái hoa.

- Ở đây bắt đầu lạnh rồi đấy. Hay mình xuống phía dưới ngồi đi? Ở đó ấm hơn.

Håkon nhìn về phía đường mòn, gật đầu. Con đường chảy dài xuống núi thành một dải sọc gồ ghề giữa những bụi thạch thảo và rêu. Ở đây nông dân họ gọi con đường này là sauetråk1.

- Em lạnh không?

Không nhìn Håkon, Margrete lại rung những bông thạch thảo khô, nhỏ, rơi khỏi cây.

Những bông hoa xinh xắn, anh nghĩ. Làm rụng thật phí. Đáng lẽ để chúng yên cho tới khi có tuyết rơi. Chúng là những bông hoa duy nhất giữ được màu sắc tới lúc chung quanh tuyết phủ trắng hết.

- Nói lạnh thì cũng không đúng.

- Một là em lạnh, hai là không?

Ngay lúc đó Margrete có vẻ như hối hận. Cô đưa tay về phía Håkon.

- Ngồi đây, sát gần em đi. Trong khi mình còn ở trên đây, có chuyện này em phải nói với anh.

Anh ngồi xuống, vòng tay lên vai Margrete, đôi vai mảnh dẻ, rắn rỏi. Kéo cô vào gần mình hơn. Hơi nóng tỏa từ người cô. Anh cảm thấy yêu thương hơn.

Margrete tựa đầu lên vai anh:

- Em sắp có con, Håkon à.

Håkon nhìn thấy con muỗi trên quần Margrete. Anh tính đập đuổi đi, nhưng khựng lại ngồi lặng.

Lời nói như đặc giữa hai người. Không vang vọng vào anh. Anh hỏi dè dặt:

- Một đứa con?

- Nhưng em không muốn có đứa con này.

Margrete tách rời anh, cúi mình về phía trước, đập con muỗi vừa nhìn thấy.

- Một đứa con? Håkon chậm rãi hỏi lần nữa, tiếng nói của anh như đưa mọi sự trở về thực tế.

Margrete lại vung tay vào bụi thạch thảo. Vẫn cúi người về phía trước, làn tóc che mặt.

Håkon nói lớn giọng, vẻ kinh ngạc:

- Nhưng đứa con đó cũng là của anh mà?

Margrete nghĩ Håkon không muốn thế nhưng anh vẫn mừng. Anh chấp nhận tất cả, anh yếu, mình thì khác. Mình chưa muốn có đứa con này, nếu muốn có thì đã phải tính trước.

- Bao lâu rồi em?

Anh kéo tay cô ra khỏi đám thạch thảo, đặt lên đầu gối mình, rồi để tay mình lên tay cô.

- Mười tuần, cô trả lời nhanh. Hôm qua đi khám xong, em mới biết.

- Tại sao em không nói cho anh biết trước?

Margrete nghe giọng đau thương của anh, cô nuốt nước miếng rồi quay lại, đưa tay xoa những chân râu nhám của anh. Anh vẫn như không cảm thấy gì.

- Tại sao em lại phải kể cho anh nghe, Håkon? Rồi anh lại lo lắng, chẳng học hành được mà cũng chẳng tính được chuyện gì khác đâu.

Giọng nói của anh cứng cỏi hơn.

- Còn em thì học được sao?

Margrete dựa vào anh.

- Được.

- Tại sao em làm được, anh thì không?

Lời nói của anh run lên, sự tức giận và chán nản.

Margrete đoán anh sẽ đứng lên rời bỏ mình, để tỏ ra anh cũng cứng cỏi như mình chứ gì.

- Anh không có quyền được biết tin như em sao?

Nói xong anh ngồi lặng yên, ngậm miệng, cắn răng.

- Không.

Sau đó, là một sự yên lặng.

- Bộ đấy không phải là con của anh sao?

Bấy giờ anh mới bật đứng dậy, bồn chồn ngồi lên một tảng đá to phía khác. Như không thích nhìn mặt cô, chỉ muốn ngồi một mình.

- Bây giờ nó chưa phải là một đứa trẻ. Mới dài có tám phân và chỉ như là cục sương sa xanh nặng một lạng.

- Im đi!

Tiếng nói của anh xé không gian. Đọng lại giữa hai người như tiếng nói của cô hồi nãy.

Håkon nghĩ lúc em im, tôi vẫn có thể nói, nói cho em nghe những gì tôi biết, cũng như lúc nãy em kể cho tôi nghe những điều em muốn kể. Về óc và xương sống, về những dây thần kinh chung quanh người. Về chuyện sinh trai hay gái. Về những chuyện khó quên như...

- Không! Cô lắc đầu, đi ngang trước anh. Em đã theo dõi chuyện này sáu tuần rồi. Coi hết những bình chứa các bào thai ở dưới phòng mổ, để nghĩ xem làm như thế mình có chịu đựng được không. Anh thử tưởng tượng coi, nếu một trong hai ta phải bỏ học một năm để trông con thì sẽ như thế nào. Chúng ta đã đồng ý với nhau là năm đầu có con thì một trong hai chúng ta phải chăm sóc. Sau đó phải đi thực tập tại nhà thương, có thể tại một nhà thương không có nơi coi trẻ. Rồi còn chuyện quân dịch của anh. Hai ba năm trời phải lo lắng cho một đứa bé mà mình chưa muốn có.

Margrete nói một mạch như đã suy nghĩ và tập dợt từ trước. Cố ý chặn những lý lẽ của Håkon.

Anh ngồi cúi người về phía trước, chân chéo nhau, tay xếp lên đầu gối, bồn chồn nhìn cô.

- Em không thể nào nghĩ như vậy được! Em đừng so sánh mấy cái bào thai trong rượu cồn với sự sống em đang mang. Và em không lường được em sẽ phải chịu phản ứng như thế nào sau khi em giết nó đâu.

Những câu nói như đánh trúng nỗi đau đớn, cô đã cố gắng chôn dấu đi. Cô rất sợ anh sẽ rạch nó ra, cô luồn tay ra sau tóc và kéo áo phủ dài xuống đùi.

- Không đâu, em biết mình có thể là một trong số ít người sẽ phải hối hận sau khi làm chuyện dó, và không bao giờ trở lại mình như trước được nữa. Em gặp những người đàn bà cùng trường hợp, thường tiễn họ ra cửa bệnh viện. Tụi em làm công việc này nhiều hơn các nam sinh viên.

Anh ôm cô thật chặt, làm cô không cử động được. Anh cảm thấy cô có tâm sự riêng mà anh không được bàn đến.

- Sao lúc nào em cũng làm khó dễ anh vậy, Margrete?

- Không, nhưng em nghĩ thế là tốt. Cô cạ môi vào phía dưới vành tai ấm mềm của anh. Nếu anh vẫn còn lạnh, thì mình đi xuống thêm chút nữa, chỗ dưới kia bây giờ ấm hơn đây.

Giọng chọc ghẹo của cô làm anh thở dài. Tại sao trong những lúc khó khăn, cô ta lại cứ nói những điều chẳng đâu vào đâu.

- Mình phải bàn vấn đề này nhiều hơn nữa, Margrete. Anh không hiểu tại sao em lại không cho anh biết trước. Nó là của chúng mình, nó là một phần của anh.

- Nhưng nó là của em.

Cô cúi xuống bứt vài nhánh thạch thảo mà cả hai đã ngồi đè lên từ nãy. Bông chưa bị hư, chưa bị bẹp. Cô lập lại:

- Của em.

Họ đi xuống phía khe núi. Lấy tay gạt bụi rậm cao cả thước, họ đi vào rừng bạch dương trong bóng râm.

Ở trên núi Blåhammaren ánh trời vẫn còn chiếu.

 

Håkon muốn đi theo Margrete.

Cô lắc đầu. Đã nhiều lần cô ngồi ở phòng đợi, nói chuyện với bác sĩ, và biết phòng phía trong như thế nào. Cô còn nhớ từ cái giường khám bệnh phủ tấm vải trắng, đặt ở giữa phòng tới cái đèn chiếu lớn ở phía trên. Cả cái bàn để dụng cụ và cái sô nhựa. Cô đã tham dự việc nạo thai, và đã nhìn thấy rất nhiều lần, trong thời gian bắt buộc theo học khu phụ khoa, chính tay cô đã cầm dao mổ, cạo những....

Cô nhìn xuống bàn tay mình. Thấy tay ướt và muốn đi tắm. Cảm thấy như có nước miếng ở trong miệng và cô nuốt.

- Tại sao tôi lại bị chảy máu kinh khủng thế này? Làm tôi kiệt lực...

Một người bàn bà hỏi thế khi bà ta thức dậy.

Khoảng một tiếng nữa tới phiên cô.

Cả hai người đều nhìn đồng hồ nhiều lần.

Anh ngồi đối với diện cô, quậy tách trà như máy. Cầm chặt thìa cạ xuống đáy tách.

Cô nhìn anh như dò hỏi, vầng trán nhăn lại, nhưng rồi cô chẳng hỏi gì cả.

Anh nghĩ: «Mình có nên ép Margrete không. Có nên nói ra điều mình nghĩ ngợi hay không?»

Cô thì nghĩ khác. Chẳng ai biết được.

- Không gì có thể ngăn cản em được sao?

Anh ngưng quậy, nhưng tay vẫn giữ thìa ở trong tách.

- Anh biết mà.

- Mà em đã suy nghĩ kỹ chưa?

Lần đầu tiên cô nói giọng cứng cỏi:

- Anh nghĩ sao?

- Anh không biết. Chẳng biết có khi nào mình có thể nghĩ kỹ được chuyện gì.

Anh nghiêng người về phía trước bàn và chìa tay để cô có thể nắm lấy, nhưng cô không nắm.

Cô nghĩ: «Anh ấy nghĩ gì vậy? Quen nhau đã bốn năm rồi, cũng không hiểu nhau mấy, nên cũng khó giúp nhau.»

- Anh hỏi không phải để làm em đau lòng, Margrete. Anh chỉ muốn giúp em thôi, anh nghĩ thế.

Anh cố gắng làm cho cô nhìn anh.

Cô nhìn đĩa chanh, lấy ra một miếng cho vào tách. Ép thìa mạnh vào miếng chanh làm nhiều tép chanh quay vòng trong tách.

- Em biết, anh không cần nói vậy, chỉ có những người cay đắng mới như thế thôi.

- Sao?

- Cô đơn trong lòng.

Anh đứng dậy đi nhanh về phía ghế cô ngồi. Níu lấy cô từ mé sau và ôm chặt lấy cô.

- Nhưng em muốn lẻ loi, đúng không? Coi em có vẻ cứng cỏi. Cũng như lúc tụi mình ở trên núi. Em không muốn xuống và chỉ ưng những ngọn núi lớn, cao và dốc nhất.

- Không những chỉ ưng, mà còn là ưng nhất.

Cô cạ miệng lên tay anh đang đặt trên vai mình. Làn da mềm ấm của anh làm cô cảm thấy thích, cô lim dim mắt, lòng nhẹ đi.

- Nếu anh có một đứa con, anh sẽ cho nó tất cả những gì tốt đẹp nhất mà một đứa bé có thể được.

- Nếu anh có một đứa con. Không phải là của anh và em à?

- Có chứ, nhưng đứa con này là của anh.

Cô tách rời anh đứng dậy.

Anh loay hoay giúp cô dọn ly tách.

«Cô đơn», như cô đã nói...

 

Ở ngoài mưa bụi. Mưa làm không gian im vắng, xám và mù mờ. Nhựa đường không ướt hay đen, nhưng ẩm làm bước chân họ đi không có tiếng cát sào sạo như những ngày qua.

Cô nghĩ: «Càng gần đến nhà thương mình càng đi chậm. Mình không có quyết ý sao? Anh ấy muốn làm bất cứ gì cho đứa bé. Kể cả việc phải hoãn lại kỳ thi năm nay, ở nhà trông con, để mình học xong trước. Nhưng chỉ mình mới có thể cho con bú, và mình không muốn tay bồng tay bế trước kỳ thi. Mình không muốn thế.»

Từ lúc rời bàn nước họ nói ít đi, nhưng cô bảo anh cho vài chai nước ga vào tủ lạnh. Cô biết khi trở về, có thể buồn nôn.

- Chắc là em không muốn cho anh đi theo? Nhưng anh có thể ngồi đợi ở phòng ngoài cho tới khi em tỉnh dậy. Anh muốn ở bên em. Chắc chắn mình được phép mà.

Cô thầm nghĩ: «Anh vừa mới yêu cầu mình đừng phá thai. Bây giờ lại yêu cầu cho anh được ở bên mình khi họ đã lấy nó đi. Mình không nói ừ chuyện chi hết. Anh yếu đuối, nhưng trong sự yếu đuối của anh có cái gì cũng hay hay. Chẳng bao giờ anh tự ràng buộc vào ai cả.»

- Em có nghe anh nói gì không?

Anh ngừng bước, làm cô cũng ngừng. Tay của anh lạnh.

Họ nhìn thấy cổng nhà thương ở phía góc đường, cô buông tay anh. Họ yên lặng đứng gần bên nhau ở dưới một tàn cây, khoảng đường này vẫn còn khô ráo và sáng.

- Nếu anh đón chuyến xe điện sắp tới này, thì anh đến kịp giờ nghe giảng bệnh nhi đồng đó.

Anh nhìn cô, lắc đầu chán nản. «Cũng lại mấy cái câu không đâu...»

- Chưa bao giờ anh cảm thấy bất lực như thế này, Margrete. Em đã cướp mất cái gì của anh mà anh không thể ngăn chặn em được. Bởi vì em có quyền làm điều em muốn.

- Thôi đi anh, đừng nói đến chuyện quyền hay không quyền.

Cô bỗng thấy mệt, thấy cần phải đi gấp. Vô tình anh đã đánh trúng được nội tâm của cô mà cô cho là bất khả xâm phạm.

- Đi đi!

Cô lùi một bước về mé sau và đẩy một tay lên ngực anh:

- Đừng có về nhà trước giờ tan học. Em muốn được yên tĩnh trong vài tiếng đầu. Em nghĩ em phải nằm nghỉ.

Anh đặt tay lên người cô, như anh vẫn thường làm. Nhìn thoáng xuống bụng cô và quay nhanh đi.

Cô chạy đi từng bước ngắn. Chưa bao giờ cô cảm thấy nhà hai bên đường lại cao và dơ. Lớp sơn ngoài tróc ra để lộ những tường đá nâu. Nhà thương nằm quá biệt lập trong khu đó.

Cô ngừng chân, thở hồng hộc, quay nhìn lại thấy xe điện. Anh đang giúp một bà già lên hai bực thang của xe, trước khi cửa xe đóng lại, khuất chiếc áo khoác xanh bạc màu của anh.

«Anh là người tốt, mình chưa bao giờ giúp ai một cách thân gần như anh, mình biết. Anh đã để mình được yên.»

 

Không khí trong phòng đợi ngột ngạt.

Margrete muốn mở một cánh cửa sổ, nhưng lại thôi vì chưa có ai làm cả.

Một người đàn bà ngồi tựa đầu vào tường nhắm mắt. Mấy người khác lật lật tờ báo cũ.

Cô đoán không phải ai cũng vào phòng khám bệnh với mục đích như cô. Ít nhất một trong những người này chỉ khám bệnh thường thôi. Bác sĩ sẽ khám tiếng động của bào thai, rờ đầu, tứ chi và nói về sự nở đẻ của họ.

«Không!»

Cô sợ bị bật ra tiếng kêu. Đứng dậy bối rối đi tới bàn lấy một tờ báo. Lúc cô ngồi xuống, y tá mở cửa.

- Bây giờ tới phiên cô...

 

Bác sĩ bảo cô ngồi trong khi ông lật hồ sơ y lý của cô. Ông có vẻ mệt mỏi, nhưng không hờ hững. Cô ngồi căng thẳng ở bìa ghế, nhưng từ từ trượt sâu, dựa lưng vào thành ghế. Gáy cứng và đau.

Bác sĩ thận trọng hỏi:

- Không thay đổi ý định gì chứ?

- Không.

- Cô biết, một số rất ít có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm đến thể chất hay tinh thần chứ?

- Có.

- Và cha của đứa bé?

- Anh ta vẫn muốn giữ đứa bé.

Bác sĩ gật đầu và viết thêm vào y lý.

«Ông ta không có thành kiến với mình, mình cứ sợ ông ghét nếu làm như vậy. Giờ đã có một sự tin tưởng, nếu xảy biến cố gì. Mình không biết ông ta có hiểu, hoặc sẽ khinh rẻ. Nhưng ông đã đối xử tốt, cho mình có quyền được làm những gì mình muốn.

Có quyền?

Lại câu đó...»

Trước khi ngấm thuốc mê, cô không còn nhìn thấy bác sĩ nữa.

- Đừng có giữ cái đó lại! Cô nói qua mũi và tìm nắm tay bác sĩ. Đừng có cho sinh viên dùng thí nghiệm!

Ông nghiêng người về cô, cô nhìn thấy một làn sương mù vải trắng bịt miệng và tay đeo găng màu sữa trong, ông ta đưa lên chầm chậm.

Ông trả lời dịu dàng:

- Thôi, bình tĩnh đi. Chút nữa là xong ngay.

 

Lúc cô tỉnh, không có ai ở chung quanh.

Cô đưa tay xoa lên bụng. Cảm thấy da láng ấm và bắt đầu khóc.

Cô lẩm bẩm: «Xong rồi, lát nữa tất cả sẽ trở lại như trước, và không bao giờ xảy ra như vậy nữa. Vài tiếng nữa mình về nhà rồi bắt đầu lại học bài.»

Một cô y tá đi vào. Lấy cái khăn trong chậu để trên bàn đầu giường lau trán cho cô.

Cô y tá nói nhỏ:

- Hồi nãy được lắm, mất thăng bằng cũng là thường. Nhưng xong rồi.

Y tá để lại cái khăn vào chậu rồi kéo mền lên một chút.

- Cô ra máu nhiều không?

Margrete lắc đầu. Cố mỉm cười, tỏ ra cần thiết sự gần gũi của cô y tá, nhưng cứ khóc hoài. Muốn nắm tay y tá, nhưng lại không dám. Cô nghĩ: «Tại sao mình lại khóc? Mình đâu có hối hận. Tất cả mọi sự đều tốt, ai cũng vui vẻ cả.»

Lúc cô y tá đi ra, cô nửa ngồi nửa nằm, nhìn cái cửa sổ chóc sơn cao nhỏ. Nhìn xuyên qua mấy khung cửa trắng to khác ở trên cao. Sau mấy khung cửa ấy là khoảng phòng mổ và ở giữa là tường trống xám vàng. Cô nằm xuống, kéo mền lên người, lạnh và nhắm mắt.

Nhà thương đáng lẽ không nên nằm giữa những dẫy nhà cao san sát, chẳng ngó thấy trời...

Đưa tay đặt lại lên bụng. Margrete không muốn nhớ đến chuyện gì đã xảy ra ở dưới bụng nữa. Đừng suy nghĩ gì. Đừng nằm đây trong cái giường chật trội khó chịu này. Trước hết, cô phải đứng dậy đi khỏi đây. Vì ở đây chỉ làm cô bị trói buộc vào sự suy nghĩ.

Nhưng ý nghĩ không dễ điều khiển. Nó tới như tấm hình để trước mặt. Mới đầu là chiếc sô, mà cô vốn vẫn sợ. Đã làm cô thức suốt đêm khi lần đầu cô trực ở khu phụ khoa. Cái sô chứa những tế bào và thứ mềm mềm phía trong...

Cô ngồi bật dậy, đưa chân xuống giường, cảm thấy cơn choáng váng đè ập lên. Biết mình ngồi dậy đột ngột quá. Tấm vải trải giường bị ướt và nhăn nheo. Cô thở mạnh và run. Đừng có làm hư hỏng gì cả! Cô phải ra khỏi căn phòng này và về nhà ngay. Ở nhà, ít nhất cô còn được trông ra cửa sổ, được nhìn thấy trời...

«Họ đổ cái sô chưa?

Dĩ nhiên là rồi. Bác sĩ đã hứa không giữ lại.» Cô thu người ngồi trên mép giường kẹp đùi lại. Âm thầm khóc và lạnh.

Tại sao cô lại không muốn Håkon tới đây? Anh có thể ôm cô. Chà lên chà xuống cái gáy bị cứng và đau của cô bằng mấy ngón tay trai cứng và ấm, cho bắp thịt mềm lại. Bây giờ cô đau từ phía sau đầu cho tới vùng thắt lưng. Nhưng lại không dám nằm xuống giường...

 

Khi mặc áo xong, bác sĩ bước vào, taxi đã được đặt trước.

Bác sĩ nói:

- Mọi chuyện đều tốt đẹp cả, vài ngày đầu cô nên giữ bình tĩnh. Nếu có chuyện gì tới đây ngay.

Cô định hỏi chuyện mổ như thế nào? Mình biết bác sĩ cho những cuộc giải phẫu này là nghê tởm, bác sĩ cũng không thích bàn về chuyện này. Nhưng mọi chuyện đều bình thường chứ? Bác sĩ có biết là trai hay gái không? Có lớn hơn mình tưởng không?

Nhưng cô chỉ gật đầu.

Đèn đỏ, taxi ngừng lại dưới bóng cây mà cô và Håkon đã đứng. Cô nhìn ra, suốt dọc đường đều trồng cây. Mỗi cây mọc lên từ mảnh đất vuông, khoét trên đường nhựa. Chỗ có một cây mới còn non, lá xanh sáng tươi và mỏng mảnh. Thân láng, gốc chưa vững, được đỡ lên từ mọi phía.

Xe giật mạnh.

- Ồ, xin lỗi.

Tài xế nhìn cô qua kính chiếu hậu:

- Tôi mãi nhìn mấy cái cây, tôi ở đường này. Dân chúng ở đây sợ cây cối bị mất đi. Họ bàn tán xôn xao. Nhưng bây giờ họ đã trồng thế vào những cây mới. Chắc là mới hôm nay đấy. Mấy cái cây này coi như là của chúng tôi, chứ không phải của thị xã, cây mọc được như vậy tốt quá, vì đường này nhiều khói xe.

Cô gật đầu, thầm mong bác tài xế cứ nói nữa. Ông ta rất cởi mở và sinh động. Những câu nói của ông thấm đọng vào lòng cô. «Cây của chúng tôi, mọc ở đường nhiều khói xe.»

- Nhưng tôi cũng hiểu thị xã họ có quyền làm như thế. Chính họ đã trồng, cắt xén, chăm sóc cho mấy cái cây này. Con đường thì chật quá. Nếu họ đốn hết, thì chúng tôi sẽ lại có mấy cây mới xanh tươi hơn, ở bên phía nhà dưỡng lão.

Ông ta chỉ lên con đường nhỏ.

Cô mỉm cười. Muốn gục đầu thầm khóc trên vai tài xế, bộ đồng phục nực mùi thuốc lá.

«Cây mới, xanh tươi hơn, ông ta đã nói như thế...»

 

Vừa mở cửa, cô trông thấy ngay chùm thạch thảo.

Anh mới ở đây, nhưng đã đi rồi theo lời cô yêu cầu.

Chùm thạch thảo cắm trong cái bình, như đang bốc lửa cháy về phía cô.

Cạnh đó có một tấm thiệp.

Trên thiệp viết: «Chúng mình sẽ đi lên núi của em. Giờ ở đấy đã đóng băng, nhưng hoa thạch thảo vẫn còn nở.»

- Núi của em.

Cô nói nhỏ và luồn tay vào những cành thạch thảo cứng.

- Đứa bé là của chúng ta. Bây giờ em đã hiểu. Của chúng ta...

_________________________________________________

1 Sauetråk: nơi cừu qua nhiều lần thành con đường mòn.