Chuyện Lạ - Nguyễn Oslo

2015-05-20 13:31

Hai anh em Tim bốn năm mới lại có dịp về thăm ngoại ở Việt Nam, nhìn chung quanh cái gì cũng thấy lạ.

 

Ra đường xe lớn xe bé chạy như mắc cửi và bấm còi inh ỏi, không có một khoảng trống cho người đi bộ băng qua đường. Thắc mắc sao mình không chờ chỗ vạch trắng dành cho người đi bộ và tự động xe sẽ dừng lại cho mình qua như ở Na Uy. Ba nói chờ thế thì mình phải chờ đến Tết Kongo cũng chưa chắc qua đường được. Lạ quá!

 

Trong công viên Đầm Sen, hai anh em là những người đầu tiên đứng chờ đến lượt mình để chơi trò lái tàu dưới hồ nước. Nhưng lơ là một chút là có vài người khác (người lớn nghen) chen vào đứng trước mình. Ba nói ở Việt Nam người ta không có thói quen xếp hàng để chờ đến lượt mình. Lạ thiệt!

 

Ở Việt Nam con nít không ngồi vào bàn tự ăn mà được đút cho đến lúc đi học, có lúc vừa ăn vừa chạy chơi và cha mẹ chạy theo đút. Không phải ở nhà mà ngay ở nhà trẻ cô giáo cũng kiêm luôn nhiệm vụ đút cơm. Đây là chuyện mà hai anh em chưa từng chứng kiến ở nhà trẻ bên này. Mà cô giáo ở Việt Nam cũng rảnh thiệt. Lạ ghê!

 

Hai đứa em, Phú 5 tuổi, Xuân Anh 3 tuổi, con của dì ba, đứa nào cũng xinh xắn thông minh, chưa đi học mà đã biết nhẩm toán cộng toán trừ hàng chục giỏi ghê. Không hiểu sao suốt ngày hai đứa mặc pysj đồ ngủ bằng thun đã bị giãn đến chẳng còn giãn được nữa, cổ áo trễ tới vai, trông lỏng thỏng xốc xếch vô cùng. Nhìn tụi nó giống như con của dì phước. Nhà dì ba cũng đâu phải thuộc hộ nghèo. Dì ba có hai căn nhà, một ở quận Một, một ở gần siêu thị Big C Tân Phú. Dì cho thuê hết rồi về nhà ngoại ở ké. Hai vợ chồng dì là kiến trúc sư, dì đi xây nhà, vẽ nhà làm đẹp cho người ta, nhưng sao dì để hai đứa nhỏ nhìn đuối hết sức. Nhà dì không giàu, không có xe hơi, nhưng thu nhập tương đối ổn định, bởi cớ gì dì không cho hai em mặc quần áo đẹp. Dì nói mặc vậy cho mát. Lạ quá!

 

Phương Anh chưa được ba tuổi là con của cậu út có gương mặt sáng và nhiều nét hao hao giống em gái An Tim  hồi nhỏ. Nhưng sự giống nhau dừng lại ở đó vì con bé này cực kỳ năng động và gặp cái gì cũng phá. Phải công nhận rằng cái nư em to thiệt. Đôi khi không vừa ý chuyện gì em cứ bật ngửa người ra sàn gạch bất chấp có bị u đầu hay không, làm mọi người trong nhà nhiều phen đứng tim vì sợ em bị chấn thương sọ não. Bởi cái tính tính lì này nên em thường xuyên bị ăn đòn.  Hai anh em thấy em bị đòn vào đít mà thấy đau giùm và tội nghiệp cho em quá. Ở Na Uy đánh trẻ em bất cứ hình thức nào là một tội hình sự nặng, cảnh sát sẽ đến hỏi thăm cậu mợ cho đi bốc lịch không chừng, và điều chắc chắn là họ sẽ cứu em ra khỏi nhà ngoại, giao cho người khác nuôi. Cha mẹ mà tại sao lại đánh con là những người mình yêu thương nhất. Lạ quá!

 

Con bé Xuân Anh diện áo đầm lên cũng xinh đẹp chứ đâu đến nỗi xấu xí như dì ba vẫn làm bộ than vãn. Em lại mê mặc áo đầm và mặc cả ngày đêm cũng được. Nhưng dĩ nhiên dì ba vẫn thích cho em mặt đồ ngủ hơn, mặc cho mát.  Bản tính em thân thiện dễ thương. Em như môt con búp bê ngoan ngoãn lúc nằm trên võng nghe đọc truyện hay là một người bạn cùng đùa chơi lý tưởng lúc được  bày trò ỏng ẹo làm điệu. Nhưng khi có sự hiện diện của dì ba thì em đột nhiên biền thành một con người khác. Mẹ bảo em lì y chang nhưng dì ba hồi nhỏ. Em có thể khóc nhỏng nhẻo vòi mẹ bất cứ lúc nào bất cứ chuyện gì và bất cứ nơi đâu. Em là đồng hồ báo thức mọi người dậy mỗi sáng ở nhà ngoại. Nước mắt là vũ khí để em sai biểu mẹ chiều theo ý mình. Em cũng từng trải qua những trận đòn ghê gớm, và dì ba cũng có cơ hội đi bốc lịch như cậu mợ út nếu nhà dì sống ở Na Uy. Sau cuộc chiến tương tàn khói lửa hay những màn đấu tâm lý gay cấn quyết liệt, cuối cùng thì những giọt nước mắt bền bỉ luôn chiến thắng vinh quang, và sự kiên nhẫn của em sẽ được đền bù xứng đáng. Hình như em biết rõ điều này và tận dụng tối đa lợi thế của mình. Lạ quá!

 

Phú có cách biểu lộ tình cảm rất đặc biệt, em rút vào người anh và ngửi hít từ tóc tới chân ra chiều rất mến anh lắm. Lúc hưng phấn, em véo  một cái rõ đau. Về lại Na Uy đã hai tuần nhưng trên người Tim vẫn còn đầy những vết bầm của em trao tặng. Em cẩn thận sạch sẽ trong cách ăn uống. Chai nước uống dở cho em, em chẳng thèm. Kẹt lắm sắp chết khát thì em điều tra  gặng hỏi có ai uống thẳng từ chai hay chưa và để cho chắc ăn em dùng tay chùi mấy vòng chung quanh miệng chai trước khi uống, giống như sợ bị lây bịnh truyền nhiễm vậy. Hổng biết có phải ba mẹ đã dạy em cách sát trùng này. Lạ thiệt!

 

Dì và cậu may mắn có ông bà ngoại ở nhà chăm cháu cho dì cậu yên tâm  đi cày kiếm tiền. Cách chăm cháu của ngoại theo truyền thống ngàn xưa là cho cháu ngủ kỹ, ăn no và giữ cho cháu thật sạch sẽ. Thế là đã quá hạnh phúc rồi, còn mong muốn gì nữa chứ? Mỗi ngày em nằm trên võng ít nhất là bốn tiếng đồng hồ, đằng sau là tiếng nhạc thiếu nhi xập xình đơn điệu. Cho tụi nó thức để quậy phá thì làm sao ngoại chịu nổi. Thời buổi này đâu có ngoại nào còn ầu ơ ru cháu bằng câu hò điệu lý. Đời nào ngoại cho em vọc đất vọc cát vì không vệ sinh. Ngoại cũng đâu có kiên nhẫn để đọc truyện hay tỉ mỉ chơi những trò trẻ con với cháu. Vì không được vận động cơ thể đúng mức, nên chiều về mấy em tha hồ làm nũng với cha mẹ chúng. Dì cậu đổ thừa tại cách dạy của ông bà ngoại làm mấy em không được ngoan, còn ông bà ngoại thì quả quyết rằng tại cha mẹ cưng chiều con không đúng cách nên mới sinh ra nhiều thói hư tật xấu. Trong tiếng Na Uy có câu ngạn ngữ : Cứ thử đưa một ngón tay cho con quỷ, nó sẽ chặt hết bàn tay của bạn như chơi. Còn nữa, bạn đem con quỷ thảy lên võng lắc qua lắc lại, tra tấn con quỷ mỗi ngày vài tiếng đồng hồ với tiếng trống dập xập xình kèm theo giọng hát the thé của Xuân Mai, con quỷ này mà không bị vấn đề thần kinh sau đó mới là chuyện lạ....

 

Nguyễn Oslo