Cô Giáo Dạy Kèm - Thi Hạnh

2014-08-29 09:41

 

12 tuổi. Khi những người bạn trong lớp của tôi đã bắt đầu biết để ý đến những đứa con trai, thì tôi vẫn còn ”ngu khờ” và dễ dụ, dễ tin. Thuở ấy, tuy tôi được học chung với những người bạn Na Uy, nhưng vì tiếng Na Uy của tôi còn kém, nên tôi may mắn được hiểu trưởng ”tặng riêng” cho một cô giáo dạy kèm. Tôi cho đó là một sự may mắn, vì đến nay đã hơn hai mươi mấy năm, tôi đã học qua biết bao nhiêu trường lớp khác nhau, biết bao nhiêu thày cô giáo khác nhau, nhưng tôi vẫn nhớ như in những kỷ niệm của tôi và cô giáo dạy kèm đó.

Khi học thì ai cũng phải có sách vở, nhưng cô giáo của tôi không dạy tôi bằng sách. Cô thường dạy tôi làm bánh, thủ công, dẫn tôi đi chợ, đi chơi v.v… Tôi nhớ có lần cô dẫn tôi đi chơi với gia đình cô, không phải trong giờ học, nhưng trong những ngày cuối tuần. Hình như đối với cô, tôi đã trở thành một phần tử nhỏ trong gia đình. Cô dẫn tôi về nhà, dạy tôi luộc khoai, nướng bánh. Cô dẫn tôi tới nông trại để xem tận mắt những con thú trong chuồng (thay vì chỉ xem bằng hình trên sách như những trẻ em khác). Đôi khi tôi cũng bị anh chị tôi la mắng, vì học hành gì mà chỉ toàn đi chơi, nhưng biết đâu đó lại là cách dạy rất khéo của cô, vì có như thế thì tôi mới hiểu thêm về nếp sống bình thường mỗi ngày, cũng như hiểu thêm về văn hoá của người dân bản xứ.

Vào một mùa Giáng Sinh nọ, khi người người ồ ạt đi sắm quà cho nhau. Những cây Noel được giăng hoa giăng đèn thật đẹp. Những ông người tuyết đủ dạng đủ kiểu được làm bằng những bàn tay của những đứa trẻ con trong xóm. Thời bấy giờ, gia đình tôi nói riêng, và những gia đình Việt Nam khác nói chung, thì những món quà Noel, hay những cây Noel, những món trang trí trong mùa Noel đề là những món hàng xa xí. Cũng như những trẻ em khác, tôi có rất nhiều mơ ước, và có những mơ ước chỉ nhỏ nhoi như những món đồ chơi bé tí tẹo mà thôi.

Có lần tôi đến nhà cô giáo chơi, tôi thấy trên vách tường của cô có treo một cái kệ nhỏ. Bên trong cái kệ nhỏ đó có những cái ô thật nhỏ. Trong những cái ô nhỏ đó là những món đồ chơi nhỏ xíu. Tuy có hình dạng như những món đồ chơi, nhưng hình như người ta làm ra nó chỉ để chưng cho đẹp mà thôi. Tôi thích lắm, và ngắm nghía chúng rất lâu. Hình như hiểu ý tôi, nên một lần nọ, cô giáo gói tặng cho tôi một món quà. Đó là cái kệ bằng gỗ y như cái mà tôi đã thấy ở nhà cô. Tôi đem cái kệ gỗ về nhà treo, nhưng bên trong cái kệ của tôi thì trống trơn, không có gì hết, so với cái của cô giáo thì có đủ các món thật đẹp mắt. Mùa Noel, cô giáo hỏi tôi ước gì, tôi bảo tôi thích những thứ nho nhỏ để tôi có thể đặt chúng vào trong cái kệ mà cô đã cho. Cô bảo:

-         Thế thì em viết thư cho ông già Noel đi.

Tôi chần chừ. Từ thuở nào tới nay tôi đâu có biết ông già Noel là ai. Cô đem cho tôi cuốn sách, chỉ cho tôi xem hình của ông già Noel và bảo ông ta là người rất tốt, rất thương con nít, và đêm Noel nào cũng tặng quà cho tất cả các trẻ em. Tôi tủi thân bảo:

-         Em chưa bao giờ được ông già Noel tặng quà gì cả.

Cô nhìn tôi cảm thông, và hình như trong mắt cô hiện lên một tia sáng, cô bảo:

-         Cô sẽ giúp em viết thư cho ông già Noel nhé. Nào chúng ta đi lấy viết và giấy, mình viết ngay bây giờ.

Tôi không hào hứng gì cho lắm, nhưng vì cô giáo đã nói thì tôi cũng làm theo. Viết thư xong, cô dẫn tôi ra bưu điện, tôi còn nhớ ngoài phong thư có ghi 2 chữ: ”Julenissen – Nordpolen” = ” Ông già Noel - Bắc cực”. Cô bảo ghi thế được rồi, không cần địa chỉ, vì ai lại chẳng biết ông già Noel ở tận Bắc cực. Cô nhân viên bưu điện nhận lấy lá thư từ tay tôi, ngơ ngác. Tôi thấy cô nhìn lá thư, rồi nhìn cô giáo. Nhưng rồi mọi chuyện cũng êm xuôi. Cô giáo đưa cho tôi vài đồng lẻ và bảo tôi trả cho cô nhân viên bưu điện. Tôi làm theo lời cô bảo, và trên lá thư gởi cho ông già Noel được dán một con tem rất cẩn thận.

Hình như biết tôi vẫn có điều chi lo lắng, cô giáo nói:

-         Em cứ yên tâm, thế nào ông già Noel cũng sẽ tặng quà cho em, vì mình đã gởi thư rồi. Khi nhận thư em, ông ấy sẽ biết em ở đâu và sẽ tới.

-         Nhưng cô ơi, em nghe cô bảo ông già Noel thường trèo ống khói vào nhà, mà nhà em lại không có ống khói.

Cô suy nghĩ một lát, rồi bảo tôi:

-         Không sao, nếu không vào được thì ông ấy sẽ bỏ quà vào thùng thư. Em nhớ phải xem thùng thư nhé.

Giọng điệu của cô rất chắc chắn làm tôi cũng vui lây. Tôi mong đợi từng ngày để được ông già Noel tặng quà. Ngày nào tôi cũng mở thùng thư ra xem vì nghĩ rằng ông ta có thể tới sớm hơn, chứ không nhất thiết phải chờ đúng đêm 24.

Sáng sớm ngày 25, tôi dậy rất sớm, đi tìm khắp quanh nhà xem có gói quà nào không, và rồi tôi thất vọng khi nhìn xung quanh vẫn im lìm. Tôi trèo lên giường tính ngủ lại, nhưng không thể nào ngủ được, vì có cái gì cứ như nghèn nghẹn. Chợt nhớ ra cái thùng thư chưa được mở, tôi lôi cái áo ấm ra, quấn nhanh vào người và chạy tung ra cửa. Mắt tôi chợt sáng lên khi thấy trong thùng thư có một gói quà. Không thể nào lầm được vì trên gói quà có ghi tên tôi và ”fra Julenissen” = ”from Santa”.

Tôi ôm gói quà chạy vô trong nhà, leo lên giường, mở tung gói quà ra và bắt gặp trong đó những con thú bằng thuỷ tinh, nhỏ xíu. Đó là những thứ tôi đã nói với cô giáo là tôi rất thích, và chỉ có một mình cô biết điều đó thôi.  

Đó là mùa Giáng Sinh đầu tiên tôi nhận được quà từ ông già Noel, và cũng là mùa cuối cùng, vì ngay sau đó, tôi tự hiểu ra rằng; ông già Noel không ai khác ngoài cô giáo dạy kèm của tôi.

Cuộc sống có nhiều ước mơ. Ước mơ có khi lớn lao như được vươn tới những vì sao, nhưng có khi cũng chỉ nhỏ nhoi như một con gấu bông bé bỏng. Từ mùa Noel năm ấy, tôi học được một bài học rất lớn; đó là chính con người lấp đầy những ước mơ cho nhau, chứ không cần phải đợi chờ một Santa nào cả. ”Santa” của tôi năm ấy chính là cô giáo của tôi, và ”Santa” của những trẻ em khác chính là cha mẹ (hoặc người thân) của chúng.

Tình thương, dẫu cho đi hay nhận lãnh thì nó cũng ở ngay bên cạnh chúng ta, chứ không cần phải tìm kiếm ở đâu xa xôi cả. Chỉ vì đôi lúc chúng ta quá mải mê mơ ước được với đến những vì sao trên cao, mà quên rằng những vì sao đẹp nhất, sáng nhất, chính là những vì sao trong mắt của những người thân ngay bên cạnh.

Thi Hạnh