Đốm lửa - Đoàn Mai Tâm

2020-12-22 12:56

 

Đốm lửa

Thời gian đầu mới đến Na uy, hiếm khi chúng tôi có dịp gặp những nhân vật tiếng tăm người Việt ghé đến, khiến chúng tôi có cảm tưởng như mình lạc vào chốn ‘thôn cùng ngõ hẻm’ của thế giới.  Mãi vào dịp cuối năm1988, nhờ sự can thiệp của Bà Chủ Tịch Văn Bút Thụy Điển, Trần Dạ Từ thoát khỏi nhà tù Việt Nam, mang theo vợ - Nhã Ca đến Thụy Điển, một nước láng giềng. Không lâu sau đó vợ chồng văn thi sĩ Trần Dạ Từ - Nhã Ca đã đến Nauy thăm đồng hương theo lời mời của Hội Người Việt Tỵ Nạn tại Na uy.

Trong buổi nói chuyện hôm ấy, hai ông bà đã kể nhiều đến chiến dịch thiêu hủy văn hoá phẩm và đàn áp các văn nghệ sĩ do chế độ Cộng Sản phát động mà ông bà là nạn nhân. Đặc biệt, theo yêu cầu, Trần Dạ Từ đã đọc cho cả hội trường nghe bài thơ ông vừa sáng tác khi đặt chân xuống thủ đô Thuỵ Điển: Lửa Thấy Từ Stockholm. Lời thơ cùng với giọng đọc của ông làm tôi thích bài thơ này lắm, tôi định lên bục thuyết trình xin ngay khi giọng ông vừa dứt. Nhưng tôi sực nhớ lại chuyện cũ, khi ông ra mắt tập thơ Thuở Làm Thơ Yêu Em ở Sài Gòn. Chuyện ngày ấy đã kéo tôi ngồi xuống.

Thời ấy, thời mới lớn chỉ mới nghe “ Thuở Làm Thơ Yêu Em” là đám học sinh lớp đệ nhất (lớp 12) chúng tôi đã nhôn nhao cả lên. Lại thêm ông thày dạy triết của chúng tôi năm ấy cũng là nhà thơ - nhà thơ Nguyên Sa. Trong giờ học, ông  thường sa đà lạc sang lãnh vực thơ, nhất là tập Thuở Làm Thơ Yêu Em đoạt giải thơ toàn quốc năm ấy mà ông là một thành viên trong ban giám khảo. Ông kể cho chúng tôi nghe Thuở Làm Thơ Yêu Em là cả một lịch sử, nó bao gồm những bài thơ tình đầu tiên tác gỉa bắt đầu sáng tác từ khi còn rất trẻ cho đến bấy giờ mới được in thành sách. Và cứ như vậy Thuở Làm Thơ Yêu Em được thêu dệt thêm ra trong đầu đám học sinh chúng tôi. Cho đến ngày ra mắt tập thơ Thuở Làm Thơ Yêu Em, chúng tôi rủ nhau kéo đến, đứng đợi sau một hàng dài chờ vào cửa. Nhưng khi đến lượt, chẳng đứa nào được vào, vì chúng tôi không có giấy mời.

Chuyện “Thuở Làm Thơ Yêu Em” theo ngày tháng chôn vùi, còn lại mấy đứa bạn trong đám đứng xếp hàng chờ vào cửa hôm ấy vẫn tìm đến nhau và chuyền tay cho nhau đọc thơ, truyện tìm được. Cho đến ngày “Sài Gòn Giải Phóng” tôi bị chính quyền mới cho vào “Đại Học Máu” (Tên tập hồi ký về lao tù cộng sản của Hà Thúc Sinh) vì tội tàng trữ sách báo phản động. Sau nhiều năm được thả về, các sách tôi yêu quí trong nhà đã bị chính quyền địa phương tịch thu mang đi hết. Cái thú duy nhất của tôi lúc bấy giờ là lang thang trên những con đường quen trong lòng Sài Gòn tìm đọc “sách đồi trụy, tàn dư của chế độ cũ”.

Càng ngày các nơi bày bán sách cũ càng lan ra khỏi lòng Sài Gòn. Một hôm lang thang trên đường Lê Văn Duyệt (nay đã đổi tên) gần chợ Ông Tạ, tình cờ tôi gặp một chỗ bán sách cũ. Phía trước, rộng chưa đầy ba mét mặt đường, nhưng sâu vào trong là những chồng sách cao xếp dựa vào tường. Tôi đi qua đi lại, đứng nhìn hồi lâu nhưng không vào, vì không thấy bóng dáng loại sách “đồi trụy”. Trong khi đó, từ bên trong, một người đàn ông ra, nói với tôi: “Vào, vào đọc thoải mái! Mua bán, tính sau, chuyện nhỏ!”. Đang bị cái nắng như đổ lửa ngoài trời thiêu đốt, lại được ông chủ mời vồn vã, tôi định theo ông bước vào nhà. Chưa kịp bước, thì ngay lúc ấy ông la lên: “C... phải không?”. Nghe người lạ gọi đúng tên mình, tôi lúng túng, e dè trả lời: “ C...đây!”. Ông ôm chầm lấy tôi bảo: “Nhìn dáng, tao đoán là mày, nhưng sao bây giờ mày gầy gò, đen đủi qúa vậy!”. Tôi cười trừ: “Ừ, ở bầu thì tròn, ở ống thì phải dài chứ!”. Và sau một hồi hỏi thăm dồn dập, nhận diện, bạn đưa tôi vào trong. Qua mấy lần cửa, ở đó, chúng tôi lại trò chuyện với nhau vui như cái “ Thuở Làm Thơ Yêu Em” ngày trước; lại còn cả “sách đồi trụy tàn dư của chế độ cũ” cho tôi lục lọi nữa.

Trong lúc mải mê nhớ về những cuộc vui chơi bạn bè say mê thơ văn thời nhỏ, tôi cũng chăm chú lắng nghe và nhận ra ở Trần Dạ Từ, người đang trò chuyện trên bục cũng toát ra một phong cách, gần gũi, thân tình giống như đám bạn tôi ngày xưa vậy, và tôi đã mon men đến với ông trong giờ giải lao. Tôi đứng trong đám đông chờ ông trao đổi với người xung quanh. Thấy tôi đứng chờ lâu, ông nhìn thẳng vào mắt tôi, tôi nói: “Tôi thích bài thơ anh vừa đọc lắm! Làm sao tôi có được?”. Ông nắm lấy bàn tay tôi siết chặt, ôn tồn: “Để Từ viết cho, Từ thuộc mà!”. Ông rút bút ra, nhìn quanh tìm giấy. Sẵn tập truyện ngắn tôi đang cầm trong tay, tôi mở trang đầu mời ông viết. (Xem bản phô tô bài thơ Lửa Thấy Từ Stockholm viết tay của ông ở phần sau). Lời nói, cử chỉ gần gũi thân tình của ông hôm ấy, đã cho tôi sống lại cái “ Thuở Làm Thơ Yêu Em” với các bạn ngày trước.

Vài năm sau vợ chồng nhà văn, nhà thơ Trần Dạ Từ - Nhã Ca di cư sang Hoa Kỳ, tôi không còn dịp gặp lại, nhưng cái đốm lửa ông khơi dậy trong tôi đã đưa tôi đến với những người cùng đam mê văn,  thơ tôi gặp trên cùng đất nước đang định cư, và cái “ Thuở Làm Thơ Yêu Em” lại bắt đầu.  

Đoàn Mai Tâm