Giấc Mơ của Thi Hạnh (Thay lời giới thiệu) - Tâm Thanh

2015-03-10 22:16

Trên đất nước Na Uy với diện tích vừa bằng Việt Nam và dân số năm triệu mốt, có trên hai chục ngàn người Việt cư ngụ, trong đó có nhiều nhà văn nhà thơ thuộc đủ lứa tuổi và quá trình, mà Thi Hạnh nằm trong lớp trẻ nhất (thời điểm 2006-2014). Cô bắt đầu với văn nghệ rất sớm − trước hết với thơ(*) rồi với nhạc − và thành công. Nhưng một hôm mẹ nói với con gái Mai Thảo (tên thật của Thi Hạnh), "Mẹ không biết đọc thơ, con viết truyện cho mẹ đọc!"  "Những chuyện linh tinh" này có lẽ là tiếng vâng đáp lời người đã truyền tiếng mẹ cho con qua dòng sữa. Nhưng Thi Hạnh không chỉ viết cho mẹ đọc, mà cho mọi người, nhất là những ai tò mò về Na Uy. Có thể nói cô là người đầu tiên vẽ một bức tranh tương đối đa diện về đời sống người Việt nơi quê mới Na Uy, không bằng biên khảo mà bằng văn chương. Nó gồm nhiều thể loại, truyện ngắn, truyện thật ngắn, tùy bút, ký sự... Mỗi bài lại được họa sĩ Bảo Huân minh họa bằng nét vẽ linh động truyền cảm, nên tác phẩm càng độc đáo hơn.

Truyện thật ngắn đang được nhiều cây bút dò dẫm vì nó hợp cho thời đại thiếu thời giờ này. Nhưng thật sai lầm nếu tưởng truyện thật ngắn là khí cụ của người lười viết, và món ăn nhanh cho người lười đọc. Truyện thật ngắn viết rất công phu và đọc cần trực giác bén nhạy, như đọc thơ. Nó không phải mì gói, không phải truyện cười, không phải truyện dài cắt ngắn. Thật thú vị khi Thi Hạnh − không hề tuyên bố trước − lại thành công trong nghệ thuật truyện thật ngắn qua các truyện Áo Trắng, Bánh Khoai Chiên, Cây Giáng Sinh v.v. Những thể loại khác như Cuốn Trôi, Đeo Đẳng v.v. không biết nên xếp vào tùy bút hay truyện; tôi cho đó là những bài thơ xuôi, cũng nhịp điệu lãng đãng và ý tình say sưa. Tương tự như thế, các bài như Chuyện Cô Giáo Dạy Kèm, Con Sâu Làm Rầu Nồi Canh v.v. là bút ký hay truyện?  Hoàng Sa Trường Sa, Cờ Vàng Cờ Đỏ... là thời sự hay truyện?  Khó trả lời, vì dưới ngòi bút Thi Hạnh, "chuyện linh tinh" đã trở thành văn chương.

Đặc tính của văn chương là hư cấu, bịa. Có nhà văn người Na Uy đã gọi "nghệ sĩ là một người nói dối", ngon lành hơn nữa − nói dối như thật và nói dối đến độ thiên hạ tin thật, đó là tuyệt đỉnh văn chương. Ai cũng ghê tởm nói dối luân lý và lừa đảo, ngược lại "nói dối thi ca" là giấc mộng của con người trầm luân trong thực tại nhơ nhuốc muốn tỵ nạn lên cõi Thiên Thai.

Thi Hạnh mơ một thế giới tốt đẹp hơn, nhưng dựa trên thế giới hiện thực này, như trong câu thơ cô viết năm chưa đầy 20 tuổi,

"Ví dầu đổi được thế đồ

Tôi về vẽ lại giấc mơ cuộc đời"

(Thi tập Hạnh Phúc Đơn Sơ, Thi Hạnh)

Tính hư cấu, mơ mộng thể hiện qua những truyện ngắn, truyện thật ngắn; tính hiện thực thể hiện qua tùy bút, ký sự. Nhưng cô không phân bua đâu là hiện thực đâu là hư cấu, và người đọc cũng không cần biết cái biên giới ấy, thậm chí còn mong cho mơ là thực và thực là mơ. Chỉ cần biết và cảm thấy cô đã thu lượm vào tâm khảm và chắp nối nhiều mảnh đời lẻ tẻ thành một toàn cảnh về đời sống, suy nghĩ, và tình cảm của người Việt ở vùng đất giá lạnh gần Bắc Cực. Nói cho cùng, vùng đất này cũng có những con người y hệt bên Việt Nam, hay Bắc Mỹ, Úc, Nam Âu... Cũng "không đi trễ không phải Việt Nam", cũng có bảo lãnh giả và gian dối xã hội, cũng kèn cựa xung đột vô cớ. Cũng nhiều giá trị vĩnh cửu như tình mẹ, tình người và nhiều đức tính như cần cù, hiếu học, yêu quê hương, yêu lá Cờ Vàng... Nhưng phải có cái khác − cái "Chợ lộp" Na Uy chắc có khác "Garage sale" Mỹ, cô giáo chăm sóc cô bé Việt Nam mới định cư có khác cô giáo Tây... Lại có những giá trị mà ta tưởng một mình ta có trong khi Tây họ cũng dư thừa, như tình gia đình, tinh thần chia ngọt sẻ bùi. Thi Hạnh nhìn ra tất cả những dị đồng đó. Khi người bạn bản xứ chia cho Thi Hạnh nửa trái bắp, cô viết, "Cám ơn Mira, nếu không có bạn thì tôi tưởng chỉ có người Việt Nam của tôi là biết bẻ đôi trái bắp" (Mùa Bắp). Và sẵn sàng chia sẻ những cảm nghĩ bất ngờ cho từng tình huống, dù tầm thường, "linh tinh". Đơn cử giấc mơ của mẹ, tác giả viết, "Niềm mơ ước duy nhất của mẹ là một căn nhà nhỏ che mưa che nắng, và được sống những chuỗi ngày bình yên bên chồng, bên con. Tôi đã có lần cười thầm vì những mơ ước đơn sơ của mẹ, và nghĩ mẹ mình quá là ”nhà quê”. Đối với tôi, đó không phải là mơ ước, đó là những gì rất bình thường mà ai cũng có." (Đời Mẹ Đời Con). Tại Việt Nam, căn nhà là cả một giấc mơ mà nhiều người ba đời chưa đạt được, vậy mà con cười thầm, cho là bình thường, bởi vì con lớn lên tại Na Uy, nơi mà nếu người dân không có nhà ở, nhà nước phải lo. Cô vẫn yêu quê cũ nhưng lại biết đánh giá đúng những giá trị của quê hương mới, và do đó sống với tâm tình biết ơn. Muốn thấy được tầm quan trọng gần như thiêng liêng của đời sống và tương quan người-người, không thể suy nghĩ một chiều, quy ngã, tự phụ.

Qua cách diễn đạt của cô và đối chiếu với kinh nghiệm bản thân, tôi thấy cảm nhận của Thi Hạnh − kể cả lý giải − tuy có tính cách cá nhân và đôi khi có thể phiến diện, nhưng vẫn là chân thật. Mà sự chân thật là đáng quý nhất trong văn chương cũng như trong đời sống. Độc giả có thể thắc mắc − nếu đã nói văn chương là hư cấu ("bịa") thì tại sao lại đòi chân thật? Xin thưa vắn tắt bằng thực tế: truyện Anna Karenina là hư cấu nhưng nó vẫn phản ảnh trung thực xã hội, phong tục tập quán Nga vào thời đại của Leo Tolstoj, hậu thế vẫn tin những điều Tolstoj viết trong Anna Karenina và Chiến Tranh Hòa Bình... là chân thật, đáng tin cậy. Ít nhất, Thi Hạnh đỡ chủ quan hơn những người viết Na Uy là thiên đàng hoặc lưu xứ.

Những điều Thi Hạnh viết trong tuyển văn này đáng tin cậy, đáng yêu là nhờ nhiều lý do: cô đứng khá vững trên hai nền văn hóa Na-Việt, cô tha thiết với xã hội và đã cùng với chồng đóng góp tích cực cho cộng đồng Việt Nam từ nhiều năm, cô có cái nhìn độc lập, thông minh, tinh tế đến láu lỉnh, cô có một tâm hồn mẫn cảm.

Gấp sách lại, lòng tôi rưng rưng nghĩ, nửa thế kỷ trước mình cũng băn khoăn mơ ước nhiều, mà chẳng làm được bao nhiêu. Nay một cô gái tỵ nạn cũng thao thức mơ mộng, và xét ra thế hệ cô đã làm được nhiều hơn thế hệ tôi − đâm ra vừa tủi vừa mừng. Mừng hơn nữa là cô dám mơ ước cao hơn và có cơ hội chuyển giấc mơ đi xa hơn tới nhiều người.


Tâm Thanh

(*) Thi Hạnh đã xuất bản:

 -  Hạnh phúc đơn sơ (Thơ), 2006

 - Đếm những hư hao (Thơ, chung với Nhược Thu), 2006