Hỏi Vườn Dâu Ðâu Giòng Nước Cũ - Tâm Thanh

2015-12-04 14:32

Lấy gốc cây làm nhà.- Thành phố Hồ Chí Minh - Một người đàn bà sống gần hai chục năm bên một gốc cây... Bà Ðinh Thị Thanh Thủy kể: “Hồi tôi mới cắm lều ở đây, cây điệp chỉ cao bằng đầu người, bây giờ đã thành cổ thụ...”

Tôi giật mình, khi đọc mẩu tin trên đây trong một tờ báo cũ, báo Tuổi Trẻ, gói mấy trái cóc chín bán ở tiệm Việt Nam. Giật mình không phải vì chuyện khổ hay chuyện lạ; mà giật mình vì ngờ rằng người đàn bà kia chính là Thủy của tôi...

Mưa to. Bọn trẻ lối xóm ùa ra tắm mưa trên cái sân gần nhà tôi như một bầy vịt. Phần đông từ xóm Nghĩa Hòa sang, có một vài đứa nhà ở đây - Cư Xá Bắc Hải.

Tôi đứng trong nhà dòm qua cửa sổ nhìn lũ trẻ nô đùa dưới mưa, thèm thuồng mà... sợ trúng mưa. Tôi cũng sợ không làm được như tụi nó - chạy lấy đà rồi quăng người sõng soài trên sân xi-măng láng; thèm nhất là thấy thằng Hùng nó nằm sấp trượt một cú từ đầu sân tới cuối sân, như con cá lóc.

Con Thủy đứng ngay bên cửa sổ hồi nào tôi không hay.

“Mày vô lối nào vậy? Không sợ chó cắn à?”
“Sợ chi. Chó nhà mày con nào cũng làm biếng, trời mưa không dám ra. Mày cũng vậy, làm biếng.”

Hai chữ làm biếng đối với tôi nghe đỡ 'tự ái' hơn tiếng chết nhát. Tôi trả lời:
“Tao không thích.”

“Mày thử tắm với tao, thích lắm!”

Tôi nhìn xuống, bỗng thấy con Thủy hôm nay khác lạ. Cái áo thung đen ướt dính lên da có lẽ làm cho nó lạ. Ngực nó không giống ngực con trai xẹp lép, cũng không giống ngực cô giáo phồng lên quá cỡ, mà nó u lên hai cục bằng hai trái chanh. Hèn gì nó không cởi trần như tụi con trai. Con Thủy là đứa thường phải bao tôi ăn kẹo kéo mỗi lần tôi cho nó cóp bài tính đố, vì nó ham chơi đá banh với bọn con trai, không kịp làm bài. Có lần nó cóp bài tập làm văn, tôi tả con gà trống, nó sửa thành con gà mái, đem nộp. Kỳ trả bài, cô hỏi sao cô cho tả con gà trống mà em tả con gà mái. Nó trả lời nhà nó chỉ có một con gà mái. Cô nói ừ như vậy cũng chấp nhận tạm, nhưng tại sao con gà mái của em biết gáy? Nó cả quyết rằng nó có nghe gà mái gáy rồi. Từ đó trong lớp chúng nó hay nghêu ngao câu hát 'Nhà ai có con gà mái gáy...'' Có điều lạ là Thủy luôn bênh vực tôi, đứa nào bắt nạt tôi là nó đục liền. Vì thế khi nó rủ rê thì tôi cảm thấy dễ xiêu lòng. Vả lại hôm nay may mắn, ba má tôi đi vắng hết.

“Khó không?” tôi còn hơi do dự.

“Thiệt tình thằng con nhà giầu! Tắm mà khó!”

Tôi định nói 'trườn cá lóc' kìa. Nhưng kệ nó hiểu lầm, tôi cởi áo, theo nó chuồn ra ngoài. Trước hết tôi há miệng hứng một ngụm nước mưa uống vào 'cho khỏi cảm' như lời người lớn nói, lại uống thêm vài ngụm nữa vì nước ngọt lịm.

 “Ðã không?” con Thủy hỏi.

“Ðã!” tôi trả lời.

Tắm mưa sướng thiệt. Quen nước quen cái một hồi, tôi cũng muốn trườn như tụi nó. Con Thủy nắm tay tôi nói:

“Chạy! Một, hai, ba! Thả đít xuống trước! Pi pi pi.....”

Tôi phệt mông xuống rồi nằm ngửa ra, trườn phăng phăng, tay nắm chặt tay con Thủy. Ba lần như vậy, tôi bắt đầu thích trườn, thích cả việc cầm tay con Thủy. Nó lại nói:
“Giỏi rồi đó! Mày trườn một mình coi!”

Tôi trườn một mình, lần đầu ỳ một chỗ, nhưng lần thứ hai lấy đà xa hơn thì trườn khá xa. Khi không còn phải bận tâm tới cái mông hay cái đầu thì tôi lại để ý cái áo con Thủy bị nước dính sát vào da. Trườn ngửa chán, tôi trườn sấp và đầu tôi nghĩ tới hai trái chanh của con Thủy và một cảm giác kỳ lạ chạy rần rần trong người. Ðó là lần đầu tiên tôi có cảm giác đã như vậy trong đời con trai.

Ba má tôi chắc bị mắc mưa đâu đó, về trễ và không hay biết gì về việc tôi cả gan tắm mưa, và chơi với bọn Nghĩa Hòa. Tôi chẳng bị cảm cúm gì như má tôi lo. Có điều đêm hôm đó tôi mơ nằm trên người con Thủy mà trườn, hai tay nắm chặt hai trái chanh...

Bẵng đi nhiều năm. Lệ Trung, một quận nhỏ bé của Pleiku và buồn gấp bội Pleiku. Tôi đi lính và đóng ở đó ngót ba năm trời, nơi không phải là 'đi dăm phút đã về chốn cũ', mà đi dăm bước đã hết chỗ đặt chân. Bởi vậy mỗi lần nghỉ phép về Sài Gòn là tôi cuống lên như con ngựa non xổ chuồng, không biết lồng về hướng nào để vơ lấy hạnh phúc ngắn ngủi. Nhưng rồi cũng có một lần về phép buồn. Tôi thay thường phục, lấy xe chạy vội vã qua Lê Văn Duyệt, xuống Kỳ Ðồng, qua nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, quẹo phải vào Bà Huyện Thanh Quan và dừng trước cái biệt thự thơm hoa ngọc lan, để gặp Vân Hương. Em gái nàng ra tiếp, cho biết chị đã đi Tân-tây-lan du học, chỉ để lại lá thư. Thư không gởi lên Lệ Trung cho tôi mà để lại nhà, để nếu tôi tới thì nhận được lời giã từ và phân giải, không tới thì thôi. Tôi hiểu cái lộ trình tình cảm như vậy, và nhủ thầm thế cũng là lịch sự chán. Tôi hạ cái Lambretta xuống - cái xe bỗng dưng nặng nề làm sao, đẩy hai lần nó mới chịu đứng xuống đường! Vừa tới trường Gia-Long thì trời đổ mưa. Ðám nữ sinh cậy đàn, chọc ghẹo, tôi nghe được ba cái mồm to nhất “Cho em quá giang mí!” “Anh còn phải đi chở chị Hai, mày ơi!” và một câu rất 'cá nhân': “Ê! Sao đen vậy?” Rồi cả bọn cười khanh khách. Toàn là nhóc mới lớn cả. Trang lứa Vân Hương đã đi hết rồi, cô lên đại học, cô đi lấy chồng... tôi cảm thấy mình thuộc lớp tiền bối. Tôi tấp xe vào chùa Xá Lợi trú mưa. Mưa cao nguyên buồn, làm người ta nhão ra, lịm đi. Mưa Sài Gòn khua động rộn ràng - làm người ta tỉnh táo, cả lúc đang... thất tình. Một cô gái Gia Long chậm chân đang co ro đứng dưới hiên chùa, vừa sợ ướt áo vừa sợ người đàn ông đứng bên cạnh là tôi. Ðấy! Ðứng một mình thì như thỏ mà đứng trong đàn thì như tiểu yêu. Tôi muốn trả đũa cô bé bằng một câu mà các bạn của cô vừa chọc tôi, nhưng trước cổng chùa cũng nên động lòng từ bi. Vả lại, tôi nhớ tôi cũng làm quen với Vân Hương ở đây, dưới hiên chùa này, phía trong. Hôm đó ngày Rằm... nhưng thôi, quên đi! Tôi thấy mưa càng lúc càng nặng hột, nổi bong bóng nổi, một dấu hiệu sẽ mưa dai lắm. Cô bé lộ vẻ bồn chồn rõ rệt. Tôi thương hại hỏi:

“Em quên mang nón à?”

Cô bé ngước nhìn, chắc thấy mặt mũi tôi lương thiện sao đó, nên ngoan ngoãn trả lời:
“Dạ, em quên. Hôm nay lại có bài kiểm mới khổ chớ!”

“Em học lớp mấy?”

“Dạ, lớp mười hai.”

Bỗng tôi nghĩ ra, trong 'cốp' xe Lambretta tôi còn cây dù đàn bà luôn mang theo dành cho Vân Hương ngồi sau che nắng che mưa. Tôi ra xe lấy cây dù, giương lên và đưa cho cô gái, nói:

“Cho em mượn nè. Mau vô làm bài kẻo trễ!”
Cô gái ngạc nhiên, nhưng không giấu được sự cảm động, và không khách sáo, cô cầm lấy cây dù:

“Em cám ơn anh. Nhưng làm sao em trả lại dù được?”

“Không cần.”

“Anh không cần, nhưng em phải trả.”

Giằng co mãi sẽ mất giờ của cô gái, tôi nói.
“Nhà em ở đâu tôi tới lấy. Tôi chạy xe tiện hơn.”

“Dạ, nhà em ở Hồng Thập Tự, cạnh tiệm Anh Ðào.”

Nhìn cây dù quen thuộc dưới mưa, tôi chạnh lòng buồn bã.

Tôi không đi lấy dù ngay, sợ bị hiểu lầm là bần tiện có tí cũng đòi. Nhưng chắc có ngày cũng phải tới... đòi, kẻo cô bé áy náy. Kỳ phép sau tôi thả từ Lê Văn Duyệt xuống Hồng Thập Tự, rẽ tay phải, nơi bàn ghế được bày ra lề đường để đánh vẹc-ni, xông mùi dầu cay cay ngọt ngọt.

Cánh cửa sắt rên siết rồi một người đàn bà trung niên thò đầu ra. Tôi hỏi:

 “Xin lỗi, ở đây có một cô học Gia Long, lớp mười hai, phải không?”

“Cô Tư ơi! Có ông nào hỏi nè!” người đàn bà gọi to vào trong nhà. Tôi đoán bà là người làm hoặc quản gia. Bà hạ giọng nói với tôi:

 “Chắc thầy là thầy giáo? Cô Tư bị khiển trách, hả thầy?”

“Dạ không. Tôi tới xin lại cây dù thôi.”

“Cô Tư ơi! Có người xin cây dù!”

Cô bé Gia Long lật đật chạy ra, tay vén tóc, rối rít:

“Dạ thưa anh!” Rồi cô nói với bà người làm

 “Thím Bẩy lấy nước giùm con.” Thím Bảy đi vào trong, cô bé hạ giọng: “Anh tên chi vậy?”

“Sung,” tôi đáp, rồi cũng bắt chước hạ giọng:

 “Em tên chi vậy?”

“Em tên Thanh Giang. Dạ mời anh Sung vô nhà chơi.”

Trong bộ đồ bà ba, Thanh Giang xinh đẹp hẳn lên và chững chạc. Cũng có thể vì hôm nay không có mưa. Tôi tưởng tượng nếu một người con gái như thế này rớt xuống tiền đồn Lệ Trung thì rừng núi trên đó chắc xôn xao lắm.

“Sao, hôm đó em làm bài được không?”

“Dạ, cám ơn anh, em được mười bốn điểm.”

“Môn gì đó?”

“Dạ, triết.”

“Chà! Triết gia non!”

“Anh ngạo em cụ non! Còn anh? Hôm đó đi thăm chùa hay...?” Giang bỏ lửng câu nói, cười hóm hỉnh.

“Hay gì?”

“Kiếm mấy em Gia Long...”

“Nếu muốn kiếm thì đâu có xa xôi gì... Cô ấy đứng ngay bên cạnh.”

Nói xong câu đùa, tôi thấy Giang không cười mà cúi đầu làm thinh, tôi hơi ân hận, bèn sửa giọng chân thật:

“Ði xa Sài Gòn rồi, anh nhớ nhất cái gì, em biết không? Những buổi đứng trú mưa dưới mái hiên nhà.”

“Tại sao vậy?”

“Cảm giác an toàn tạm nè. Thời buổi này được tạm an toàn là anh hài lòng rồi. Nếu cùng đứng dưới hiên mưa với người yêu lại càng thích hơn. Mưa dai mấy năm cũng kệ. Còn nếu chưa có người yêu thì biết đâu màn mưa và hiên hẹp chẳng tạo ra những mối duyên ướt át.”

Giang cười giòn, bắt đầu bạo dạn hơn.

“Anh có ướt át chưa?”

Tôi chưa kịp trả lời thì một người mở cửa vào. Tôi quay lại thấy một cô gái.

“Chị Hai em về,” Giang nói và đứng lên, như là ngại chị Hai thấy mình ngồi nói chuyện với đàn ông lạ. Cô giới thiệu: “Chị Hai, đây là anh Sung, người cho em mượn dù ở chùa Xá Lợi. Ðây là chị Thủy!”

 Chính cái tên Sung và tên Thủy làm cho chúng tôi cùng đăm đăm nhìn nhau, thăm dò từng nét trên mặt nhau, và cùng hân hoan.

“Thủy! Thanh Thủy! Lớn quá vậy?!”

“Trời ơi! Sung cũng... lớn quá rồi!”

Thủy đã thành một cô gái đẹp lộng lẫy, nhưng dáng thể thao vẫn còn.

“Thủy còn đá banh không?” tôi cười hỏi.

“Banh bung gì nữa, Sung ơi!” Thủy đáp, rồi sờ nắn cánh tay tôi, khen: “Khá rồi!

Không bệu như ngày xưa nữa. Ðen vậy? Ði lính phải không?”

Thanh Giang lúc đầu hứng thú vì tình cờ chị cô cũng quen tôi, sau thấy chúng tôi rối rít ôn lại chuyện xưa một cách thân mật đầm ấm, trong đó cô không dự phần gì cả, cô từ ngượng ngập chuyển sang thất vọng trông thấy. Sau này nghĩ lại tôi thấy mình hơi vô tình. Nhưng lúc này tôi mừng quá đỗi. Ðám trẻ tắm mưa năm nào tản mát, cũng như đàn vịt. Chỉ có thằng Hùng là tôi nhìn thấy nó cùng lớn lên, cùng đi lính, nó chết trận. Hồi đó Thủy là đứa con gái duy nhất đã có trái chanh mà còn chơi với con trai, ngoài ra toàn 'con nít' nhãi ranh cả.

 Nàng ưỡn ngực hỏi:

“Sao? Vợ con gì chưa, Sung?”

“Chưa, vẫn đang chờ sung rụng. Còn Thủy chồng con gì chưa?”

“Ai thèm lấy!”

Tay Thủy không đeo nhẫn. Nhưng một người con gái đẹp, linh hoạt như Thủy mà giờ này còn tự do thì hiếm lắm. Tôi có cách trắc nghiệm đơn giản:

“Thủy đi chơi với anh nghe?”

“Ði thì đi, nhưng lên chức anh hồi nào vậy?”

Nơi đầu tiên chúng tôi thăm là cái sân tắm mưa tại Cư Xá Bắc Hải.

 Tôi chỉ căn nhà xưa của tôi, nói:
“Nhà này thuộc về chủ khác rồi. Bố Sung đi làm tỉnh trưởng ở miền Trung. Cả nhà theo ra. Ðược bốn năm thì ông chết, chết trận. Mẹ và Sung trở về Sài Gòn, bà buồn sinh bệnh đi theo ông luôn. Cũng được gần bảy năm rồi. Mau quá!”

“Anh con một, cha tử sĩ. Lẽ ra được miễn dịch, tại sao anh đi lính?”

“Chạy trốn...”

Chúng tôi đứng yên nhìn cái sân xi-măng hừng hực nắng. Tôi ước mưa đổ xuống lúc này, rửa sạch bớt phiền muộn. Và tôi nhỏ bé lại, nắm tay Thủy trườn nước mưa.

Một bàn tay đàn bà mềm mại nắm tay tôi.
Khi trở lên Lệ Trung, dù nắng đỏ hay mưa lầy tôi để lòng ở Sài Gòn - bên Thủy, trong những cơn mưa. Và nôn nao chờ những ngày phép vàng son, mà tôi gọi đùa là 'Vacances Romaines', theo cái phim Thủy và tôi coi đi coi lại năm lần. Gregory Peck chở Audrey Heburn đi du dương trong thành Roma bằng xe Vespa, còn tôi chở Thủy lang thang Sài Gòn bằng xe Lambretta. Khi mua xe scooter, tôi chọn Lambretta là có ý tứ hẳn hoi. Thời đó bọn tôi thằng nào muốn tôn cặp giò của bồ mặc minijupe thì đi Vespa, thằng nào thích sự khăng khít trên công lộ thì đi Lambretta yên liền. Thủy bao giờ cũng dán toàn thân vào lưng tôi, cánh tay phải vắt qua ngực lên vai trái tôi. Tay trái nàng cầm dù, nắng che nắng, mưa che mưa. Nếu mưa gió quá thì cụp dù luôn. Từ ngày gặp lại nhau, không bao giờ chúng tôi dừng xe để trú mưa. Nếu có mang áo mưa thì chúng tôi ngừng lại mặc áo mưa (xỏ ngược, trước ra sau) và tiếp tục đi. Nếu không, chúng tôi cứ để vậy mà chạy. Tôi hào hứng nói:

“Ðã không?”

“Anh nói gì? Gió tạt em không nghe!”

Tôi nhắc lại câu nói, hét to trong tiếng gió. Thủy luồn tay vào trong áo sơ-mi vuốt ve ngực tôi. Tôi hét:

“Coi chừng! Hai đứa lăn cù ra đường trườn cá lóc bây giờ?”

Thủy cắn vào vai tôi tê dại.

“Mai anh đi rồi, phải không?” Thủy hỏi.

Tôi gật đầu. Lúc đó là cuối tháng 2-1975, tình hình chiến sự đã căng thẳng lắm rồi. Tôi nói:

“Ừ, và có lẽ lâu lắm mới về.”

“Cho em về với anh đêm nay đi!”

Chúng tôi quên bẵng cái hẹn với Giang tối nay đi ăn cháo lòng, ở cái quán gần nhà, bên kia đường. Hôm sau tôi vừa trở ra Pleiku thì có lệnh cấm trại và mấy ngày sau thì lệnh triệt thoái cao nguyên. Lạ lắm, cuộc triệt thoái kinh hoàng đó, tôi lại chóng quên hơn những cơn mưa và những hiên mưa Sài Gòn. Cám ơn cái trật tự riêng của ký ức.

Tôi vào Vũng Tầu, lên tầu ra Phú Quốc rồi vượt biên, được tầu Na Uy vớt và định cư tại Na Uy từ năm 1975. Tôi viết nhiều thư về Hồng Thập Tự, không có hồi âm trong nhiều năm. Năm 1985 tôi lấy vợ. Thế nào rồi cũng có ngày tôi phải về thăm Việt Nam, cho vợ tôi biết quê chồng, cho con biết quê cha. Nhưng cái tin tình cờ về Thủy khiến tôi thu xếp chuyến đi sớm hơn. Trở lại Sài Gòn sau hai mươi năm xa cách, tôi hoàn toàn lạc lõng. Không họ hàng đón tiếp, lại đi với bà vợ Na Uy và một đứa con không biết tiếng Việt, tôi cảm thấy mình là một Việt kiều bệ rạc. Việc đầu tiên sau khi ổn định chỗ ở là tôi đi tìm thuê cái xe Lambretta. Nhưng Lambretta chả có mà Vespa cũng không. Scooter loại khác thì gần khách sạn không có. Thằng con trai, Geir, hơi thất vọng, nhưng Solveig vợ tôi cười nhẹ nhõm:

“Tạ ơn Chúa đã không để bố con tự tử!”

Mà thật vậy, chúng tôi đứng ở chỗ đèn xanh đèn đỏ gần khách sạn đúng một nửa giờ mà không dám thò bàn chân xuống lòng đường (nơi có lằn trắng dành cho người đi bộ đàng hoàng). Cuối cùng phải thuê hai chiếc xe xích-lô để qua đường. Thằng Geir xuýt chết vì nó thấy bác xích-lô cứ đưa thân nó ra làm cái 'parasốc' càn bừa về phía đằng trước, nó hoảng quá nhảy xuống đường. Nhưng nhờ cái thử nghiệm đó mà hai hôm sau Geir qua đường giỏi hơn cả tôi, một cựu trung úy bộ binh có Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. Vợ tôi thì nói “Dân chúng can đảm và xông pha như thế này hèn gì đánh thắng Mỹ!”

Chỉ còn một vài dấu tích xưa - nhà thờ Ðức Bà, Bưu Ðiện, Dinh Ðộc Lập - ngoài ra đã thay đổi hết rồi. Tôi nói chú tài xế taxi cho tới đường Hồng Thập Tự. Chú cũng biết là đường nào, nhưng dạy tôi tên mới là Xô-viết Nghệ Tĩnh. Tôi nhận ra khu bàn ghế, nhưng không thấy tiệm Anh Ðào đâu cả, tôi xin chú tài vòng lại. Chú vui vẻ lái lên một chút, tôi nhìn không thấy tiệm cháo lòng, nhưng thấy một cao ốc; chú vòng lại. Ở chỗ tôi độ chừng là tiệm gỗ Anh Ðào và nhà Thủy, bây giờ là một thương xá rất hiện đại. Tôi nghĩ hỏi thăm vô ích, chẳng khác gì hỏi ruộng dâu giòng nước năm xưa đâu. Tôi chợt nhớ tới cây điệp, nhìn quanh, không thấy cây điệp 'đã vừa người ôm' nào cả. Tôi bấm chuông một căn nhà cũ gần đó. Không ai biết Thủy hay Giang là ai cả. Người trả lời có một giọng Bắc khác hẳn giọng Bắc của nữ ký giả Lê Phan trên đài BBC, của nữ sĩ Bùi Bích Hà trong những băng cassette chuyện gia đình, và của nhà văn Nguyễn Thị Vinh, người đồng lưu dân của tôi. Tôi lại nhờ bác taxi chở tới Cư Xá Bắc Hải. Tôi làm tài khôn:

“Bác chạy Lê Văn Duyệt qua Nghĩa Trang Ðô Thành thì quẹo trái.”

“Lê Văn Duyệt đã đổi thành Cách Mạng Tháng 8. Còn Nghĩa Trang Ðô Thành đã thành Công Viên Lê Thị Riêng, ông ạ.”

“Ðổi tên lạ vậy, bác?”

“Không phải đổi tên, mà xây dựng lại.”

“À, ra vậy. Lê Thị Riêng là ai ạ?

“Không biết.”

Tôi đoán đó là một chiến sĩ cách mạng biết biến những sự buồn bã thành vui tươi. Và những người như thế rất cần cho đất nước tôi, ít nhất là hữu dụng hơn tôi, kẻ đang đi tìm kỷ niệm. Nếu còn cái nghĩa trang chắc tôi có thể ghé thăm mộ Thanh Nga, người giống hệt Thanh Thủy của tôi. Cư Xá Bắc Hải không đổi tên, điều làm cho tôi cảm thấy an ủi. Tim tôi đập mạnh khi bước xuống taxi để chỉ cho vợ con ngôi nhà thời niên thiếu của tôi. Nhờ còn nhớ thuộc lòng địa chỉ, tôi tìm ra ngôi nhà. Nó còn gần nguyên như cũ. Solveig nhìn thấy rõ bàn tay tôi run run khi mở bao máy ảnh, mắt nàng cũng ngấn lệ. Nàng chụp một tấm hình tôi đứng một mình, một tấm đứng với con trai. Một người đàn ông có dáng một ông tướng hồi hưu đứng trên ban công nhìn thờ ơ, chắc ông cũng đoán tại sao tôi chụp hình, nhưng tôi mong ông đừng đoán xa quá, như đòi nhà chẳng hạn. Có cái gì trên đời thực sự của mình đâu mà đòi.

Tiếc là tôi không tìm lại được cái sân xi-măng. Trước đây tôi không hề thắc mắc tại sao lại có cái sân xi-măng ở gần nhà tôi, ai xây, để làm gì. Bây giờ tôi không biết nó biến đi đâu, tại sao. Gần như một điều huyền bí.

Sáng hôm sau lúc vợ con còn ngủ, tôi tới tòa soạn báo Tuổi Trẻ. Không ai nhớ chính xác về chuyện người đàn bà sống bên gốc cây. Họ hứa sẽ hỏi người đã viết bản tin lạ đó khi anh ta đi Hà Nội về. Tôi không chờ được, nên nhờ một cậu honda ôm làm thám tử. Cậu ta truy ra được mười một cái 'ponchot-bên-gốc-cây-điệp-mà-chủ-nhân-là-bà-già', tới ca thứ mười hai thì gặp tất cả các 'yêu cầu' đó cộng với tên Thủy.

 Người đàn bà tên Thủy bị cậu honda ôm đánh thức, dụi mắt nhìn tôi trừng trừng. Tôi không tìm được trên khuôn mặt nhăn nheo đen đúa nét nào của Thủy. Tang thương này tôi không thể tưởng tượng mà cũng không chấp nhận được. Những người tôi quen từ hồi trẻ, dù bây giờ tàn tạ hay phát tướng thế nào chăng nữa, cứ nói tên và nhìn mặt một phút là nhận ra ngay. Còn người đàn bà này? Tôi dè dặt:

“Chào bà.”

 Bà không đáp lại mà hỏi:

“Hỏi ai?”

“Dạ tôi hỏi bà Ðinh Thị Thanh Thủy.”

“Thằng ban nãy hỏi rồi. Bà đây! Có việc gì? Ðuổi ông đéo đi đâu nhé!”

Chết rồi, đây không phải là giọng của Thủy, dù Thủy về già. Nhưng tôi cố:
“Xin lỗi, bà có nhớ một người tên Sung, Trần Văn Sung không?”

Tôi ngồi chồm hổm xuống chờ đợi và cố ý chường mặt ra cho bà nhận diện. Nhưng bà không nhìn nữa, bà đã nhìn tôi từ đầu rồi. Bà quơ chai nước mở nắp tu. Trả lời:

“Sung nào?”

“Sung nhà ai có con gà mái gáy. Sung trườn cá lóc. Sung đường mưa...” Tôi định nói nhiều nữa, những mật mã của Thủy và tôi, nhưng thấy nét mặt vô cảm của người đối thoại, tôi ngưng lại. Tôi bối rối, thất vọng, thương xót, ngờ vực. Hay là tôi nên quên trò chơi này đi? Dù đây là Thủy thiệt mà đã không tự nhận ra mình, cũng không nhận ra tôi thì tôi nên quên đi, tôi nghĩ và đứng lên.

“Thôi cám ơn bà.”

Bà chỉ chờ có thế, lại nằm xuống, lầu bầu.

 Nhưng tiếc công đi tìm, tôi lại ngồi xuống, hỏi:

“Xin lỗi, bà có quen một người tên Ðinh Thị Thanh Giang không ạ?”

Tôi nhắc lại câu hỏi, to hơn. Bà hơi có vẻ quan tâm tới câu chuyện:

“Giang?”

“Dạ vâng, Giang.”

“Biết!”

“Thiệt không? Bà biết Ðinh Thị Thanh Giang?”

Bà già lại ngồi dậy, một con ruồi bám vào mép bà, mép động đậy nó cũng không bay.

“Cũng đến đây hỏi Thủy thiếc gì đấy!”

Tôi mừng rỡ, đuổi con ruồi trên mép bà già, hỏi:

“Bà biết Giang bây giờ ở đâu không?”

“Ai biết! Tự dưng đến hỏi, thấy không phải người thì cắp đít đi thôi, việc gì phải khai địa chỉ.”

“Nhưng Giang, vì cớ gì... tại sao lại hỏi về Thủy.”

“Chị em gì đó, nghe báo đăng...”

Thế là tôi có chút hy vọng rồi. Tôi cám ơn bà già và đứng lên. Bà kêu lại, nói:

“Giả nhời khô cả họng rồi ông Việt kiều phủi đít đi à?”

Tôi hiểu ý, móc túi lấy mấy tờ giấy mười ngàn đưa cho bà, cám ơn một lần nữa.

 Thấy tôi về mồ hôi nhễ nhại, Solveig hỏi:

“Thấy bà ấy không?”

“Không. Người đàn bà ở bên gốc cây mà tờ báo nói chỉ là người trùng tên với Thủy.”

“Trùng hợp là thường trên đời này.”

Tôi định nói rằng còn nhiều trùng hợp kỳ dị hơn nữa: cô em của Thủy cũng đọc mẩu tin mà tôi đọc, và cũng tới tìm chị. Nhưng bỗng nhiên cái cảm giác chới với vô vọng trước thời gian xâm chiếm tôi. Cảm giác trên đường Hồng Thập Tự - đứng trên bãi dâu mà hỏi đâu giòng nước cũ - trở lại; mãnh liệt hơn.

Tôi nói với Solveig:

“Mai mình đi Cần Thơ, nghe em. Chẳng còn bao ngày giờ.”

Tâm Thanh