Kỷ vật - Đoàn Mai Tâm

2014-08-29 09:32

Mỗi sáng chúa nhật, ngay khi vừa tỉnh giấc, tôi thường có thói quen gọi điện thoại về Việt Nam thăm mẹ. Trong khi chờ điện thoại đầu dây bên kia reo, tôi ngắm bức chân dung của Mẹ trên bàn. Mẹ cũng quen dần với cái giờ giấc ấy nên thường Mẹ bốc máy, và ngay lời đầu tiên Mẹ gọi tên tôi. Lời nói của Mẹ phát ra từ đầu dây bên kia, mà tôi tưởng chừng như phát ra từ bức chân dung.

Qua cách bốc máy và giọng nói của Mẹ, tôi đoán được sức khỏe của Mẹ lúc đó thế nào. Nhưng cũng có những lần nhấn số điện thoại rồi, tôi nóng lòng chờ qua từng tiếng máy reo, rồi lo lắng theo tiếng máy lịm tắt trong im lặng. Khi đó tôi thường hoảng hốt, tưởng tượng ra cảnh cả nhà đang vây quanh Mẹ trong nhà thương. Tôi liền gọi cho anh, em khác ở xung quanh đó để hỏi về tình trạng sức khỏe Mẹ. Có những lần tôi thở phào ra nhẹ nhõm, vì anh chị hay em đón Mẹ về nhà chơi.

Sở dĩ, tôi theo dõi tình hình sức khỏe Mẹ như thế là để lỡ có chuyện gì còn kịp thời gian xoay xở. Vì mỗi lần về thăm, lúc chia tay lần nào Mẹ cũng nói với tôi trong nước mắt rằng nhìn mày lần này, chẳng biết có còn...Rồi Mẹ nói tiếp, nếu Mẹ có làm sao...con cũng đừng vội vàng về; ngày bà ngoại con mất, cậu, dì con từ Mỹ vội vàng về gặp trận bão, máy bay không hạ cánh xuống Sài Gòn được làm cho cả nhà lo lắng. Con cứ an tâm đừng lo lắng gì cho Mẹ, vì tất cả mọi thứ Mẹ đã chuẩn bị rồi; Mẹ lại là ân nhân của nhiều tổ chức ở đây, họ cũng đã chuẩn bị cho Mẹ sẵn sàng cả.

Nhưng gần đây, trong một vài lần nói chuyện qua điện thoại, Mẹ lại tỏ ý muốn tôi về, mẹ muốn nói chuyện riêng với tôi. Chuyện này làm tôi suy nghĩ mông lung, hay Mẹ bị bệnh hiểm nghèo, Mẹ đã biết ngày giờ cuộc ra đi của Mẹ. Càng suy nghĩ, càng thúc đẩy tôi mau chóng sắp xếp chuyến về thăm mẹ. Và chẳng bao lâu sau, tôi đã sẵn sàng lên đường.

Ngay khi đứa em kế, em út đón tôi từ phi trường về đến nhà, ngôi nhà tổ, một bữa cơm gia đình được bày ra, bắt đầu buổi gia đình sum họp. Cuộc gặp gỡ anh chị em trong gia đình chúng tôi vui như bao nhiêu lần chúng tôi có dịp gặp nhau; nhưng hôm ấy kéo dài thêm do bởi những mẩu chuyện về thời thơ ấu của Mẹ. Mẹ kể về cuộc đời của mình:

“Bố tôi chết sớm lúc tôi mới sinh được có vài tháng. Lúc ấy tôi bị lở lưỡi, bố lên tỉnh mua mật ong về để thoa lưỡi cho tôi, theo cách chữa trị lúc bấy giờ. Khi về đến nhà, bước xuống xe, chẳng may bố bị té sấp mặt xuống đường; chai mật ong trong túi bị bể, mảnh sành đâm vào ruột; bố chết.”

“Chừng ba năm sau đó, mẹ tôi đi thêm bước nữa. Ngày mẹ tôi đi lấy chồng, tôi còn bé, tôi cứ đòi đi theo mẹ, tôi không chịu ở với ông nội. Dì tôi ở với tôi, dỗ dành rồi đưa tôi về nhà ông ngoại, ông tổng Chiêu. Thời gian sau, ông nội đón tôi về nuôi. Ông nội quý tôi lắm, ông chăm sóc cho tôi, nhất là lúc ốm đau. Tôi ở hết bên nội rồi lại qua bên ngọai; tuổi thơ cua tôi trải dài trên con đừơng nối liền nhà ông nội với nhà ông ngoại chừng vài trăm mét. Chừng hơn ba năm sau đó, một lần mẹ đến nhà thăm ông ngọai, mẹ bảo tôi về ở chung với mẹ và chơi với em; nhưng bấy giờ, tôi lại không chịu về ở chung với mẹ nữa.”

“Thời gian sau, một hôm ông ngoại bảo tôi, con gấp quần áo và sắp xếp các thứ cần dùng vào giỏ chuẩn bị ông cháu mình đi chơi ít ngày. Buổi sáng trước khi đi, ông ngọai bỏ thêm vào trong giỏ cho tôi vài thứ tôi còn thiếu.Tôi bám theo chân ông trên suốt con đường đi. Với tôi, quang cảnh hai bên đường cái gì cũng mới lạ, vì đây là lần đầu tiên tôi thoát ra khỏi con đường tuổi thơ, con đường nối liền nhà ông nội với nhà ông ngoại.”

“Đến  quá trưa, nơi ông ngoại tôi ghé vào, địa điểm ông ngoại dẫn tôi đến chơi chính là nhà mẹ và bố dượng của tôi. Tại đó, tôi quấn quít không rời ông ngoại, nhưng  ông bảo người giúp việc tên Bật cho tôi xuống thuyền chèo đưa tôi ra sông lẻ (sông nhánh, sông nhỏ) chơi, và ông nói ông còn ở lại đây ăn cơm và chơi lâu. Nói rồi, ông dẫn tôi theo anh Bật ra bờ sông. Khi đến bờ sông, ông bế tôi lên thuyền, tôi ngước nhìn lại ông, tôi thấy nước mắt ông ngọai trào ra. Trong lúc ở trên thuyền, tôi mải mê chơi với cảnh mới lạ trên sông cho đến khi anh Bật đưa tôi trở lại nhà. Tôi vội vàng tìm ông, vì tôi cứ tưởng ông ngoại còn đang chơi, ăn cơm ở nhà mẹ và bố dượng tôi. Không ngờ, ông ngoại đã ra về lúc nào tôi không biết. Khi không thấy ông, tôi hoảng hốt kêu khóc, mẹ an ủi dỗ dành tôi rằng, bà bảo sẽ cho người dẫn tôi về nhà ông ngoại.”

“Nhưng chờ mãi tôi chẳng thấy ai dẫn tôi về nhà ông ngoại. Một thời gian sau, mẹ tôi mua khung cửi về dạy cho tôi tập dệt vải. Tôi quen dần với công việc này, và tiếp tục làm mãi cho đến khi có người đến hỏi cưới tôi.”

“Sau khi tôi có gia đình, một hôm ông nội đưa cho tôi một món tiền và bảo tôi, cái này là của bố con ngày trước, ông giữ giùm, bây giờ ông giao lại cho con. Nhờ món tiền ấy, hai vợ chồng tôi có vốn làm ăn, gầy dựng nên cơ nghiệp. Mãi về sau, khi ông nội chia gia tài, tôi cũng được ông  chia cho một phần.”

Mẹ tôi sống trong cảnh côi cút, nhưng được cả hai bên ông bà nội ngoại thương yêu, đối xử công bằng, giúp Mẹ tin tưởng vào họ hàng gia tộc, tin tưởng vào cuộc đời để vui sống. Mẹ tôi được thừa hưởng cái gía trị tinh thần ấy từ ông bà, bây giờ Mẹ đang truyền lại cho tôi. Đêm hôm ấy, Mẹ bảo tôi, một phần ngôi nhà này là của con, bố mẹ đã di chúc cho con, nhưng con đã để lại làm ngôi nhà tổ, làm nơi gặp gỡ anh em họ hàng. Như thế, con chưa được cái gì của bố mẹ cả. Nói rồi, Mẹ đặt vào tay tôi một túi đồ nho nhỏ cỡ hai bàn tay, bên ngoài thêu hoa trên nền vải màu tiết bò. Tôi bảo Mẹ, Mẹ tuổi già, Mẹ phải chi tiêu nhiều thứ. Mẹ bảo, con cứ an tâm, Mẹ đã phân chia đâu vào đó cả rồi. Đây là phần của con. Tôi ngồi im lặng, cho đến khi Mẹ bảo, đi ngủ, đi cả ngày rồi, mệt. Trong suốt thời gian ở thăm Mẹ, tôi cứ băn khoăn suy nghĩ, không biết mình phải sử dụng món quà này cách nào.

Sau khi tôi trở lại Na Uy một thời gian, anh tôi báo tin, Mẹ đã vào nhà thương hơn một tuần rồi mà bệnh tình xem ra không có chiều hướng thuyên giảm. Giọng nói của Mẹ giờ đây rất yếu ớt, Mẹ không thể nói chuyện với tôi qua điện thoại được nữa, dù với sự giúp đỡ của người anh cả, người đang chăm sóc cho Mẹ ở nhà thương. Tôi hỏi anh, Mẹ nói gì với em vậy. Anh tôi  bảo, Mẹ nói em đừng vội vàng về, đường sá xa xôi, nguy hiểm lắm.

Thực ra, gia đình tôi đã đặt vé máy bay dự định về thăm Mẹ rồi, nhưng ngày đó còn hơn một tháng nữa; liệu ngày ấy có còn kịp! Suy đi tính lại, rồi tôi bảo các con đặt ngay cho tôi một vé máy bay nhanh nhất có thể; và tôi đã có thể sẵn sàng lên đường và sẽ được gặp Mẹ tại nhà thương nơi mẹ đang điều trị vào hai ngày sau đó.

Ngay lúc gặp tôi, tuy sức khỏe Mẹ vẫn yếu, nhưng mắt Mẹ nhìn tôi không chớp. Khi tôi cúi xuống hôn Mẹ, tôi nghe Mẹ bảo: Con đen và gầy hơn lần trước. Bấy giờ tôi an lòng hơn một chút, vì biết rằng Mẹ vẫn còn minh mẫn, mình vẫn còn có thể giao tiếp được với Mẹ bình thường dù giọng nói yếu ớt. Tuy vậy, ngay lúc ấy hai Mẹ con tôi không nói chuyện với nhau được nhiều, vì đông khách đến thăm Mẹ. Cứ mỗi lần một người khách ra về, Mẹ tôi lại bảo, họ đến thăm mình rồi làm sao mình đến thăm họ đựơc. Mẹ nói đến lần thứ ba, tôi an ủi Mẹ, Mẹ đã ăn ở với người ta như thế nào, thì bây giờ người ta mới tới thăm Mẹ chứ; Mẹ cứ an tâm đón nhận lòng tốt của họ, rồi con cháu Mẹ sẽ đến thăm họ, lo gì.

Ngay sau khi người khách cuối ra về, người thư ký bệnh viện đến đưa phiếu ứng trước tiền viện phí cho anh em chúng tôi, Mẹ lại thắc mắc về số tiền. Mẹ càng thắc mắc hơn, vì anh em chúng tôi vừa quyết định xin nhà thương chuyển Mẹ sang Phòng Dịch Vụ, phòng có máy lạnh, yên tĩnh và điều kiện vệ sinh khá hơn. Chúng tôi lảng qua chuyện khác để Mẹ quên, rồi dặn người thư ký để phiếu ứng tiền lại văn phòng, chúng tôi sẽ tự đến thanh toán. Ngoài ra, chúng tôi thuê một căn nhà ở gần bệnh viện cho con cháu đến thăm mẹ có chỗ nghỉ ngơi; và đồng thời giúp cho mỗi con cháu chỗ ăn uống, chi phí di chuyển. Tất cả mọi chi phí chẳng đáng gì so với món quà Mẹ cho tôi hôm trước. Phần quà còn lại, tôi giao cho các anh chị em chi dùng cho các lần Mẹ phải nhập viện về sau. Phần mình, tôi giữ lại cái túi thêu hoa màu tiết bò là kỷ vật thẫm đẫm tình thương Mẹ truyền lại cho tôi.

Bây giờ, mỗi sáng chúa nhật, gọi điện thoại về Việt Nam thăm Mẹ, trong lúc chờ điện thoại đầu dây bên kia reo, tôi vẫn thường ngắm bức chân dung của Mẹ trên bàn. Và bên cạnh đó, giờ đây, còn có thêm một khung hình với độ lớn tương tự; khung hình khám một miếng vải nhung màu tiết bò, đã được thêu đan kết lại thành một cái túi nhỏ. Đây là kỷ vật, tượng trưng một món quà tinh thần từ ông bà vừa được Mẹ truyền lại cho tôi.

 

Đoàn Mai Tâm