Màu nhiệm của tình yêu - Vũ Thanh Thủy

2015-12-04 15:40

«Lạy Chúa, con muốn trở nên người chiến sĩ của Chúa, sẵn sàng chết cho Tình Yêu.» (St. Augustine)

 

Mỗi tháng Năm, «Ngày Của Mẹ» thường gợi ta nghĩ ngay đến Tình Mẹ yêu con là một tình yêu phi thường đã tạo nên bao điều mầu nhiệm. Nhưng cuộc đời chứng minh Tình Yêu nào cũng có thể làm nên những việc phi thường, nếu ta chấp nhận sống chết cho Tình Yêu đó.

Lớn lên trong thời đại «cách mạng phụ nữ đòi quyền bình đẳng với nam giới,» tại Việt Nam cũng như tại Hoa Kỳ, tôi thường nghi ngờ những lời khen tặng phụ nữ một cách quá đáng theo kiểu Tú Xương làm thơ tặng vợ, «quanh năm buôn bán ven sông, nuôi đủ năm con với một chồng». Dường như những lời ca tụng đàn bà thường được các ông nói lên với hậu ý. Hầu hết chỉ ca tụng vợ... người khác, ít ông nào ca tụng thẳng vợ mình. Một chị bạn tôi có lần chua chát nhận xét, «đàn ông và xã hội Việt Nam hết lời ca ngợi sự đảm đang của đàn bà chỉ để tụi mình cố mà đảm đang tới... chết luôn

Tôi bao lần thắc mắc tìm hiểu sao không ai ca ngợi đàn ông hết vậy? Bộ đàn ông Việt Nam không có «khuôn vàng thước ngọc» để theo hay sao? Mặc dù tôi yêu chồng con tôi hết lòng và không quản ngại lo cho chồng con, tôi vẫn không thể không đòi hỏi sự ghi nhận và đáp trả. Tôi không hiểu tại sao cùng là con người được sinh ra y như nhau, mà xã hội lại đặt ra những lề thói bất công cho phụ nữ như thế. «Đàn bà phải thế này, thế nọ...,» còn đàn ông thì...tha hồ tự do.

Những thắc mắc của tôi không dừng lại ở phạm vi gia đình và xã hội, nó len lỏi cả vào đời sống tâm linh của tôi. Tôi sợ bài sách Cách Ngôn nói về «Người vợ đảm đang, người mẹ nhân đức lúc nào cũng thức khuya dậy sớm, lo lắng cho hết cả nhà, chu toàn từ trong gia đình ra ngoài cổng thành (xã hội), mà miệng lúc nào cũng mỉm cười.» Đối với tôi, đòi hỏi một người đàn bà phải toàn hảo như thế thật là một sự bất công. Tôi ấm ức mãi về những thắc mắc này. Cho đến khi tôi tìm ra câu trả lời.

Tôi cảm nghiệm được điều này trong một khóa tĩnh tâm. Chưa bao giờ trong đời, tôi ý thức được tác động của Tình Yêu mãnh liệt đến độ nào như khi tôi quỳ trước Thánh Thể Chúa trong khóa tĩnh tâm năm 1989. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu ra Chúa yêu thương tôi như thế nào. Và cũng lần đầu tiên trong đời, tôi biết yêu Chúa, chữ YÊU ở đây phải được viết hoa với tất cả sự mãnh liệt của đầu óc, con tim và linh hồn.

Cảm nghiệm này cho tôi một lý tưởng mới, một ý thức mới và một sức sống mới vô cùng mạnh mẽ. Tôi bắt đầu biết cầu nguyện, biết «chuyện trò» với Chúa, biết nhận định, biết «gọi tên» những cảm nghiệm trước đây mơ hồ trong đời sống. Và sự hiểu biết này đã cho tôi một ý chí mới làm thay đổi toàn diện đời sống của tôi. Nhất là về cách YÊU THƯƠNG.

Tiếng Việt chỉ có một chữ TÌNH để chỉ chung cho tất cả: tình vợ chồng, cha mẹ, bạn hữu... Tiếng Hy Lạp có rất nhiều chữ nhưng có hai chữ thường được dùng trong Thánh Kinh là EROS và AGAPE. Eros là tình yêu có qua có lại. Được yêu thế nào thì ta yêu lại như thế. Nếu không thấy được yêu nữa thì ta có quyền ngừng thương yêu. Đây là loại tình yêu trần gian cho là khôn ngoan nhất. Còn Agape là tình yêu vô điều kiện được trao tặng nhưng không. Nếu đã từng dự khóa tĩnh tâm có buổi tiệc Agape, ta khó lòng quên được, khi ta nhận bánh và rượu tượng trưng cho Mình và Máu Thánh Chúa, đồng thời cũng nhận tình yêu Agape vô biên của Người.

Đây chính là thứ tình yêu tôi cảm nghiệm Thiên Chúa dành cho tôi. Tôi đồng thời cũng nhận ra từ trước tới nay, tôi đã không hề yêu theo kiểu Agape, mà chỉ yêu kiểu Eros. Tôi cân đo từng hành động, tôi so sánh từng lời nói. Tôi muốn chồng con đáp trả tương xứng với tình thương tôi cho đi một cách chọn lọc, tính toán. Trong đời sống gia đình, không ít lần tôi bực bội, «tại sao TÔI cứ phải làm cái này, làm cái kia. Tại sao cứ là TÔI?» Cái TÔI to như thế thì chắc chắn là tôi đã không yêu theo kiểu Chúa dạy. Yêu mà không phục vụ là chỉ yêu chính bản thân mình. Người yêu thương thật tìm vui cho chính mình bằng phục vụ. «Chính lúc hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân» (Thánh Phanxicô Assissi). Điều này thường bị người đời cho là khờ dại. Trước đây, tôi không muốn bị coi là «khờ dại» nên tôi dùng khôn ngoan người đời để tính toán, so đo.

Bây giờ, cảm nghiệm được thứ tình yêu Agape của Chúa và ao ước đáp trả Tình Yêu Người, tôi rũ bỏ được mọi thắc mắc, so sánh hơn thiệt. Thật kỳ diệu khi ân sủng của Tình Yêu Chúa biến đổi khả năng nhận thức của con người. Khi tôi chưa ý thức được thế nào là Yêu, thì cũng làm những việc này, nhưng tôi thấy như bị bắt buộc phải làm trong tù túng và bực bội. Như người y tá được trả lương để chăm sóc người bệnh nhưng luôn than thở về công việc «hầu hạ» cực nhọc, trong khi Mẹ Theresa và đoàn nữ tu của bà lại tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong việc phục vụ không công cho những người nghèo khổ nhất. Bây giờ tôi mới hiểu tại sao. Từ việc nhận thức mình là người công giáo, phải «khác» người không biết Chúa, đến ý thức mình là cursillista phải «khác hơn» người công giáo khác, tôi nhận ra cái khả năng phi thường của Tình Yêu thay đổi toàn bộ cách nhìn sự việc của lý trí. Quả là một mầu nhiệm của Thiên Chúa mà sự khôn ngoan người đời khó mà hiểu được.

«Tình Yêu không bao giờ thất bại» (1Côr 13:2). Tôi nghiệm câu này chưa bao giờ sai. Trong suốt cuộc đời, tôi đã thấy tình yêu làm được muôn điều kỳ diệu. Sự bày tỏ tình yêu giữa con người không chỉ tác động người trong cuộc, mà còn làm mềm lòng mọi người chung quanh. Vấn đề chỉ là kiên nhẫn và có lòng quyết tâm. Trong một lần được gặp Đức Cha Nguyễn Văn Thuận, tôi đã được nghe Nguời nhắc lại câu, «Ơn Chúa không bao giờ thiếu, nhưng ý chí của con có đủ không?» (Đường Hy Vọng, câu 1000)

«Ý chí của tôi có đủ không?» Mỗi ngày, tôi tự hỏi câu này. Tôi cần ý chí giúp tôi vững bước trên đường theo Chúa. Vì nếu không có ý chí. Tình Yêu sẽ làm tôi yếu mềm, cả nể, thụ động. Ngược lại nếu không Tình Yêu, ý chí sẽ biến tôi thành độc đoán, nghiêm khắc, cứng cỏi và «khó thương.»

Bài sách Cách Ngôn ở trên không còn làm cho tôi lo sợ nữa. Tôi không còn thấy đó là bổn phận và trách nhiệm «ghê gớm». Mà thấy đó là con đường Chúa vạch sẵn cho chúng ta đi, thật cẩn trọng và thật rõ nét, không chỉ cho người đàn bà, mà cho bất cứ con người nào biết yêu thương, nhất là cho từng người cursillistas chúng ta. Đường dù còn rất xa, nhưng ta chỉ cần một hành trang duy nhất là Tình Yêu. Đây là loại hành trang càng cho đi càng sinh sôi nảy nở. Và Tình Yêu thật sẽ mời gọi, rủ rê thêm Tình Yêu để Tình Yêu của chúng ta có thể tăng trưởng mãi mãi.

Vũ Thanh Thủy