Năm Ngọ, tán gẫu... chuyện ngựa - Hoài Mỹ

2014-08-29 10:04

So với tên của 11 con Giáp khác, chỉ có tên Ngựa và tên Giáp của nó chẳng những khi được xướng lên đều đồng âm trắc - mà cả lúc viết, các mẫu tự cũng gần y hệt nhau: Ngọ - Ngựa. Sở dĩ có ”sự cố” như vừa kể là bởi cổ nhân muốn tưởng thưởng đức tính quân tử và đại lượng của ngựa:

 Số là theo truyền thuyết, thuở Thiên Địa mới hình thành, cõi trời và hạ giới vô cùng khác biệt và phức tạp, chẳng hạn về thời gian, một ngày trên cõi trời dài bằng mười năm ở hạ giới. Đấy truyện Lưu Nguyễn Nhập Thiên Thai đã chứng minh. Sinh-vật-chủ-thể trên cõi trời gọi là Tiên, trong khi dưới trần thế gọi là Người. Việc ổn định cõi trời diễn ra nhanh chóng, còn ở hạ giới thì đúng như ngôn ngữ bình dân đã mô tả: ”Trần ai khoai củ”. Bởi thế Ngọc Hoàng đã phải trải qua nhiều thời kỳ lao động ”mệt không nghỉ” để tổ chức cho loài người được hoàn chỉnh. Mặc dầu vậy xét cho cùng, loài người tuy đông đảo thật nhưng tựu trung lại có những điểm tương đồng về hai lãnh vực: ”Tuổi” và ”mạng”. Dựa trên hai cơ trần (lẽ huyền bí trong cõi đời) này, Ngọc Hoàng phân chia loài người thành 12 đơn vị. Để đánh dấu cho 12 đơn vị ấy, Ngọc Hoàng bèn chọn 12 con vật tiêu biểu. Thế nhưng trần gian thuở đó đã có hàng triệu triệu loài vật, vậy lấy tiêu chuẩn nào mà chọn lựa? Để được sự công bình, không gì bằng việc thi đua. Thế là Ngọc Hoàng ra lệnh cho mọi loài vật được tham dự một cuộc chậy đua, lấy cây đa trên Cung Quảng làm mức đến. 12 con vật nào từ nơi mình đang định cư mà về tới đích nhanh nhất thì được chọn làm Giáp mà ”cầm tinh” loài người.

  Tại sao ngựa lại chỉ đứng hạng trung bình trong số 12 con Giáp?

-Bởi tính quân tử của ngựa: Giúp bạn:

Thật khủng khiếp đến không tưởng tượng nổi khi diễn ra một cuộc thi đua quá ư đông đảo loài vật như vậy. Phải, thuở ấy, trời và đất vốn chẳng cách xa nhau lắm lại chưa ngăn sông cách núi nhiều và cũng không lúc nhúc loài người, loài vật như ngày nay, thành ra việc tổ chức vĩ đại cỡ nào thì cũng tương đối... dễ thôi. Khi Thiên Lôi theo chỉ thị của Ngọc Hoàng ra hiệu lệnh bằng cách gầm lên những tiếng sấm sét, tức thì muôn muôn loài vật ngay lập tức co giò, lăn mình hoặc phóng thân hay bay, nhẩy... về hướng Cung Quảng.

  Khách quan nhận xét, ngựa đã phi nước đại mà dẫn đầu nhưng khi ngoái cổ nhìn lại, chợt thấy trâu đã toát hết mồ hôi mà vẫn ì ạch phía sau. Ngựa vốn thương trâu vì hoàn cảnh mà hai đứa vốn ”đồng hội đồng thuyền”, chẳng thế mới có câu ”đầu trâu mặt ngựa” dù khác biệt phận sự - ”trâu cày, ngựa cưỡi” - nhưng trước sau cũng vẫn là ”thân trâu ngựa”. Nghĩ vậy, ngựa bèn giảm bớt tốc độ ”vó câu muôn dặm” để cho trâu qua mặt mình mà không cần... bóp còi. Nhờ vậy trâu đã lên được vị trí hàng đầu. Nào ngờ khi trâu về gần tới đích, con chuột ranh mãnh đã nhảy lên nấp ở cổ trâu từ hồi nào mà trâu không hề hay biết; chuột liền phóng mình qua sợi dây căng giữa cây đa với cái cột của dinh thự Hằng Nga, chiếm vé hạng đầu. Trâu hậm hực phản đối nhưng điều lệ không ghi rõ phương thức cụ thể, bởi thế việc khiếu nại đã không được cứu xét. Trong lúc đó, ngựa vì bận tâm giúp bạn mình mà bị thụt lại, cố gắng chạy nước rút mà không kịp nữa, đành về đến mức hạng 7, không kể chuột và trâu, thua cả cọp, mèo, rồng và rắn.

  -Bởi tính đại lượng của ngựa: Hiến tặng chân:

Thuở mới tạo dựng muôn loài, Ngọc Hoàng còn thiếu... kinh nghiệm nên chưa có tiêu chuẩn căn bản trong việc bố trí chân cho chúng, chẳng hạn ngựa thì 8 chân, cò 1 chân, chó 3 chân, nữ giới loài người - tục gọi là đàn bà - lại chẳng có chân nào.

  Cò đi lại rất khó khăn trong việc lặn lội ăn đêm, bèn năn nỉ ngựa bố thí cho 1 chân. Ngựa bản tính vốn hào phóng, ô-kê liền, chỉ căn dặn: ”Chân tao vốn chỉ đi trên thảo nguyên khô ráo, trong khi mày lại chuyên lê lết nơi bùn lầy nước đọng dơ dáy. Vậy những khi không cần thiết lắm, mày hãy làm ơn nhắc cái chân mà tao cho mày lên nhé”. Từ đó cò có 2 chân và khi ngủ, nó thường co một chân lên cho sạch.

  Chó biết chuyện, cũng mon men đến xin ngựa ủng hộ một chân. Ngựa đồng ý, vì: ”Tao đang 7 chân, còn mày thì 3, đôi ta đều lẻ, đi đứng bất tiện. Ừ, thì cho, nhưng mày hay tè bậy bạ, e làm bẩn chân tao”. Chó vội vàng: ”Không ạ; trăm lần không, vạn lần không! Đệ tử xin thề, những lúc ấy, đệ tử sẽ co chân của đại ca lên cho sạch”.

  Danh tiếng ngựa tốt bụng được đồn khắp nơi, đến tai người đàn bà. Người này ứa nước mắt, ngẫm nghĩ: ”Số mình khổ hơn cả cò, chó. Làm lụng, di chuyển đều bằng tay, lúc nào cũng chổng mông lên trời. Nay xin ngựa một chân, không lẽ bác ấy từ chối?”. Quả thật khi nghe người đàn bà ”ca bài con cá”, ngựa động lòng: ”Tao sẵn lòng tặng miễn phí, chỉ sợ mai này sẽ có thằng nào đè lên chân tao, đau lắm”. Người đàn bà thề sẽ ”bảo quản” an toàn.

  Thế là từ đấy, ngựa có 4 chân, cò 2 chân, chó 4 chân, đàn bà 2 chân như ngày nay. Cách riêng người đàn bà mỗi khi ”lâm trận” vẫn nằm ngửa để dễ bề co 2 chân lên như xưa đã long trọng hứa với ngựa.

  Ngựa, mi là... loài nào?

  Nói cách tổng quát, ngựa là loài thú trong lục súc - mà ’lục súc” là 6 giống vật nuôi ở trong nhà: Ngựa, trâu, dê, gà, chó, lợn. Còn định nghĩa theo kiểu ”thường thường bậc trung” thì ngựa là loài thú to, móng cao và cứng, gáy có lông dài (bờm), đầu dài, trên có chòm tóc, đuôi dài, chạy nhanh và thích chạy.

Lại truy tầm nghĩa có tính khoa học, ngựa nói chung hay ngựa đã thuần (Equus ferus caballus)

 đều là  hậu duệ của loài ngựa hoang (Equus ferus),

một trong số 8 loài của họ Equidae còn sinh tồn cho tới ngày nay.

Ngựa là loài động vật có móng guốc mà khởi thủy sinh sống ở các vùng thảo nguyên thuộc châu lai Âu-Á (European Asia), trải dài từ Ba Lan đến Mông Cổ. Sau khi được thuần hóa, loài ngựa này dần dần lan tràn khắp thế giới. Những con ngựa đầu tiên được người thuần dưỡng cách nay cũng khoảng từ 130,000 đến 160,000 năm.

Loài ngựa có nhiều bộ lông khác nhau; con màu đen hoặc xám, con màu nâu hay đỏ, hồng... Thế nhưng người ta vẫn “bé cái lầm” giữa ngựa trắng với ngựa bạch (hay bạch mã). Cần phân biệt là “ngựa bạch chính hiệu” có da màu hông nhạt không sắc tố (unpigmented skin), sinh ra có bộ lông màu trắng không sắc tố và trắng mãi suốt đời. Đa số ngựa bạch có mắt đen huyền nhưng cũng có thể có mắt nâu, xanh hoặc nâu vàng... Trong khi đó, ngựa thường được cho là “trắng” thật sự là ngựa “xám” có bộ lông trắng hoàn toàn nhưng lớp da ở dưới gần mắt và mõm màu đen...

Ngoài ra, liên hệ đến loài ngựa, tưởng cũng cần nêu ra ở đây 2 loại động vật gần gũi nhất với ngựa. Thứ nhất là Lừa (Equus asinus),

một loài động vật có vú thuộc họ Equidae hay họ Ngựa, một họ thuộc bố guốc lẻ. Lừa nhỏ con hơn ngựa và chậm chạp, thường được dùng vào việc chuyên chở nên bị mang tiếng “thân lừa ưa nặng”. Thứ hai là Ngựa Vằn, loài thuộc phân chi Hippotigris và Dolicholippus, nổi bật những vằn trắng và đen xen kẽ. Chúng là loài động vật sống theo bầy đàn, không giống như các loài có quan hệ gần gũi như ngựa và lừa. Ngựa vằn không được thuần hóa...

-Sinh sản:

 Thời gian ngựa cái mang thai kéo dài khoảng 335 - 340 ngày. Ngựa thường sinh một. Chào đời được ít giờ, ngựa con có khả năng đứng và chạy. Sự phát triển của ngựa tùy thuộc vào giống, giới tính, chất lượng dinh dưỡng và kích thước của ngựa. Tuy nhiên ngựa lên 4  tuổi là được “đánh giá” là trưởng thành và sự phát triển tiếp tục cho tới khi ngựa được 6 tuổi. Một con ngựa có thể cân nặng hơn 1,000 kg.

-Tuổi đời:

Tuổi thọ của ngựa nói chung từ 20 đến 30. Giống như chó, loại ngựa bé nhỏ về thể lý thường thọ hơn loại to xác. Đến nay người ta vẫn không biết vì sao. Điển hình là loài ngựa “Mirature Horse”, sống tập trung ở vùng núi South Carolina, Hoa Kỳ, là giống ngựa nhỏ nhất trên thế giới, chỉ cao từ 35 đến 47 cm, nhưng lại có tuổi thọ trung bình từ 40 đến 50 tuổi đời.

Vào thế kỷ 19, con ngựa mang tên “Old Billy” được kiểm chứng là sống thọ nhất với 62 tuổi đời. Richard Miller, một người Anh quả quyết rằng con ngựa Ái Nhĩ Lan “Tulle” của ông ta đã thọ tròn 57 tuổi. Sách Kỷ Lục Guiness liệt kê Sugar Puff, chết ngày 25-05-2007, thọ 56 tuổi, là con ngựa “pony” (loại ngựa nhỏ) đã sống lâu đời nhất trong thế giới ngựa.

-Sinh hoạt:

 Ngựa vốn là thú vật có tính hợp quần, sống thành từng bày (đàn) do một ngựa đực (stallion) chỉ huy. Đàn này thường gồm một số ngựa cái và số ngựa con của chúng. Trong khi con đực mắc bận bảo vệ “đàn thê tử” thì một con cái điều khiển nhóm; thường là con cái lớn tuổi nhất trong bày, vốn giàu kinh nghiệm hơn cả. Ngựa cái sống trong đàn trọn đời, trong khi các con đực dần dần phải nhường ngôi vị cho một con đực khác trẻ hơn để rồi bị đào thải khỏi đàn. Trong đàn luôn luôn hiện hữu một hệ thống tôn ti chặt chẽ, theo đó các “cá nhân” bảo vệ và chăm sóc lẫn nhau, chẳng thế mới có câu “một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Nếu một con ngựa đực khác tìm cách giao phối với một con cái trong bày thì con đầu đàn sẽ bảo vệ “cung phi” của mình. Các trận đấu giữa các con đực có thể đưa đến cái chết cho một trong các tình địch ấy. Con đầu đàn chỉ giao phối với những ngựa cái trong đàn, nhưng không bao giờ với con cái nào vốn là con của nó.

-Công dụng:

 Trong chiến tranh thời cổ, ngựa chiến được sử dụng rộng rãi. Ngày nay ngựa thuần được dùng nhiều nhất trong các lãnh vực du lịch (chở du khách tham quan danh lam thắng cảnh) và thể thao như chậy nước kiệu, phi nước đại, nhẩy qua rào cản hay huấn luyện thú vật... Tuy nhiên ngựa cũng còn được dùng vào việc cày bừa, vận tải và giải trí. Ngoài ra nhiều trường dạy cưỡi ngựa vẫn cung ứng việc gọi là “therapyriding” cho những người vốn  mang các chứng tật về thể lý hoặc tâm thần.

Hiện nay trên thế giới có khoảng trên 500 giống ngựa khác nhau, trong số này phỏng độ 100 loại được kể là phổ biến.

Ngựa với một số từ ngữ đặc biệt:

Tuy không ai làm thống kê, nhưng cứ tra cứu tự điển tiếng Việt, người ta mới... bật ngửa khi thấy ngựa chiếm số từ ngữ đặc trưng nhiều nhất so với các con Giáp khác. Sức người lẫn trang báo có hạn nên ở đây người viết mạn phép chỉ nêu một vài từ ngữ... ngồ ngộ làm thí dụ. Tuy nhiên, trước hết mạn phép nhấn mạnh rằng ngoài từ “ngựa” vốn là một danh từ Nôm, tiếng Việt còn có một từ Hán Việt khác đồng nghĩa: “Mã”.

“Ngựa bắc thảo” là giống ngựa to con ở miền Bắc Trung Hoa; ngược lại với “ngựa cu”, tiếng chỉ loài ngựa nhỏ con - gần tương đương với “ngựa xá xíu”, tức ngựa đua hạng nhỏ con, thường được sắp xếp chạy trong mùa mưa. “Ngựa bền” là ngựa giỏi, dai sức; trong khi ngựa dở gọi là “ngựa bết”. “Ngựa trớ” = Ngựa nhát, phải mang ba trá có chụp che mắt lại. “Ngựa nục” = Ngựa mập quá hay rượn (ham hố) cái (sex) quá.

Để mô tả con ngựa trong một cơn bất thường, 2 chân trước chậm hơn nên bị 2 chân sau đá trúng khiến trật khớp xương chó, phải đi cà nhắc thì người ta gọi là “ngựa đạp đề” hay “ngựa xoang đề”. Còn ngựa thật hay, chạy nhanh hơn gió thì được mang danh là “ngựa truy phong”.

Tiếng gọi người đàn bà lẳng lơ, Việt ngữ có các từ “con ngựa, “đĩ ngựa”, “đồ ngựa”. Tương tự còn có từ “ngựa bà”, một tiếng lóng để chỉ một người đàn bà không đứng đắn (“Tôi phải xé xác con ngựa bà đó mới được!”). “Ngựa chứng” = Ngựa không chịu cương, hay chồm và nhảy dựng; nghĩa bóng chỉ người phá phách, cứng đầu. Ngựa búng 2 chân sau vào người hay ngựa khác, ta gọi là “ngựa đá”; tuy nhiên từ ngữ này cũng dùng để gọi người thua cá ngựa: “Hắn bị ngựa đá văng hết cái nhà!”.

Và như trên đã nói, “ngựa” đồng nghĩa với “mã” - thí dụ: “Kỵ mã”, người cưỡi ngựa; “xa mã”, xe ngựa; “mã lặc”, dây cương ngựa; “mã xạ”, cưỡi ngựa và bắn cung. Hai từ đối nghĩa: “Mã hạ” = Dưới ngựa, dưới đất bên con ngựa. “Mã thượng” = Trên lưng ngựa. Trong khi “mã lộc” lại có nghĩa là ngựa hay nai, không phân biệt được. Bởi thế từ ngữ này được dùng để mô tả người ù ù cạc cạc, ai nói gì nghe nấy, không dám cãi.

Thế nhưng, ta nên cẩn thận kẻo lầm với “ngựa” khi gặp từ “mã” hoặc “ngọ”, chẳng hạn “mã hoàng” là con đỉa; “mã nghị” là loại kiến lớn; “Mã Khắc Tư” là Karl Marx, tác giả thuyết Duy Vật Biện Chứng Pháp và cuốn Tư Bản Luận;  “Mã Viện”, danh tướng nhà Đông Hán, đã đem đại quân sang đánh hai Bà Trưng vào năm 41 sau Tây lịch; “phò mã” là người lấy con gái vua... Và “giờ Ngọ”: Lúc giữa trưa khi mặt trời lên cao nhất (từ 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều).

Ngựa với một số thành ngữ đặc biệt:

  Ngựa cũng cung cấp cho kho tàng ngôn ngữ Việt Nam thật nhiều thành ngữ, vừa thuần túy Nôm, vừa lẫn Hán Việt; câu nào cũng rất “ấn tượng” với ý nghĩa phong phú cả đen lẫn bóng.

  -Về Nôm,

điển hình như: “Hàm chó vó ngựa”, nghĩa là chó dùng hàm để táp, ngựa dùng vó để đá, ta nên coi chừng mỗi khi đứng gần // (Bóng) Nên cẩn thận trên đường đời, vì đời là trường tranh đấu để được sống còn, sơ sẩy thì hại thân - Hoặc: Động đến kẻ dữ thì bị hại là lẽ thường, nên cẩn thận trước là hơn.

  “Bóng ngựa qua cửa sổ” nhằm chỉ thời gian trôi nhanh, do thành ngữ “Bách câu quá khích”, vốn xuất phát từ câu nói của Mạnh Tử: “Nhân thiên địa chi gian, nhược bạch câu quá khích, hốt nhiên chi dĩ” (người ta sống trong khoảng trời đất cũng như ngựa trắng qua cửa sổ trong chớp nhoáng).

  ”Ngựa non háu đá” = Còn trẻ háo thắng, nói năng lấc cấc, ham việc đua tranh như ngựa con mới được sổ lòng (mới chào đời) và vừa đứng vững là nhẩy đá lung tung.

  “Ngựa chạy có bày, chim bay có bạn” = Bất cứ làm việc gì, hễ có nhiều bàn tay cùng làm thì làm không chán, mau xong lại dễ thành công. Câu này đề cao tinh thần đoàn kết.

  “Ngựa hay hay chứng” = Người có tài thường khó tính, hay làm cao.

  ”Đầu trâu mặt ngựa” = Quỷ sứ dưới âm phủ; mình và tay chân là người mà đầu con trâu hay con ngựa // Phường vô lại, độc ác, không biết thương người.

  ”Làm thân trâu ngựa” = Lời người chịu ơn nguyện kiếp sau sẽ đầu thai làm trâu làm ngựa cho ân nhân để đền đáp // Làm tôi tớ cho người.

  ”Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” = Tàu là chuồng nuôi ngựa. ”Con ngựa đau” ý chỉ sự hoạn nạn của một cá thể; ”cả tàu không ăn cỏ” nói đến sự chia sẻ của đồng loại. Cả câu nhấn mạnh đến truyền thống tương thân, tương ái, tương trợ của cả một cộng đồng.

  ”Thẳng như ruột ngựa” = Ý nói đến đức tính bộc trực, cứ thẳng mà nói, không kiêng nể gì. Tuy nói ”thẳng như ruột ngựa”, nội dung không có ý mô tả ruột của ngựa thẳng như... cây gậy. Tuy ngắn hơn ruột của trâu bò, ruột của ngựa với chiều dài 22 mét, cũng uốn khúc, chỉ khác ống tiêu hóa của ngựa có manh tràng làm thành một cái túi xếp thẳng trong khoang bụng ngựa, có lẽ vì vậy mà được gọi là ”thẳng như ruột ngựa”; túi này dài một mét và có thể chứa 30 lít thức ăn,

  ”Lấy chỉ buộc chân voi chân ngựa” = Hình thức lỏng lẻo, bày vẽ tốn công mà không nắm vững sự thành công.

  ”Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau” = Tục lệ ”vinh qui bái tổ”, tức là sau khi thi đỗ, thư sinh trở về quê quán thì được dân làng đón rước tưng bừng. Người vợ vốn được xem là có công giúp chồng ăn học thành đạt cũng được nằm trên võng do trai tráng khiêng theo sau ngựa của chồng.

”Mó dái ngựa” = Đụng vào hạ bộ của con ngựa khiến nó nhột (tiếng Bắc là ”buồn”)  mà lồng lên, chân đá lung tung // Trêu chọc hoặc tỏ ra coi thường người khó tính, cao ngạo hoặc thượng cấp làm đương sự tức giận, phản ứng dữ dội.

”Quất ngựa truy phong” = Thúc ngựa đuổi theo gió // Câu này dùng để mô tả một anh chàng dụ dỗ một cô gái đến khi cô có thai thì vội bỏ chạy thật lẹ, nhanh... như gió, mất tăm hơi. Câu này đồng nghĩa với từ ”sở khanh” (tên một nhân vật trong truyện Kiều).

  ”Vành móng ngựa” = La Mã thời thượng cổ trừng trị tội nhân bằng cách dùng ngựa phân thây hoặc cho ngựa giày xéo lên thân họ. Về sau người ta đã lấy vành móng ngựa làm biểu tượng cho uy lực của pháp luật, bởi thế trong các phiên tòa, bị cáo phải đứng ở nơi có hình dáng cái móng ngựa. Thành ngữ ”trước vành móng ngựa” được hiểu là trước tòa án, trước pháp luật...

  -Về Hán Việt,

chẳng hạn như: ”Mã đáo thành công” là lời chúc thành công nhanh chóng - hoặc lời chúc thắng trận trở về.

  ”Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” = Trâu tìm trâu, ngựa tìm ngựa. Thành ngữ này đúc kết một kinh nghiệm sống giữa người và người đồng hội đồng thuyền với nhau.

  ”Mã thượng bất tri mã hạ khổ” = Người cưỡi ngựa đâu biết nỗi vất vả của người đi chân // Người giàu sang hay quan, làng đâu biết được sự khổ sở của người nghèo hay nỗi oan của người dân.

  ”Lão mã thức đồ” = Ngựa già thuộc đường // Lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm.

  ”Thượng mã phong” còn gọi là ”phạm phòng” (một số nơi người ta gọi là “trúng phong” hay “trúng phòng”) là một hiện tượng gây đột tử cho người nam trong khi giao hợp quá hưng phấn. Đông y gọi là chứng “tẩu dương”; nếu chứng “tẩu dương” xuất hiện trong khi đang giao hợp thì gọi là “thượng mã phong”, còn nếu xẩy ra sau khi giao hợp thì gọi là “hạ mã phong”.  Theo y học hiện đại, “thượng mã phong” là tình trạng đột tử do tim mạch.

  Ngựa với các điển tích:

  Điển là kinh sách để tra khảo; Tích là chuyện cũ. Dùng điển tích là phương cách ”nói có sách, mách có chứng”.

  ”Ngựa đá rịn mồ hôi”: Sau trận Bạch Đằng, khi quân Mông Cổ bị Hưng Đạo Vương đánh đuổi chạy về nước, thì vua Trần Nhân Tôn thấy các con ngựa bằng đá trước các lăng tẩm, chân đều vấy bùn và mình rịn mồ hôi. Nhà vua tin rằng các vị tiên đế anh linh cưỡi ngựa đá đánh giúp Hưng Đạo Vương thắng được quân Mông Cổ: ”Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã; san hà thiên cổ điện kim âu”(Xã tắc hai lần nhọc ngựa đá - Non sông ngàn thuở vững ngai vàng).

  ”Dứt dấu ngựa Hồ”: Chấm dứt sự xâm lăng của nhà Lương, do công của Triệu Quang Phục mà quân ta lấy lại được thành Long Biên. Quốc Sử diễn ca có câu thơ: ”Một cơn gió chồi khô - Ải Lang dứt dấu ngựa Hồ vào ra”.

  ”Khuynh cái hạ mã”: Nghiêng dù xuống ngựa // Chữ khắc trên tấm bia ở phía mặt Phú Văn Lâu do vua Thiệu Trị cho dựng, buộc mỗi người đi ngang qua đó phải nghiêng dù (ô)  xuống ngựa để tỏ lòng cung kính và phục tòng đối với những giá trị tinh thần nơi ấy.

  “Ngựa quen đường cũ”: Thói quen khó bỏ; con người đã quen làm việc xấu, sau dẫu được người khuyên bảo và chỉ dẫn cho trở nên lương thiện, nhưng vẫn nhớ chứng tật cũ mà làm quấy trở lại. Tích: Một ông vua đi đánh giặc bị lạc đường, bơ vơ giữa rừng già. May có người trong đoàn hộ giá tâu nên thả cho ngựa đi trước rồi theo sau. Quả đúng như lời, chẳng bao lâu, vua và đoàn tùy tùng về đến trại nhà.

  ”Ỷ mã tài”: Tài cao trên lưng ngựa // Viết văn thật mau. Tích: Viên Hồ ngồi trên lưng ngựa mà làm bài Lô Bố, dài 7 trang giấy.

  ”Mã cách lý thi”: Da ngựa bọc thây (lấy da ngựa bọc xác tướng chết khi chôn). Mã Viện đời Đông Hán đã để lại câu: ”Kẻ đại trượng phu nên chết ở giữa trận, lấy da ngựa bọc thây chứ sao lại nằm chết trên giường, trong tay thê nhi được ư”. Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc của ông Đặng Trần Côn (phần chữ Nho) và bà Đoàn Thị Điểm (dịch Nôm) cũng có câu tương tự: ”Chí làm trai dặm nghìn da ngựa - Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao”.

”Chỉ lộc vi mã”: Chỉ con nai mà gọi là con ngựa // Dùng thế lực bắt ép người khác theo mình mà làm việc ngược ngạo. Tích: Nhà Tần bên Trung Hoa dưới thời Nhị Thế (Hồ Hợi, con thứ của Tần Thỉ Hoàng) thế nước rối ren. Ngoài thì bốn phương nổi loạn, trong thì bị Triệu Cao lộng quyền, bá quan đều sợ. Ngày kia, Triệu Cao đem một con nai vào dâng Nhị Thế, lại chỉ vào mà gọi là ngựa. Nhị Thế cười rằng: ”Thứ Tướng lầm rồi, đó là con nai chứ đâu phải ngựa”. Triệu Cao quay hỏi các quan: ”Nai hay ngựa?” Nhiều người vì sợ oai Triệu Cao, trả lời là ngựa thì khỏi chết. Người nào nói theo vua là nai, thì sớm muộn gì cũng bị Triệu Cao âm mưu giết hại.

  ”Ngựa Hồ gió bấc - Chim Việt ngựa Hồ” hay “Hồ mã tê bắc phong - Việt điểu sào nam chi”, nghĩa là “ngựa xứ Hồ, gió bắc về thì hí lên - Chim nước Việt chọn cành phía Nam mà đậu”. Tích: Hớn Vũ Đế được rợ Bắc Hồ cống một con ngựa hay; ngựa ấy bỏ ăn bỏ uống và chỉ hí lên cách buồn thảm khi có gió bấc.

  Đời Hùng Vương, nước Nam có cống cho Trung Hoa một con bạch trĩ; chim này chỉ đậu trên những cành cây mọc chĩa về hướng Nam.

  Điển tích trên có ý ám chỉ người xa xứ thường nhớ nước non nhà.

  “Ngựa Tái Ông hay Tái Ông mất ngựa”: Họa phúc khôn lường; nói khác: Họa hay phúc khó độ trước, đôi khi trong họa có phước hay trong phước có họa. Tích: Tái Ông có con ngựa tự nhiên đi sang nước Hồ mất. Người làng đều đến hỏi thăm. Ông nói: “Mất ngựa thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu!”- Cách mấy tháng, con ngựa trở về, lại dắt theo một con ngựa hay khác nữa. Người làng lại đến hỏi thăm và chúc mừng. Tái Ông nói: “Được ngựa thế mà họa cho tôi, biết đâu!” - Từ khi được ngựa hay, con trai ông thích quá, cưỡi luôn, chẳng may té què chân. Người làng lại đến chia buồn, ông nói: “Biết đâu, đó là phúc nhà tôi!” - Quả nhiên, sau đó có giặc, trai tráng đều phải tòng quân và 10 phần chết hết 9. Con trai ông nhờ què chân nên được ở nhà; cha con hủ hỉ với nhau.

  Cùng nghĩa với điển tích trên còn có câu: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu”: Họa và phúc do chính mình gây ra. Tích: Một người nhà quê nọ bỗng nghe tiếng “tích tích” ở trên cây sum sê cành lá ở đầu nhà. Ông ta, bèn leo lên thăm dò thì bắt được đôi chim quý. Hôm sau, người nhà quê lại nghe tiếng “tích tích” nữa, tưởng lại gặp may, ai ngờ khi vừa leo tới nơi thì bị một con rắn nằm sẵn trong tổ chim phóng ra cắn chết.

  “Không chém người dưới ngựa”: Quân tử không thừa lúc người ta gặp nạn hay suy sụp mà xuống tay. Tích: Thời Tam Quốc, Quan Công vâng lệnh Khổng Minh kéo quân đánh chiếm quận Trường Sa, tỉ thí với Huỳnh Trung hơn trăm trận vẫn bất phân thắng bại. Quan Công giả bộ thua, toan dùng thế bỏ chạy. Khi nghe vó ngựa Huỳnh Trung gần kề, Quan Công bèn hoành ngựa, cử đao toan vớt trái thì bỗng ngựa Huỳnh Trung vấp té, quăng Trung xuống đất. Quan Công bèn dừng tay, bảo Huỳnh Trung về thay ngựa khác rồi sẽ ra đánh nữa.

  “Ngựa tre”: Sự hoan hô một ông quan thanh liêm. Tích: Đời Hậu Hán, Thái Thú Tĩnh Châu là Quách Cấp đổi đi xa đã lâu, nay được lệnh trở về chốn cũ. Dân trong thành hay tin, ùn ùn dùng chà (cành) tre làm ngựa đi ra ngoài thành đón rước.

  Ngựa với những truyện cổ tích điển hình:

  Cũng như bao con thú khác, ngựa cũng phải đọ sức, đọ trí với đồng loại để tranh giành ngôi vị hoặc để sống còn. Chẳng hạn:

  -Ngựa thi đua với voi: Ngày xửa ngày xưa, ngựa thấy voi to xác chậm chạp nên có ý khinh thường, bèn thách voi chạy thi để phân thắng bại. Voi đồng ý.

  Lúc chạy đường thẳng, voi chạy không kém ngựa, nhưng khi thi chạy nước đại, tức là phóng nhanh thì ngựa chạy nhanh hơn voi nhiều.

  Voi thua. Ngựa càng vểnh mặt.

  Hôm sau, voi thách ngựa chạy đường quanh và đích tới là ngọn núi trước mặt. Ngựa cười khì, tự tin ăn đứt voi cả mười phần. Thế nhưng chạy được nửa đường thì ngựa gặp một con sông chắn ngang. Ngựa phải dừng lại, loay hoay tìm cách sang sông. Khi ngựa chưa kịp nghĩ ra phương án thì đã thấy voi đuổi kịp. Không chút do dự, voi lội ngay xuống sông và sang được núi bên kia. Ngựa đành chào thua và từ đấy hết dám coi thường voi.

  Do tích trên mà người đời mới đặt ra câu hát: “Ngựa lau chau, ngựa đến bến giang - Voi đủng đỉnh, voi sang qua đò”.

   -Lừa thi tài với ngựa: Xưa lừa vẫn nghe tiếng ngựa đa tài, nhất là tài chạy nhanh. Một hôm, lừa đến nhà ngựa chơi và tự vỗ ngực mà rằng: “Ta đây một đấng anh hùng - Nghe người tài nghệ, thử cùng thi nhau?”.

  Ngựa vốn khinh lừa, bĩu môi đáp lại: “Anh hùng chơi với anh hùng - Bõ chi cá chậu, chim lồng mà thi”.

  Bị chạm tự ái, lừa tức lắm, tiếp tục nằng nặc thách ngựa. Cuối cùng ngựa đành ừ chịu. Hai con bèn ra một cánh đồng thi chạy mấy vòng. Trong khi ngựa chạy nhanh như gió, lừa thì lạch đạch theo sau, luống cuống ngã bổ ngửa xuống sân. Ngựa đứng lại, hí vang nhạo báng: “Chừa chưa? Chừa chưa? - Đã biết chưa lừa? - Trước kia, chỉ biết mặt nhau; bây giờ mới biết mặt nhau một lần”. Lừa cúi đầu, ngậm miệng nín thinh. Ngựa “thừa thắng xông lên” phát ngôn nữa: “Ta đây có phải như ngươi - nặng nề, chậm chạp, trò cười thế gian! Còn ta: Bấy lâu đánh giặc Đông, Tây - Cuốn mây, thổi gió, ai tầy công ta!”

  -Cọp có sợ ngựa không?: Ngựa vốn nổi tiếng về tính khí dữ tợn và thân thể to lớn. Mỗi lần ngựa thét ầm ỹ, chân đá tung tung là loài nào cũng sợ, không dám đến gần.

  Có một con cọp muốn bắt ngựa nhưng vẫn ngán vì thấy ngựa cao lênh nghênh hơn mình lại có tài đá hậu. Qua nhiều ngày, cọp chỉ ngồi núp trong một xó bụi để quan sát các ngón đòn sở trường của ngựa.

  Sau cùng, cọp không thấy ngựa có chiêu gì mới, chỉ phe phẩy cái đuôi dài hoặc lắc qua lắc lại cái cổ có bờm tua tủa. Cọp bèn chậy đến, giả vờ tấn công ngựa. Tức thì ngựa thét vang, giơ hai chân sau đá thật cao dữ dội. Cọp có ý sợ, tạm rút lui. Ngựa lại đứng im. Chờ một lúc lâu, cọp lại tiến tới làm bộ như muốn bắt ngựa, cũng chỉ thấy miệng ngựa thét, hai chân sau đá loạn xạ. Cọp không sợ nữa nhưng chưa dám “liều mạng sa trường” hẳn. Cọp ngồi quan sát thêm, thỉnh thoảng lại xông ra, thử nghiệm phản ứng của ngựa, vẫn thấy ngựa chỉ “sao y bản chính”. Cọp kết luận: “Thì ra con này không có chiêu nào khác lạ, chỉ có mỗi tài thét láo và đá bậy thôi”. Nghĩ xong, cọp xông vào bắt ngựa thì quả nhiên vồ được ngay; ngựa không có phương thế gì mà chống chọi.  

  -Ngựa và rắn: Một người thợ săn vào rừng săn bắn từ sáng sớm. Đang đi, người này bỗng nghe tiếng rên phì phì lẫn tiếng kêu cứu. Lại phía ấy, ông ta thấy một con rắn to bị một tảng đá đè lên ngang mình. Nhìn người thợ săn, rắn khẩn khoản xin cứu mạng. Không chút do dự, người này vội lấy hết sức mình mà đẩy hòn đá qua một bên cứu rắn. Thoát thân, thay vì nói lời cám ơn, rắn hỏi liền: “Anh có gì ăn không? Tôi đói quá!”.

Người thợ săn bèn đưa thức ăn của mình cho rắn. No nê xong, rắt cất cao đầu nói: “Này tên thợ săn ngốc nghếch kia. Giờ ta sẽ phun nọc độc cắn chết ngươi. Loài rắn của ta chỉ quen lấy oán báo ân, ngươi không nhớ sao?”.

Người thợ săn kêu lên: “Sao lại thế! Chuyện này chúng ta phải đi hỏi mọi loài xem việc trả ơn như thế có đúng không? Nếu tất cả bảo đúng thì mi cứ việc cắn chết ta. Ngược lại thì đường ai nấy đi”.

Rắn đồng ý. Đôi bên gặp chị bò đầu tiên. Nghe xong câu chuyện, bò đáp: “Chẳng ai lấy điều ác để trả ơn cả. Như ta đây, ta cầy bừa và để cho người vắt sữa hầu trả ơn người đã cho ta ăn cỏ và chăm sóc ta”. Thế nhưng, rắn chê “ngu như bò” rồi đề nghị đi hỏi gà trống.

Hiểu được vấn đề, gà trống phát biểu: “Chỉ những kẻ vô liêm sỉ mới lấy điều ác trả ơn. Ta đây được ăn thóc nên trả ơn người bằng việc sáng sáng gáy vang báo thức cho cả làng thức dậy làm việc đấy”.

Rắn tức giận đáp: “Con gà trống này thật ngu hết ý. Thôi, ta đến hỏi ý kiến chú ngựa kia xem nào”. Hai bên tiến lại gần một chú ngựa đang đứng nghỉ mệt dưới gốc cây. Nghe rắn trình bầy sự việc xong, ngựa vểnh tai giả vờ điếc, nói to: “Hả, cái gì cơ? Tai ta bị điếc lòi không nghe rõ. Hãy lại gần đây, đến sát bên chân ta nè rồi nói lại thật to đầu cua tai nheo sự cố cho ta rõ”.

Rắn bèn trườn đến sát bên chân ngựa, cao giọng nói: “Tên thợ săn này đã cứu ta ra khỏi tảng đá. Vậy ta phải trả ơn hắn thế nào đây? Có đúng là phải cắn chết hắn không?”

Ngựa trả lời: “Phải,... trả ơn như thế này... này...” Vừa nói, ngựa vừa giơ cao chân nện mạnh móng sắt vào đầu rắn độc, làm đầu nó bẹp đi. Kẻ rắp tâm làm điều ác, kết cục sẽ là như vậy!

Hai câu chuyện liên quan đến ngựa làm... rơi lệ:

  -Đổi mỹ nhân lấy ngựa: Tô Đông Pha, một thi hào đời nhà Tống (950 - 1275), có một nàng hầu tuyệt đẹp tên là Xuân Nương. Vì bất đồng với Tể Tướng Vuơng An Thạch, ông Tô bị vua đổi đi Hoàng Châu.

  Một người bạn tâm giao họ Tưởng, làm quan Vận Sứ, đến nhà họ Tô để tiễn biệt.

  Tô Đông Pha bảo Xuân Nương ra mời khách uống vài chén rượu. Thấy Xuân Nương đẹp như tiên nga, họ Tưởng giật mình hỏi: ”Cô bé này có đi theo bác không?” Tô Đông Pha kể rằng Xuân Nương ngại đuờng sá xa xôi khó nhọc nên xin trở về nhà nàng. Nhân đó, họ Tưởng hỏi: ”Vậy thì bác cho phép tôi đem con ngựa bạch tuyệt hay để đổi lấy cô Xuân có được không?”. Nào ngờ, Tô Đông Pha ưng chịu.

  Họ Tưởng vui sướng, liền ứng khẩu bài thơ tứ tuyệt:

       

”Bất tích sương mao võ tuyết đề,
Đẳng nhân phân phó tặng nga mi.
Tuy vô kim nặc tê minh nguyệt,
Khước hữu giai nhân bỗng ngọc bì”.

      Dịch:

”Tiếc gì con ngựa đẹp như mây,
Ơn bác cho tôi đổi gái này.
Giờ mất nhạc vàng rung bóng nguyệt,
Nhưng thêm má phấn bạn làng say”.

 

Tô Đông Pha cũng ứng khẩu, đáp lại:

”Xuân nương thử khứ thái thông thông,
Bất cảm đề thanh tại hận trung.
Chỉ vị sơn hành đa hiểm trở,
Cố tương hồng phấn hoán truy phong”.

      Dịch:

”Cô Xuân đi vậy cũng xa xăm,
Dầu chẳng kêu ca chớ giận ngầm.
Vì nỗi non sông nhiều hiểm trở,
Đổi người lấy ngựa phải đành tâm”.

 

  Xuân Nương nghe hai người đối đáp nhau và có một hành động khinh thường nàng như thế nên bực tức, bèn ôn tồn nói: ”Tôi nghe nói ngày xưa vua Tề Cảnh Công muốn chém tên giữ chuồng ngựa nhưng đuợc Yến Tử ngăn cản. Chuồng ngựa nhà mình cháy, Khổng Phu Tử chỉ hỏi thăm có ai chết không, chứ không hỏi ngựa sống chết con nào. Ấy là người ta quý người khinh vật. Nay học sĩ đem người đổi lấy ngựa, thì ra quý vật mà khinh người.

  Đoạn, Xuân Nương cũng ứng khẩu một bài thơ:

”Vi nhân mạc tác vị nhân thân,

Bá ban khổ lạc do tha nhân.

Kim nhật thủy tri nhân tiện súc,

Thử sinh cẩn hoạt oán thùy sân”.

      Dịch:

“Chém cha cái kiếp của đàn bà,

Khổ sướng trăm bề há bởi ta.

Giờ mới biết người thua giống vật,

Sống làm chi nữa, trách ai mà!”

 

  Đọc xong, Xuân Nương lao mình ra sân đập đầu vào cây mà chết. Thấy thân xác nàng quằn quại trên vũng máu, Tô Đông Pha và họ Tưởng vô cùng ân hận, nhìn nhau ngậm ngùi, nhỏ lệ... Nhưng đã muộn rồi!

  -Mã Đầu Cầm: Hiện nay ở Mông Cổ vẫn còn những người đi hát dạo, vừa ca vừa đàn. Giọng ca ai oán não nùng. Cây đàn của họ bằng gỗ, thùng đàn hình thang, cần dài. Đầu đàn chạm hình đầu con ngựa. Cung đàn làm bằng đuôi ngựa. Người Mông Cổ gọi cây đàn này là “Khil-Khuua”, tạm dịch là “Mã Đàm Cầm” (cây đàn đầu ngựa).

  Tương truyền, ở phía Bắc Mông Cổ có một Thiên Miếu (“Bogdokure”) để thờ Trời. Kế đến là ngọn Cấm Sơn (“Jasaktu Ui”). Muốn đến những nơi này phải băng rừng bằng ngựa suốt 40 ngày.

  Ở mấy thung lũng ấy, thỉnh thoảng có 8 con ngựa đến ăn cỏ. Đó là những con thiên mã. Ngoài 7 con mập mạp, mạnh mẽ, có một con gầy gò, trông ốm yếu nhưng lại chạy nhanh nhất mà người dân bản xứ gọi là “Jonung Khara Mori”, nghĩa là Thiên Lý Mã.

  Hàng đêm, Nhị Thập Bát Tú sa xuống. Vừa chạm mặt đất, tức thì 28 vị sao ấy biến thành 28 tướng trẻ khôi ngô tuấn tú, mặc kim bào. 20 tướng ngồi sẵn trên lưng ngựa, còn 8 tướng kia đi thẳng đến Cấm Sơn cưỡi 8 con thiên mã đang ăn cỏ ở đấy. Họ phi ngựa rong chơi khắp nơi cho tới khi trời hừng đông thì trở về trời, thành 28 vì sao như trước. Và khi tối, họ lại trở xuống trần gian.

  Một hôm, vị tướng trẻ tuổi nhất trong số 28 vị sao cưỡi con Thiên Lý Mã đi dạo, bỗng gặp một thôn nữ đẹp tuyệt trần, bèn sinh lòng cảm mến để rồi đôi bên đều thiết tha yêu nhau.

  Từ đấy, hằng đêm chàng đến với nàng, âu yếm trong mái lều tranh của thôn nữ, nhưng khi vừng hồng sắp ló dạng thì chàng phi ngựa đi mất, để nàng ở lại trơ trọi, cô quạnh phòng không.

  Nàng tò mò hỏi thăm quê quán thì chàng chỉ mỉm cười âu yếm, tìm cách tảng lờ. Do lòng nghi hoặc mà một hôm, nàng không ngủ, chờ lúc chàng lên yên thì nàng rón rén, rình theo. Trong khi đó, vì gấp rút trở về thiên đình cho kịp trước lúc trời sáng nên chàng không hay biết gì. Nhưng ngựa của chàng chạy quá nhanh, thoáng chốc người và ngựa đã biến mất. Thôn nữ không đuổi theo kịp, đành thui thủi quay về.

  Tuy vậy, thôn nữ cũng vẫn không bỏ cuộc. Đêm nọ, thừa lúc chàng ngủ say, nàng lẻn ra ngoài để quan sát con ngựa của chàng. Chợt nàng nhận thấy phía sau mỗi chân ngựa có một cái cánh nhỏ nhưng lúc ngựa không chạy thì cánh xếp lại. Nàng mừng rỡ. Và vì muốn giữ người yêu lại bên mình nên nàng đã cắt bỏ đi 4 cánh nhỏ ấy.

  Cũng như thường lệ, trời vừa rạng đông, chàng tuổi trẻ từ giã thôn nữ rồi lên ngựa phi về thiên đình. Nhưng lần này, chàng ngạc nhiên thấy ngựa chậy quá chậm lại thở hồng hộc. Đến giữa sa mạc, trời sắp sáng, con thiên lý mã quỵ xuống, trút hơi thở cuối cùng.

  Vầng thái dương sáng tỏ. Ngôi sao chàng đã tắt. Chàng trai không còn hy vọng trở về thiên đình mà cũng không mong gì trở lại với người yêu. Cô độc giữa sa mạc, chàng buồn bã ôm lấy xác ngựa. Nước mắt chàng rỏ xuống thân ngựa; bỗng nhiên con ngựa biến thành cây đàn: Đầu ngựa là đầu đàn, đuôi ngựa là dây đàn. Chàng đưa tay nhẹ vuốt mấy dây, bật lên những âm thanh não nùng. Tiếng chàng than thở hòa với tiếng não nùng ấy thành những lời ca cực kỳ ai oán.

  Chàng khóc tiếc địa vị của chàng. Chàng khóc thương cái chết của con ngựa quý. Chàng khóc cho mối tình tan vỡ đối với nàng thôn nữ mà chỉ vì yêu đã vô tình gây nên thảm họa…

  Phải, “Mã Đầu Cầm” là một thiên tình sử bi đát của người Mông Cổ, với những âm thanh nặng chĩu nỗi sầu buồn tang tóc muôn thuở của loài người…

  Những con ngựa nổi danh trong lịch sử:

  Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, ngựa là con vật thông minh, khôn ngoan, trung thành và hữu nghĩa, sống gần gũi với người và được người yêu quý.

  -Ngựa sắt của Thánh Gióng:

Vào đời Hùng Vương thứ sáu, nước ta bị giặc Ân bên Tàu tràn sang xâm lược, cướp phá. Quan quân ta chống cự không nổi, nhà vua bèn cho sứ giả đi khắp nơi để kêu gọi hiền tài ra cứu nước.

  Lúc đó tại làng Gióng, tức làng Phù Đổng có một đứa trẻ đã lên 3 tuồi mà chưa biết nói. Khi vừa nghe tiếng loa gọi, đứa bé liền bật nói, xin đi đánh giặc. Sứ giả về tâu vua sự thể. Vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin vua đúc cho một con ngựa sắt và một roi sắt. Khi đã được các vật dụng ấy, đứa bé liền vươn vai thành người to lớn; còn ngựa sắt thì bỗng hí một tiếng dài lanh lảnh, thét ra lửa. Cậu bé nhẩy lên ngựa, cầm roi sắt mà xông ra trận. Bọn giặc Ân bị chết như rạ; tàn quân giặc đạp lên nhau mà chạy tóe khói về Tầu.

  Phá được giặc Ân rồi, vị anh hùng phi ngựa đến núi Sóc Sơn rồi cả người lẫn ngựa từ từ bay về trời. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù Đổng, phong là Phù Đổng Thiên Vương. Hiện nay vẫn có đền thờ ở làng này và hàng năm cứ đến mồng 8 tháng Tư là có hội vui lắm, tục gọi là hội đức Thánh Gióng.

  -Ngựa thành Troy:

Theo huyền sử thi của Hy Lạp, tức là tập thơ Iliad gồm 24 quyển của thi hào Homer (sống vào khoảng năm 850 trước Tây Lịch), quân Hy Lạp chiến đấu suốt 10 năm mà không hạ được thành Troy. Sau cùng, tướng Odysseus của Hy Lạp mới nghĩ ra một diệu kế “quỷ khốc thần sầu”, ra lệnh rút lui hết quân, giả vờ tuyên bổ bãi binh, chỉ để lại một con ngựa gỗ khổng lồ xem như để tế thần. Thế nhưng Odysseus cùng một số quân tinh nhuệ đã ẩn núp trong bụng ngựa gỗ này. Quân dân thành Troy vui mừng kéo ngựa vào thành như thể tiếp nhận một lễ vật và tổ chức yến tiệc. Ngay trong đêm đó, phục binh từ trong bụng ngựa gỗ lẻn ra mở cửa thành cùng với quân Hy Lạp đã bí mật trở lui, chiếm trọn thành Troy.

  -Ngựa của các danh nhân: -Hán Cao Tổ, người lập ra nhà Hán, thường tự phụ là nhờ 10 năm sống trên lưng ngựa nên mới thu phục được cả giang sơn. Ngược lại, Sở Bá Vương Hạng Võ, kẻ thù số 1 của Hán Cao Tổ, cũng tự kiêu hãnh là đã thu phục được thần mã Ô Truy từ khi mới khởi nghiệp. Tuy vậy khi thất thế, Sở Bá Vương đã nhờ một người lái đò chở ngựa quý sang sông cho về đất Giang Đông. Thế nhưng khi thuyền vừa rời bến, Ô Truy hí lên mấy tiếng ai oán rồi nhẩy xuống dòng nước mất dạng. Điều này chứng tỏ thần mã Ô Truy đã trung thành đến chết với chủ nó.

  -Truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa kể về con Xích Thố của Quan Vân Trường. Đây là một con ngựa có sắc lông màu đỏ vốn tượng trưng cho ngựa quý. Theo truyện trên, Xích Thố ban đầu là ngựa của Lã Bố, sau bị Tào Tháo chiếm đoạt mà tặng cho Quan Vân Trường.

  Quan Công đã cưỡi Xích Thố vượt qua 5 cửa ải, chém đầu 6 tướng và lấy thủ cấp của Nhan Lương, Văn Xú dễ như trở bàn tay. Khi Quang Công qua đời, con Xích Thố cũng buồn rầu mà chết theo.

  -Hắc mã Bucephalus của vua Alexandre Le Grand (Á Lịch Sơn Đại Đế). Theo huyền sử của xứ Macedonia, một người lái buôn xứ Ba Tư (Persia) dắt một con ngựa đen tuyền đến bán cho vua Philippe của xứ này. Thế nhưng các tay kỵ mã vốn nổi danh tài giỏi nhất đều bó tay, không thể nào điều khiển nổi con ngựa bất kham này. Thái tử Alexandre khi đó vẫn còn là một thiếu niên, đi chậm rãi đến bên con ngựa. Cậu dịu dàng vỗ tay nhè nhẹ vào cổ nó, khẽ lái con thần mã về hướng mặt trời để nó không còn sợ cái bóng của chính nó. Cuối cùng cậu đã làm chủ được con vật dữ tợn này. Thấy vậy, vua Philippe buột miệng: “Hỡi con yêu quý. Macedonia này quá bé nhỏ, không xứng đáng với con!”.

  Quả đúng, 20 năm sau, Alexandre đã chinh phục được cả đế quốc Ba Tư rộng lớn. Sử gia Plutarch vốn đã chứng kiến cảnh cậu thiếu niên khắc phục được thần mã, viết lại là khi thần mã Bucephalus qua đời tại Ấn Độ, hoàng đế Alexandre Le Grand rất buồn bã, đã cho thành lập một thành phố mang tên Bucephalus để tưởng nhớ nó như một người bạn thân yêu.

  Nhà thám hiểm Marco Polo kể lại rằng vua Badasan xin cậu ruột mình chỉ duy nhất một con ngựa thuộc giống Bucephaus mà ông ta có cả một chuồng, thế nhưng ông cậu vẫn từ chối. Nhà vua tức giận, bèn cho bộ hạ thân tín ám sát ông cậu nhằm chiếm đoạt hết ngựa. Bà mợ đã nhanh tay hơn, sai gia nhân giết cả bầy ngựa để trả đũa. Biến cố này xẩy ra năm 1280 và từ đó giống ngựa Bucephalus cũng tuyệt chủng luôn...

  Ngựa trong phong thủy

  Phong là gió; Thủy là nước. Phong Thủy là học thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của Địa Lý đến cuộc đời họa phúc của loài người. Ấy vậy mà ngựa cũng đã “nhảy” vào được trong Phong Thủy mà “làm mưa làm gió” đến sự may rủi, hên xui của con người. Chẳng thế mà hình ảnh ngựa đã muôn đời “chói sáng hơn răng vàng” trong lịch sử để người đời khâm phục. Nguyên nhân nào đã đưa ngựa đến sự vinh quang ấy? Thưa, vì theo phong thủy, ngựa không những là con vật trung thành nhất mà còn là con vật biểu tượng của sự bền bỉ, kiên nhẫn đồng thời lại mang lại sự may mắn, tài lộc. Bởi thế chẳng lạ khi thấy doanh nhân là giới giới mê ngựa nhất trần gian. Hình tượng ngựa được họ chọn để trang trí tư gia và nơi làm việc. Và để chúc mừng nhân dịp khai trương một cơ sở kinh doanh, người ta vẫn thường tặng chủ nhân một tấm bảng khắc dòng chữ bằng vàng: “Mã Đáo Thành Công” với ý nghĩa là có ngựa thì sẽ thành công. Hình ảnh “Lộc Mã”, tức là ngựa phi nước đại cũng tượng trưng cho sự phát đạt trong kinh doanh và sự tăng tiến trong tiền tài.

  Theo Phong Thủy, không phải cứ có hình tượng ngựa thì muốn treo, muốn đặt ở đâu cũng được, nhưng phải theo đúng hướng, đúng bài bản. Chẳng hạn:

  -Với những người thường đi công tác hoặc vẫn bôn ba đây đó, thì tranh hay tượng ngựa phi nước đại là thích hợp hơn cả và nên đặt ngựa ở hướng Tây, Tây Bắc hoặc Đông Bắc nhằm phát triển cát tường (điềm lành) và triệt tiêu hung khí (sự dữ).

  -Với những người đang lâm vào hoàn cảnh bị đối nghịch hoặc trong tình huống bị cạnh tranh thì nên chọn bức tranh ngựa cống phẩm nhằm có được vận may chiến thắng đối thủ - hoặc hình con bạch mã đang thồ những vật quý giá và được dắt đi (không phải là đang bị cưỡi) vốn có biểu hiệu cho sự thăng quan tiến chức.

   Hơn nữa, những người tin Phong Thủy rất “chịu” các bức tranh ngựa mà từ cổ chí kim vẫn được họa với các ý nghĩa và mục đích như sau:

  -Hai ngựa: Tranh đôi ngựa phù hợp nhà ở, văn phòng, cửa hàng vì đem lại tài lộc, công danh, hóa giải sát khí...

  -Ba ngựa: Phát huy thổ khí mà tạo nên công danh, tài lộc. Tranh này cũng phù hợp với các nơi như tranh đôi ngựa.

  -Tám ngựa: Mã đáo thành công. Để được đại cát nên đặt tranh 8 ngựa ở bên trên bàn làm việc hay chỗ tài vị trong nhà; mặt hướng ra cổng lớn hay cửa sổ. 

  -Ngựa cụt đuôi hay ngựa cột đuôi: Biểu trưng sự cầu mong giàu sang, phát phú phát quý cho gia chủ. Hình ảnh ngựa cụt hay cột (buộc) đuôi bắt nguồn từ lối sống vương giả thời nhà Đường bên Tàu, theo đó đuôi ngựa của các cung phi được tết lại thành bím, sau đó búi gọn thành bó ngắn trông như bị cụt.

  -Mã thượng phong hầu: Tranh vẽ một con khỉ trên lưng con ngựa. Ý nghĩa: “Hầu” là khỉ; cặp từ “phong hầu” có nghĩa tiến chức. “Mã” là ngựa. Hai chữ “mã thượng” mang ý ngay lập tức. Toàn câu có chủ đích cầu ước sự thăng tiến nhanh chóng...

 

Làm thịt ngựa...

  Kể ra cũng hơi mâu thuẫn khi trên đây vừa ca tụng ngựa, giờ lại đòi... làm thịt ngựa. Thật tình mà nói, “đời là thế”, có sinh có tử. Vả lại đã mang kiếp súc vật, nhất là lại nằm trong danh sách “lục súc” thì việc ngựa và các con vật khác “hiến thân” làm thực phẩm cho loài người, âu đó từ ngàn xưa vẫn... thường thôi. Vả lại, cổ nhân ta đã ví von: “Lên xe, xuống ngựa”, là vì thế.

  Thịt bò hay thịt ngựa?

 - Vào giữa tháng 2, năm ngoái, những bản tin tức viết về vụ “trộn thịt ngựa vào thịt bò” đã gây “sốc” cho dân chúng ở Âu Châu - mà “nghi can” là cựu quốc gia cộng sản Romania, nơi đây đã “đánh lận con đen” xuất cảng thịt pha trộn ấy sang các công ty thực phẩm thuộc Liên Âu (EU). Từ ngày 15-02-2013, EU đã phải dành một tháng để thử nghiệm DNA nhằm xác quyết thịt bò và thịt ngựa. Sì căng đan này liên quan đến tối thiểu 13 quốc gia, 28 công ty và 750 tấn thịt ngựa.

  Được biết, khi được gia nhập EU năm 2007, Romania đã ký kết chấp thuận lệnh nghiêm cấm làm thịt ngựa; hệ quả là nơi đây hiện diễn ra tình trạng “mã mãn”, tức là quá nhiều ngựa vô dụng. Thủ Tướng Victor Ponta của Romania đã “tắc-dzăng nổi giận” khi chính thức phủ nhận những cáo buộc là hai lò thịt ở nước ông đã lập lờ trộn thịt ngựa vào thịt bò để xuất cảng. Thế nhưng, theo thông tấn xã AP, số lượng thịt ngựa Romania xuất cảng đã gia tăng 10 phần trăm từ năm 2011 tới 2012; đó là chưa kể đến số lượng 6,300 tấn mỗi năm pha trộn thịt ngựa, la (mule) và lừa (donkey). Khôi hài là chính người dân Romania lại không ăn nhiều thịt ngựa, nhưng chỉ muốn “nhường”... cho nước ngoài.

  Kỹ nghệ thịt ngựa

- Trong thực tế, chẳng cứ Romania mà nhiều nước Tây Phương khác cũng vẫn là những tay “đồ tể” đối với loài ngựa, điển hình nhất là vương quốc Anh. Mỗi năm có khoảng trên 5,000 con ngựa “được” Anh đưa thẳng vào lò sát sanh để rồi thịt được “xuất cảnh” sang các quốc gia lân bang, nhất là Pháp.

  Trong tổng số ngựa bị hạ thịt ở Anh, hầu hết là những con ngựa bị thương, cao niên hoặc “bất tài” bị các trường đua sa thải. Một con ngựa giống của trường dậy cưỡi ngựa Tallant giá hàng chục ngàn bảng Anh (pound) nhưng khi hết thời, giá bán cho lò mổ rất “bèo”, chỉ còn khoảng 300 bảng.

  Ngoài số ngựa “nạn nhân” của Anh, phải kể đến khoảng hơn 100,000 con ngựa được ”xuất cảnh” bằng đường bộ từ Đông Âu sang Tây Âu, chủ yếu là Ý, Pháp và Bỉ.

  Cách hạ thịt thông dụng nhất là cho điện giật hoặc chỉ cần một phát đạn vào thẳng sọ để con vật “chết lẹ và chết lành”. Tiếp theo, người ta treo ngược con ngựa lên để cắt cổ, rồi cắt chân, moi ruột và lột da, lóc thịt. Với con dao thật sắc (bén) trong tay, các “đồ tể” chỉ thoáng chốc đã “hạ cấp” con ngựa xuống chỉ còn lại một bộ xương.

  Ai bảo thịt ngựa “ghê”; thịt ngựa “ngon” lắm chứ! - Giới tiêu dùng đã khởi sự chú ý đến thịt ngựa, cho rằng các vận động viên sẽ có sức bền bỉ hơn người thường nếu sử dụng món thịt ngựa trong thực đơn. Lại nữa, các chuyên gia dinh dưỡng xác nhận là cao xương ngựa điều trị hữu hiệu tình trạng yếu sinh lý... Thế nhưng, trước khi đi vào vấn đề, mạn phép giới thiệu một món ngon hết chỗ chê: Thịt ngựa!

   -Thịt ngựa đang “thừa thắng xông lên”: Pháp quốc đang nỗ lực phục hồi niềm đam mê ăn thịt ngựa. Chính quyền lợi dụng các website để vận động “nhân dân ta” chọn thịt ngựa làm món ăn lành mạnh để thay thế các món thịt khác. Câu lạc bộ Pony Club ở Pháp với Alex-André Lazerges làm Chủ Tịch, gồm trên 30 hội viên thường trực, hàng tuần vẫn họp mặt tại một nhà hàng ở quận 12 của thủ đô Paris, để vừa thưởng thức các món thịt ngựa với rượu chát vừa “lai rai chuyện đời” đúng cách “à la mode Francais”. Lazerges khẳng định: “Pony Club của chúng tôi khác hẳn các hội đua ngựa khác; người ta đua ngựa nhưng chúng tôi ăn ngựa”. Đương sự xác nhận rằng người Nhật, Đức, Thụy Điển và Kazakhastan cũng rất “ghiền” thịt ngựa hơn cả món thịt trừu.

  -Thịt ngựa là món “siêu” khoái khẩu của người Nhật:

Nhiều nơi thuộc các tỉnh Kumamoto, Nagamo hay Oita vẫn nổi tiếng về món thịt ngựa sống được thái mỏng gọi là “Basashi”, và đây cũng là món đặc sản của vùng Tohoku nước Nhật.

  Sở dĩ món này được đặt tên là “Basashi”, bởi vì thịt ngựa có màu đỏ, giống một món ăn khác mà người Nhật vẫn gọi là “Sakuraniku”; theo đó, “Sakura” có nghĩa là hoa anh đào; “niku” là thịt.

  Ngoài ra người Nhật còn có kem “Basashi”, món tráng miệng được làm từ thịt ngựa, rất hấp dẫn và được ưa thích.

  -Thịt ngựa đã trở thành món “độc” của dân Sài Gòn: Chữ “độc” ngày nay ở Việt Nam không hẳn còn có nghĩa là “có chất làm hại tính mệnh người”, nhưng là mới, là đặc biệt và có giá “cao cấp”. Hiện giờ ở Sài Gòn cũng như tại một số địa phương khác, có nhiều nhà hàng đã “vô tư” treo bảng bên ngoài lẫn ghi trong thực đơn món thịt ngựa, nào “ngựa lúc lắc”, “ngựa cuốn lá lốt”, nào “ngựa xào lăn”, “ngựa sốt cay Mexico”... Thịt ngựa đặc biệt hợp với các loại rau thơm như rau mùi tây, lá lốt...  và gia vị như mù tạt, tỏi và tiêu sọ.

  (Mạn phép mở ngoặc kép ở đây: Vì cao xương ngựa rất giàu chất đạm, nên không hợp với những người bị bệnh cấp tính ngoài da như bệnh giời leo - và người mang bệnh “gao” khi lên cơn cấp tính, người có dấu hiệu suy thận... Khi sử dụng cao ngựa, phải kiêng các chất tanh như tôm, cua, cá..., các chất nóng như ớt, tỏi, hạt tiêu... và một số loại rau như măng tre, đậu xanh, rau muống...)

Thịt ngựa tuôn vào Việt Nam bằng các nguồn từ Trung Quốc, Mông Cổ, Lào... Trong khi đó việc chăn nuôi ngựa thịt đã được khởi sự phát triển hơn một năm qua ở các làng sắc tộc thiểu số trên Tây Nguyên và ở các vùng núi phía Bắc. 

Thịt ngựa được quảng cáo “ăn gì bổ nấy”, như “pín” ngựa tác động vũ bão cường dương, kích âm, tăng dục;  xương ngựa nấu đề tình cảm. Tuổi thích hợp để kết hôn: Giáp Ngọ, Bính Thân, Kỷ Hợi, Canh Tý, Nhâm Dần và Quý Tỵ. Riêng về gia đạo, tiền vận phức tạp nhưng êm đẹp vào trung và hậu vận.

Nói tóm lại, năm nay Giáp Ngọ được biểu trưng bằng hình ảnh “sa kim trung”, tức là “vàng trong cát”. Tuy nhiên để tìm được vàng ẩn mình như vậy,thành cao tuy không bằng cao hổ: “nhất hổ vằn, nhì bạch mã” - nhưng cũng rất tốt cho những người đau nhức gân, cốt, phòng chống loãng xương, thoái hóa khớp, điều trị suy nhược cơ thể ở người vừa ốm dậy, phụ nữ sau khi sanh, kinh nguyệt không đều, trẻ con còi xương, suy dinh dưỡng; và đặc biệt cao xương ngựa còn có tác dụng hỗ trợ bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối...

  Nhiều người đã từng “nếm” qua, phát biểu rằng thịt ngựa mềm, ngọt và bùi hơn thịt bò; ăn vào cảm thấy cơ thể như được thêm sinh lực, sảng khoái; thêm vào đó, tóc không rụng, trái lại mọc nhanh, chắc, khỏe và mượt mà.

-Thịt ngựa có nhiều chất dinh dưỡng: Thịt ngựa là loại thịt đỏ, xẻ ra thấy y chang thịt bò và cũng có thể chế biến đủ kiểu: Nướng, chiên, rô ti, hầm... - tuy nhiên bị ôxy hóa nhanh hơn thịt bò và dễ bị nhiễm vi khuẩn, nhất là dưới dạng xay băm (Vì thế nên chế biến ngay khi làm món ngựa băm. Tránh ăn thịt ngựa dưới dạng còn sống như tái chanh, bóp thấu...). Thịt ngựa nấu chín rất thơm và ngọt.

  Thịt ngựa chứa nhiều chất sắt (khoảng 4mg/100gr) và có ít hơn 3% chất béo, đặc biệt giàu niacin, vitamin B12 cộng với vitamin A, E, B, PP, C, D...  và đồng, kẽm. Về giá trị dinh dưỡng, mỗi gram thịt ngựa có thể cho 21,4gr Protein, 4,6gr Lipid, 133 calori năng lượng... Ngoài ra, thịt ngựa được cho là ít chất béo và ít cholesterol so với thịt bò trong khi vẫn thơm như thịt bò. Thịt ngựa còn không bị cúm gia cầm, không lở mồm long móng, không mang chứng bò điên...  Sách Tuệ Tĩnh Nam Dược Thần Niệu ghi rất rõ: “Mã nhục (thịt ngựa) làm lớn mạnh gân xưong, giúp đỡ hói; răng ngựa chủ trị kinh giản, đinh sang, đau răng; sữa ngựa bổ huyết, nhuận táo, thanh nhiệt; xương ngựa chủ trị lở đầu; gan ngựa chữa kinh nguyệt không thông, ngực bụng đầy trướng; da ngựa chữa thấp nhiệt, tê bại, lở đầu, rụng tóc...”

  Thịt ngựa hết sẩy vậy đó, còn chần chờ gì nữa, thưa quý vị, hãy xơi đi, mất mát gì đâu mà sợ!

  Mơ thấy ngựa

  Dù đứng về quan điểm nào, duy linh hay duy vật, người ta vẫn không thể phủ nhận ảnh hưởng và giá trị của những giấc mộng. Đó có thể là một điềm báo trước. Đó có thể là một tác động nhỏ kích thích một điểm nào đó vốn nằm sâu trong tiềm giác hay tiềm thức. Giấc mơ ảnh hưởng sâu đậm đối với người nằm mơ, có thể thay đổi tâm linh hay nếp sống của một người. Chẳng thế mà cổ nhân ta đã từng nhận định: “Người làm sao chiêm bao làm vậy”. Và danh ngôn Pháp: “Bạn hãy nói bạn thường mơ những gì, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người thế nào”...

  Tuy nhiên ở đây chỉ mạn phép đề cập chút xíu về các “giấc mơ thấy ngựa”. Chẳng nên coi là những “chuyện nhỏ”, trái lại cần “giải mã” những khi “đụng” ngựa trong giấc chiêm bao. Điển hình như Septime Sévère mơ thấy được cưỡi ngựa của Hoàng Đế Pertinaux. Chẳng bao lâu sau, ông được nối ngôi Hoàng Đế cai trị đế quốc La Mã, từ năm 193 đến 211 trước Tây Lịch.

  Theo Nicéphore, mơ trông thấy hoặc mơ cưỡi ngựa ô (đen) là điềm bất lợi trong việc buôn bán, làm ăn. Tác giả cuốn “Đoán Mộng”, Phaldor cho rằng ngựa trong giấc mơ ám chỉ một phụ nữ, người vợ hay một người mình yêu say đắm. De Helva, chuyên gia đoán mộng cho vua chúa cũng giải thích: “Nếu ngài mơ thấy mình cưỡi ngựa cùng đi với các tướng sĩ, ấy là điềm ngài sẽ thắng trận; và mọi sở thích của ngài, bất kể tốt lành hay điên rồ, đều sẽ trở thành thực tế”. 

  Tuy nhiên, cách “giải mã” phổ thông trong dân gian thì cho rằng mơ thấy ngựa phần nhiều là điềm lành. Thí dụ: Mơ thấy ngựa trắng là điềm thắng lợi trong công việc; thấy ngựa ô, ngựa khoang hay màu cà phê sữa cũng là điềm thắng lợi nhưng phải qua nhiều khó khăn - Mơ thấy ngựa rừng: Gặp việc dễ dàng - Mơ thấy ngựa đã thắng yên cương sang trọng: Lấy được vợ hay chồng giàu có - Mơ cưỡi ngựa: Thay đổi địa vị từ thấp lên cao; thay đổi hoàn cảnh - Mơ phi ngựa nước đại: Thắng lợi lớn lao sau một công trình vĩ đại - Mơ bị ngã ngựa: Bị bệnh tật hoặc thất vọng vì tình - Mơ bị ngựa đá: Bị người yêu phụ bạc, bị bạn bè xỏ xiên - Mơ ngựa bị thương hay chết: Có người thân đau nặng - Mơ mua hoặc bán ngựa: Bị lường gạt - Mơ thấy xe song mã (2 ngựa): Bỏ được một tật xấu hoặc học được một điều hay; thấy xe tứ mã (4 ngựa): Được mời dự hai đám cưới một lúc - Mơ thấy ngựa bất kham: Có kẻ tìm cách ngăn cản việc hôn nhân - Mơ thấy ngựa lồng: Gặp việc phải liều lĩnh, không kịp suy xét - Mơ thấy đàn ngựa từ phía trước mặt chạy lại: Được nhiều thế lực hơn và thăng tiến đến một địa vị cao hơn - Đang ốm đau mà mơ thấy cưỡi ngựa đến một kinh thành xa lạ: Sắp chết!....

  Quẻ bói đầu năm Giáp Ngọ

  Thần Mặt Trời Apolo đứng oai phong trên cỗ xe tứ mã nhằm ngày ngày đánh xe từ nơi trị vì tại hướng Đông để vượt qua bầu trời sang hướng Tây. Đến khi vầng thái dương lặn xuống đại dương phía Tây thì thần lại đánh xe trở về để rồi sáng hôm sau lại tái diễn cuộc hành trình trên con đường quen thuộc ấy.

  Tích trên cho biết ngựa là động vật được may mắn vinh dự sống chung với vầng mặt trời rực rỡ, và bởi thế tạo nên sự ảnh hưởng mạnh mẽ nơi những người sinh năm Ngọ.

  Những người sinh năm Ngọ - Người sinh năm Giáp Ngọ là Kỵ Mã (ngựa cưỡi): Hòa khí, thích kết bạn, gặp hung hóa cát (gặp rủi hóa may). Ruột thịt ít cậy nhờ. Phụ nữ biết ăn nói, thích chơi nổi - Người sinh năm Bính Ngọ là Hỏa Mã (ngựa lửa): Thanh nhàn, lúc trẻ tiền vào như nước nhưng cũng tiêu tán nhiều. Phụ nữ khéo léo. Hậu vận hưng vượng - Người sinh năm Mậu Ngọ là Thổ Mã (ngựa đất): Lúc trẻ lắm tai ương, tuy nhiên cuộc đời cơm áo bổng lộc đến tự nhiên. Tính khí hiền lành. Phụ nữ chị em ít nhờ cậy - Người sinh năm Canh Ngọ là Kim Mã (ngựa vàng): Đàn ông cầm trịch trong gia đình; tính cách bướng bỉnh. Phụ nữ hỗ trợ chồng con gây dựng sự nghiệp; tính cách số phận thanh tú - Người sinh năm Nhâm Ngọ là Thủy Mã (ngựa nước): Con người cần kiệm, có của lúc trẻ nhưng không biết giữ. Về già hưng thịnh. Phụ nữ là người hiền lành, siêng năng giúp gia đình phát triển.

Nói tổng quát, người cầm tinh con ngựa có tinh thần tự lực cao, có trí phấn đấu, bất khuất, nhanh nhẹn, hiếu động, sôi nổi, đề cao chủ nghĩa anh hùng và hay bênh vực kẻ khác; họ được trời phú cho tính cách hoạt bát, lạc quan và rộng rãi, dễ hòa nhập với người khác và giao du rộng, thích bay nhẩy đến độ nếu có điều kiện cho phép là họ có thể từ biệt gia đình... Người tuổi Ngọ coi trọng việc ăn mặc, thích chải chuốt, trang điểm, tóm lại là “nặng phần trinh diễn” sao cho thật bắt mắt thiên hạ.

  Tuy nhiên, nhược điểm của người sinh năm Ngọ cũng rất nhiều, chẳng hạn tính khí nóng nẩy, ít nhẫn nại, độc đoán, thường không chấp nhận hoặc coi thường ý kiến của người khác, nhiều khi thiếu tế nhị và tương đối tự phụ. Trong thần thoại, mặt trời được cho là liên quan đến những con ngựa đang nổi cơn cuồng nộ. Có thể ví những người cầm tinh con ngựa có hành động mau lẹ, tích cực, rất thích hợp với môn chạy nước rút. Chạy đường trường - đòi hỏi sự kiên tâm và bền bỉ - sẽ không thích hợp với họ. Vì tính ưa tự do, thích độc lập và hành động mạnh mẽ, nhanh chóng nên những người sinh năm Ngọ có vận số tốt để xốc vác nhiều công việc không đòi hỏi tính kiên trì. Và vì không chịu bất kỳ ràng buộc nào nên đôi khi ước mơ thường vượt quá khả năng của họ. Đồng thời cũng vì tính khí sôi nổi, bộp chộp mà người tuổi Ngọ không thể chịu được sự che giấu, khó giữ bí mật, ngay cả người yêu cũng hay thay đổi. Còn về tài vận, họ rất dễ kiếm tiền, nhưng mê cuộc sống xa hoa, ưa ra vẻ ta đây, thành ra vung tiền ra rất nhiều để rồi cuối cùng cũng chẳng tích góp được bao nhiêu...

  Giáp Ngọ: Hên nhiều, rủi ít - Nam giới: Gặp nhiều may mắn, tài lộc, công danh, sự nghiệp lên cao vào khoảng giữa năm. Hậu vận tốt đẹp. Tuy vậy, cần rèn cho mình tính kiên nhẫn, tập cho mình thói quen giữ bí mật, nên chú ý đến lời nói và hành động của mình cũng như cần phải tôn trọng ý kiến người khác. Người nam sinh năm Ngọ khi bước vào lứa tuổi 35, nên dồn hết tài năng vào vị thế mà họ đã có thể có được trong xã hội nhằm xây dựng nền móng vững chắc cho tương lai của mình. Tuổi thích hợp để kết hôn: Giáp Ngọ, Bính Thân và Kỷ Hợi.

Nữ giới: Năm nay cuộc đời có nhiều kết quả tốt đẹp. Trung vận công danh sự nghiệp gặp nhiều cơ hội. Hậu vận tài lộc dồi dào. Thế nhưng, người nữ cầm tinh con ngựa ở tuổi 25, nên suy nghĩ chín chắn về tương lai của mình để sắp đặt cho êm xuôi. Nên cẩn thận về tiền bạc và các giao dịch khác. Cần nín nhịn mọi xung đột mới tốt. Tuy có nhiều niềm vui nhưng phải đề phòng tai nạn nhẹ, nhất là vào tháng 6 và 8. Người ở vào lứa tuổi 20 - 25 có dịp may về kinh doanh và cuộc đời, đặc biệt phát triển mạnh mẽ về vấn  tức là tài lộc cũng như mọi kết quả tốt đẹp trên đường công danh sự nghiệp, trong lãnh vực giao tế, tình cảm và trong cả gia đạo... thì điều kiện tiên quyết đòi hỏi sự kiên tâm với tinh thần lạc quan. Với ý nghĩa vừa nêu, trước thềm năm mới 2014, người viết kính chúc quý độc giả, không chỉ những bạn đọc sinh năm Ngọ mà mọi người cầm tinh bất cứ con giáp nào khác, đều được “Mã Đáo Thành Công”!

Hoài Mỹ