Năm Mùi, nói truyện Dê... Năm Vị, tán chuyện Dương - Hoài Mỹ

2015-12-10 13:26

Trong 12 con giáp, có lẽ Dê được cách riêng người Việt nhắc đến tên nhiều nhất, nhưng khi nhắc, lại không được người nể nang như Hổ, kính trọng như Rồng hoặc hài hước như Khỉ hay thân thiện như Chó, Lợn, Gà, Chuột... Trái lại, Dê thì phải được thốt ra bằng một giọng... đểu cáng hay cợt nhả hoặc miệt thị tối đa thì mới “hợp thời trang nhạc tuyển”. Tuy nhiên, nếu dùng Dê như một danh từ, người ta cần vừa nói vừa bĩu môi: “Dê xồm”, “máu Dê” và “già Dê”... hay như một động từ: “Dê!” - thì chém chết người nói cũng phải bày tỏ thái độ khinh khi. Trong tất cả trường hợp vừa kể, từ Dê đều mang nghĩa bóng, ấy là nói về một người đàn ông có tính thích đàn bà hay có ý ve vãn, chọc ghẹo phụ nữ... 

Dê là con gì?

Thế nhưng, không phải bất cứ lúc nào, từ Dê cũng có ý tiêu cực như các thí dụ nêu trên. Ngược lại, Dê theo nghĩa đen thì lại đầy tính ”con nhà lành”, có tên khoa học là Capra sp., bởi vì tên gọi này chỉ một loài động vật có gạc hay sừng rỗng (thuộc bộ Bividae), có vú (Mammalia), có râu cằm, lông nhiều và hôi; chân có móng thon (Artidactyla). Ấy tả ngoại hình Dê tổng quát thì như thế; nhưng khi nhìn một con Dê, người ta khó có thể xác quyết đó là con đực hay con cái; chẳng thế mà dân gian đã có câu đố: ”Tiền diện khán nam nhơn chi chi - Hậu bối chi nữ thị chi hình”, nghĩa là ”trước mặt những ngỡ trai; sau lưng mới hay là gái” là con gì? Vậy câu giải đáp là con Dê cái.

Nói về tính tình, Dê tương đối hiền so với đa số con giáp khác tuy cũng thích chồm phá để kiếm cỏ, dây leo mà ăn.

Cũng giống như bò, Dê thuộc loại nhai lại (Rumninantia), nhưng nói về họ hàng thì Dê liên hệ với những 32 loài khác tương tự như trừu (cừu), sơn dương, xạ hương... Thời tiền sử nhân loại, Dê cũng như các gia súc khác, trước tiên sinh sống trên rừng sâu núi thẳm mà gốc gác nổi tiếng nhất đó là Ba Tư và miền Tây-Nam Á Châu... sau được thuần hóa, nghĩa là được nuôi trong nhà. Dê chính thức trở thành gia súc cách nay khoảng 10,000 năm, đứng trong ”hộ chiếu” Lục Súc: Trâu, Ngựa, Dê, Gà, Lợn (Heo), Chó. Người ta nuôi Dê để ăn thịt, lấy sữa, dùng lông làm áo ấm, chăn mền... Mục đích thực tế đơn giản và... thánh thiện chỉ như vậy thôi, nhưng rồi theo thời gian và nhu cầu, loài người đã ”sáng tạo” thêm quá ư nhiều thứ nữa. ”Muốn biết ra sao, xin chờ đọc ở phần dưới”!

Ngài ra, thiết nghĩ cũng cần phải diễn tả bổ túc một chút nữa về Dê. Trên đây, kẻ hèn này đã kể sơ về nghĩa bóng, nghĩa đen của từ Dê, nhưng trong tiếng Việt có rất nhiều từ đồng thanh mà khác nghĩa, điển hình là từ Dê ở đây.  Với quí vị lớn tuổi và giỏi Việt ngữ thì những trường hợp tương tự chỉ là ”chuyện nhỏ”, nhưng với lớp hậu bối, nhất là những người sinh trưởng ở hải ngoại, hẳn nhiên đây lại là ”vấn đề” lớn. Nghe ”dê” chẳng hạn, chớ vội ”bé cái lầm” về duy nhất một loài thú như đã ”trình làng” ở phần trên, nhưng ”dê” còn có nhiều nghĩa hoàn toàn khác, chẳng hạn như: ”Dê diếu” hay ”bán dê bán diếu”, thí dụ: ”Miệng đời dê diếu biết bao”, câu này có nghĩa là đồn đãi những việc xấu của người đời. Ngoài ra, thiên hạ cũng hay nói, đại khái: ”Dê chỗ khác” - (từ ”dê” giống ”xê”) - nghĩa là dời đi, mang đi. Hay như: ”Dê cùng đường” - (từ ”dê” này giống ”rưới”) - nghĩa là để chảy (nước) nhiều nơi. Sau nữa ”dê”  hay ”rê” còn có nghĩa là trúc từ trên cao xuống để nhờ gió thổi bay lúa lép và bụi như dê lúa, dê thóc v.v...

Dê với Dương!

Do biến cố lịch sử, thời nước ta bị ngoại xâm, tiếng Việt được phong phú hóa thêm do bởi rất nhiều từ ngoại quốc đã được Việt hóa. Trong số này đáng kể nhất là lượng từ gọi là Hán Việt. Thí dụ cụ thể ở đây, ngoài là gốc chữ Nôm, Dê còn đồng nghĩa với Dương, một từ Hán Việt, tuy nhiên Dê vẫn là từ thông dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Ngược lại, Dương nếu mang nghĩa con dê thì không dùng một mình, thí dụ: Sơn dương, linh dương... Hơn nữa, Dương còn chiếm địa vị đặc biệt trong Đông Y. Thiết tưởng các thí dụ dưới đây không chỉ có nghĩa về văn học nhưng còn mang lại cho bạn đọc về kiến thức dược phương và thực phẩm:

-Dương can: Gan dê, khí lạnh, vị đắng, không độc.

-Dương giác: Sừng dê, khí ôn, vị mặn, không độc.

-Dương huyết: Tiết (máu) dê, khí mát, vị đạm, không độc.

-Dương nhũ: Sữa dê, khí ấm, vị ngọt, bổ, không độc. Người ta còn gọi là ”dương lạc”.

-Dương thận: Trái cật (bầu dục) dê, khí ôn, vị ngọt, không độc.

-Dương nhục: Thịt dê, khí nhiệt, vị ngọt, không độc. V.v...

Dĩ nhiên từ Dương cũng như Dê, còn có nhiều từ đồng âm khác nghĩa, như ”Dương là phô ra: Dương oai, dương danh”; ”Dương là một khí trong trời đất, trái với âm”; ”Dương là biển, như Thái Bình Dương, và ”Dương (hay giang) mai là bệnh tim la. V.v...

Đã nói một lần về Dương thì mạn phép độc giả để người viết nhân đây  ”xổ” ra cho đã. Thưa, đó là một số danh ngôn và thành ngữ, trong đó có hình ảnh Dương tức Dê:

-”Đổ phốc trụ lương, văn tẩu ngưu dương” = Con mọt làm gẫy được rường cột; con muỗi đuổi được trâu dê. Nghĩa bóng của câu là đừng xem thường những tai hại nhỏ, vì một đốm lửa nhỏ có thể thiêu hủy một xóm nhà to hoặc một hoàn thuốc hay có thể chữa một người bệnh nặng...

-”Dương chất hổ bì” = Da cọp mà chất dê. Nghĩa bóng là bề ngoài giả dối để lòe bịp thiên hạ.

-”Kiến ngưu như kiến dương” = Thấy con trâu nhỏ bằng con dê. Đây là cách tính ”dặm” của người Trung Hoa xưa, tức khoảng đường độ 500 mét.

-Và ”dương xa” = Xe dê. Ngày xưa, vua nào cũng như vua nào, trăm ông đều như một, không chỉ ”năm thê bẩy thiếp”, nhưng ngoài một lô hoàng hậu, hàng tá thứ phi còn có cả trăm, cả ngàn cung nữ. Vua tự chọn đã đành mà các cận thần đều ”thi đua”... lấy điểm bằng cách chọn những thiếu nữ xinh đẹp trên toàn quốc hầu đưa vào cung vừa để hầu hạ vua lẫn để ”giúp vui” bệ hạ. Chẳng hạn, đời nhà Tần (221 - 209 trước Tây Lịch), vua Tần Thủy Hoàng (246 - 209 trước D.L.) có trên 3,000 cung nữ. Ở Việt Nam, đời nhà Lý (1010 - 1225), vua Lý Thái Tổ (1028 - 1054) qui định lại số hậu phi và cung nữ: Hậu và phi 13 người, ngự nữ 18 người, nhạc kỹ 1.000 người. Đó là con số ít nhất so với các triều vua khác, nhất là các vua Tầu. Kể ra như vậy đã là một sự... tiến bộ vượt bực rồi đấy!

Cung của nhà vua chia làm từng phòng đặc biệt. Mỗi cung phi ở riêng một phòng. Đêm đến, nhà vua muốn vui say với cung phi nào thì vào cung đó. Thế nhưng, vì nhiều cung phi quá, mà nàng nào cũng sắc nước hương trời, nhà vua, rốt cuộc, trông ai cũng như ai để rồi... cứ tới đêm,  lại bối rối, không biết nên ngự ở cung nào?

Sách Tấn thư chép: Vua Võ Đế có nhiều cung phi, mỗi đêm muốn đến cung nhân nào thì vua ngồi trên một chiếc xe nhỏ khảm châu ngọc, có con dê kéo, để tùy ý dê đi đến cung điện nào thì vua vào đấy.

Xe do con dê kéo gọi là “Xe dê”, tên chữ là ”Dương xa”.

Con dê trở thành một tên hướng đạo quan trọng.

Rồi cứ chiều đến, hoàng hôn vừa buông mình rủ xuống thì nhà vua lại ngồi trên chiếc xe dê để dê lững thững kéo đi. Các cung phi vì muốn được hưởng ơn mưa móc của quân vương, muốn sưởi ấm tấm thân để cõi lòng khỏi cô đơn trống trải, nhưng không biết tìm thế nào làm cho dê kéo xe dừng lại trước cung mình. Sau, vài nàng có sáng kiến, biết dê thích lá dâu nên tìm lá dâu rắc trước cung để cám dỗ dê dừng xe lại. Dần dần cung nào cũng thấy đầy lá dâu.

Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, đoạn nói về nàng cung nữ oán trách nhà vua ghẻ lạnh đối với mình, có câu:

”Phải duyên hương lửa cùng nhau,
Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào”...

Ý nói duyên nợ với vua từ bao kiếp trước, chứ đâu như các cung phi khác, muốn được hầu vua thì tất phải rắc lá dâu cho xe dê vào rồi mới hy vọng được gần vua.

Dê và năm Mùi

Mùi đồng nghĩa với Vị nên đã một thời, năm Mùi còn gọi là năm Vị. Nói chung chung thì ”nhất trí” dễ dàng nhưng xét kỹ hơn, ta thấy khác nhau nhiều lắm: Vị là từ Hán Việt, trong khi Mùi là chữ Nôm. Hơn thế, Mùi thuộc về khứu giác (mũi), còn Vị theo nghĩa cảm xúc bằng lưỡi (vị giác). Ngày nay, mặc dù từ Vị mang nhiều nghĩa và thông dụng hơn, nhưng Mùi được chọn cho nghĩa niên lịch và chẳng còn dính líu gì đến ”hơi mà mũi người ta ngửi thấy”. Mùi ở đây là chữ thứ 8 trong 12 con giáp, được biểu hiện bằng con Dê.

Đã có năm Mùi âm lịch thì cũng có tháng Mùi (tháng 6) và giờ Mùi (từ 13 hay 1:PM đến 15 giờ hay 3:PM). Năm Mùi được nhiều người, cách riêng phái nữ, thích lắm, nên nẩy sinh tâm lý ghen tị đặc biệt nơi các cô cầm tinh cọp (Dần), khỉ (Thân): ”Người ta tuổi Ngọ, tuổi Mùi - Em đây luống những ngậm ngùi tuổi Thân”. Trong khi đó giờ Mùi được cổ nhân ta chọn làm thời điểm quan trọng không chỉ cho việc ăn và nghỉ trưa mà còn là ”ranh giới” cho việc gìn giữ tình cảm gia đình, bởi thế có lời khuyên: ”Mưa chẳng qua Ngọ, gió chẳng qua Mùi”, nghĩa là trong nhà, nếu có... đánh vợ, rày con (biểu tượng bằng mưa, gió) thì cũng chỉ nên ”qua loa rờ măng” trong giây lát rồi thôi, để trên thuận dưới hòa mà lấy lại nếp sống bình thường; không nên kéo dài suốt ngày đến độ bỏ cả bữa ăn trưa (Ngọ) và giấc nghỉ trưa (Mùi). Nếu không làm được vậy, sự bất hòa sẽ khó bề được hàn gắn.

 Dê và con số 35: Dê oan hay ưng?

Xin nói ngay, giữa loài gia súc Dê và con số 35 hay 70 chia 2 hoặc bất cứ con số nào cũng chẳng ”ăn nhậu” gì với nhau. 35 tuyệt đối không phải là biểu hiệu gì về con Dê mặc dù cứ thấy người đàn ông nào thích đàn bà, háo sắc, khoái chọc ghẹo phụ nữ hay mê gái... thì người Việt lại gắn cho đương sự danh hiệu ”Dê” hay ”35”. Hỏi nguyên nhân, cách riêng tại sao lại là 35 mà không phải là con số nào khác thì hầu như đa phần đều... ú ớ, kiểu ”mở miệng mắc quai” vì không biết trả lời sao hoặc nếu ”phang đại”, lại lo lắng ”chẳng giống ai”. Ngay cả những gì kẻ hèn này kể dưới đây cũng không ”chắc ăn” trăm phần trăm, chỉ nặng về giả thuyết thôi nhé:

Thời Pháp thuộc, chính sách chủ yếu của thực dân chỉ nhằm hủ hóa dân Việt hầu đưa đẩy cách riêng thanh niên vào các chốn ăn chơi để quên đi nỗi quốc nhục và chẳng còn nghĩ gì đến việc tranh đấu. Khoảng năm 1945 - 46, Pháp chiêu dụ được lực lượng Bình Xuyên do Bẩy Viễn lãnh đạo về ”hợp tác”. Chính phủ Bảo Đại lúc này cũng chỉ là bù nhìn thứ thiệt mà thôi. Với ”giấy phép” của Bảo Đại cũng như sự ”đồng thuận” của Pháp, Bẩy Viễn được mở một sòng bạc rất lớn nấp dưới danh nghĩa ”giải trí trường” Kim Chung (La Cloche d’Or = Chuông vàng) ở khu Dân Sinh cầu Ông Lãnh Saigon, sau đó ”thừa thắng xông lên” mở thêm một khu cờ bạc vĩ đại nữa ở Chợ Lớn mang bảng hiệu Đại Thế Giới (Grand Monde). Khách đỏ đen không chỉ trong nước mà từ ”năm châu bốn bể” kéo đến Kim Chung - Đại Thế Giới để thử thời vận. Nhờ các đại mưu sĩ kiêm cố vấn Tầu, trong các món cờ bịch có thêm một trò chơi mới, gọi là xổ số đề, gồm 40 số, mỗi số được tượng trưng bằng một con vật, do đó người Pháp gọi là ”Jeu de 40 bêtes”. Chẳng hạn số 1 là con cá trắng và số 40 là Ông Địa... Con dê  được xếp vào số 35. Tuy vậy họ còn vẽ vời thêm con vật, nào cá trắng, cá đen (số 1 và 30); rồng nằm, rồng bay (số 10 và 26). Dê thì có dê nhỏ (số 35) và dê lớn (số 75)... Thể thức đặt 1 đồng, trúng thì được nhà cái trả 37 đồng. Dĩ nhiên mức đặt không giới hạn nên không thiếu những kẻ bị cháy túi, sạt nghiệp vì số đề. Bởi vậy vào thời đó người ta vẫn nghe một câu ca ai oán “nhái” theo cung điệu của nhạc phẩm Nương Chiều của Phạm Duy: “Đề ơi, lúc chiều về đề xổ con Nai - Nhưng mà mình đặt con Dê... hỡi đề”!

Bởi vậy, từ lãnh vực hên xui trong cờ bạc sang lãnh vực tình cảm, đúng hơn lãnh vực tình dục, Dê được ghép dính muôn đời với con số 35.  Và như trên đã phát ngôn, con số 35 không được “dân tứ khoái” chuyên nghiệp tuyển chọn làm biểu tượng cho một... “kiểu chơi” nào đó như con số 36 hay 69, nhưng quả thật lại bị mang nỗi “oan Thị Kính” chỉ bởi... vô tình bị “giới cờ bịch” cho “xếp hàng đôi” với con dê. Thế nhưng liệu Dê có thật sự “vượt chỉ tiêu” về tình dục không, có xứng đáng mang danh hiệu “sponsor”, tức súc vật “bảo trợ” cho những nhân vật vốn phong phú máu... Tề Tuyên không?

Trước hết nói về khả năng sinh sản: Chung chung thì loài dê được 6 - 8 tháng tuổi kể từ sau ngày chào đời là có thể... động đực hay đi tơ. Thời gian dê mang thai khoảng 140 ngày hay 4 tháng 10 ngày. Tốc độ sinh sản của dê rất nhanh, “qua mặt không cần bóp kèn” cả trâu lẫn bò. Trong khi đó dê đực lại quá “công tác tốt”; chúng có thể giao phối ít nhất chục lần trong một lúc. Các nông gia chuyên ngành chăn nuôi cho biết, sáng sáng vào lúc mở cửa chuồng, bao giờ con dê đực cũng nhanh nhân chạy ra trước, đứng án ngữ lối đi, kêu be...e... be...e... để bắt từng dê cái “nộp thuế” rồi mới được ra đồng ăn cỏ. Chiều về, dê đực lại be..e... be... đòi  “bổn cũ soạn lại”, buộc từng dê cái cho “đóng ấn” trước khi được lãnh “hộ chiếu” nhập chuồng. Chắc bởi “sức trả bài” phi thường của dê đực như vậy, ca dao mới có câu vốn phản ảnh “giấc mơ ngầm” của giới đàn ông: “Kiếp sau xin chớ làm nguời - Làm thân dê đực đứng ngay cửa chuồng”. Trong bầy dê nếu có từ hai dê đực trở lên, cảnh tượng “chọi sừng nhau” thường xuyên xẩy ra đến độ chủ nhân “can không nổi”.

Thiết tưởng chắc chẳng phải vì ngẫu nhiên mà trong tiếng Anh, “goat” là con dê, nhưng tĩnh từ của danh từ này là “goatish” lại có nghĩa “dâm dật”. Vậy ta có thể tạm kết luận rằng “không có lửa sao có khói”. Nói cách khác, Dê hẳn không bị oan, nếu dâm ở mức độ “thường thường bậc trung” thì chỉ mang tên “Dê” đơn giản; còn đạt tới siêu hạng, ắt được phong chức “Dê xồm” hay “Dê cụ”. Bởi đó các danh hiệu vừa kể của loài dê đực được gán cho người đàn ông nào hiếu sắc, ham dục quá độ. Một người lớn tuổi mà không nên nết thì được gọi là “Già dê”. Phụ nữ có máu tương tự lại không được... hân hạnh ví von với Dê nhưng với Ngựa: “Đĩ Ngựa” hay cũng đơn giản: “Ngựa”.

Từ thời điểm nào người ta đã khám phá ra sức mạnh vô địch tình dục của loài dê và từ bao giờ nẩy sinh việc ghép đôi giữa người nam mang “bệnh Tề Tuyên vẫn nổi lên đùng đùng” với con dê đực? Không ai có thể xác định. Trong văn chương truyền khẩu Việt Nam có nhiều câu ca dao, điển hình ở miền Bắc:

“Ông già mà đội nón cồi,

Ông dê con gái thì Trời đánh ông”.

Hay trong miền Nam:

“Dê xồm ăn trái khổ qua,

Ăn nhằm đậu đũa, chết cha dê xồm”!

 

  Trong văn chương bác học cũng không thiếu thí dụ, tuy nhiên người ta thường nhắc đến hai tác giả: Cụ Nguyễn Đình Chiểu trong truyện Lục Vân Tiên đã phác họa “tới nơi tới chốn” dung mạo của một người có “máu 35” như sau: “Con người Bùi Kiệm máu dê - Ngồi trơ bộ mặt như dề thịt trâu”. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhìn cảnh các gã choai choai vốn “hỉ mũi chưa sạch” mà đã bày đặt tập tành thói “ngựa non háu đá” bất kể người trên kẻ dưới, thích trò “thả cọp bắt dê” trước đám thiếu nữ, bà tay chống nạnh, miệng chửi dẻo hơn kẹo kéo nhưng cay tựa ớt hiểm:

“Ủa, ủa đi đâu lũ ngẩn ngơ,

Lại đây cho chị dạy làm thơ.

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa,

Dê còn buồn sừng húc giậu thưa...

 

Dê trong sinh hoạt dân gian:

Chẳng chịu thua bất cứ con giáp nào, Dê cũng “thi đua” chen vào đời sống thực tế của dân gian. Những điểm diễn giải trên đây, thiết nghĩ cũng đã phần nào chứng minh hùng hồn “tay nghề” của Dê trong việc “nhập gia tùy tục” với loài người; ở đây chỉ muốn nói đến người Việt Nam mà thôi. Người viết mạn phép bổ túc một số chi tiết dưới đây, tuy vậy vẫn phải “tự chế” vì trang báo có hạn:

Có thể nói rằng Dê ở Việt Nam nổi tiếng từ khi được đứng vào hàng ngũ Lục Súc, nhưng trong thực tế việc nuôi dê ở nước ta vẫn không phổ biến. Trong truyện Nôm Lục Súc Tranh Công của tác giả “vô danh”, Dê chỉ được dùng vào mục tế lễ: “... Để hòng khi tế thánh tế thần - ... Hễ có việc lấy dê làm trước”. Tục lệ này vốn thuộc lãnh vực quốc tế, chẳng hạn thần thoại Hy Lạp khẩu truyền rằng các vị thần Zeus, Jupiter ngay lúc chào đời thì việc đầu tiên là bú sữa dê pha mật ong. Bởi vậy dân chúng khi tế thần phải dâng dê và bò thui, đặc biệt tế thần Hecmet, phải có mật ong và dê con. Ở Ai Cập trước Công Nguyên 4,500 năm, dân chúng vẫn dùng da dê làm quan tài vì tin là người chết sẽ được thần che chở. Thêm nữa, dân tộc Do Thái, từ thuở thượng cổ mà Thánh Kinh của Thiên Chúa Giáo quen gọi là thời Cựu Ước, các đấng Tổ Phụ vẫn thường bắt một dê đực để làm của lễ dâng Đức Chúa Trời. Đến thời Tân Ước tức lịch sử cận đại, người Do Thái cứ đến ngày lễ “Chuộc Tội”, cũng lại bắt một dê đực để “thày cả” làm phép như để trút hết tội lỗi của người cho dê gánh chịu, nhưng sau đó lại thả con dê này ra đồng. Bởi thế dân gian mới có thành ngữ “Dê tế thần”. Nghĩa bóng của câu này còn để chỉ một người, thường là thuộc hạ, chịu (hay bị bắt chịu) hy sinh mạng sống hoặc nhận tội thay cho thuợng cấp. 

Phận sự chính yếu của Dê chỉ nhằm cung cấp cho loài người thịt, xương, sữa, da và lông của nó; nếu bắt Dê “lao động là vinh quang” như bò, trâu, ngựa... thì nó cam không nổi nên dân gian có câu chê trách: “Buồn ngủ, buồn nghê, bắt bò làm ruộng, mua dê về cày - Đồn rằng dê đực khỏe thay, bắt ách lên cày, nó lại phá ngang”.

 Để hòa đồng với tuổi thơ, Dê đã hợp tác với nhiều gia súc khác hầu kết thành một bản đồng ca vui nhộn: “Dung dăng dung dẻ / Dắt trẻ đi chơi / Đến cửa nhà trời / Lậy cậu lậy mợ / Cho cháu về quê / Cho Dê đi học / Cho Cóc ở nhà / Cho Gà bới bếp / Xì xà xì xụp / Ngồi xệp xuống đây”. Thế nhưng đặc sắc hơn cả vì gần gũi với những trò chơi và lễ hội truyền thống, vẫn là trò chơi “Bịt mắt bắt dê”. Một em nhỏ bị bịt mắt rồi phải đuổi bắt nhiều trẻ khác giả làm dê, vừa di chuyển vừa kêu be... be... Người lớn khi chơi “bịt mắt bắt dê” càng sinh động hết sẩy: Một con dê thật; cổ đeo lục lạc,  được thả vào sân. Một cặp thanh niên nam, nữ bị bịt mắt; cổ chân cũng đeo lục lạc, được thách đố xem ai bắt được dê. Chung quanh đám đông reo hò khiến con dê “chậy có cờ”, phát ra những âm thanh y chang âm thanh từ cổ chân đôi “trai tài gái sắc”, vì thế chàng và nàng nhiều lần đã chẳng bắt được dê mà lại... ôm chầm lấy nhau, gây cho khán giả những trận cười... bể bụng!

Trong cuộc sống hàng ngày, để dậy bảo con cháu phải đề phòng bọn người chuyên bịp bợm, phô trương cái giả, chỉ đẹp bề ngoài nhằm che giấu cái xấu xa bên trong, cổ nhân đã để lại câu tục ngữ: “Treo đầu dê, bán thịt chó”. Trong bài văn tế  nghĩa quân Cần Giuộc, cụ Nguyễn Đình Chiểu viết: “Một mối xa thơ đồ sộ, há để ai chém rắn đuổi hươu; hai vùng nhựt nguyệt chói lòa, đâu để dung lũ treo đầu dê bán chó”.

Cũng nhằm lưu truyền bài học khôn ngoan ở đời, ông cha ta còn cảnh báo, chớ dại dột: “Lùa dê vào miệng cọp”, nghĩa là đừng vô tình hay khờ khạo ra lệnh cho bề tôi, thuộc cấp hoặc tay chân mình đụng độ với những kẻ mạnh khỏe hay tài giỏi gấp nhiều lần.

Riêng trường hợp của cô gái sau đây thì đã thật khéo léo khi “mượn” thịt dê, gạo lứt vừa để phê phán kẻ vô tình đối với cô, vừa để tự than thân trách phận:

“Sá chi một miếng thịt dê,
Ba tô gạo lứt mà chê tôi hoài!”

 

Đã... lỡ kể về “sự cố” thôn nữ mượn thịt dê để bày tỏ nội tâm, xin mạn phép quí độc giả cho người viết được “tới luôn, bác tài”. Vả lại ăn uống vẫn muôn đời là một trong những sinh hoạt quan trọng của con người. Hơn nữa, với người Việt, “ăn” thường được quan niệm là việc đi tiên phong - “dĩ thực vi tiên” - rồi mới tính đến các chuyện khác, kể cả tín ngưỡng: “Có thực mới vực được đạo”. Chẳng thế trong Việt ngữ, động từ “ăn” đã đứng trước nhiều động từ khác để tạo ra một nghĩa mới: Ăn chơi, ăn làm, ăn mày, ăn mặc, ăn nằm, ăn năn, ăn nói, ăn ở, v.v... Vậy nói về thịt dê, người ta thường chạnh nhớ đến thịt chó để thấy hai loại thịt này đã chiếm địa vị độc tôn, tột đỉnh, bất khả có đối thủ cạnh tranh: Chó thì:

      “Sống trên đời ăn miếng dồi chó,
Chết xuống âm phủ, biết có hay không?!

Dê thì:

“Thế gian ba sự không chừa:
Rượu ngon, dê béo, gái vừa đang xuân”
.

 

Làm thịt dê tương đối vất vả, nhưng luật đời mà: “Muốn ăn phải lăn vào bếp” - người ta thả dê trong một cái chuồng rộng rồi vừa đuổi cho dê tha hồ... chạy vừa cầm gậy đánh, đập “tơi bời hoa lá” nhằm cho dê toát hết mùi hôi, sau đó mới chọc tiết, làm lông, thui vàng, mổ ra ướp trong khoảng mười, mười lăm phút với lá cúc tần hay là hương nhu trước khi xả thịt chế biến thành nhiều món khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là tái dê, tiết canh dê, xào lăn, hấp sả, xào thập cẩm hay nấu lẩu dê...

Thịt dê nói chung không độc, trái lại có tác dụng bổ dưỡng. Theo Đông y, thịt dê thúc đẩy lưu thông máu huyết và chữa được nhiều thứ bệnh như lao, hen suyễn. Nói chi xa xôi, hãy nghe lời “thành khẩn khai báo” dưới đây; ấy là mới chỉ nói riêng về món tái dê vắt chanh thôi nhé:

Tái dê chấm với tương gừng,
Ăn vào cứ thấy phừng phừng như... dê”!

 

Quan niệm dân gian vẫn “đánh giá” cao thịt dê là món ăn tăng cường sinh lực, đặc biệt về khả năng tình dục, kiểu “ông ăn bà khen hay”. Chẳng thế mà:

“Tái dê chấm với tương bần,
Ăn vào một miếng bần thần như... dê.
Đêm về vợ lại tỉ tê:
Tối mai ta lại tái dê tương bần”!

Riêng cái “vưu vật”, tức là dái dê vẫn được một số ông bất lực mà còn hảo ngọt... cầu cứu, áp dụng đúng toa thuốc của người bình dân: Ăn gì bổ nấy. Bởi thế giới này không dám gọi bằng tên cúng cơm, sợ hết linh, mất “ép-phê”, bèn tôn làm “Ngọc Dương”. Thật hư thế nào, chỉ thấy các tiệm thuốc Bắc hốt bạc và các quán nhậu vớ bộn. Nói tóm lại, qua thời gian, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, “rượu nồng dê béo” vẫn luôn luôn là món hưởng thụ “cao cấp” của cả giới thượng lẫn hạ lưu; đặc biệt “ngọc dương” vẫn là “niềm tin” của các đấng tu mi nam tử, là “phao cứu nạn cứu khổ” cho những kẻ kém may mắn vốn lâm vào bi kịch “trên bảo dưới không nghe”, bởi thế tuy khôi hài nhưng vẫn là châm ngôn bất diệt: Cười dê nhưng vẫn mong khỏe như dê!

Tuy vậy, quí vị mê thịt dê thiết tưởng cần để ý lời mách của các cụ ta trong việc ăn thịt dê kẻo sa vào cảnh “tiền mất tật mang”: Người đang mang các chứng bệnh như lở miệng, lở lưỡi, đau mắt đỏ, đau yết hầu, sưng nhức chân và đau bụng đi cầu... thì dù thèm đến nhỏ dãi cũng nên kiêng thịt dê cho tới khi hết hẳn bệnh.

Thịt dê rất “kỳ thị” dưa hấu, dấm, bí đỏ nên phản ứng bạo nếu bị thực khách bắt ăn chung. Thịt dê vốn có... tính nóng, bởi thế khi nấu hay hấp thịt dê, ta nên giảm bớt các thứ gia vị cũng đầy... nóng tính như gừng, đinh hương, hồi, ớt, hạt tiêu.

Cuối cùng, sau khi đã lai rai thịt dê, chớ nên kết thúc bằng ly trà. Táo bón đấy! Nếu cứ “liều mạng sa trường” mà nhiều lần “sao y bản cũ” - “tiên dương nhục + hậu trà thủy” - thì đừng có la tướng là bị “đau khổ vì bệnh trĩ”! 

Hình ảnh Dê trong truyện cổ tích

Nền văn học dân gian Việt Nam vô cùng phong phú, phản ảnh mọi khía cạnh trong đời sống tinh thần và vật chất của dân tộc. Năm mới 2015 này là Ất Mùi nên ở đây người viết xin mạn phép chỉ nêu hai truyện cổ điển hình liên quan đến Dê để thấy rằng cổ nhân ta đã gửi gắm một thông điệp hay một lời nhắn nhủ, cảnh báo hoặc một bài học luân lý nào đó cho hậu thế; hẳn các cụ đề phòng con cháu chỉ vì quá mê xơi thịt dê mà quên mất phần tinh thần của loài vốn có một ngoại diện không mấy bắt mắt.

-Truyện người lớn: Lấy chồng dê -  Ngày xửa ngày ngày xưa ở một ngôi làng ven biển, có đôi vợ chồng đã da mồi, tóc bạc mà vẫn hiếm hoi. Vợ chồng cầu Trời, khấn Phật cho một mụn con để hủ hỉ lúc tuổi già. Thế rồi người vợ bỗng có thai. Sau chín tháng mười ngày cưu mang, bà sinh ra một cái bọc mà khi mở ra, bà thấy không phải một em bé mà là một con dê đực. Vì buồn phiền, người chồng qua đời. Dê trái lại hay ăn chóng lớn, biết giúp mẹ trông gà, chăn lợn và đỡ đần các công việc trong nhà. Nhờ vậy, mẹ Dê cũng khuây khỏa phần nào.

Một hôm Dê gục đầu vào lòng mẹ, thủ thỉ: “Mẹ ạ, Phú ông ở làng bên có ba người  con gái, mẹ sang dạm hỏi cho con một cô!”

Bà mẹ bật cười, lắc đầu nhưng Dê nài nỉ quá, bà đành “uống thuốc liều” mà mang trầu cau đến nhà phú ông. Vừa nghe nói, phú ông đã đùng đùng nổi giận, quát mắng om sòm. Nhưng theo lời Dê dặn, bà mẹ cứ nhẫn nhục để rồi cuối cùng nhà giầu có này phải bất đắc dĩ “chào thua” bằng cách cho gọi ba cô con gái ra hỏi, “hễ đứa nào bằng lòng lấy Dê thì sẽ gả”. Hai cô đầu nguýt mắt khinh bỉ bà cụ, bĩu môi nhạo báng Dê, nhưng bất ngờ cô út lại cúi đầu thưa: “Cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” khiến phú ông ngạc nhiên như từ mây xanh rơi xuống đất, nhưng ông bèn “tương kếu tựu kế” với lời đỏi hỏi một trăm trâu bò, một trăm lợn, một mâm vàng, một mâm bạc.

Dĩ nhiên bà mẹ “tá hỏa tam tinh” mà khuyên con bỏ ý định ngông cuồng đi thôi, tuy nhiên Dê vẫn quả quyết “con sẽ lo được”. Đêm hôm đó, trong khi mẹ đã ngủ say, Dê ra sân, trút lốt dê để hiện nguyên hình một chàng trai trẻ. Chàng lập tức ra lệnh “lấy cho ta đủ thứ sính lễ” thì bỗng xuất hiện rất nhiều gia nô với mâm vàng, đĩa bạc và tay dắt theo đủ số trâu, bò, lợn. Xong công tác họ lại biến mất. Chàng trai lại chui trở vào lốt dê.

Ngày rước dâu, Dê tung tăng đi trước, còn cô gái út lẽo đẽo theo sau cùng với hai chị . Đêm động phòng, sau phần hợp cẩn, cô dâu bỗng thấy chồng mình trút lốt dê để trở thành một thanh niên tuấn tú khiến nàng vừa sợ vừa mừng. Sáng dậy, người chồng lại chui vào lốt dê. Hai bà chị vợ cố tình nán lại đàng nhà trai cốt ý để xem “sự thật phũ phàng” của đứa em út, thế nhưng sáng ra cô em chỉ lộ vẻ tươi tỉnh chứ không có gì khác thường. Họ ngạc nhiên tỉ tê hỏi dò em gái; lúc đầu vợ Dê nhất định không hé răng nhưng sau cô đã “bật mí” mọi việc trước sau. Đêm lại, hai bà chị lén khoét vách buồng của em, quả thấy đúng như lời em kể . Họ không ngờ chồng của em mình trẻ đẹp quá, bỏ xa bọn con trai trong vùng. Hôm sau, họ khuyên em phá lốt dê để chồng không còn biến vào đâu nữa. Từ đó Dê đành chấm dứt kiếp đội lốt dê. Nhưng cũng từ đó hai bà chị hối tiếc và ghen tị với số phần may mắn của em út.

Một năm sau vì phải lo đôi ba công việc ở một phương trời xa, trước khi lên đường, người chồng trao cho vợ hai vật hộ thân: Con dao và hòn đá lửa. Một ngày nọ, hai bà chị đến rủ cô em đi trẩy hội nhưng trong thâm tâm họ đã mưu toan giết em. Khi thuyền đã ra khơi, hai bà chị đẩy em xuống biển rồi trở về nhà bịa chuyện em mình bị sẩy chân rơi xuống biển.

Nào ngờ, vợ Dê lúc đang vùng vẫy cố ngoi lên khỏi mặt nước thì bị một con cá kình  đớp ngay vào bụng. Nhưng sực nhớ đến vật hộ thân chồng đã trao, người vợ dùng con dao đâm cá kình đứt ruột. Cá bị thương nặng, ít phút sau thì chết; xác bị sóng biển đưa vào một hòn đảo. Vợ Dê rạch bụng cá chui ra ngoài. Đây là một hoang đảo nên không một bóng người. Vợ Dê dùng hòn đá lửa đốt củi để sưởi rồi xẻo thịt cá nướng ăn. Cứ thế, nàng vượt qua bao nỗi khó khăn trong những ngày đầu trên hoang đảo.

Một hôm, vợ Dê chợt thấy một cánh buồm trắng ẩn hiện từ ngoài khơi. Nàng lấy áo buộc vào một cành cây rồi vẫy. Con thuyền nhận ra dấu hiệu cầu cứu, bèn rẽ sóng tiến vào bờ. Vợ Dê sửng sốt khi nhận ra vị thuyền trưởng không ai khác chính là chồng mình. Vợ chồng ôm nhau mừng tủi, kể nhau nghe mọi sự kiện.

Về đến nhà, Dê giấu vợ trong buồng không cho ai biết. Chàng mời họ hàng đôi bên đến dự bữa tiệc đoàn tụ. Hai bà chị trong bụng khấp khởi mừng thầm nhưng ngoài mặt làm bộ khóc lóc, kể lể nguyên nhân cái chết của cô em út xấu số đồng thời liếc mắt đưa tình nhằm cám dỗ người em rể tuấn tú. Sau khi mọi người đã ăn uống no say, Dê khoan thai nói với hai người chị: “Em xin cho gọi người hầu ra chào hai chị!” - rồi vén màn cho vợ bước ra. Mọi người sửng sốt. Hai bà chị vừa sợ vừa thẹn, vội lén ra khỏi nhà. Nhưng hai người đi chưa được một quãng đường thì bị thần Sét đánh chết.

Từ đấy vợ chồng Dê chung sống hạnh phúc cho tới cuối đời với bầy con cũng xinh đẹp chẳng kém gì bố mẹ.

-Truyện nhi đồng: Dê trắng - Dê đen - Một gia đình nông dân nọ nuôi một đàn dê; tất cả đều lông trắng, chỉ trừ một chú dê đen tuyền. Sự khác biệt màu lông đã đưa tới tình trạng kỳ thị giữa các con vật vốn cùng một giống. Các con dê trắng lúc nào cũng... vênh mặt, kiêu hãnh về bộ lông trắng như tuyết của mình và thường tỏ ra khinh bỉ chú dê đen, chê rằng “đúng là một tên nghèo hèn với bộ áo bẩn thỉu”. Khi ở trong chuồng, đám dê trắng luôn luôn tránh xa chú dê đen còn hơn tránh... hủi. Những lúc ra ngoài đồng cỏ, chú dê đen bao giờ cũng chỉ thui thủi một mình, nếu lại gần đám dê trắng, lại chỉ “lãnh đủ” những câu nói mỉa mai, những cú bĩu môi hay nguýt dài...

Ngay cả người nông dân cũng thường coi rẻ chú dê đen, không chỉ bất công trong việc chăm sóc, phân chia thức ăn mà đôi khi ông còn đánh đập chú nữa. Chẳng ai để ý nhiều lúc giòng lệ đã ứa ra nơi khóe mắt của chú dê đen. Hệ quả là lông chú không được mượt, cân lượng của chú tăng chậm, khiến ông chủ lại có thêm cớ hành hạ chú.

Vào một ngày đầu xuân, cả đàn dê cùng ra ngoài ăn cỏ. Chúng tung tăng giữa cảnh thiên nhiên xanh tươi và chạy chơi rất xa. Bỗng một trận bão tuyết đổ xuống, chẳng bao lâu phủ trắng vạn vật. Bày dê đành nấp vào một bụi cây và run sợ vì trời đất mênh mông mang cùng một màu khiến chúng không còn có thể định hướng về chuồng.

Người nông dân đi tìm đàn dê của mình nhưng vì khắp nơi đều trắng toát màu tuyết nên ông không thể nhận ra đàn dê ở tận đâu vốn chúng cũng trắng... như tuyết. Đi một hồi, chợt ông chủ chợt nhìn thấy từ xa một đốm đen. Sinh nghi, ông vội vàng chạy đến. Đốm đen ấy càng lúc càng lớn hơn, nhờ thế ông càng nuôi hy vọng. Gần tới nơi, người nông dân đã nhận ra đàn dê của ông đang đứng đó, run rẩy giữa lùm cây. Và đốm đen ấy chính là chú dê đen. Quá xúc động, ông chủ ôm lấy chú dê đen. Cùng lúc, các con dê trắng cũng quấn lấy chú dê đen như muốn bày tỏ tình cảm biết ơn.

Trên đường về, người nông dân vác chú dê đen trên vai; thỉnh thoảng ông lại xòe hết bàn tay phải lại bên trái, nhìn ngắm các ngón dài ngón ngắm rồi ra vẻ suy nghĩ. Theo sau ông chủ, bày dê trắng vừa đi vừa kêu be... be... vui vẻ.

Mơ thấy Dê

Xin nói ngay mà không lo “trật đường rầy” rằng với dân chuyên đánh đề, mỗi lẫn mơ thấy dê con là họ vội trút hết vốn ra đặt con số 35, thấy dê lớn là dồn vào số 75. Thế nhưng với chiêm tinh học và chuyên gia giải đáp giấc mơ thì vấn đề không thể đơn giản như vậy, trái lại tối thiểu phải phân biệt hơn nữa thứ dê nào đã hiện ra trong giấc mơ. Tuy vậy, cũng vì sự giới hạn trang báo mà ở đây người viết chỉ xin “bật mí’ tổng quát về giấc mơ thấy dê như sau,  nhất là phải canh chừng năm Ất Mùi này do Dê chủ trì thế gian:

-Dê con:

Hình ảnh dê con ám chỉ đường con cái. Thiếu nữ chưa lập gia đình mơ thấy dê con, ấy là dấu hiệu sắp có người đến hỏi cưới; “đối tượng” này cũng rất có thể là người ngoại quốc. Còn nếu phụ nữ mang thai mơ thấy dê con thì đây là điềm sinh nở “mẹ tròn con vuông”.

-Dê cái

Mơ thấy một đàn dê cái trắng, nghĩa là sắp nhận được một thắng lợi tuy nhỏ nhưng cũng đủ làm đắc ý. Ngược lại, thấy một đàn dê cái đen thì người nằm mơ nếu đang trong hoàn cảnh kiện cáo, ắt sẽ bị thua. Nếu chỉ mơ thấy một con dê cái mà thôi, nhưng thân hình dê gầy thì nên hiểu rằng vợ/chồng mình tài đức không ở bậc “cao cấp”, chớ nên đòi trèo cao mà ngã đau. Trái lại, người độc thân mơ thấy một dê cái mập, nghĩa là sắp lấy được chồng/vợ giầu có nhưng nhan sắc chỉ ở mức “khiêm nhượng”.

-Dê đực:

Trong cuộc sống thực tế cũng vậy, dê đực vẫn biểu hiệu sự dâm đãng. Bởi thế mơ thấy dê đực - đi một mình - hãy coi chừng đang có ý định “từng bước từng bước thầm” lén chiếm con tim của một “đối tượng” đã có chủ; nếu dê đực này không có sừng thì hãy tỉnh ngộ bởi việc “ăn phở” đã bị bại lộ rồi đấy - Nhưng thấy cả bày dê đực, cũng phải cảnh giác cao độ vì đây là điềm cảnh báo đám bạn bè đang qua lại hầu hết là những người không đứng đắn, khoái lêu lổng hơn chuyện làm ăn.

Người La Mã cổ đại tin rằng sáng sớm mà bạn bước ra khỏi nhà mà nhìn thấy một con dê thì ngày ấy bạn sống hạnh phúc “hết ý”.

Dê... đi hoang

Được ví là Dê là sự may mắn, là vinh dự hay là dấu hiệu xúi quẩy, nhơ nhuốc? Vấn đề còn tùy. Ở đây, kẻ viết chỉ mạn phép gióng lên một tiếng chuông báo động như sau: Người nào “thả dê” bậy bạ hay không kiểm soát nổi mức độ “máu dê”, nhẹ thì bị ăn tát nẩy đom đóm hay lãnh đủ những trận xỉ vả của nữ nạn nhân, đồng thời còn bị những người thân cận cười chê, khinh bỉ - mà nặng thì có cơ hội vào “bóc lịch” nhiều năm trong bốn bức tường. Thuở xa xưa vì hủ tục trọng nam khinh nữ thịnh hành cộng với tình trạng luật pháp lỏng lẻo nên mới có vụ: “Thế gian 3 sự chẳng chừa: Rượu ngon, dê béo, gái vừa đương xuân”;  thế nhưng ngày nay, “rượu ngon, dê béo” nếu đấng mày râu nào muốn thì cứ “vô tư” tiếp tục chương trình, nhưng với tiết mục thứ ba -“Gái vừa đương xuân” - mà “chẳng chừa” thì chắc chắn thủ phạm khi “bừng con mắt dậy” đã thấy ngay... vành móng ngựa.

Trên đây là nói người đối với người, còn người mà “thả dê” với dê thứ thiệt, luật pháp của đa số quốc gia cũng trừng phạt, điển hình hai trường hợp dưới đây vốn đều xẩy ra ở các quốc gia Hồi Giáo:

-Sudan: Vào tháng 2 năm 2006, Charles Tombe, 25 tuổi, công dân xứ Sudan, đã bị Hội Đồng Bộ Tộc - giống Tòa Án Nhân Dân dưới chế độ cộng sản - buộc phải cưới một con dê làm vợ đúng nghĩa hôn phối, đồng thời theo tục lệ địa phương, can phạm còn phải nộp cho chủ nhân con dê món hồi môn 15,000  Dinar (khoảng gần 50 Mỹ Kim). Nguyên nhân: Charles Tombe đã bị bắt qua tang đang “làm chuyện dê” với con dê cái ấy!

-Nigeria: Giữa tháng Giêng năm 2014, một thanh niên vừa tròn hai mươi xuân xanh, tên là Malam Kamisu Baranda, đã bị tòa án tiểu bang Jigawa kết án 2 năm tù về tội “quan hệ tình dục” với một con dê cái tại bìa rừng Baranda. Thẩm phán Auwalu Sani Balago cho biết can phạm đã bị trưởng làng bắt tại trận trước khi giao cho cảnh sát. Đương sự cũng thú nhận đã “dê” không chỉ với dê cái mà cả với các động vật khác, cả thảy trên 10 lần. “Bệnh dê” này đúng là “hết thuốc chữa”!

Và ở Tây Phương, có lẽ khối Bắc Âu đã vác cờ tiên phong quảng bá luật pháp bảo vệ loài vật tránh khỏi tệ nạn “lạm dụng tình dục”. Trong 3 nước, xưa kia vốn là ”anh em con chú, con bác”, nhưng sau một thời gian ”đánh bể đầu nhau ra”, thì nay trở thành hàng xóm láng giềng, Na Uy tuy giữ phận “em út” nhưng lại nhanh nhẹn nhất. Năm 2011, Na Uy đã ban hành đạo luật cấm làm tình với súc vật (lov om forbud mot dyresex). Còn Thụy Điển, tuy là nước “anh hai” nhưng mãi tới ngày 20. 02. 2014 mới bắt kịp.

Nhớ lại trước đây, toàn thể dân chúng Na Uy dường như đều “nhất trí”, không ý kiến  gay go nào cả trước và sau thời điểm đạo luật nói trên được chính thức áp dụng. Còn ở Thụy Điển, cách riêng nhà văn nổi tiếng Leif GW Persson chuyên viết truyện trinh thám lại cười nhạo “dyresex-lov” ấy. Ông này tuyên bố với nhật báo Aftonbladet: “Vớ vẩn! Người ta không thể gọi một con vật ra làm chứng trước ba tòa quan lớn”, và: “... Lại thêm một công việc rắc rối nữa cho cảnh sát khi phải điều tra một vụ xâm phạm như vậy”.

Trong khi đó Đan Mạch chậm chân nhất, mãi đến gần cuối năm 2014, ngày 12 tháng 10, Tổng Trưởng Nông Nghiệp Dan Jørgensen mới đệ trình một dự luật “forbud mot dyresex” cũng với mục tiêu y chang như ở hai nước anh và em mình; tuy nhiên theo tạp chí Ekstra Bladet, Đan Mạch còn nhấn mạnh hơn ở điểm “nghiêm cấm gây cho súc vật thống khổ, đớn đau, sợ hãi hoặc tổn thương lâu dài”. Ghê chửa! Kết quả cuộc thăm dò ý kiến của viện Gallup ngày 11-10-2014 cho biết 76% dân chúng Đan Mạch ủng hộ dự luật này, khiến ông Jørgensen “tự tin” rằng đa số đại biểu trong Quốc Hội cũng sẽ bỏ phiếu OK vào dịp đầu năm mới 2015. Đúng năm con Dê!

Quẻ bói cho năm Ất Mùi

Loài Dê vẫn được “đánh giá” là tượng trưng cho sự ôn hòa và cát tường, nên người tuổi Mùi tuy có trung vận lắm giông tố nhưng tiền và hậu vận lại “thuận buồm xuôi gió” để có thể đạt tới thượng đỉnh mãn nguyện. 

Nói chung, đàn ông hay đàn bà cầm tinh Dê phần đông hiền lành, mẫn cảm, nhẫn nại, cẩn thận, nghiêng về nghệ thuật, biết tiến thủ, đối xử thân thiện với mọi người và có mối giao tiếp xã hội tốt, đồng thời cũng xem trọng gia đình và ý thức trách nhiệm nên gia đạo tốt đẹp, không chỉ được người phối ngẫu yêu thương mà còn được thân bằng quyến thuộc quí mến.

Người sinh năm Mùi, cả nam lẫn nữ đều coi trọng “ngoại hình”, cẩn trọng trong cả cách suy nghĩ lẫn lối phục sức và cử chỉ bên ngoài... khiến nhiều khi tỉ mỉ quá mà tự làm khổ mình đến độ “điên cái đầu, đau cái đít”. Vậy hãy bớt “nặng phần trình diễn” và thoang thoáng một chút, ắt được phơi phới hân hoan hơn nhiều.

Cách riêng những người cầm tinh Dê trong năm Ất Mùi đều là Mộc Dương, tức dê gỗ; mạng “Sa trung Kim”, tức “Vàng trong Cát”:

-Nam giới:

Trong năm mới này có nhiều cơ hội phát triển về công danh, sự nghiệp và tài lộc. Đối với những người đã lập gia đình, gia đạo an bình; còn những người độc thân thì phương diện tình cảm gần như suốt năm được quá ư “ngon lành”; nếu chưa có đôi có lứa thì thế nào cũng có mỹ nhân đến “gõ cửa trái tim” đấy.  Những người từ 29 tuổi trở lên mà vẫn “sầu lẻ bóng”, hãy nhớ là năm nay rất tốt để kết hôn. 

Một hai điều có thể không hay: Không nên đi xa và toan tính làm ăn lớn; ngoài ra cũng phải đề phòng bệnh bất ngờ.

-Nữ giới:

Năm nay, tài lộc trung bình; công danh, sự nghiệp tuy không “sáng như đèn ô tô” nhưng vẫn được như ý. Phụ nữ tuổi Mùi đã có gia đình hầu hết là người vợ đảm đang, luôn lấy gia đình làm trọng. Người còn vẫn “đi sớm về khuya một mình” mà nếu “thuở ban đầu lưu luyến ấy” không được may mắn thì năm Ất Mùi này chính là thời điểm để “... trái tim đã vui trở lại”.

Khuyết điểm: Vì đa cảm đa sầu nên người nữ tuổi Mùi dễ nhìn vấn đề không mấy tích cực; vì thích ăn diện nên tốn phí tài chánh và mất nhiều thời giờ, công sức vào việc trang điểm và khoe khoang các “mặt bằng”...

Thôi thì dù thế nào đi nữa, tân niên vẫn là thời điểm thuận lợi để “đổi mới” về các phương diện cho mọi người dù cầm tinh bất cứ con giáp nào. Vậy nhân dịp năm mới Ất Mùi, người viết xin kính gửi đến toàn thể quí độc giả của Viết & Đọc lời cầu chúc tuy cổ điển truyền thống nhưng đầy đủ ý nghĩa, nhất là rất linh: An Khang - Thịnh Vượng - Hạnh Phúc! - Godt Nytt År!

Hoài Mỹ