Ngỏ - Ban Thực Hiện

2015-12-10 13:48

Quý bạn thân mến!

Viết & Đọc mở  đầu với bức tranh Mâm Cúng lộng lẫy màu sắc Xuân quê nhà của Đặng Văn Tỷ.  Và vào trong:

Uyên Giang mở đầu bài thơ Tết: Lên bảy đến Tết thì vui/ Bảy mươi Tết đến ngậm ngùi tiếc Xuân. Và cũng  có người như Cung Vĩnh Viễn: Như một thói quen đã cũ mèm/ cuối năm ngồi gạn đục khơi trong. Như thế, Tết đến làm cho chúng ta lại nhớ về đời mình, nhất là đời của những người xa xứ. Mà xa đã lâu quá còn gì: bốn mươi năm, bốn mươi năm ấy biết bao nhiêu tình cũng như điệp trùng thống khổ

Hoài Mỹ cho chúng ta trở lại khung trời Miền Nam cũ lúc sang xuân với Báo Tết, và trong báo Tết một mục không thể thiếu, đó là bài nói về Con Giáp của Năm. Năm nay năm Ất Mùi, Hoài Mỹ dọn cho ta một bữa tiệc Dê đủ mùi, đủ vị. Không tác giả nào viết chuyện con Giáp sâu sắc, quảng bác và dí dỏm cao độ như Hoài Mỹ.

Về thơ, có Uyên Giang hoài xuân, có Cung Vĩnh Viễn nhìn những năm tháng của cõi sinh để rồi trực nhận ra chân lý mà bao kẻ tuổi trẻ, tuổi trung niên đã lú lẫn: Chuyện sau chuyện trước trò dâu bể/ thì cũng bao nhiêu cảnh huống đời/ chấp nê thì biết sao mà kể/ thà là ngồi dõi bóng mây trôi. Mạch Nha lại nhớ mẹ. Khánh Hà nhìn đôi chim lăng xăng xây tổ lại nhớ về bóng ai lãng đãng mơ hồ/ mới hôm nào đó bây giờ khuất xa. Thơ của cố thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật như lời tuyên ngôn về thơ. Rồi thơ của Dương Kiền, Đăng Trình, Phụng Long, Mạt Tỉnh, Lê Nguyên, Cổ Ngư, Nguyễn Tiến Thành, Minh Nguyệt…

Về Văn, Tâm Thanh với truyện Hỏi Vườn Dâu Ðâu Giòng Nước Cũ, một truyện ngắn toàn hảo. Phạm Tín An Ninh với ba truyện ngắn pha lẫn tự sự về những người bạn chiến đấu của mình; truyện Những Vì Sao Của Một Thời Tuổi Thơ về những mất mát quá lớn, quá nhiều những con người ưu tú,  bi thảm đến rợn người; và truyện Cuộc Trùng Phùng Bi Thảm: truyện tóm gọn được cái bi kịch của cuộc chiến đã qua.  Đoàn Mai Tâm với Biểu Tượng về bức tượng đồng và những di tích đời của vĩ nhân Trygve Lie, TTK Liên Hiệp Quốc đầu tiên, ở một vùng nhiều dân da màu. Nguyễn Văn Thà, với bút pháp mà nhiều người cho là liêu trai, nhưng xem ra đó là bút pháp xây dựng nhân vật nhiều tầng; và lần này với truyện Ta Chẳng Tìm Ta Cũng Thấy Ta, nói một chút về cái giả tưởng của chúng ta về ranh giới tử sinh, hay nói cách khác: ranh giới của tử và sinh thực sự có hay không. Nguyễn Tấn Vinh với kỷ niệm cảm động về bà mình trong Bà Tôi, truyện Kẻ Lụy Tình của nhà văn số một Na Uy, Knut Hamsun, với cây bút dịch tài hoa của Dương Kim…

Tạp văn, ký sự, bài giới thiệu các tác phẩm mới, bài Nhà Văn Viết Truyện Như Thế Nào nói một chút kỹ thuật viết  truyện xuyên qua các cứ liệu của các nhà viết truyện nổi tiếng.

Nhạc có bài Thả Diều của Trần Thụy Minh và bài Đi Tìm Tình Nhân Loại của Thi Hạnh. Nguyễn Oslo có phần trò chuyện với Thi Hạnh, người đứng sau nhạc phẩm mới vừa đoạt giải Nhất giải sáng tác do đài truyền hình SBTN ở Hoa Kỳ tổ chức. 

Đúng là đủ mùi đủ vị và tất cả nằm trong tay bạn; xin mời thưởng thức cùng Xuân mới .Và cuối cùng Ban Thực Hiện xin kính chúc bạn đọc, các ân nhân và các văn, thi, nhạc, họa sĩ một năm mới KHANG AN, THỊNH VƯỢNG.

Ban Thực Hiện