TÌM CHÂN DUNG TÌNH BẠN QUA LƯU BÌNH DƯƠNG LỄ - Tâm Thanh

2014-08-29 09:19

Lưu Bình Dương Lễ (LBDL) là một truyện thơ viết bằng chữ Nôm. Ấn bản Thư Viện Quốc Gia có tựa là "Lưu Bình Dương Lễ tân truyện" ghi năm in 1919. Bản của Thư Viện Đại Học Yale "Lưu Bình Dương Lễ sự tích diễn âm" cho là năm 1946-1956; như vậy không phải là truyện cổ, nhưng cũng không tân. Không hiểu tại sao cả ba bài giới thiệu của Yale, Thư viện Đông Nam Á SADL và Wikipedia đều coi LBDL là truyện thơ lục bát, thật ra ít lục bát, nhiều thất ngôn, xen lẫn câu năm, câu bốn, câu mười. Đan cử đoạn mở đầu không thấy có câu lục bát nào:

Có Lưu Bình Dương Lễ
Hai người kết nghĩa giao tình
Hạn mười năm cửa Khổng sân Trình
Quyết lập chí long vân cho trọn
Ai hay sớm muộn

Dương đã nên khoa giáp hiển vinh
Anh Lưu còn công nghiệp vãn thành

(Theo ấn bản và phiên âm của Đại học Yale)

 

Trừ một kết cấu hay, tâm lý sâu sắc, LBDL không có  giá trị văn chương cao. Nhưng tại sao nó lại gây cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ phóng tác thành các vở tuồng, chèo, cải lương được quần chúng hâm mộ? Câu trả lời gọn gàng nhất là vì nó nói lên một khát vọng sâu xa ở mọi thời mọi nơi − khát vọng một tình bạn chân thật.  Khát vọng này tiềm tàng trong con người cổ sơ đến nay. Theo Sáng Thế Ký, Thượng Đế, mỗi lần dựng nên một sự vật trong trời đất, đều hài lòng phán, "Tốt đẹp!" Nhưng khi dựng nên Adam, Ngài thấy có cái gì chưa  ổn. Nhìn ông thui thủi một mình giữa Vườn Địa Đàng, Ngài nói, "Con người sống một mình không tốt. Ta sẽ làm cho y một người đỡ đần, giống y." Do đó Ngài dựng Eva, một phiên bản giống ông (= người), nhưng có khác (= giống cái). Như thế lý do tồn tại của Eva trước hết là để Adam khỏi cô đơn. Thượng Đế tặng Adam một người bạn trước khi tặng ông một người vợ. Đứng bên ngoài ý nghĩa tôn giáo, ta thấy từ nguyên thủy con người không thể sống cô đơn. Sợ cô đơn và cần bầu bạn đã nằm trong bản tính nhân loại. Một người có thể không lấy vợ lấy chồng, nhưng không ai có thể không kết bạn. Tiếc thay, mặt đất càng đông người, sự cô đơn của mỗi cá nhân càng lớn. Và tìm một người bạn chân thật khó hơn tìm vợ.

Tình bạn kiểu LBDL liệu có thể là một kiểu mẫu thích hợp cho thời đại này không? Đây là trọng tâm của bài này.

*

Người viết không biết đọc chữ Nôm, nên các trích dẫn bằng thơ sẽ căn cứ vào bản phiên âm ĐH Yale. Còn cốt truyện văn xuôi thì lấy từ Wikipedia tiếng Việt, như sau:

"Lưu Bình và Dương Lễ là hai người bạn tâm giao từ thuở thiếu thời. Dương Lễ nhà nghèo, còn Lưu Bình giàu có nên Bình đã đem bạn về nhà ở, ăn cùng mâm, học cùng đèn, tình bạn hữu rất là tương đắc. Dương Lễ biết phận mình là con nhà nghèo nên ra sức học, còn Lưu Bình cậy mình có của nên lười biếng, ham chơi. Ðến khoa thi, Dương Lễ thi đậu được bổ ra làm quan. Còn Lưu Bình thì thi rớt nên sinh ra chán nản, ăn chơi hơn trước, thi mãi không đậu, tiền của thì đâu phải là bất tận rồi cuối cùng cũng hết. Trong lúc đó thì cậu ta sực nhớ đến bạn ngày xưa là Dương Lễ hiện đang làm quan lớn nên tìm đến nhà để nhờ giúp đỡ. Dương Lễ lánh mặt không tiếp, dọn cơm hẩm với dĩa cà thâm để đãi, có vẻ khinh bạc. Lưu Bình tức giận tủi nhục ra về, dọc đường ghé lại Nghinh Hương quán, làm quen với một thiếu phụ tên là Châu Long đang kén chồng. Nghe Lưu Bình thi hỏng luôn hai khóa, Châu Long kiếm lời an ủi, khuyên nên bền chí, nàng sẽ lo liệu mọi việc để cho Lưu Bình yên lòng ăn học, giao hẹn khi nào thi đỗ mới tính việc vợ chồng.  Trai tài gái sắc cùng sống chung một nhà, có khi Lưu Bình không nén được lòng, muốn cùng ân ái, Châu Long cương quyết từ chối, nhắc lại lời giao hẹn lúc mới gặp nhau.

Nhờ sự khuyến khích giúp đỡ của Châu Long, Lưu Bình ráng sức học hành tiến bộ, nên ba năm sau gặp khoa thi và đỗ Trạng Nguyên. Bình trở về nhà thì không thấy Châu Long đâu nữa 1.

Hỏi thăm khắp nơi không ai biết nàng ở đâu, Lưu Bình cũng không hiểu vì sao Châu Long lại biến mất vào lúc mình đã hiển đạt, nên đâm ra lo lắng, đau khổ, nhớ thương. Lưu Bình tìm đến thăm Dương Lễ để mắng mỏ mấy câu cho hả giận. Dương Lễ vui vẻ đón tiếp. Lưu Bình toan mở miệng mỉa mai trách móc, thì bỗng thấy Châu Long từ trong bước ra chào. Dương Lễ mới giới thiệu nàng là thiếp thứ ba của mình. Lưu Bình hiểu ngay rằng trước đây Dương Lễ sở dĩ bạc đãi là để khích khí mình, nhưng sợ mình không có nơi nương tựa mà bê trễ việc học hành, nên sai Châu Long thay mặt đi giúp đỡ mình ăn học cho thành tài. Từ đó Lưu Bình và Dương Lễ sống với nhau thân tình, khắng khít hơn xưa. Việc ra mặt khích khí bạn, rồi ngầm giúp đỡ cho trọn tình thủy chung như thế, cho xứng với đạo làm người."

Khác với một số lời bình luận cho rằng tình bạn trong LBDL quá lý tưởng đến hão huyền,  người viết cho rằng tình bạn ấy tuy hãn hữu nhưng không phải không thể xảy ra trong đời. Hơn nữa, LBDL đáng được đọc lại và phân tích vì nó chứa đựng đầy đủ các tính chất phải có của một tình bạn chân thật.    

 

Đồng thanh tương ứng.  Lưu Bình con nhà giàu, Dương Lễ con nhà nghèo, hoàn cảnh cách biệt như bức tường cao dầy. Nhưng Bình và Lễ đã vượt qua bức tường ấy để đi chơi với nhau. Ban đầu chỉ là bạn chơi, sau trở thành bạn tâm giao. Con trai vào thời hai cậu thường đánh đáo lỗ, đánh cù (bông vụ), đánh khăng, bắn cu li (bi), thả diều, tắm sông; con gái đánh chuyền, nhảy ô quan, chơi chòi... Không biết hai cậu trai của chúng ta chơi trò gì, nhưng chắc chắn phải là một trò nào mà hai cậu cùng mê. Thích chơi cùng trò và thích chơi với nhau vì, như  tục ngữ Na Uy nói, "Like barn leker best," trẻ con giống nhau chơi tương đắc. Với người lớn, âm nhạc, văn chương, thể thao, khuynh hướng xã hội, đồng môn, đồng đạo... thường là bước đầu của một tình bạn.

Chung chí hướng.  St. Exupéry nói, "Yêu nhau không phải nhìn nhau mà cùng nhìn một hướng"2. Bình-Lễ  nhìn về hướng học vấn, con đường tốt nhất để tiến thân,

"Hai mười năm cửa Khổng sân Trình". Nếu chí hướng hai cậu khác nhau, một người đi buôn, người kia tiếp tục đèn sách, thì cơ hội phát triển tình bạn sẽ kém đi. Tuy nhiên, giống nhau chưa chắc là một điểm đồng qui, thí dụ hai người cùng háo danh có thể mớm cho nhau những lời tâng bốc, tựa như bơm khinh khí cho quả bóng, không thể thành bạn. Hai kẻ ham lợi sẽ có ngày va chạm.

Ngược lại dù tính tình khác nhau, hai người có nhân sinh quan giống nhau và một số giá trị luân lý tương đồng, vẫn có cơ hội xây dựng một tình bạn chân thật và bền vững.  Lưu Bị tính do dự yếu mềm, Quan Công câu nệ và Trương Phi nóng nảy, ba người có "khí" trái ngược, nhưng có nhiều "tính" (tốt) giống nhau và chung một chí hướng. Ba người cùng có nhân sinh quan giống nhau, họ cùng nhìn thế sự qua lăng kính chung − nhân nghĩa.

Chấp nhận nhau như thế. Có nhã thú và chí hướng giống nhau... hai người đến với nhau, tự căn bản, vẫn là hai nhân cách khác biệt. Lưu Bình phải chấp nhận cái nghèo của Dương Lễ; Dương Lễ phải chấp nhận cái giàu của Lưu Bình. Bình phải chấp nhận Lễ như con mọt sách; Lễ phải chấp nhận Bình như một lãng tử. Bình không giận khi rủ Lễ đi chơi mà cậu cứ cắm đầu vào sách; Lễ không ghen khi Bình bỏ đi chơi với các tay khác.  Thomas Merton nói về tình yêu nói chung, cũng áp dụng cho tình bạn, "Khởi đầu của tình yêu là muốn để cho người yêu hoàn toàn là chính họ, là quyết tâm không o ép họ vào khuôn ảnh của chính ta. Nếu yêu ai mà ta không yêu trọn vẹn con người hiện thể của họ, mà chỉ yêu cái khả dĩ tương đồng với chính ta, thế là ta chẳng yêu họ, mà chỉ yêu cái phản ảnh của chính ta nơi họ"3. Ý tưởng này của Merton càng có giá trị thuyết phục hơn khi người ta biết ở đời thật (1915-1968) ông là một triết gia, tu sĩ Công giáo nhưng có nhiều bạn tâm giao bên Phật giáo, đặc biệt Đức Dalai Lama, và Thiền sư D.T. Suzuki.

Chấp nhận không đủ, phải kính trọng nhau. Mời một bạn nghèo về nhà, ăn ở "chung đèn chung sách" không phải việc dễ, vì thường người nghèo dễ tự ái, mặt trái của tự trọng, trẻ con nhà giàu có thể kém tế nhị. Cuộc sống thường nhật của hai người dù là thân thiết mà phức tạp, nhưng theo truyện thì hai cậu hòa thuận suốt mười năm. Đó là nhờ sự tế nhị của Lưu Bình và gia tộc họ Lưu. Nhờ hai bạn biết tương kính.

Vào thời LBDL, đời thật có tình bạn siêu thái giữa Nguyễn Khuyến và Dương Khuê, còn để dấu trong bài "Khóc Dương Khuê" của Nguyễn Khuyến, trong đó có mấy câu sau:

Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời

Kính yêu từ trước đến sau − yêu mến mà kính trọng, không sàm sỡ, không vồ vập, trước sau như một − là bí quyết của tình bạn lâu dài. Nguyễn Khuyến coi là duyên trời dui dủi. Ai đó đã nói một câu ngược đời mà thuận lý, vợ chồng ta tự chọn, bạn là Trời cho. Vâng, bạn là một ân huệ. Nhưng ân huệ đó không hoàn toàn miễn phí. 

Tri kỷ tri âm. Điều kiện đầu tiên của tình bạn là hiểu biết. Từ hiểu biết hai người sẽ thành tri kỷ, tri âm . Hai chữ này có nguồn gốc từ hai tình bạn tuyệt vời cùng xảy ra vào thời Xuân Thu chiến quốc − Bảo Thúc Nha bạn Quản Trọng và Bá Nha bạn Chung Tử Kỳ.

Bảo Thúc Nha và Quản Trọng đi buôn chung. Khi chia lời, Thúc Nha luôn dành cho Quản Trọng nhiều hơn; gia nhân nhà họ Bảo lấy làm khó chịu, ông giải thích, "Quản Trọng không màng mấy đồng tiền đó đâu mà chỉ vì nhà nghèo, cần tiền hơn nên ta nhường cho Trọng mà thôi". Ngoài mặt trận, Quản Trọng nấp đằng sau  khi tiến binh và đi hàng đầu khi lui binh, bị quân sĩ khinh rẻ; Thúc Nha giải thích, "Trọng không phải người hèn nhát mà chỉ vì còn mẹ già cần săn sóc nên ông vì hiếu mà phải sống". Nghe biết Thúc Nha bênh vực mình như vậy, Quản Trọng nói, "Sinh ra ta là cha mẹ ta, hiểu ta là Thúc Nha"4. Hai chữ "tri kỷ" có  nguồn gốc từ mối tình bạn này. Quản Trọng5 trở thành chính trị gia và kinh tế gia lỗi lạc nhất thời Xuân Thu, lên tới ngôi Tể Tướng nhà Tề cũng là nhờ Bảo Thúc Nha biết những ưu điểm của bạn để tiến cử và nhược điểm để che chở.

Bá Nha là danh sĩ đời nhà Tấn, làm quan Thượng Đại Phu. Một hôm đi sứ nước Sở trở về, đến sông Hán Dương, nhằm đêm trung thu trăng thanh gió mát, ông bảo quân dừng thuyền  lại để uống rượu thưởng trăng. Thừa hứng, Bá Nha đem đàn ra gảy. Nhưng bản đàn chưa dứt, dây đàn bỗng đứt. Bá Nha lấy làm kinh ngạc, nghĩ thầm, chỗ này núi cao, non thẳm, sông dài, lẽ đâu có người biết nghe đàn làm cho dây đàn vội đứt. Truy ra thì người nghe là một tiều phu tên Chung Tử Kỳ. Bá Nha nối lại dây đàn, gảy khúc nào Tử Kỳ đọc tên khúc ấy, và diễn đạt bằng lời tâm tư của Bá Nha. Hai người tâm đắc vô cùng. Họ hẹn mùa thu năm sau gặp nhau cũng nơi đây. Năm sau Bá Nha đem thuyền đến cạnh núi Mã An trên sông Hán Dương. Bá Nha chờ đợi mãi nhưng không thấy Tử Kỳ đến, buồn bã, lại ôm đàn gảy. Tiếng đàn hôm nay sao lại ai oán vô cùng. Bá Nha linh cảm điềm chẳng lành, bèn lên bờ lần bước hỏi thăm thì biết Tử Kỳ vừa chết trong một cơn bạo bịnh. Người nhà lại cho biết, trước khi chết Tử Kỳ có trối phải chôn chàng bên mé sông Hán Dương, cạnh núi Mã An để chàng giữ lời hẹn với Bá Nha năm xưa là đến đó đón người. Bá Nha tìm đến mộ Tử Kỳ, bày đồ tế lễ, rồi lấy đàn gảy một bài ai điếu và khóc lóc thảm thiết. Đàn xong Bá Nha bèn đập đàn vào đá tan nát, thề trọn đời không đàn nữa vì đã hết bạn tri âm. Hai chữ "tri âm" bắt nguồn từ đó.

Vợ có thể có nhiều (Dương Lễ mới hiển đạt đã có ba bà), nhưng bạn tri kỷ tri âm, người may mắn lắm chỉ được một. Bạn là một người không thay thế  được. Khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập đàn. Khi Dương Khuê chết, Nguyễn Khuyến bỏ rượu, hết hứng làm thơ, nếu lỡ làm thì chẳng biết gửi thơ cho ai đọc nữa:

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai ai biết mà đưa

           

Nguyễn Khuyến khoa bảng tột đỉnh (ba lần thi hương, thi hội, thi đình đều đậu thủ khoa, nên đời gọi là Tam Nguyên Yên Đổ), địa vị tuy không tương xứng với tài đức, nhưng cũng Án Sát, Bố Chánh (tỉnh trưởng), thiếu gì người cầu cạnh, nhưng khi Dương Khuê chết, ông không còn "biết ai" trên đời nữa.

Chỉ cái chết mới phân cách hai người bạn. Ngoài cái chết ra, thì hiểu lầm (ngộ nhận) là nguyên nhân số một của đổ vỡ, nguyên nhân bên ngoài là lời gièm pha. Còn bọn tiểu nhân hợp tan do một đồng bạc, hoặc một câu gãi ngứa, không nói làm gì.

Khi mọi người có thể ngộ nhận, mà có một người hiểu ta, người đó là bạn thật. 

Tiểu nhân hiểu qua lời đồn, thường nhân hiểu qua hành vi, bạn hiểu nhau trong im lặng, bạn chí thân giữa sương mù ngộ nhận vẫn hiểu nhau. Tình bạn Lưu Bình Dương Lễ đã trải qua ít nhất hai tình huống rất chênh vênh, dễ ngộ nhận:

Tình huống thứ nhất là khi Lưu Bình thi rớt, tán gia bại sản vì ăn chơi, phải đi ăn mày và tìm đến nhà Dương Lễ. Ta tự hỏi Bình đến nhà Lễ với tư cách gì. Một là tư cách ân nhân tới đòi nợ, hai là với tư cách hành khất. Nhưng Bình không đến với hai tư cách ấy, mà đến với tư cách bạn cũ, tri âm.

"Âu ta phải ngỏ cùng tri," chàng          tự nhủ

Hơi ké né nhưng chàng vẫn đến như một người bạn. Chàng nói với "chú phong" (quân hầu):

Chín lần cửa bước vào khôn thấu
Chú phong ơi cậy chú một nhời
Tới nhà trong tình diện với người
Rằng bạn cũ Lưu Bình thuở nọ

Và tại sao Bình đến với tư cách bạn? Đó là vì Bình biết tính Lễ xưa nay là kẻ đọc sách thánh hiền, trượng nghĩa, trung thành, Lễ không thể là người phản bạn quên ơn, điều tối kỵ trong đạo làm người.  Bình không lý giải được thái độ hất hủi của Lễ, nhưng nhất thời chàng không vọng động (như liều mạng cùi xông vào đánh, hay tự vẫn để bêu xấu bạn, đốt nhà bạn) là vì trong thâm tâm chàng không tin Lễ đã thay lòng đổi dạ. Bình rất đau xót, nhưng không thù oán, trái lại chàng tỉnh ngộ và quyết tâm:

Cố hương cao bỗng cánh bay
Chí hồng nhạn còn nhiều vùng vẫy

Thế là Bình trúng kế bạn hiền rồi − trước khi gặp Châu Long.

Tình huống thứ hai: về phía Dương Lễ, sau khi hiển đạt, muốn trả ơn bạn theo kiểu bánh ích đi bánh qui lại thì quá dễ dàng − chỉ việc mời bạn về nhà mình cung phụng mười năm, hai mươi năm. Và biến bạn thành người suốt đời lệ thuộc! Nhưng Lễ đã dùng kế khích khí

Âu là ta giả cách vô tình
Chịu điều bạc để anh em tức giận

Kế này chỉ đắc dụng cho con người có khả năng trỗi dậy nơi đường cùng. Lễ hiểu rõ bạn thuộc mẫu người này. Dám dùng ái thê vào canh bạc nguy hiểm này cũng là vì Lễ hiểu cả bạn lẫn vợ.

Châu Long người vợ và người bạn. Tài đức và dung mạo người vợ thứ ba của Dương Lễ được mô tả bằng hai câu kết truyện:

Quốc sắc thiên hương vâng ghi để
Tài này nghĩa ấy lại phân minh

Nàng có đủ phẩm chất của một người vợ hiền kiêm bạn tri kỷ tri âm của Dương Lễ. Chàng chọn nàng vì chàng hiểu nàng và tin tưởng nàng. Nàng nhận lời lên Nghinh Hương quán giả làm cô gái kén chồng là vì nàng hiểu chồng, và hiểu cả Lưu Bình. Nếu nàng chỉ nhìn bề ngoài Lưu Bình như một con người ăn chơi, chắc sẽ không dám dấn thân tự làm mỡ treo miệng mèo. Nếu nàng nghi ngờ chồng đẩy mình đi để tiện bề cưới vợ tư, nàng đã ở lại với Lưu Bình sau khi anh đỗ trạng nguyên. Nhưng tri kỷ không còn chỗ cho ngờ vực.

Chàng dạy đi thì thiếp phải đi
Lời chung tình ở với cố tri
Mảnh ân ái sẻ làm đôi ngao ngán nhẽ
Chàng đã ở hết lòng cùng bạn
Thiếp cũng xin ra sức cùng chồng

 

Châu Long là người đàn bà hiếm hoi phù hợp trong sứ mạng Bồ Tát này − vì ngoài tình yêu vô điều kiện với chồng, nàng còn biết lẽ "chấp kinh tòng quyền".

Rằng trong đạo tam tòng được mấy
Tuy chấp kinh cũng phải tòng quyền

Chấp kinh tòng quyền là uyển chuyển, tùy cơ ứng biến, trong hoàn cảnh thường thì theo đạo thường, lúc biến thì thích nghi theo luật biến. Đây là một nguyên tắc ứng xử của đạo trung dung, ngược với thói câu nệ của bọn khuyển nho cố chấp, khư khư ôm những xác ướp mà tưởng là giá trị ngàn đời.

Dương Lễ thật có phúc cưới được người vợ như Châu Long. Và phúc cho ai vừa lấy được vợ vừa tìm được bạn trong cùng một người  đàn bà.

Nỗi lo ngại của Châu Long. Nhan sắc, tài ba, uyển chuyển, trung trinh... Châu Long từ khi nhận lời đến khi hoàn thành xong sứ mạng vẫn băn khoăn lo ngại. Lo ngại điều gì? Điều mà ít người nghĩ tới, nhưng cổ kim vẫn là nguyên nhân số một phá hoại hạnh phúc gia đình, chia rẽ tình bạn và phá hoại cộng đồng − đó là cái lưỡi, cái lưỡi không xương trăm đường lắt léo:

 

E người thế miệng ong lưỡi én
Lời tục ngữ lửa gần rơm lâu ngày cũng bén

 

Miệng ong lưỡi én vô cùng tinh vi, nó sẽ viện dẫn cả đạo đức, phong tục, để xuyên tạc bôi nhọ nàng và phá hoại gia cang nàng. Ngày nay, bọn tiểu nhân vẫn dùng một thứ vũ khí y như ngày xưa: ngồi lê đôi mách.

 

Nếu Châu Long là người đàn bà lạnh lùng thì vai trò đơn giản hơn. Đàng này, nàng vốn trẻ đẹp, nồng nàn, lại phải đóng vai một thiếu nữ đang kén chồng, thì phải giả chút tình tứ, mời gọi... Và không phải một hai ngày, mà ba năm ròng rã. Nàng thành công, nhờ, bên cạnh tài trí, chính yếu là nhờ hiểu bạn, yêu chồng.

Ba năm ở một nhà nuôi bạn
Đêm năm canh luống những nhớ chồng

Theo ngôn ngữ thanh tao của người xưa, hình ảnh “nhớ chồng về đêm” mang ẩn ý cái nhớ không thuần túy tinh thần, mà có nhuốm xác thịt, khó chống đỡ. Nhưng nhờ lòng trung trinh tiết nghĩa, khi gà gáy, nàng thức giấc với lương tâm trong sáng như bình minh. Ấy vậy mà, làm xong nhiệm vụ Bồ Tát với thân tâm trong trắng, trở về với chồng, Châu Long vẫn khiêm tốn nói:

Xin lạy chàng thương lấy thiếp tôi cùng
Kẻo miệng thế vàng thau lẫn lộn

Cái miệng thế, đáng sợ thật! Bước ra khỏi sân khấu mà Châu Long chưa hết run. Nhưng nồi nào vung đó, người vợ cao thượng đi với người chồng cao thượng, Dương Lễ đánh tan mọi lời đồn nhảm nhí:

Tiết nghĩa này đệ nhất Châu Long
Mấy năm tuyết sạch giá trong

Châu Long sợ là phải, vì miệng thế còn giết cả những con người tài cao đức trọng.

Nàng biết Đức Khổng Tử một đời lao đao cũng vì hai chữ gièm pha. Ngài bị gièm pha tại quê hương nước Lỗ, phải bỏ xứ chu du tìm nơi rao truyền đạo của mình, năm 51 tuổi trở về Lỗ, trong ba tháng bình định đất nước, nhưng vẫn có kẻ gièm pha, Ngài không chịu nổi áp lực của lời gièm pha, một  lần nữa phải từ quan, ra đi. Khổng Tử là người "đức trọng quỉ thần kinh"(đạo đức vững vàng, quỉ ma cũng phải sợ), thế mà Ngài phải đầu hàng lời gièm pha! Phải chăng kẻ gièm pha ghê gớm hơn ma quỉ?

 

Quản Trọng may mắn hơn vì lần nào ông bị gièm pha, cũng được Bảo Thúc Nha ra tay chống đỡ cho. Khốc liệt nhất là vụ hai người mỗi người phải làm thầy dạy và phò một công tử, Công Tử Củ và Công Tử Bạch (hai anh em cùng cha khác mẹ), cùng tranh đoạt ngôi báu nước Tề. Quản Trọng phò Công Tử Củ, Bảo Thúc Nha phò Công Tử Bạch. Trong một trận ác chiến Quản Trọng bắn một mũi tên trúng Công Tử Bạch; nhưng ông này thoát chết, về nước trước, lên ngôi hiệu Tề Hoàn Công, luôn mang mũi tên bên mình, thề lột da ăn thịt Quản Trọng. Nhưng Thúc Nha đã cứu Quản Trọng khỏi chết lại còn tâu rằng Quản Trọng giỏi hơn mình, làm tể tướng chắc chắn thành công hơn, giúp vua trăm lần đắc lực hơn. Quả nhiên, Quản Trọng là nhà chính trị kinh tế đại tài, đã giúp nước Tề hùng mạnh, Tề Hoàn Công vững ngôi bá. Tề Hoàn Công mang ơn và kính trọng gọi Quản Trọng là cha (thượng phụ). Có điều kỳ lạ là khi sắp chết  Quản Trọng lại không tiến cử Thúc Nha thay mình. Tề Hoàn Công lấy làm lạ hỏi, Quản Trọng tâu, "Thúc Nha là bậc quân tử, không phải chính trị gia, ông yêu điều thiện một cách quá đáng, người như thế mà nắm quyền chánh, sẽ làm hư việc nước". Có người đem lời Quản Trọng mách Thúc Nha. Thúc Nha cười lớn và nói,

"Ấy chính vì thế mà trước đây ta đã tiến cử Thượng Phụ cho Chúa Công. Thượng Phụ trung với nước mà không vì bạn, đó là không phụ lòng ta tiến cử. Giả sử Chúa Công phong ta chức tư khấu6 để trừ gian diệt nịnh thì ta nhận ngay. Nếu phong ta làm tể tướng thì nhà ngươi và nội bọn còn đâu chỗ dung thân!"

Tên xiểm nịnh bẽn lẽn lui ra.

 

Gièm pha, ngồi lê đôi mách là một căn bệnh (có vị bác sĩ gọi là hội chứng). Có kẻ nói xấu người để mưu toan chia rẽ người, cầu lợi cho mình. Lại có những lời đồn vô trách nhiệm, không thật, thiếu kiểm chứng, nói cho vui miệng nhưng hại người. Có người kể chuyện làm quà để tỏ ra mình thông thời cuộc, biết nhiều quen lớn, không ngờ lời tưởng vô thưởng vô phạt lại hại người. Tiếc thay, xã hội càng loạn hơn vì có nhiều người mắc chứng bệnh thích nghe tin đồn, họ vểnh tai nghe lời đồn và tin như chân lý đáng phao truyền.

Tổ sư của triết học Tây phương Socrates thích đi lang thang, uống rượu và "phỏng vấn" người ngoài đường, nhưng không bao giờ nghe lời đồn. Dân chúng theo ông, nghe ông vì sự khôn ngoan minh triết của ông, nên bọn xiểm nịnh mách với nhà cầm quyền ông "làm hỏng tuổi trẻ". Nhà cầm quyền ra án một là ông bị trục xuất ra khỏi Athen hai là uống thuốc độc. Ông thản nhiên chọn rượu độc. 

 

TÌNH BẠN LÀ ĐỨC HẠNH. Gặp được một người tâm đầu ý hợp, lắng nghe nhau, lắng nghe trung ngôn, hiểu biết nhau, vượt thắng ngộ nhận, đạp dưới chân lời gièm pha, cởi bỏ ích kỷ, trách nhiệm trong lời nói, hết lòng yêu thương, nâng đỡ, tha thứ, dắt nhau cùng tiến lên... đó chẳng phải là một hành trình tu tâm dưỡng tính hay sao? Tình bạn khởi đầu có thể, và thường, là một trò chơi để thỏa mãn nhã thú và tình cảm, nhưng dần dà nó trở thành lò tôi luyện nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Nói vậy, phải chăng người xấu nết không thể có bạn?  Đúng vậy, vì tham sân si không phải là đất lành cho tình bạn. Nhưng người xấu mấy cũng có cái tốt, nếu cố đưa cái tốt của mình mà kết giao với người tốt thì − gần mực thì đen, gần đèn thì rạng − một ngày kia tính thiện cũng sáng lên mà thôi. Ta tập làm người bằng cách ăn ở phải đạo với ít nhất một  người. Tiếc thay ở đời ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, cho nên thế gian mới sinh ra lắm bè mà ít bạn. Vì vậy những đức tính tuyệt vời của Lưu Bình, Châu Long, Dương  Lễ càng phải đề cao hơn nữa trong thời này.

Nếu St. Paul nói "yêu thương là chu toàn tất cả lề luật", thì chúng ta cũng có thể nói tình bạn là đức hạnh vậy.

 

Tâm Thanh

 

1 Bản Nôm Đại học Yale tới đây thì kể sang việc Châu Long về với chồng, sau đó chấm dứt truyện. Có lẽ vì muốn chiều lòng độc giả thích kết có hậu, ai đó đã thêm đoạn Lưu Bình tới định mắng vốn Dương Lễ và ba người giải được oan tình lẫn ân tình.

2 Aimer, ce n'est pas se regarder l'un l'autre, c'est regarder ensemble dans la même direction.

3 The beginning of love is the will to let those we love be perfectly themselves, the resolution not to twist them to fit our own image. If in loving them we do not love what they are, but only their potential likeness to ourselves, then we do not love them: we only love the reflection of ourselves we find in them."  (Trong No Man Is an Island - Không ai là cô đảo).

4 Sinh ngã giả phụ mẫu, tri ngã giả Bảo Tử (Sách Quản Tử)

5 Về giáo dục, Quản Trọng nói một câu nổi tiếng mà sau này Hồ Chí Minh nhận là của mình, cho tới khi ông chết không một "học giả" xã hội chủ nghĩa nào dám đính chính: "Kế một năm, không gì bằng trồng lúa. Kế mười năm, không gì bằng trồng cây. Kế trăm năm, không gì bằng trồng nguời"   

6 Thượng quan  hình pháp