Ta Chẳng Tìm Ta Cũng Thấy Ta - Nguyễn Văn Thà

2015-12-04 15:33

I hope it is true that a man can die
and yet not only live in others
but give them life,
and not only life,
but that great consciousness of life.
Jack Kerouac, nhà thơ

 (Tôi hi vọng có chuyện thiệt là khi ai đó chết,
chết mà không những chỉ sống trong những người khác
mà còn cho họ cuộc sống,
và không những cho cuộc sống,
nhưng còn cho cả sự đại giác ngộ về cuộc sống.)

 

Nam duyên tình lận đận: những người đàn bà nói dai, nói dài, nói dốt; công việc không hợp với sở thích, sở học, người làm cùng sở lại là những kẻ nhập tràng từ một cõi nhân gian càng ngày càng gian xảo, thô bỉ, ác độc. Cả hai bức bách, kềm kẹp anh lúc mở mắt cũng như trong giấc ngủ. Đôi lúc anh cảm thấy đạo lý, phép xử thế anh được dạy dỗ, thấm đẫm tự nhiên từ những ngày xưa lại là nguyên nhân của những đau khổ anh phải chịu hằng ngày. Sống giữa bùn mình phải là giun mới hạnh phúc được, hình như một hiền giả nào đó đã nói như vậy. ”Một công việc lý tưởng là chuyện hiếm. Hôn nhân là cửa vào thiên đàng lại càng hiếm, như một viên kim cương phải đào hàng trăm, hàng ngàn mét khối đất cũng chưa chắc có, đá sỏi là thường. Đời là bể khổ là vì vậy.” Nam có lần nói đại khái như thế trong một lần ngồi tán gẫu với Tâm, thầy giáo dạy toán cấp ba Nam gặp trên đảo tị nạn Bidong. Và nói nhiều chuyện khác nữa: chuyện thơ văn, triết lý lãng đãng này nọ, những nhận định chung chung về những hiện tượng xã hội mới trên đảo: những quỵ luỵ trước một giống người chỉ mới đây thôi bị gọi một cách khinh bỉ ”tụi Chà Dzà”, những tấm lòng vàng của các bà phước người Úc, sự khinh bỉ ra mặt những người tị nạn - ngoại trừ những cô gái đẹp - từ tay bác sĩ Phần Lan thiên tả… Có bữa sau khi nghe Nam, vốn làm thông dịch viên cho bệnh viện và cảnh sát trên đảo, kể về những ấu ó dẫn tới đả thương nơi những cặp vợ chồng trên đảo, những vụ phá thai, những thai nhi vất vô tội vạ trong các bụi bờ quanh đảo, mà Nam cho là hậu quả của một cuộc vùng thoát đột ngột từ một trật tự này tới một trật tự khác, Tâm bỗng kêu lên:

”Trời ơi, mình không thể nào quên được tiếng thét của cô học trò đi cùng tàu với mình bị bắt sang bên tàu hải tặc, bị hãm hiếp, và sau đó bị chúng nó ném xuống biển. Biển lặng Tháng Ba, trời trong, nên nghe rất rõ. Một đêm trăng sáng vô chừng. Tiếng thét như một đường gươm xé rách màn trăng. Xé rách mọi hi vọng của mình về con người. Trời ơi, con bé chỉ mới 16 tuổi. Ước mơ qua Nhật để học làm bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ; qua Nhật, vì cô bé có người chú ruột đi du học đã lâu và có địa vị, cùng giàu có bên đó, và có cả chị gái ruột mới vượt biên qua năm ngoái.”

”Sao anh biết đó là tiếng thét của cô học trò anh?”.

Tâm nhướng mắt ngạc nhiên nhìn Nam một chút khi nghe hỏi, nhưng vẫn không nói gì để trả lời, mắt nhìn lung vào bầu trời xanh biển đảo. Từ ngày ấy, hai người trở thành đôi bạn tâm tình tri kỷ, và họ hứa với nhau sẽ mãi giữ liên lạc với nhau sau khi định cư.

Ngày ngày Tâm lầm lũi đi đi về về phòng thính âm để nghe băng tiếng Anh, lãnh thức ăn, vào thư viện, ngồi hàng giờ trên bãi biển, còm cõi. Còm cõi, cô đơn trong một thế giới ồn ào nhân cách, buông thả tính dục.

Rồi hai người cũng đến ngày chia tay. Tâm qua Nhật. Nam qua Na Uy. 

Mấy năm sau, Tâm cho biết đã tốt nghiệp điểm cao ngành kiến trúc, làm trong một hãng kiến trúc lớn ở Osaka, và sắp cưới vợ, cưới chị gái cô học trò thét giữa Biển Đông. Người ta phải tiếp tục sống, Tâm viết như vậy, một điệp khúc điển lệ Nam nghe hoài ở đây, Na Uy. Như thế, bên Nhật cũng không khác. Nhưng hai người vẫn là bạn thân, càng ngày càng thân, thân đến độ Tâm sẵn sàng biếu Nam, hay nếu Nam ngại, mượn cũng được, để in sách, ra CD mà Nam hằng ước ao, thậm chí tiền để mua nhà, khi biết Nam qua Na Uy cả chục năm mà vẫn phải ở nhà thuê, mỗi lần phải dọn nhà là một cực hình vì lúc nào cũng mang theo cho được mấy ngàn cuốn sách, nặng cả mấy tấn. Tiền bạc sớm muộn gì cũng sẽ đánh đổ tình bạn, Nam nghĩ vậy và từ chối khéo không nhận. ”Nam thiệt sĩ khí không đúng chỗ. Ăn ở như vậy thì cực chết đi, rồi sao có thì giờ yên ổn để viết sách như Nam ao ước? Cái nước Na Uy tiền nhà mắc khủng khiếp, mà Nam thì lương đâu có bao nhiêu. Gàn hết sức.” – Tâm than.

*

Cạnh xưởng Nam làm, quận Alna, Oslo, có nghĩa trang Alfaset rất lớn, nằm trên một ngọn đồi thoai thoải, thơ mộng như Đồi Cù, Đà Lạt. Những bia mộ thấp thấp, hàng hàng lớp lớp, trật tự mà như quần tụ với nhau trong một trại họp bạn hướng đạo. Bốn mùa, mùa nào cũng đẹp. Xuân, hè hoa cỏ ngàn hồng nghìn tía chảy lai láng quanh những điệp trùng bia mộ như lạc cảnh xuân sơn. Thu, đông có khi sương khói tràn về, như nhận chìm, như nâng lên trăm ngàn núi đảo Đường thi. Và yên tĩnh. Càng yên tĩnh hơn nơi Khoảnh Vườn Thương Nhớ: Minnelund. Đó là một khu vườn tưởng niệm thuôn dài, rộng cả mẫu đất. Có chiếc ao tròn Nguồn Sinh khá lớn nâng cầu bán nguyệt; nước từ hồ chảy thong thả ra con suối nhân tạo bậc thang róc rách giòng nhỏ, xuống ba hồ Nhân Sinh: ấu, trưởng, lão nhỏ hơn, rồi chảy dần xuống chiếc hồ Vĩnh Cửu lớn nhất cuối vườn, những viên đá viền mép hồ tròn nở ra như những tia sáng trầm mặc, như cánh sen giác ngộ khiêm cung; và cuối vườn, gần bên kia mép hồ Vĩnh Cửu là tác phẩm điêu khắc Những Bóng Hình của Nico Widerberg, tạc từ một khối đá hoa cương đen, rỗng, cao hơn tầm người một chút, bốn mặt bào đen láng, vuông cạnh, mỗi mặt khoét một bóng hình người cao bằng tầm người, giống y nhau, bằng nhau, cho người ngắm cái cảm tưởng con người nhập vào núi, vào thiên nhiên, người vào với người vô cùng, sau khi giòng chảy cuộc thế mình xuôi dần về Miền Thiên Thu. Hầu như mỗi ngày đi làm Nam đi sớm một tiếng, vào vườn, ngồi nghỉ ngơi, tĩnh tâm trên một trong những băng ghế đơn giản mà trang trọng trong đường nét cùng màu sắc, kê trong những chòm cây thâm thấp hoa nụ nhỏ. Nam ngồi đó ngắm suối, ngắm hồ nghĩ tới cõi vô thuỷ vô chung, nhìn mông lung bóng người chìm nổi, hay âm âm bài thơ cổ, kim của các danh sĩ; những cãi vã với con vợ ”đỉnh cao trí tuệ” trước khi đi làm bị nhận chìm hồi nào không hay; những xung đột sắp tới với đồng nghiệp mánh mung, ma quỉ bỗng trở thành chuyện nhỏ.

 

Con chuồn chuồn
Loay hoay đậu chẳng xong
Trên lá cỏ non (1)

Tĩnh lặng
Thấm đẫm vào đá
Tiếng ve gần xa (2)

Đá thơm nồng
Giọt sương ấm
Cỏ hạ hồng (3)

Sao cánh chim kia
Hối hả cuối năm?
Một con quạ (4)

Nghe tiếng vượn kêu:
Phải chăng vượn con bị bỏ
Trong gió thu phiêu?(5)

Mộ ai như lay động
Tiếng khóc than đẫm lệ
Mất hút gió thu (6)

Hãy học biết tại sao
Trái Đất nặng như thế (7)

buổi chiều lắng
bóng chim qua
rớt lại tiếng kêu
trên hồ nước lặng (8)

Thì thế cỏ cây cũng rã rời
chỉ còn nhật nguyệt nối vòng thôi
lá rơi như trút mùa thu xuống
con đường thành một nhánh sông trôi (…)

Ngoái lại chặng đường thương khó ấy
lòng ta ràn rụa nỗi mê say
bao nhiêu hạnh phúc và đau khổ
đã ngấu thành men rượu ngất ngây

Rồi cũng phải đi có một mình
chẳng còn chổ rẽ chẳng phân vân
vầng trăng vốn lẻ loi là thế
mà toả từ tâm rất dịu dàng (…)

Xóa đi dấu vết trong tâm khảm
Ta chẳng tìm ta cũng thấy ta (9)

 

Một trưa mùa xuân Tháng Năm, khi đang ngồi như thế, và lần này ngồi nhớ về khung trời đại học, nhớ về những ngày thơ mộng với cô sinh viên Nhật học ở đại học Oslo, trong chương trình trao đổi sinh viên giữa hai nước. Nàng đẹp cốt cách, đẹp tinh thần như 100 bài thơ bài cú nàng làm và chép tặng chàng trước ngày chia tay. Bây giờ Nam ngồi đây với tập thơ ấy trong tay. Đọc với cả nỗi niềm tiếc xót. Bỗng, Nam thấy có một đoàn người vóc dáng người Á Châu đang đi tới Khu Vườn Thương Nhớ. Lại gần mới biết là người Nhật vì họ nói tiếng Nhật; một số tỏ vẻ thích thú ngắm hồ, ngắm con suối, có người còn vội vàng đưa thước dây ra đo, có kẻ loay hoay chụp hình, quay phim, nhưng khi đến trước tác phẩm điêu khắc, ai cũng chững lại, và đứng sững ngắm. Lần đầu tiên, Nam mới thấy có đoàn du khách tới xem khu vườn. Và toàn đàn ông. Rồi họ ra đi, có kẻ còn ngoái đầu lại nhìn. Khi đoàn đi ra gần tới cổng, Nam mới thấy một người đàn bà thanh mảnh đang đứng trông vời trên cầu cong bán nguyệt, rồi từ đầu hồ Nguồn Sinh khoan thai đi xuống dọc con suối, đến chỗ Nam đang ngồi, dừng lại cười mỉm với chàng rồi hỏi bằng tiếng Nhật:

”Anh đọc gì đó, đọc thơ phải không?”

Nam gật đầu sung sướng: ”Vâng.”

”Sao chưa ăn, đã lo đọc, không đói bụng sao?” – Ân cần, y hệt cô y tá thiện nguyện người Nhật, người tình tuyệt vời của anh hồi đó ở đảo Bidong, cũng là người đã nói với anh: ”Người Nhật hơn người nước khác chút chút có lẽ họ biết nắm ngay cơ hội.”, và vừa cười cười vừa hôn anh vừa đùa: ”Em là một trong những số đó, phải không tiên sinh?”, khi Nam hỏi bí quyết thành công của nước Nhật. Nàng cũng là động lực chính khiến cho Nam khi đến Na Uy học tiếng Nhật, chứ không phải một ngành thực dụng nào khác, và nghề hướng dẫn khách du lịch Nhật sau khi tốt nghiệp là một nghề khó kiếm. 

”Ừ, chốc nữa ăn. Đọc thơ cái đã.” – Nam trả lời.

Cô nàng lại cười:

”Có thực mới vực được thơ, tiên sinh ạ. Nhưng thôi, sayonara, sensei! ” rồi biến sau rặng liễu viền lối ra cổng.

 

Nam ngồi đó ngẩn ngơ, những giòng thơ, những vĩnh cửu loanh quanh bỗng hóa thành chuyện nhảm. Anh đúng là một kẻ ”không biết nắm ngay cơ hội”, không phải chỉ lần này mà thôi. Và rồi bây giờ ngồi trơ gặm bánh mì, đọc thơ. Anh bực bội đứng phắt dậy, ném tập thơ, mẩu bánh mì vào xắc, rồi quay lưng đi vào sở, thì nghe tiếng gọi: ”Anh ơi, anh ơi, chờ em một chút.” – bằng tiếng Việt, giọng miền Nam hẳn hoi. Nam quay đầu lại, thấy chính là người đàn bà lúc nãy, nhưng mặt hồng hào hơn, chạy nhanh tới, tay cầm một cành đào Nhật Bản, mỹ diện đào hoa tương ánh hồng. Nam cũng chạy lại phía nàng. Hai người gặp nhau trên cầu bán nguyệt treo trên hồ Nguồn Sinh. ”Em tặng anh cành đào này cho đủ bộ hạnh phúc như trong một bài thơ bài cú trong tập thơ anh đang đọc: Tôi bước đi buổi sáng/ Cuốn sách, chiếc bánh, cành hoa tươi/ Hạnh phúc nào hơn thế?”. Nam ngạc nhiên đến chết sững: không biết sao người đàn bà lại biết anh đọc tập thơ bài cú, còn biết cả bài mình thích mà mình vừa đọc ngay trước khi người đàn bà đến, lại còn đọc đúng cả bài dịch bởi Nam… nhưng Nam quên hết mọi thắc mắc chợt đến và nói như reo:

”Trời ơi, ai mà lấy được cô, rồi có chết cũng cam.”

Người đàn bà hổn hển, như đứt hơi: ”Anh không phải chết đâu. Anh lấy em đi. Hãy đưa em về khách sạn nào đó, rồi tính sau. Em tính đi luôn, nhưng không muốn bỏ mất cơ hội duy nhất, quý giá này.”

 

Không trở ngại lắm chuyện xin nghỉ làm ngay hôm đó. Và cũng không khó khăn, như Nam vẫn tưởng, chuyện rời tổ cũ lót gai, cài mật. Khi Nam báo tin cho Tâm mối duyên tình bích câu kỳ ngộ, Nam rất vui và nói tỉnh bơ: ”Anh lựa câu chọn chữ thì hay, mà lựa đời chọn vợ thì dở ẹc. Mình nghĩ Ông Trời, Ổng thấy tội, lần này Ổng phải can thiệp cho anh. ”

Nàng còn tự đi kiếm và mua được một căn hộ vừa ý chàng, khang trang, có cả một thư phòng với kệ sách xinh xắn vây quanh, đủ để chứa hết sách sưu tập của chàng, lại còn một lò sưởi nhỏ hiu hiu lửa ấm. Từ ngày ấy Tâm, khi trao đổi chuyện trò với Nam, không còn càm ràm chuyện chỗ ở của bạn nữa. Cũng cần kể thêm là mỗi lần Nam chuyện trò với Tâm, nàng bao giờ cũng khép nép lui vào phòng mình. Hai người từ ngày ấy sống hạnh phúc, và không biết trên đời này ngoài họ ra có ai có thứ hạnh phúc nào như họ đang có không. Họ hạnh phúc đến độ họ hoặc quên, hoặc không có thời giờ, hoặc không cần thiết nữa để hỏi những câu hỏi lúc đầu họ cứ ngỡ là quan trọng lắm; hạnh phúc đến độ cành hoa đào tơ duyên độ ấy, cả mười năm nay, vẫn còn tươi, tuy rằng mỗi năm, năm cùng tháng tận, cứ rụng đi một cánh để nàng trẻ ra thêm một tuổi một cách thấy rõ. Khi chiếc hoa đào cuối cùng rụng cũng là khi nàng lại được 16 tuổi. Tôi kể là nàng trẻ lại chính xác là 16 tuổi là vì Tết đó, khi chiếc hoa đào cuối cùng rụng xuống, nàng lại thêm trẻ, thêm đẹp một cách khác thường, và tối mồng một Nam khỏa thân nàng, nàng ngà ngọc, tinh tuyền, thơ ngây đến độ anh phải chảy nước mắt, thì nàng thầm thì:

”Anh có biết không năm nay em mới đúng 16 tuổi trăng tròn?”

”Đúng rồi, em của anh bất tử. Tình yêu đích thực làm cho em trẻ ra mãi.”

”……”

 

Ngày hôm sau, mồng hai, khi đi làm về, Nam không thấy nàng trong nhà chạy ra đón anh như mọi ngày. Anh hoảng hốt, vì điều này chưa bao giờ xảy ra trong mười năm hai người chung sống. Nàng đi biệt tích và Nam cũng không muốn báo tin cho Tâm biết, vì tuy bạn thân, nhưng Nam vẫn không muốn cho bạn biết mình bị thất bại lần nữa trong chuyện hôn nhân.

Sáng mồng ba có tiếng điện thoại reo. Nam mừng rỡ chụp máy, nhưng tiếng nói đầu bên kia điện thoại là tiếng của Tâm, cho biết: Nhà Tâm một tháng trước Tết được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc báo là có lẽ họ đã tìm ra mộ của một người tên Nguyễn Thị Nguyệt Nga, có thể là mộ của người vợ chưa cưới của Tâm, nhờ tên hải tặc hối hận vì tội ác của mình, đã xuống tóc đi tu, và đã báo cho cảnh sát Thái để họ đi kiếm mộ trên một hòn đảo nhỏ trong vịnh Thái Lan, nơi chính hắn chôn xác người con gái. Hắn còn giữ chiếc lắc có khắc tên Nguyễn Thị Nguyệt Nga + Lê Tâm mà Tâm tặng ngày hứa hôn, trước khi cả hai cùng vượt biên mấy tháng. Hắn còn khai thêm là sau khi hiếp và quẳng xuống biển cô gái, hắn ân hận ngay và, vốn là thuyền trưởng, khăng khăng bắt thuyền chạy tới chạy lui trong vùng biển đó để kiếm xác, cho tới ngày thứ ba thì thấy xác cô gái nổi trên biển; cũng may suốt tuần đó, vì là vào Tháng Ba, nên biển lặng tờ, do đó mới dễ thấy được xác trôi trên mặt biển. Tâm không muốn báo tin ngay cho Nam ngày được tin báo đó vì không chắc có đúng đó là di thể của Nguyệt Nga, và Tâm phải chờ mãi cho tới khi chú Nguyệt Nga đi (Nam ngạc nhiên tại sao Tâm không đi, nhưng không muốn hỏi, cứ đoán là Tâm bận.) với vợ Tâm qua Thái xem di thể, và khi mẫu di thể của Nguyệt Nga với mẫu xét nghiệm của chị gái của nàng được xét nghiệm DNA kỹ càng và được xác nhận là đúng, Tâm mới báo cho Nam. Mãi ngày ba mươi Tháng Chạp âm lịch mới đưa được di thể tro Nguyệt Nga về thờ trong nhà vợ chồng Tâm. Kể xong, Tâm bỗng cười lãng nhách, không giống Tâm thường ngày chút nào hết:

”Vậy là mình có hai vợ ở một nhà… Ông biết không, mình lúc trước yêu cả hai cô một lần; và hai cô cũng tự nhận đều yêu mình?” Và Tâm yên lặng một lúc mới nói, giọng khơi khơi: ”Còn ông, cũng phải kiếm ý trung nhân khác chớ! Mà ông cũng phải qua đây một chuyến để giải sầu, và biết đâu gặp được ý trung nhân ở đây.”

Nam giật mình nhưng vẫn rán nói trớ:

”Tâm nói sao? Mình có ý trung nhân còn kiếm gì nữa?”

Tâm cười hì hì:

”Ai nào biết được ý Trời. Mình khi không giờ có hai vợ thì sao!”

 

Thật vậy, khi cảm thấy không chịu nỗi cô đơn, bất ngờ Nam đi Osaka. Và để tránh gây phiền phức, và cũng muốn tạo sự bất ngờ, khi xuống phi trường, Nam kêu tắc xi đến cầu may địa chỉ của Tâm rồi tính sau. Thật may, khi bấm chuông lại có vợ Tâm ra mở cửa. Nam giới thiệu mình và nói lý do cuộc thăm viếng và xin lỗi vì sự đường đột. Nam hỏi Tâm có ở nhà không. Nàng đón Nam vào, rồi chỉ lên bàn thờ có hình Tâm và hình Nguyệt Nga với hai cái tiểu đựng tro di thể trước mỗi hình, vừa ứa nước mắt vừa nói:

”Anh Tâm bị tai nạn khi đang thị sát một cao ốc đang xây cất, và chết tại chỗ.”

”Trời đất ơi!”

Và nàng tiếp tục:

”Khoảng một tháng sau khi anh Tâm mất, lại được tin của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc báo tin đã kiếm được mộ em Nguyệt Nga. Chuyện còn dài, em sẽ kể anh sau, nhưng tóm lại: chú em và em cũng đưa được tro của em Nguyệt Nga về thờ.” – Rồi nàng cúi mặt xuống một lúc, mới nói tiếp: ”Như thế hai người bây giờ cuối cùng cũng tác hợp được với nhau… Mà xin lỗi anh, nhà em tang gia bối rối quá, quên cả báo cho anh, dù em biết anh là bạn thân của anh Tâm.”

”Nhưng… anh Tâm…”

”Nhưng anh Tâm sao anh?”

Nam ngập ngừng:

”Thôi quên đi… Không có gì trọng… Tôi chỉ lẫn lộn một chút về thời điểm.”

”Vâng, tùy anh.”

Sau khi ngồi xuống ghế và nhắp xong chén trà thơm, ngon, hai người bình tỉnh hơn, Nam mới nói:

”Thật lạ, Nguyệt Nga sao giống người yêu của tôi quá và giống cả cô nữa.”

Nàng cười nụ, liếc sắc:

”Anh nói thật hay đùa vậy? Nhưng em nghĩ cũng không có gì lạ đâu. Chú em có lần nói: Một thiền sư đã nói trong một công án: Mọi mỹ nhân đều giống nhau, mà anh.”

”Trời đất, nghe cô nói, tôi mới ngộ ra!”

Cả hai cùng cười.

”Em có nghe anh Tâm kể về mối tình bích câu kỳ ngộ của anh… Mà sao anh không đưa cô ấy sang đây chơi?”

Nam ngần ngại:

”Thú thật, cô hỏi, tôi mới nói: cô ấy, một ngày kia tôi đi làm, biến đi đâu mất. Thiệt như trong tiểu thuyết lá cải.”

”Em nghĩ giống Giáng Tiên trong truyện Bích Câu Kỳ Ngộ thì đúng hơn.”

”Không đâu. Tôi nghĩ lý do ra đi của người yêu tôi tầm thường thôi, chứ không cao quý như thế.”

Nàng nói giọng vỗ về:

”Thôi anh đừng giận cô ấy chi cho tội nghiệp.”

Khi chia tay đi khách sạn, nàng bỗng cầm tay Nam, cầm nhẹ ân cần:

”Anh đừng buồn phiền mà sinh bệnh. Mọi sự trong trời đất này đều lặp lại, có đi có về, chỉ khác nhau cái vỏ ngoài. Cái vỏ sau thường tốt đẹp hơn vỏ trước. Nếu không thế, vũ trụ sẽ không còn tồn tại. Anh Tâm lúc sinh tiền từng nói như vậy.”

 

Từ độ đó người ta lại thấy Nam ngồi trong Khoảnh Vườn Thương Nhớ. (11)

Nguyễn Văn Thà

 

Chú thích:

 

(1), (2), (3), (4), (5), (6) thơ bài cú (haiku) của Matsuo Bashò: Tùng Vĩ Ba Tiêu./NVT dịch.

(7) Apprends pourquoi la Terre est si lourde à porter, của Pierre Emmanuel./NVT dịch.

(9) của Khánh Hà.

(10) của Cung Vĩnh Viễn, tựa đề truyện lại là một câu thơ của bài trên.

(11) Có bữa, bà xã dặn Thà khi đi làm ca chiều-tối, nhớ mua ổ bánh mì cho cháu gái ngày mai đi nhà trẻ (cháu tuyệt đối chỉ ăn bánh mì buổi sáng), nhưng Thà ngồi rán mấy phút để viết cho xong truyện, nên trể chuyến xe buýt, trể việc, không mua được, sáng mai bé sẽ khóc um. Xong việc lúc 23.15, khi đi ngang cổng nghĩa trang Alfaset để ra trạm xe buýt, trời tối đen, mà Thà, mắt kém, vẫn thấy nguyên một ổ bánh mì còn trong gói ny lông nằm ven đường cạnh cổng nghĩa trang. Lụm đưa về. Sáng mai, bà xã hỏi: ”Hôm qua, anh sao sang, mua bánh mì loại ngon, mắt tiền như vậy?” Ai làm rớt, hay là từ các đấng anh linh điệu nghệ?