thầy trò - Phạm Tín An Ninh

2014-08-29 09:26

      Tôi đạp xe đến thăm thầy Thanh sau một cơn mưa hạ, trời tối sớm. Đọc lại địa chỉ do cô bạn học cũ ghi vội trên mẩu giấy nhỏ, biên lai tính tiền của một quán ăn ở khu phố Bolsa. Nhà thầy ở gần đầu đường Lê Đại Hành, trên cùng một con đường và không xa nhà vợ chồng thằng bạn thân mà tôi vừa mới ghé thăm và trọ lại hai hôm. Tôi mượn chiếc xe đạp cũ của nó đạp đến thăm thầy.

      Căn nhà nhỏ, gần ngã tư, nằm thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng màu mè lòe loẹt dưới ánh đèn điện sáng choang. Cánh cửa trước sân khép hờ. Tôi đẩy cửa dắt xe vào, sau khi đã xem kỹ số nhà. Nhà mở cửa nhưng không thấy có ai, tôi vờ bấm nhẹ chuông xe đạp. Một người đàn bà bước ra. Trông trọng tuổi, nhưng dáng dấp và khuôn mặt phảng phất một thời phong lưu, nhan sắc. Tôi dựng xe, bước lại gần cung kính:

     -Dạ có phải đây là nhà thầy Trần Thanh. Em là học trò cũ xin đến thăm thầy.

    Tôi bị chứng lảng tai quen nói lớn, nên ngay sau câu nói “xin ông chờ một chút” của người đàn bà thì thầy bước ra từ phòng sau. Lúc ấy tôi chưa nhận ra, nhưng đoán chắc là thầy.

     -Mời anh vào nhà. Một giọng Huế hơi nặng.

     Khi mời tôi ngồi, thầy đi vào phòng phía sau thay áo. Người đàn bà, mà bây giờ tôi biết là phu nhân của thầy, rót một ly nước trà mời tôi, và một ly để trên bàn, phía đối diện.

     Tôi ngờ ngợ. Trong ký ức tôi vẫn còn đậm nét một giáo sư Trần Thanh khỏe mạnh, đẹp trai, dù đôi mắt không lớn lắm nhưng sáng quắc, mỗi lần nhìn thẳng vào những đứa học trò không thuộc công thức hay làm sai bài toán. Có những buổi thầy còn mặc nguyên bộ đồ trắng thắt đai đen nhu đạo, cỡi xe Lambretta từ Judo Club chạy thẳng đến trường, làm đám học trò bọn tôi ai cũng ớn. Vậy mà trước mắt tôi hôm nay là một ông già, ốm nhom, nhỏ nhắn, đầu rụng gần hết tóc, chỉ còn đôi lông mày rậm dài, bạc trắng. Hèn gì thầy có cái biệt danh Bạch Mi Lão Tổ. Có lẽ do mấy ông bạn già đặt cho thầy.

     Thầy nhìn tôi dò xét:

     - Anh cũng ở Nha trang à? Nhưng dường như tôi chưa được gặp.

     - Dạ, em ở xa lắm, rời Nha trang lãng bạt cũng đã gần hai mươi năm. Ngày xưa em học với thầy ở trường Văn Hóa. Thời gian quá lâu rồi, hơn nữa thầy dạy cả bên Võ Tánh, Lê Quý Đôn, có quá nhiều học trò nên chắc thầy không thể nhớ em.

 

      Năm 1958, làm sai cả hai bài toán, nên tôi rớt trong kỳ thi vào đệ thất trường Võ Tánh. Ngôi trường công lập duy nhất và nổi tiếng của tỉnh, nơi mơ ước không những của đám học trò quê như bọn tôi mà cho cả các bậc phụ huynh luôn mong muốn con cháu của mình trở thành sĩ tử. Với cái tính háo thắng của một đứa con nít, tôi xin vào trường tư thục Văn Hóa học lớp đệ lục. Tôi mồ côi mẹ lúc mới ba tuổi, nên cha tôi, một thầy giáo dạy trường Pháp Việt, thường dắt tôi theo đến lớp, giao tôi cho một vài anh chị học trò lớn chăn giữ, dạy vài chữ tiếng Tây, tập xếp vài thứ đồ chơi bằng giấy để tôi khỏi lục lọi phá phách. Những ngày ở nhà, có lẽ méo mó nghề nghiệp, cha tôi cũng thường đọc truyện tiếng Tây rồi kể lại cho tôi nghe, lâu lâu ông nói cả một tràng tiếng Tây mà tôi chẳng hiểu mô tê gì cả. Nhờ vậy mà ngay từ lúc còn nhỏ, tôi đã có một số “vốn liếng” tiếng Tây, dù chẳng đâu vào đâu cả. Vào lớp đệ lục trường Văn Hóa, may mắn gặp cô giáo hướng dẫn Trần Thị Tùng Linh, dạy môn Pháp văn, và phu quân của cô, thầy hiệu trưởng Nguyễn Bá Mậu cũng là một ông thầy Pháp văn có tiếng từ các trường Tương Lai, Võ Tánh. Không ngờ nhờ cái vốn tiếng Tây bì bõm ấy, tôi được cô thầy thương, tận tình giúp đỡ khuyến khích. Với tôi, lúc ấy cô Tùng Linh chẳng khác nào một bà tiên đã chắp đôi cánh thiên thần cho một thằng bé nhà quê như tôi bay lên tận cổng thiên đường. Để được xứng đáng với ân sủng đó, tôi quyết chí học hành. Không chỉ môn Pháp văn, mà gần như môn nào tôi cũng giỏi. Tháng nào tôi cũng được lãnh bảng danh dự. Tôi nói gần như, vì trong đó có môn Toán là tôi không khá lắm. Tôi thù ghét cái môn này, từ khi tôi bị rớt nặng trong kỳ thi vào lớp đệ thất trường Võ Tánh. Ghét Toán nên tôi “không ưa” luôn cả ông thầy dạy Toán, và thường tìm cách cãi lại thầy, đôi khi đi tìm mấy bài toán “mẹo” để đố lại ông. Lúc nào cũng vênh vênh nghĩ mình là học trò cưng của ông bà hiệu trưởng. Vì vậy có lần thầy Thanh đã cho tôi hai con zéro. Và đó là tháng duy nhất tôi mất bảng danh dự. Tôi vừa “hận” vừa xấu hổ nên tránh gặp mặt thầy. Nhưng từ đó lại chăm chú nghe lời thầy giảng hơn và thấy thầy dạy rất hay, dễ hiểu. Năm lên đệ ngũ, môn Toán tôi tiến bộ thấy rõ. Về nhà tôi cố tự học thêm với sự giúp đỡ của một ông chú họ, đang học đệ tam B bên trường Võ Tánh. Cũng là học trò của thầy Thanh hai năm đệ ngũ, đệ tứ. Rất giỏi Toán. Những bài toán thầy Thanh cho về nhà giải, tôi đều thông suốt và có đáp số đúng. Nhờ vậy mà kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, tôi làm đúng cả hai bài toán và đậu hạng Bình Thứ. Trước khi về quê nghỉ hè, tôi rủ thêm hai cô bạn, mua chút quà đến thăm, xin lỗi và cảm tạ ơn thầy. Dường như sau này. một trong hai cô bạn ấy đã từng làm khuấy động trái tim thầy.

     -Anh học Văn Hóa tới lớp nào, năm nào?

    Câu hỏi của thầy cắt đứt dòng hồi tưởng của tôi. Tôi trả lời không kịp suy nghĩ:

     -Dạ, em học tới đệ tứ, niên khóa 60-61. Sau đó vào Võ Tánh học ban C

     -Học ban C! Như vậy chắc anh không thích Toán?

     Câu hỏi của thầy làm tôi giật mình, nhưng không biết sao tôi lại trả lời không tế nhị chút nào:

     -Dạ, hồi đó em rất thù môn Toán của thầy, có lần còn dám cãi lại thầy nên bị hai con zéro, làm em mất bảng danh dự tháng ấy luôn.

     Vừa nói xong tôi biết mình lỡ lời, và ngồi chờ một thái độ của thầy. Nhưng bất ngờ nghe thầy cười thật lớn, hai mắt thầy hít lại:

     -Anh thù là phải, vì chính tôi chuyên dạy môn Toán. Vậy mà suốt một đời cứ long đong vất vả vì tính toán sai, không tìm được đáp số nào đúng cho những bài toán đời của mình.

      Tôi chưa hiểu hết ý nghĩa câu nói của thầy, nhưng tôi cảm được sự thất vọng, đau xót trong lòng thầy.

      Tôi đứng lên, bưng tách trà mời thầy. Trà đã nguội, thầy hớp một ngụm rồi để xuống, xoay cái tách một vòng, trầm ngâm.

     Tôi thoáng một chút ân hận đã làm thầy không vui, nên lảng sang chuyên khác:

     -Thưa thầy, chắc thầy cô đã về hưu cả rồi chứ ạ?

Thầy lại cười, nhưng lần này nụ cười có chút gì cay đắng, mỉa mai:

     -Không phải về hưu mà tôi thuộc loại thầy giáo bị “tháo giày” hơi sớm. Bởi lúc trước tôi bị động viên, là thiếu úy pháo binh trước khi biệt phái về dạy lại. Không tù cũng đã là may.

      Tưởng làm thầy vui, không ngờ không khí lại buồn hơn. Tôi cúi mặt xuống vừa tránh đôi mắt buồn buồn của thầy vừa tìm một lối thoát. Bỗng thầy đập nhẹ trên bàn tay tôi:

     -Thôi quên mấy cái chuyện ấy đi hỉ. Bi chừ anh đang ở mô, gia đình con cái ra răng?

      Đúng là thầy đã vừa giúp tôi, như giúp thằng học trò đang cắn bút trước một bài toán khó

     -Dạ, em vượt biển, định cư ở Bắc Âu. Con thì có vài đứa ở Âu châu vài đứa ở bên Mỹ. Không giàu có và con cái không có đứa nào bác sĩ, luật sư, nhưng cũng học xong đại học và có cuộc sống ổn định. Được như vậy là phúc đức lắm cho vợ chồng em rồi thầy. Chứ nếu còn ở Việt nam chắc bọn em khốn khổ gấp vạn lần thầy.

Ông cau mặt, thoáng một chút ngạc nhiên:

     -Ồ, té ra anh là Việt kiều. Ở nước ngoài gần hai mươi năm rồi à. Tôi cứ tưởng anh đi làm ăn ở tỉnh nào, giờ về thăm lại Nha trang.

     Tôi chưa kịp hỏi vì sao thầy nghĩ như thế, thì thầy lại tiếp tục:

     -Lần đầu tiên tôi thấy một ông Việt kiều đạp xe đạp, ăn mặc xềnh xoàng như anh, nên cứ tưởng... Ngay bên cạnh nhà tôi đây cũng có mấy ông Việt kiều, mới được bà con bảo lãnh sang Mỹ hai, ba năm gì thôi. Vậy mà về đây lúc nào cũng diện veston, taxi đậu hằng dãy trước nhà, hét hò inh ỏi, nhạc mở hết cỡ suốt ngày, làm điên đầu cả xóm.

Tôi nói đỡ:

     -Thưa thầy, nếu em về trước đây vài chục năm, biết đâu cũng thế ạ.

Ông cười:

     -Không phải rứa mô. Tùy theo mỗi con người. Cũng đâu cần phải Việt kiều Việt kiết gì. Người trong nước cũng rứa, có khi còn ghê gớm hơn. Tháng trước, tôi dắt đứa cháu nội đến xin vào học một trường cấp 2. Nghĩ mình dù gì cũng là giáo chức cũ, nên xin vào gặp thầy hiệu trưởng nói với ông một tiếng. Té ra anh ta là học trò của tôi ở Võ Tánh, sau này là Lý Tự Trọng ấy. Tốt nghiệp cấp 3 khoảng năm 77-78. Học hành cũng trung bình, nhưng nghe nói nhờ gia đình gốc liệt sĩ, cách mạng gộc gì đó, nên được kết nạp vào đoàn vào đảng, vô sư phạm khỏi cần thi rồi ra làm luôn hiệu trưởng trường cấp 2 này. Rất mừng là anh cũng nhận ra tôi, chìa tay bắt, rồi phán một câu, làm tôi té ngửa:

    “ - À chào anh Thanh! Có chuyện gì mà phải gặp tôi? Chuyện xin học hành thì anh xuống phòng học vụ. Tôi bận lắm! Xin lỗi anh nghe!”

    Có một buổi sáng chủ nhật, tôi xuống bờ biển đi một vòng cho gỉãn gân giãn cốt, gặp một đám vừa trai vừa gái ăn mặc bảnh bao, đánh vũ cầu. Nhận ra vài học trò cũ, tôi ghé lại, chưa kịp lên tiếng hỏi thăm, thì một ông còn khá trẻ, mặt mày bóng lưỡng, để râu ria và bụng hơi phệ, nắm hai vai tôi cười: “Té ra là anh Thanh. Bây giờ bọn tôi đứa nào cũng già gần bằng anh rồi đó. Hết dạy rồi chắc túng lắm phải không? Có muốn vào công ty tôi làm bảo vệ không? Tôi đang cần thêm mấy tay có võ nghệ đó. Anh tuy già nhưng có mấy đai đen thái cực đạo phải không?” Cả bọn cười ha hả.

      Sau này, hỏi ra mới biết ông học trò cũ ấy giờ là một đại gia, bạn đánh bài và ăn chơi thân thiết với tay giám đốc công an và mấy ông cán bộ tỉnh!

     Sau một hồi mải mê kể chuyện, thầy thở ra:

     -Chính vì vậy mà lúc anh mới vào nhà, nghe xưng em với tôi, tôi cũng ngại, giờ thì thấy dễ chịu một chút.

     Tôi cười, nói đùa với thầy:

     -Thế thầy không nghĩ em là cán bộ hay thủ trưởng một cơ quan nào à?

     Thầy cười thật lớn, nhưng rồi nói nho nhỏ:

     -Cán bộ không có tay nào ốm như anh mô, tay nào bụng cũng phệ, và thời buổi này đố anh kiếm ra “đồng chí” nào còn đạp xe đạp. Cái thời bao cấp qua lâu rồi. Bây chừ là thời kinh tế thị trường theo định hướng tham nhũng chủ nghĩa!

    Chiếc đồng hồ cũ treo trên vách đổ 9 tiếng. Ngoài trời đã tối sầm. Tôi đứng dậy xin cáo từ. Lấy trong túi áo một phong bì thư để trên bàn, tôi nắm hai bàn tay thầy khẩn khoản:

     -Có một chút quà mọn, của em và mấy người bạn, cũng là học trò cũ của thầy ở bên Mỹ, xin thầy nhận cho như là một chút tấm lòng của chúng em nhớ đến thầy cũ của mình.

     Thầy ngần ngừ, rồi cảm động nói hai tiếng cám ơn. Lúc tiễn tôi ra cửa, thầy mới hỏi:

     -À, nói chuyện mãi mà suýt quên mất một điều. Tôi vẫn chưa biết quý danh của anh. Tết năm ngoái, cũng có một anh ở xa về, ghé thăm và biếu tôi 200 đô la làm quà Tết, Anh nói là anh cũng học tôi ở Văn Hóa, năm đệ tam mới vào Võ Tánh. Anh không nói tên và tôi cũng đãng trí quên hỏi, đến bi chừ cũng không biết là ai, tệ thật! (Sau này tôi biết đó là anh bạn Nguyễn Bé cùng học một lớp với tôi bên Văn Hóa, sang Mỹ trở thành thầy Phong Thủy nổi tiếng).

     Tôi cười, trả lời thầy:

Tên em là Ninh, Phạm Tín An Ninh.

Thầy nắm chặt tay tôi, kéo tôi quay lại đối diện trước mặt thầy:

     -À, tôi nhớ ra rồi, cái tên này tôi có thấy ở đâu đó. Anh có viết sách viết báo gì đó phải không? Tôi có đọc mấy cái truyện của anh. Cảm động lắm!

      Tôi chưa kịp trả lời, thầy hỏi tôi đang ngụ ở hotel hay nhà quen nào. Ngày mai, thầy sẽ đến mời tôi đi uống cà phê “gánh”. Tôi bảo đang ở nhà người bạn, anh chị Trương Tiến cũng cựu học sinh Võ Tánh. Nhà ở ngay trên đường này, số nhà 177D.Thầy mừng rỡ:

     -À tôi quen vợ chồng Trương Tiến. Cả hai đều là học trò giỏi của tôi, sau này chị vợ lại trở thành đồng nghiệp của tôi nữa.

Thầy hẹn đến gặp tôi lúc 7 giờ sáng ngày mai.

 

     Thầy đến đúng giờ. Vợ chồng Tiến và tôi ra đón thầy ở sân trước. Thầy khoe chúng tôi cái xe Honda dame rất cũ của thầy:

     -Mọi thứ đều thay đổi, trừ chiếc xe Honda này còn lại từ thời 70, vẫn trung thành với vợ chồng tôi.

     Bà xã của Tiến, học trò và cũng là đồng nghiệp của thầy, cười:

     -Còn tụi em đây nữa chứ, có ai quên thầy đâu!

     Thầy vừa dựng xe vừa phân bua:

      -Cũng may, trường Võ Tánh và Nữ Trung Học đã đào tạo nhiều người tốt, có nhân cách, chỉ có một số rất ít bị ảnh hưởng từ cái xã hội đầy dẫy những vô ơn tráo trở này thôi!

     Thầy mời bọn tôi ra bờ biển uống cà phê “chạy” (loại cà phê rẻ tiền, do người nghèo bán rong trên bờ biển, nếu có công an kiểm soát, họ gánh chạy đi chỗ khác). Vợ chồng Tiến cám ơn và xin chối từ, vì bận công việc riêng. Thầy đèo tôi sau chiếc honda chạy ra biển. Thầy bảo trời còn sớm, nên sẽ chở tôi chạy một vòng trên con đường mới mở tiếp nối đường Duy Tân cũ, từ tòa tỉnh chạy ra phía Đồng Đế. Thầy đưa tay chỉ tôi khu Xóm Cồn gần như đã biến mất dưới chân cây cầu mới. Tôi nhớ đây là quê của một người bạn học, giờ không biết trôi giạt nơi đâu. Một lúc sau, nhờ thầy chỉ tôi mới nhận ra khu Hòn Chồng. Một phong cảnh hữu tình của đám học trò bọn tôi ngày trước, nơi hẹn hò lý tưởng của bao cặp tình nhân mới tập tành yêu đương, giờ chỉ còn lại hai tảng đá nằm chơ vơ, trơ trẻn.

     Đến khu Đồng Đế, Ba Làng, thầy quay xe lại, chạy về hướng Cầu Đá, rồi tắp vào bên con đường đất dẫn ra biển. Một cái “quán” cà phê chui, chỉ có 4 cái ghế và 1 cái bản nhỏ bằng nhựa dưới bóng một cành dương. Chị bán hàng dường như đã khá quen biết với vị khách đặc biệt này, nói cười vồn vã:

      -Thưa thầy, em làm cho thầy một ly đen đá như mọi khi nghe? Còn bạn của thầy?

     Thầy nhìn tôi, tôi gật đầu:

     -Em uống gì cũng được. Thầy uống gì em uống nấy.

     Cô bán hàng tò mò:

     -Chắc là bạn dạy học của thầy.

Thầy cười, giới thiệu cô bán hàng với tôi:   

     -Cựu học sinh Nữ Trung Học đấy, chừ phải nuôi anh chồng thương binh phe ta. Bị thương trong trận Khánh Dương từ hồi tháng 3/75 cụt cả hai chân, thật tội nghiệp! Rứa mà lâu lâu bị bọn công an, thuế vụ giả dạng khách, đến lục túi “tịch thu” sạch, mà chẳng bao giờ có biên bản, biên lai gì.

     Tim tôi thắt lại. Bước tới hỏi thăm hoàn cảnh của gia đình chị, và giành  trả tiền cà phê. Tôi nhét vào tay chị tở giấy 100 đô la. Chị bán hàng ngạc nhiên trố mắt nhìn tôi. Tôi nói nhỏ:

     -Tôi cũng là học trò cũ của thầy, xem như bạn của chị và đồng đội với anh ở nhà, biếu các cháu chút quà, xin chị cứ nhận cho tôi vui!

    Chị cám ơn, chớp mắt cảm động:

       -Vợ chồng em cám ơn anh. Quà của anh hơn hai tháng bán cà phê của em đấy. Chắc anh ở nước ngoài. Chúc anh có những ngày vui ở quê hương nghe.

       Thấy thầy trò còn ngồi nói chuyện, chị bưng đến hai ly cà phê mới, mời chúng tôi. Chị bảo hai ly đặc biệt.

    Nhìn quanh thấy vắng vẻ, thầy tâm sự:

        -Sau cuộc đổi đời có nhiều điều đau lòng bi thảm lắm. Đám học trò cũng có kẻ rất nghèo, người rất giàu. Ai quen biết bà con với đám CS, thì có quyền hành tiền bạc. Ngay cả đồng nghiệp của tôi cũng thế. Có tay chạy theo nịnh nọt bợ đỡ bọn họ ngay từ thời chính quyền còn quân quản, chỉ điểm, báo cáo lý lịch anh em. Ai cũng quay mặt khinh bỉ. Rồi cuối cùng cũng bị bọn họ vắt chanh bỏ vỏ. Tôi còn ở lại đây nên biết rõ trắng đen, chứng kiến nhiều chuyện nhân tình thế thái. Buồn lắm!

      Tôi im lặng một lúc, rồi nói mấy câu nhằm an ủi thầy. Tôi mời thầy đi ăn phở. Thầy từ chối, bảo buổi sáng thầy chỉ uống một ly trà hay cà phê đen, bỏ ăn sáng lâu rồi, thầy không muốn đánh thức lại cái bao tử.

      Chúng tôi chào chị bán cà phê, rồi bước ra chỗ dựng xe. Trước khi nổ máy thầy nói nhỏ, như dặn dò:

     -Tôi có đọc mấy bài của anh viết, do một đồng nghiệp bên Pháp chuyển cho tôi. Anh viết mạnh tay thế mà dám về Việt nam thì hơi liều đấy. Nhưng nhớ phải luôn đề phòng, cẩn thận. Cái xứ này giờ chẳng có luật lệ mẹ gì.

     Tôi cám ơn sự lo lắng của thầy, và bảo là sở dĩ tôi phải về lần này là để tìm và bốc mộ ông cụ thân sinh chôn trên núi Đá Bàn. Ông chết trong trại tù cải tạo từ năm 76.

     Thầy đưa tôi về. Vợ chồng Tiến đi vắng. Tôi giữ chân thầy để tâm tình riêng. Hai thầy trò ngồi trên cái ghế xích-đu trước sân. Tôi kể tên ba người bạn cùng lớp bên trường Văn Hóa ngày xưa, đã cùng gởi tiền về biếu thầy. Mắt thầy chợt sáng lên khi nghe tôi nhắc tên một người và hỏi thăm khá nhiều về cô học trò cũ này. Bây giờ tôi mới dàm nói đùa với thầy:

     -Hình như cô học trò gốc Hoa này đã từng làm trái tim thầy xốn xang một dạo, phải không thầy?

     Thầy cười với một chút ngượng ngùng, bảo “ồ, cũng chỉ là chuyện ngày xưa!”rồi lảng sang chuyện khác.

     Tiễn thầy, tôi dắt xe ra cửa và nổ máy cho thầy. Thầy nắm tay tôi thật chặt:

     -Ngày mai lên đường bình yên hỉ. Thăm chị và các cháu. Nếu lần sau có về nhớ ghé tôi chơi. Tôi không xin tiền bạc chi mô. Nghèo cũng đã quen rồi. Gặp anh, chỉ để tôi nhớ là có một thời mình đã từng làm thầy giáo, thế thôi.

     Tôi “dạ”, nhưng biết đây là lần cuối cùng tôi gặp lại thầy, bởi tôi sẽ không bao giờ còn về lại thành phố tuổi thơ này nữa

     Thầy rồ máy, lái xe đi. Bóng thầy xa dần trên con đường vắng. Nhìn theo phía sau lưng thầy, tôi chỉ còn thấy một đám bụi mù trong khoảng trống, bao la.

 

Phạm Tín An Ninh