VỜI XA - Phạm Thi Hảo

2014-08-29 09:48

Hồi chuông báo giờ tan học đã reo vang mà cô Chinh vẫn thủng thỉnh thu xếp lại đống sách vở nằm ngổn ngang trên bàn một cách thật chậm rãi, như không để ý tới những đứa học trò đang nhấp nha, nhấp nhổm, chỉ đợi cô cho phép là nhào ra khỏi lớp để ”dzọt” cho lẹ. Hôm nay là thứ bảy mà! Không có bài làm ở nhà, lại còn thêm một ngày chủ nhật tha hồ rong chơi, chạy nhảy nên đứa nào cũng cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Đám học trò tuy nổi tiếng nghịch ngợm nhưng cũng ngán cô Chinh lắm. Cô là cô giáo mới ra trường và được thuyên chuyển tới trường này kể từ đầu niên học nên tụi nó chưa biết tánh tình cô ra sao mà dám giở trò khỉ. Vả lại tuy trông còn rất trẻ nhưng từ hồi vô dạy tới giờ, cô rất nghiêm nghị không hề tỏ ra vui vẻ làm cho tụi nó càng ngán hơn! Mặc dầu vậy, cô tỏ ra rất dịu dàng, kiên nhẫn. Học trò thắc mắc hỏi cô bài vở là cô giảng giải tỉ mỉ cho tới khi hiểu thấu đáo thì thôi, cho nên thấy cô như vậy mà chẳng đứa nào ghét cô được. Chúng nó chỉ thì thầm với nhau sao một cô giáo trẻ như cô mà mặt mày lúc nào cũng buồn đăm chiêu vậy nhỉ? Vì vậy mặc dầu đã sốt ruột lắm rồi, cứ nhấp nha nhấp nhổm, cặp giò ngứa ngáy quá mà đứa nào cũng hồi hộp chờ đợi nhưng không dám nhắc và đành đứng đó chịu trận. Có vài đứa len lén kiễng chân nhìn ra ngoài sân trường đang xôn xao đám học trò các lớp khác đang ríu rít chuyện trò với cặp mắt thèm thuồng. Sau cùng, cô mới ngước lên:

 -   Thôi được rồi, các em về đi.

Chỉ chờ có vậy, lũ học trò miệng thì ”Chào cô chúng em về”, chân thì nhảy sáo ùa ra sân. Cô Chinh nhìn theo, lắc đầu rồi cũng lững thững đi ra khỏi lớp. Nắng vẫn chói chang trên những cành lá của những cây bông sứ ngoài sân, chấp chới trên những mái đầu xanh. Những tiếng nói cười xôn xao làm sân trường nhộn nhịp hẳn lên như cũng mừng rỡ hoà mình vào không khí rộn ràng của bầy trẻ nhỏ.

Và miếng cơm cuối cùng, thằng Hải lúng búng mời ”bố mẹ tiếp tục dùng cơm” rồi vội vã đứng dậy. Nhưng khi bắt gặp ánh mắt nghiêm khắc của bố, nó lại tiu nghỉu ngồi xuống. Để xóa đi cái không khí ngột ngạt, mẹ hỏi:

 -   Làm bài, học bài xong chưa con?

 -   Thưa mẹ, ngày mai là chủ nhật nên không có bài làm.

Bố đặt chén cơm xuống bàn:

-   Cả ngày, mọi người trong nhà ai cũng bận rộn, mỗi người một nơi. Trong bữa cơm, bố mẹ muốn trò chuyện với con nhưng nãy giờ con ăn uống có vẻ vội vã, không chú ý bố mẹ nói chuyện gì. Con trai lớn rồi, ăn uống phải chậm rãi, từ tốn. Từ nay, bố muốn mọi người xong bữa cùng một lúc, Nghĩa là khi nào cả 3 người đều ăn xong mới được phép rời bàn ăn. Con hiểu chưa?

Hải cúi đầu, lí nhí đáp:

-   Thưa bố con hiểu.

Bố hỏi về chuyện học hành của Hải, và tỏ vẻ hài lòng khi nghe báo cáo thành quả học tập của con trai. Bố hỏi sinh hoạt trong lớp ra sao, có gì vui vẻ không? Khi nghe Hải khoe là vào buổi lễ Tất niên năm nay, bố mẹ sẽ được coi Hải diễn kịch, mà Hải lại còn thủ vai chính nữa, bố tỏ vẻ hài lòng, cứ gật gù và tủm tỉm cười. Sau đó bố hỏi Hải có cần thêm sách vở... và một vài việc khác. Cuối cùng thì bữa ăn cũng chấm dứt. Và lần này thì Hải đã rút kinh nghiệm, đợi cho bố mẹ đứng dậy rồi mới dám đứng lên theo. Mẹ nhắc phải rửa mặt mũi, tay chân xong rồi muốn đi đâu thì đi. Đó là thói quen của mẹ, chứ chuyện đó ai mà không làm cơ chứ! Hải lớn rồi chứ còn con nít hay sao! Nó hơi bất mãn nhưng không dám cãi, chỉ ”Dạ” rồi ngoan ngoãn làm theo lời mẹ.

Hải đi tới công viên và ngó dáo dác. Biết ngay mà! Cái thằng Tuấn này! Dễ gì nó đợi mình! Hôm nay tụi nó hẹn nhau tụ tập tại nhà nhỏ Phương để cùng dợt lại vở kịch cho ngày lễ Tất niên. Cả nhóm đồng ý tới nhà Phương để tập kịch vì  nhà Phương có cái sân thượng khá rộng, tha hồ yên tĩnh không sợ làm phiền ai. Tới nhà con gái một mình mắc cở chết! Nhứt là mấy đứa bạn thân đang chọc, bảo nó „khoái con nhỏ Phương“. Thế nên Hải đã dặn thằng Tuấn gặp nhau tại công viên để hai đứa cùng đi. Vậy mà chỉ trễ có 10 phút là tên bạn xấu bụng kia đã bỏ đi rồi. Hải thở khì một tiếng, phải chi hồi nãy không bị bố lên lớp và ngồi đợi cả nhà xong bữa thì đâu nên nỗi! Nhưng nó nghĩ lại, dù sao thì bố nói cũng đúng, nhà chỉ có 3 người mà mỗi người có công chuyện riêng để làm nên ngoài bữa ăn thì chẳng có dịp ngồi chung với nhau. Bố có lần nói rằng mẹ nên nghỉ việc ở nhà, lo cho bố và Hải là đủ nhưng mẹ không đồng ý, mẹ bảo đi làm quen rồi, có thu nhập thêm của mẹ thì vẫn hơn chứ! Vả lại tuy đi làm nhưng mẹ vẫn chu toàn mọi công việc trong gia đình đấy thôi. Thấy mẹ vất vả như vậy, bố và Hải cũng thương, vào những ngày nghỉ, hai bố con thường giúp đỡ mẹ làm những công việc dọn dẹp, lau nhà. Hải thọc tay vô túi quần, suy nghĩ hồi lâu không biết nên tiếp tục đi tới đó hay đi về? Nó chỉ muốn quay về cho xong chuyện, nhưng nghĩ tới gương mặt xinh xắn của con Phương xụ xuống vì giận dỗi thì nó cũng ngán. Trong vở kịch này, nó và Phương thủ hai vai chính. Khi được cô Lý chọn, Hải cảm thấy thinh thích trong bụng mặc dù ngoài mặt vẫn phải cố gắng tỏ ra thờ ơ, không chú ý cho lắm. Con Phương là đứa con gái xinh nhứt lớp, được đóng chung với nó là điều mà cả bọn con trai đứa nào cũng đều mơ ước. Hải cảm thấy làm cho con Phương bất mãn là điều không nên, và cuối cùng nó quyết định cứ đi tới đó.

Đi trong công viên đầy cây cao và hoa đẹp trong một buổi chiều nên thơ như thế này là một việc làm hết sức thú vị đối với thằng Hải. Nó tạm quên đi nỗi ngượng ngùng khi tới nhà Phương một mình như thế này và chúm môi huýt gió một bản nhạc quen thuộc. Bỗng có bàn tay ai khều lưng Hải, nó quay lại thì thấy một đứa con gái chắc cũng cỡ tuổi nó. Con nhỏ dúi vào tay Hải một vật, nói vắn tắt: ” Cho nè”, rồi bỏ chạy. Hải ngơ ngác cúi xuống nhìn, thì ra đó là một cuốn sách dày cộm, ngoài bìa có chụp hình một con bướm khá to và bốn con bướm nhỏ với màu sắc sặc sỡ chung quanh. Hải cau mày lật ra coi. Đúng như sự dự đoán của Hải, bên trong có những xác bướm khô được ép cẩn thận, màu sắc của những cánh bướm vẫn còn nguyên vẹn coi rất đẹp mắt nhưng lặng lờ, cứng ngắc! Hải cảm thấy bực bội! Một nỗi xót xa dâng lên như muốn thắt trái tim của Hải lại. Nó thích ngắm những chú bướm sống động tung tăng bay lượn đó đây chứ không muốn nhìn những xác bướm vô hồn nằm bất động trong lớp giấy kiếng trong suốt như thế này! Nó nghĩ tới lòng ích kỷ và tàn nhẫn của những con người đã cướp đoạt đi sự sống của những sinh vật xinh đẹp, bé bỏng và vô tội này và trong lòng bỗng dấy lên một nỗi ghê tởm và oán ghét. Nó định bụng sẽ liệng cuốn album bướm vô cái thùng rác ở góc công viên mà nó sẽ đi ngang qua. 

Chỉ còn chừng chục bước nữa sẽ đến thùng rác thì con nhỏ kia từ đâu lại hiện ra. Nó thở hào hển tỏ ra mệt nhọc lắm, nhưng khi lại gần Hải thì nó ráng nở nụ cười với vẻ cầu hoà:

-   Xin lỗi nha, bạn làm ơn trả lại cho tui cuốn album hồi nãy được hông?

Hải ngạc nhiên nhưng không nói gì, lẳng lặng trao cuốn album cho nó rồi tiếp tục bước đi vì sợ các bạn chờ lâu. Con nhỏ đứng lại một chút rồi lúp xúp chạy theo:

-   Nè! Tên gì vậy.

Bực mình vì cứ bị quấy rầy, Hải quay lại định cự nự nó làm mất thời giờ quá. Nhưng bây giờ khi nhìn kỹ con bé, Hải mới thấy nó gầy gò, ốm yếu đến tội nghiệp thì lại không nỡ, nên chỉ trả lời gọn lỏn:

-   Hải.

-   Còn tui tên là Thanh. Tụi bạn kêu tui bằng Thanh ròm. Tui ở xa tới đây chơi nhà người chị thôi. Ở trong nhà hoài buồn muốn chết luôn vậy đó! Mà ra đây thì có mình ên, cũng buồn hiu hà. Vậy tụi mình làm bạn đi ha.

Hải vẫn tiếp tục bước đi, nhưng thấy con nhỏ có nước da xanh mướt, bịnh hoạn, người thì gầy khô như que củi, mặt mày hốc hác khiến Hải mủi lòng, không nỡ từ chối. Nó miễn cưỡng gật đầu:

-   Cũng được. Nhưng mà bây giờ tôi đang bận. Tôi phải đi đến nhà mấy đứa bạn cùng lớp có chút chuyện cần, không ở lại đây được.

-   Vậy chiều mơi được hôn vậy? Chiều ngày mơi bạn tới công viên nầy đi nha, tụi mình sẽ gặp tại đây.

Hải ”Ừ” vắn tắt rồi lại đi tiếp. Hôm nay con Phương tha hồ mà phụng phịu! Hai đứa thủ hai vai chánh cơ mà, thiếu Hải là hư bột, hư đường hết còn gì! Nó tự cười mình thật lạ, tự nhiên lại nhận lời đi chơi với một con nhỏ không hề quen biết. Tụi bạn cùng lớp biết được lại tha hồ chòng ghẹo. Điều đó cũng không tránh khỏi khi mỗi lần tụi con gái nhờ vả điều gì, nó cũng nhận làm giúp. Nó rất sợ cái tánh mè nheo của con gái nên thường hay chịu thua trước cho xong chuyện. Mà con bé này cũng thật dạn dĩ! Chưa bao giờ quen biết nhau mà nó dám đề nghị làm quen! Nhớ đến cái dáng vẻ ốm yếu của con « bạn » mới vừa quen, tự nhiên Hải thấy con bé hao hao giống một người nào đó mà nó chưa nghĩ ra. Suy nghĩ lan man một hồi, không mấy chốc Hải đã đứng trước cửa nhà Phương. Nó chưa kịp giơ tay gõ thì cánh cửa đã mở toang, người ra mở cửa chính là Phương. Con bé không tỏ vẻ giận hờn mà chỉ nói gọn lỏn:

- Vào đi. Mọi người đông đủ hết rồi.

Chiều hôm sau, khi ăn cơm xong, Hải y lời hẹn ra công viên. Đáng lẽ tụi nó và các bạn sẽ tiếp tục tập văn nghệ vào giờ này, nhưng nó yêu cầu các bạn tập từ hồi sáng nên việc tập kịch không còn phải lo nữa. Bố Mẹ đã dạy Hải là đã hứa với ai điều gì thì phải cố gắng giữ lời. Nó cũng hơi hồi hộp không biết con nhỏ kia có ra công viên như đã hẹn hay lại hứa lèo! Vào giờ này, đã có nhiều người tới công viên, đa số là những gia đình có con nhỏ, có lẽ họ muốn cho con cái được nô đùa, chạy nhảy trong công viên, vừa thoáng mát lại vừa an toàn không sợ xe cộ, bụi đường.Và kìa, con bé đang lom khom đứng cạnh con rồng phun nước của một trong những cái bồn lớn trong công viên. Nó dùng hai bàn tay khẳng khiu để hứng lấy tia nước từ miệng con rồng. Con nhỏ ốm yếu, xanh xao đúng như trong trí nhớ của Hải.. Khi nhìn thấy Hải, nó mừng rỡ reo lên:

-    Hải? Tui nè! Lợi đây vọc nước chơi đi! vui quá chừng chừng hà.

Thanh coi ốm yếu, còm cõi, mặt mũi xanh xao, hốc hác nhưng khi cười thì lại rất tươi với đôi mắt rực sáng. Hải cũng cảm thấy vui lây và cũng đi qua con rồng đối diện để hứng nước. Tụi nó bịt vòi nước lại để nước thành vòi xịt qua phía nhau. Thanh reo hò có vẻ rất thích thú. Một lát sau, Hải đề nghị ngưng cuộc chơi này vì nhận thấy Thanh có vẻ mệt. Hai đứa rủ nhau ra một chiếc ghế đá ngồi nghỉ mệt. Thanh nhìn Hải, nheo nheo cặp mắt:

-   Hải cũng giỏi đó chớ ha! Biết là tui mệt nữa. Ngừng một lát, nó tiếp – Tui ưa vọc nước lắm, nhưng má với Chị Hai đâu có cho, họ sợ tui trở bịnh.

Nghe nói vậy, Hải định hỏi Thanh bị bịnh gì mà lại gầy ốm thế, nhưng nó thấy hỏi như vậy bất lịch sự quá nên lại thôi. Nó lảng qua chuyện khác:

-   Nhà Thanh ở có xa không?

-   Xa chớ! Tui với má phải đi xe đò tới đây đó.

-    Vậy ra bạn không  phải sống ở Sài Gòn à?

-   Đâu có! Gia đình tui sống tuốt ở Biên Hòa lận. Ờ! Mà Hải học lớp mấy vậy?

-   Lớp 8B5.

-   Để tui thử đoán coi nha! Trường M Đ C phải hôn? Tui cũng có quen một người trường đó. Nhưng để thủng thẳng, khi nào tui thích nói thì tui sẽ nói cho nghe. Chớ bi giờ đừng có hỏi chi cho mất công, tại vì tui chưa muốn nói.

Hải thấy con nhỏ này có vẻ ba gai quá, nó chỉ muốn làm chủ mọi việc. Thí dụ khi nó đem cuốn album dúi vào tay Hải, sau đó lại tới đòi lại. và khi tự nó thích làm quen thì đề nghị liền, chứ cái kiểu này nếu Hải là người muốn làm quen với nó trước thì chắc là nó sẽ lên mặt ra vẻ ta đây và lại làm bộ làm tịch lắm chứ chẳng chơi. Hải tính có dịp sẽ dạy cho con nhỏ một bài học. Nhưng bây giờ thì chưa! Mới quen đã sửa lưng nó thì cũng kỳ. Hải làm bộ khen:

-   Ừ! Bạn đoán giỏi nhỉ?

Thanh vênh mặt lên:

-   Dĩ nhiên là giỏi rồi! Mà nè! Lúc tui đòi lại cuốn album bướm, Hải có giận tui hông vậy?

-    Chẳng có gì đáng giận hết. Tôi đâu có thích giữ những con bướm chết làm gì. Thực ra lúc đó tôi cũng đang định tìm thùng rác mà quẳng vào cho rảnh nợ.

-   Ý! Vậy là tui cũng hên chớ ha! – Nó kêu lên nhưng rồi lại hạ thấp giọng như sợ ai nghe thấy – Đúng ra là tui cũng hổng muốn giữ mấy con bướm đã chết khô đó chút nào hết! Dòm tụi nó, tui thấy sao mà giống in như...Tại vậy tui mới đi kiếm người để cho phứt đi cho khuất mắt chớ bộ. Nhưng rồi sau đó tui suy nghĩ lợi thấy hổng nên làm vậy vì đó là món quà của người anh bà con tặng cho tui, rồi tui thấy hối hận, sợ ảnh biết được sẽ buồn nên phải đi kiếm Hải đặng xin trả lợi đó chớ. Hên là gặp lại Hải đó.

Hải bực mình vì thấy con nhỏ này nó coi mình như cái thùng rác. Món vật nó không thích giữ, muốn bỏ đi thì nó đem nhét vào tay mình. Phải chi Hải đã bỏ cuốn album vào thùng rác cho đáng đời con nhỏ dễ ghét này thì tốt biết mấy! Nghĩ là nghĩ vậy cho hả cơn tức, chứ thật ra Hải cũng không phải là người ác như vậy. Nó an ủi con Thanh:

-   Không sao đâu mà. Nếu như đó là vật mà tôi thích thì tôi cũng vẫn vui lòng trả lại. Nó vốn không phải của mình thì tiếc làm gì.

Thanh toét miệng cười:

-   Thiệt ha! Bạn thiệt tốt ghê nơi!

Nhìn đôi mắt con nhỏ rạng rỡ, Hải cũng thấy vui lây và cơn giận cũng nguôi đi một phần. Nó rủ Thanh rời băng đá để đi dạo. Hai đứa vừa đi vừa nói chuyện rất vui. Mấy lần Hải định hỏi nhà Chị Hai của Thanh ở đâu nhưng Thanh lại nói tới chuyện khác làm cho Hải quên đi. Con nhỏ nầy tía lia cái miệng, nói hết chuyện nọ sang chuyện kia. Có lúc Hải vui vui với ý nghĩ trong đầu: hay là nó gầy guộc thế này cũng tại vì nó nói nhiều quá? Nhưng mà Hải cũng thấy thích thú lắm vì con nhỏ nói chuyện nghe rất ngộ nghĩnh. Nó làm cho Hải chăm chú nghe những điều nó nói, thường là những chuyện xảy ra trong lớp của nó hoặc Má nó nói như vầy, Ba nó nói thế kia. Những chuyện cũng không có gì là đặc biệt, nhưng qua cách kể và lối diễn tả bằng đôi mắt có vẻ tếu tếu của nó thì lại trở thành những chuyện khôi hài không nhịn được cười. Tự nhiên Hải cảm thấy buổi đi chơi này cũng thú vị lắm chứ. Nó rủ Thanh chạy đua, nhưng Thanh lắc đầu từ chối. Nó nói bằng giọng buồn buồn:

-   Bộ Hải tưởng là tui đủ sức mạnh để chạy đua hay sao? Tui cũng khoái chạy dữ lắm chớ! Nhưng mà chạy một hồi là đêm về thân mình nhừ nhuyễn hết, làm sao ngày mơi đi học. Hải hổng biết đó chớ! Cũng bởi vậy nên mỗi lần tới giờ thể dục của lớp là tui được miễn, chỉ cần ngồi coi các bạn tập mà thôi. Lớp tui có giờ tập thể dục vào mỗi sáng thứ hai nên tui được nghỉ hai giờ đầu, đỡ khổ. Nhưng mà bữa nào đi sớm tới coi tụi bạn tập thể dục thấy cũng thèm, mà ráng chị vậy thôi ! Ai biểu mình bịnh làm chi ! Thôi mình đi rải rải như vầy cũng được rồi ha.

Một người bán hàng rong từ xa đi lại, Hải mua của bà ta hai gói đậu phộng rang, chia cho Thanh một gói và hai đứa lại vừa đi vừa ăn đậu phộng, và chuyện trò vui vẻ. Sau đó, tụi nó lại rủ nhau ăn nước đá nhận cho đỡ khát. Thanh đòi trả tiền nhưng Hải không bằng lòng. Nó bảo:

-   Bạn là khách đến đây chơi, tôi phải đãi bạn chứ! Bao giờ tôi đến Biên Hòa thì tới phiên bạn đãi lại tôi đấy nhé.

Thời gian trôi qua nhanh! Đã đến giờ ai về nhà nấy vì Thanh nói Má và Chị Hai không cho nó đi chơi lâu. Lần này Hải đề nghị trước:

-   Mai gặp lại nhé.

-   Ý đâu được nà! Tối nay, Má với tui phải ra đón xe đò dìa Biên Hòa đặng ngày mơi còn đi học nữa chớ! Tại Chị Hai kêu xa nhà nhớ tui quá cho nên từ hồi chỉ làm việc ở trên đây, thứ bảy nào Má con tui cũng đi Sài Gòn  thăm chị Hai hết á. Chỉ còn nói là Ba Má tui nên cho tui lên trên nầy đặng thay đổi không khí chớ ở Biên Hòa hoài thì buồn lắm. Hổng ấy đợi tuần tới đi nha. Thứ bảy tới, tui trở lợi đây, nếu gặp thì tụi mình lại đi chơi như vầy. – Nó ngừng lại một lát rồi nói tiếp, mà như nói với chính mình – Mà cũng hổng biết chừng là có lẽ không gặp lợi nhau được nữa đó chớ.

Giọng nó nói, tự nhiên Hải nghe như một lời than vãn. Hải không nói gì, nhưng trong bụng đã quyết sẽ ra gặp Thanh vào thứ bảy tới. Nó cảm thấy vui vì có một người bạn dễ mến như Thanh. Những bực tức hồi nãy bớt đi thêm một phần nữa, tức là bây giờ chỉ còn có một phần tư mà thôi. Tới Ngã tư, hai đứa chia tay nhau, Hải đứng trông theo hình dáng gầy gò của Thanh một lúc trước khi hòa theo đoàn người để băng qua đường. Vào giờ này, phố xá tràn ngập người thảnh thơi đi dạo phố, xóa bỏ đi những nhọc nhằn, lao khổ ban ngày. Không khí dịu lại, không còn ngột ngạt với cái nóng ban trưa. Hải đi chậm rãi, thờ ơ nhìn ngắm những món đồ được bày biện trong những chiếc tủ kính của những cửa tiệm dọc bên đường một lúc rồi mới nhẩn nha thả bộ về nhà.

Thấm thoát một tuần lễ học tập mệt mỏi rồi cũng qua đi. Chiều thứ bảy, Hải nhớ lời hẹn với Thanh nên đã thu xếp mọi việc khác xong xuôi để buổi chiều hôm đó có thể ra công viên. Và hai đứa lại gặp nhau, lần này thì Thanh cầm trong tay một cái bịch nylon, bên trong có một cái gói. Nó nói:

-   Bữa nay Má tui mua chục bắp nấu đem cho Chị Hai. Má nói bắp nấu ở Biên Hòa ngọt mùi bắp nếp thứ thiệt chớ hổng có ngọt vì bỏ đường hóa học như bắp mua ở Sài Gòn nên mua cho Chị Hai ăn chơi. Tui xin chị Hai cho tụi mình mỗi đứa một trái đó, chớ một mình Chỉ ăn làm sao cho hết. Hai đứa mình đi kiếm cái ghế đá đặng  ngồi ăn bắp đi nha.

Nhìn bịch bắp trong tay con Thanh, thằng Hải thèm quá. Nó háo hức nói:

-   Cần gì phải đi đâu xa cho phí thời giờ! Ngồi ngay xuống thảm cỏ này mà gặm bắp có phải thú vị biết bao nhiêu không.

Thế là hai đứa cùng ngồi xuống thảm cỏ xanh. Thanh mở gói bắp luộc, đưa cho Hải một trái. Hải ăn bắp hết sức ngon lành. Má của Thanh đã cẩn thận ủ kỹ nên những trái bắp vẫn còn nóng, và quả thật Hải chưa bao giờ được ăn trái bắp ngon đến thế. Thanh nói chuyện huyên thuyên. Hải vừa thưởng thức hương vị ngọt ngào của trái bắp, vừa nghe nhỏ Thanh nói chuyện tiếu lâm. Khi Hải ăn xong, Thanh hỏi:

-   Sao hả? Ăn thấy ngon hôn?

-   Ngon chứ! Quả thật là ngon quá!

-   Nếu vậy thì ăn trái bắp nầy luôn đi.

Hải ngạc nhiên nhìn trái bắp còn nguyên vỏ trong tay Thanh, thì ra nãy giờ nó chỉ nói chứ không có ăn. Hải ngập ngừng:

-   Ơ! Thế sao Thanh không ăn?

-   Xời! Tui là dân Biên Hòa chớ bộ! Muốn ăn hồi nào hổng được! Còn Hải đâu có dễ gì tìm mấy thứ ngon như vầy. Thôi ăn đi “Bậu”, ở đó mà nói hoài, thấy bắt mệt!

Hải nghe nhỏ này nói buồn cười quá. Lần đầu tiên có người gọi nó với một từ thật là ngộ nghĩnh mà nó chỉ thỉnh thoảng mới nghe từ những vở kịch trong truyền hình. Nó không thèm khách sáo gì nữa, đón lấy trái bắp từ tay con Thanh và bóc vỏ, ăn thật ngon lành. Ăn xong, hai đứa lại rủ nhau ra vòi xịt nước để rửa tay và vọc nước. Sau đó tụi nó ra sân cát chọn hai cái xích đu ngồi đối diện với nhau để nói chuyện. Sau một hồi chọc cho Hải cười ngiêng ngả, Thanh nói:

-   Hải nè! Tui tính như vầy Hải thấy có nên hay không? Tui chỉ giữ lại cuốn album, còn những cái xác bướm đó, tui sẽ bỏ đi hết. Hay là tui sẽ tìm nơi nào đó đặng chôn những xác bướm đó xuống.

-   Thanh định chôn ở đâu thế?

-   Bên hông trường của tui có một cây điệp mà khi nào mệt không thể chơi đùa với các bạn thì tui ưa ra đó ngồi dưới gốc cây. Tui  tính chôn chúng ở đó, Hải thấy có được hôn?

-   Thanh có đem nó theo tới đây không?

Thanh nhăn mặt.

-   Mèn ơi! Tui đâu có thích ôm kè kè mấy con bướm chết đi theo làm chi! Bữa hổm dìa tới nhà là tui mau mau bỏ nó vô góc tủ sách của Ba chớ cũng hổng muốn để trong tủ của tui nữa đó. Để ở đó, tui nhắm mắt lại là thấy mấy cái xác bướm nó mở mắt ra nhìn tui, ớn lắm. Mà Hải hỏi chi vậy?

Hải buồn cười quá! Con bé lắm mồm này coi vậy mà lại nhát gan. Hải nói:

-   Tôi chưa bao giờ thấy có con bướm nào nhìn mình như vậy cả, dù là bướm đã chết hay bướm còn sống. Thôi vậy tuần sau khi lên trên này, Thanh đem nó theo tới đây, chúng mình cùng kiếm chỗ chôn nó nhé. Còn bây giờ, tụi mình đi uống nước đi! Thanh thích uống gì nào?

Thanh reo lên thích thú:

-   Đậu đỏ bánh lọt!

-   Ừ thì đậu đỏ bánh lọt! Đi!

Ngồi ở quán nước, chúng nó thấy một đứa nhỏ ngồi chung với một người đàn ông, ý chừng là cha của nó. Đứa nhỏ phụng phịu ngồi cắm đầu nhìn xuống đất trong khi ba của nó xoa đầu nó để an ủi. Chỉ một lát sau là hai đứa đã tìm ra nguyên nhân: Nó đòi ba mua cho nó trái bong bóng bay, nhưng người cha thì lại không muốn mua vì nghĩ rằng trời đã về chiều, mua bây giờ thì chỉ chơi một thời gian ngắn nữa là phải đi ngủ, và ngày mai, trái bong bóng sẽ không thể bay được nữa, phí cả tiền. Khi hiểu nguyên do, con Thanh đang ăn đậu đỏ bánh lọt bỗng bỏ dở ly nước rồi chạy đi. Trong chốc lát, nó trở về với trái bong bóng trong tay. Nó đưa trái bong bóng cho thằng nhỏ rồi nói với người cha bằng một giọng khá nghiêm nghị:

-   Bữa nay nó thích thì chú nên chiều theo nó, chớ làm sao mà tính được ngày mai!...

Nó ngưng không nói nữa, nhưng từ lúc đó cho tới khi hai đứa chia tay ra về, nó ít nói hẳn đi và cặp mắt có vẻ u buồn. Nhiều lần Hải định hỏi nguyên cớ, nhưng nó đều nói lảng qua chuyện khác.

Chủ nhật tuần sau, ngoài cuốn album bướm ra, Thanh cũng lại đem tới một cái bịch mà Hải đoán đó lại là hai trái bắp. Nó nhớ khuôn mặt Thanh hơi vênh lên kiêu hãnh khi Hải vừa ăn vừa tấm tắc khen bắp ngon. Nhưng sau khi cho Hải biết là Hải đã đoán sai, Thanh bật mí:

-   Món quà nầy là trái gùi đó. Nè! hửi thử coi có thơm hông?  Hải đã có khi nào ăn trái gùi chưa vậy? Chắc chưa từng được ăn đâu. Mấy người ở thành làm sao có trái gùi mà ăn! Trái gùi ăn ngon hết biết luôn. Mà hỏng phải khi nào mình muốn ăn cũng có thể mua được đâu nha. Mấy người đi rừng trên núi Châu Thới hoặc vô rừng Cát Tiên mới kiếm được đó. Khi nào tới mùa trái chín, họ mới hái được. Nhưng mà cũng hổng có nhiều đâu nha. Hồi sớm nầy, người ta đem tới cổng trường bán, tui đoán là Hải chưa ăn bao giờ nên mua cho Hải ăn thử. Nè! Ăn đi coi ngon hôn biết liền.

Hải đón lấy thứ trái rừng mà hồi nào tới giờ chưa từng nghe tên. Trái gùi chín có màu vàng cam, toả mùi thơm nhè nhẹ. Ở phần cuống còn rịn ra chút mủ hơi đậm đặc. Trái gùi rất mềm, nhìn méo mó như bị dập, nhưng Thanh quả quyết không hề hấn gì, cứ ăn thử coi. Quả thật là trái gùi ăn ngon “hết biết”, nó có vị hơi chua chua nhưng nhai nhè nhẹ một hồi sẽ nhận ra vị ngọt thơm thật hấp dẫn. Hải ăn một hơi hết sạch bịch gùi mà vẫn còn thấy ngon lạ lùng. Nó căn dặn Thanh khi nào thấy có bán trái gùi thì nhớ mua cho nó, và con Thanh gật đầu lia lịa hứa sẽ làm điều đó. Môi nó trề xuống và nói ra vẻ chê bai:

-   Thiệt đúng là con trai mờ! Giống y như mấy người anh em bà con của tui vậy đó. Gặp thức ăn ngon là ăn lia lịa quên nói chuyện luôn. Mà nè, lo ăn cho cố rồi có còn nhớ chuyện gì phải làm nữa hông đó?

Hải cười hề hề:

Nhớ chứ sao lại không! Và tôi đã tìm được chỗ chôn bướm rồi. Tôi còn đem theo một con dao díp để đào đất đây này.

Con dao díp là cái thứ chi vậy ?

Thì nó đây này. Con dao díp mà cũng không biết à ?

Hải vừa nói bằng giọng hơi cằn nhằn, vừa móc túi lôi « con dao díp » của nó cho Thanh coi. Ngắm nghía một hồi, Thanh lắc đầu :

-   Cây dao nhỏ thì kêu bằng « cây dao nhỏ ». Bày đặt đặt tên nọ kia mần chi mệt quá !

Khi Hải chỉ chỗ mà Hải nghĩ nên chôn xác bướm ở đó, Thanh dẫy nẫy:

-   Thôi thôi! Ai đi chôn ở gần hồ nước như vầy! Toàn là đá sỏi phủ lên cứng ngắc, thân xác của tụi nó bị nát bấy hết còn gì? Sao Hải lại tàn nhẫn quá vậy?

Hải bực mình vì con bé này thật là lẩn thẩn. Khi đã chôn xác bướm xuống rồi thì theo thời gian, ở đâu rồi chúng cũng sẽ hư hao và mục rã ra, sao lại phải quan tâm đến việc đó? Hải có phải là thủ phạm giết mấy con bướm đó đâu! Thật ra, khi chọn chỗ này để chôn xác bướm, Hải cũng có chủ ý riêng của mình. Nó muốn kỷ niệm lần đầu tiên nó và con Thanh đã chính thức trở thành bạn là vào lúc nó nhìn thấy Thanh đứng nghịch nước một mình ở đây. Hải toan cãi lại, nhưng nhìn thấy vẻ thất vọng của Thanh, nó lại không nỡ. Không biết từ lúc nào, nó không còn có ý nghĩ muốn làm con nhỏ buồn lòng Nhìn Thanh gầy yếu, suy nhược như vậy, nó tưởng tượng ra con nhỏ có thể vỡ tan đi nếu phải chịu đựng một nỗi buồn nào đó. Nó ôn tồn hỏi:

-   Vậy Thanh muốn chôn những xác bướm này ở đâu?

Suy nghĩ một chút, Thanh reo lên:

-   Phải ha! Tụi mình chôn chúng ở ngay dưới gốc dàn bông huỳnh anh đằng kia cà! Hải biết hôn? Khi được chôn xuống rồi thì hồn những con bướm sẽ được siêu thoát, không còn bị nhốt trong cuốn album nầy nữa. Khi đó, chúng sẽ bay lên, và sẽ đậu trên những bông huỳnh anh. Khi nào tụi mình muốn nhìn thấy chúng thì cứ việc tới ngồi dưới bụi huỳnh anh, nhắm mắt lại, sẽ thấy chúng hiện ra, bay tới bay lui hút mật bông huỳnh anh cho mình ngắm, đẹp biết bao nhiêu phải hôn?

Hải đành chịu thua trí tưởng tượng của Thanh. Nó gật đầu đồng ý. Hai đứa cùng đi đến phía bụi hoa huỳnh anh ở gần đó. Hải thọc tay vào túi quần túi lấy ra con dao, hì hục đào trong khi Thanh gỡ từng con bướm ra khỏi lớp giấy kiếng. Nó làm công việc đó thật cẩn thận để những cánh bướm khỏi bị hư. Nó nói nếu cánh bướm bị rách tức là bướm bị thương, sẽ không còn đẹp và không thể bay lên cao được nữa.

Khi làm xong mọi chuyện, con Thanh bùi ngùi nói:

-   Kể ra, mấy con bướm nầy cũng có phước lắm. Chúng được chôn cất đàng hoàng trong ngôi mộ bướm, và có tụi mình lâu lâu ghé thăm đặng nói chuyện cho chúng nghe. Chớ nằm cô đơn, thui thủi một mình thì buồn biết bao nhiêu! Nè, khi nào Hải rảnh thì hãy ghé qua đây thăm ngôi mộ bướm nầy nha. Hải hứa đi!

Nghe Thanh nói, Hải cau mày. Con nhỏ này giàu trí tưởng tượng quá. Là con trai nên Hải không thích những ý nghĩ lẩn thà lẩn thẩn như vậy. Nó đang muốn mở lời trách con Thanh  tưởng tượng quá nhiều cho những xác bướm nhỏ nhoi, nhưng thấy đôi mắt khẩn cầu của Thanh, nó lại chịu thua. Nó gật đầu “Ừ” một tiếng nhỏ rồi đứng lên:

-   Thôi ra kia rửa tay đi rồi còn đi ăn đậu đỏ bánh lọt. Hải thấy khát nước rồi.

Hôm đó khi chia tay, Hải dặn đi dặn lại Thanh là nếu tuần sau có gặp trái gùi thì nhớ mua đem tới cho Hải, vì Hải đã bắt đầu « nghiện » mùi trái gùi rồi. Và Thanh hứa rất chắc chắn là nó sẽ nhớ điều đó. Nó còn nói vào mùa này là đầu mùa đông, trong rừng thiếu gì thứ trái này.

Nhưng tuần sau đó, Hải chờ đợi mãi không thấy Thanh tới, rồi hết tuần nọ qua tuần kia, mà Thanh vẫn biệt vô âm tín. Mỗi chiều thứ bảy Hải lại ra công viên với hy vọng Thanh sẽ tới, nhưng chẳng thấy Thanh đâu. Hải cảm thấy buồn và hối hận vì đã chưa kịp hỏi nhà Chị Hai của Thanh ở đâu. Nếu biết được, thế nào Hải cũng tìm đến để hỏi thăm tin tức về Thanh.

Một hôm, vào giờ của cô Chinh, cả lớp nhốn nháo vì việc giờ này cô vẫn chưa tới. Mọi hôm cô rất đúng giờ chứ có đâu như hôm nay? Chừng 10 phút sau, bà Hiệu Trưởng vô lớp. Với một giọng thật buồn, bà cho cả lớp biết là cô Chinh sẽ nghỉ suốt tuần này, giờ dạy của cô sẽ có người thay thế. Lý do cô nghỉ là để lo việc ma chay cho đứa em gái, con bé đó bị ung thư máu đã đến thời kỳ thứ ba rồi còn gì! Tự nhiên Hải cảm thấy lạnh cả người. Linh tính báo cho Hải biết có điều gì đó không ổn. Nó lắp bắp hỏi bà Hiệu trưởng gia đình cô Chinh ở đâu và được bà cho biết đúng với dự đoán của Hải là gia đình cô ở Biên Hòa. Nó thẫn thờ ngồi vật người xuống ghế như một cái xác không hồn. Hình ảnh gầy guộc của Thanh với vẻ mặt buồn thảm trong lần gặp sau cùng cứ ám ảnh nó suốt buổi học làm nó không còn tâm trí đâu mà nghe các thầy, cô giáo giảng bài. Nó muốn khóc quá đi mất! Bây giờ thì nó đã nhớ ra nét giống nhau giữa người bạn yếu đuối, bịnh hoạn của nó và cô Chinh.

Khi đi học về, nó chỉ kịp lẳng cái cặp táp lên bàn học rồi đi kiếm Mẹ. Lúc đó, Mẹ cũng mới vừa thay quần áo sau khi đi làm về và xuống bếp phụ với chị giúp việc hoàn tất bữa cơm. Nó nói với Mẹ:

-   Xin phép Mẹ cho con ra ngoài có chút việc rồi con sẽ trở về ngay.

Nhìn sắc diện của Hải, Mẹ đoán có việc gì đó rất quan trọng vừa xảy ra nên Mẹ không cản trở, chỉ nhắc nó khi nào xong việc thì phải về ngay để còn ăn cơm.

Ra tới công viên, Hải không biết là mình sẽ làm gì! Nó đi thơ thẩn một mình ở khắp mọi nơi mà mấy tuần trước nó đã cùng Thanh đi qua. Nó nhớ lại những ngày vui bên Thanh, ánh mắt rạng rỡ và tiếng cười trong suốt của con bé. Khi đi ngang qua sân cát, nó dừng lại rồi tới ngồi xuống cái xích đu nó đã ngồi. Hải tưởng chừng như Thanh đang ngồi cái xích đu bên kia và chọc cho nó cười. Hải chợt nghĩ đến một việc. Nó chạy tới bụi huỳnh anh đang rộn ràng với những nụ hoa vàng óng và cúi xuống tìm “Nấm mộ bướm”, đó là cái tên hoa mỹ mà Thanh đã đặt cho nơi này. Nó bắt đầu đào thật nhẹ nhàng, cẩn thận. Sau cùng, những xác bướm đã hiện ra dưới mắt Hải. May quá, những xác bướm mới chôn nên vẫn còn nguyên vẹn. Nó chọn một con bướm với bộ cánh toàn trắng đặt ra chỗ khác rồi nhẹ nhàng lấp đất lại. Hải nâng niu xác con bướm nhỏ, rút cái hộp diêm đã nhét sẵn trong túi để đặt xác bướm vào trong rồi đem tới thảm cỏ mà nó và Thanh đã ngồi ăn những trái bắp ngon lành và những trái gùi thơm ngọt. Hải ngồi xuống đào một cái lỗ, chôn xác con bướm ở đó. Nó nghẹn ngào thì thầm:

-   Thanh nằm ở đây nhé. Khi nào nhớ Thanh, Hải lại ra đây nói chuyện với Thanh.

Khi nó về tới nhà thì Bố và Mẹ đã ngồi sẵn bên bàn ăn. Cả hai nhìn nó nhưng hôm nay Bố không tỏ vẻ gì là trách móc. Ông hiểu tánh tình đứa con trai hiền lành của mình và đoán rằng có chuyện gì đó đã xảy ra với nó. Hải cúi đầu đứng trước mặt Bố, nó nói với một giọng nghẹn ngào:

-   Thưa Bố Mẹ, một người bạn rất thân của con mới qua đời. Con vừa ra công viên để chào từ giã bạn ấy.

Bố mỉm cười nhìn Hải thông cảm. Mẹ dịu dàng:

-   Ừ! Thôi đi rửa mặt mũi, tay chân rồi còn ăn cơm, con.

Hôm cô Chinh trở lại lớp, trông cô hốc hác, rũ rượi với cặp mắt sâu hoắm, mệt mỏi. Hải nhìn cô mà trong lòng ao ước giá bây giờ cô khóc! Vì chính trong lòng nó cũng đang khóc thật nhiều. Vào giờ tan học, cô yêu cầu Hải ở lại vài phút cho cô nói chút chuyện. Nhưng cô không nói gì nhiều mà chỉ đưa cho Hải một cái bịch giấy dầu và nói đó là món quà cuối cùng Thanh nhờ cô mua tặng Hải. Khi Hải mở ra thì thấy những trái gùi chín mềm, thơm thơm. Nó ngước nhìn cô Chinh, lí nhí nói cám ơn, và bây giờ nó mới thấy cô đang gục đầu xuống bàn mà khóc tức tưởi, hai bờ vai cô rung lên nhè nhẹ. Hải thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa. Trên một nhánh cây ngoài sân trường, có một con bướm trắng bay đến, chập chờn đáp xuống. Hải bỗng có cảm giác con bướm đó là linh hồn người bạn nhỏ đang mỉm cười nhìn nó và người chị thân yêu

 

 Phạm Thi Hảo