Vài Ghi Nhận Về các Buổi Họp Mặt Văn Hóa ở Oslo Năm Qua - Người Quan Sát (NQS)

2015-12-10 12:42

1. Buổi họp mặt đề cao văn hóa và nghệ thuật Việt Nam

Chiều ngày 03.05.2014, khi bước vào hội trường, quan khách được phát một tờ chương trình. Chưa kịp xem qua quan khách tờ chương trình, NQS bị chinh phục ngay bởi người phát Nguyễn Ngọc Huấn, một trong những người tổ chức buổi họp mặt, bác sĩ tâm lý, nụ cười và cung cách đầy kính trọng và cẩn trọng, đầy chân thành nhiều hơn là tiểu xảo nghề nghiệp. Chưa hết đâu: Nắng vàng ngoài khu vườn khoáng đãng và những người người tươm tất, tươi cười như nắng.

Nhìn vào tờ chuơng trình, thấy đây là một buổi họp mặt thuần túy văn học. Nói thế không có nghĩa là những buổi họp mặt chính trị là không cần thiết nữa, hay chúng bị xếp xuống hàng thứ khi cuộc chiến đã lùi xa, khi lòng người đang bận những thứ khác cận kề hơn như một cuốn phim hay, một buổi mua sắm, một buổi nhâm nhi vv, nhưng ở chỗ quan khách và NQS, ở Oslo, Na Uy, lần đầu tiên được sống trong một bầu không khí khác, bầu không khí văn học.

Đây là buổi họp mặt được dự tính trong tháng 8, lại dời qua tháng 5, khi nghe tin nhà văn Tâm Thanh, bị bệnh nan y: bệnh ung thư nặng hơn, nhằm mục đích tôn vinh những đóng góp của Tâm Thanh cho văn học tiếng Việt. Anh Trương Minh Đức, thuộc Trung Tâm Mục Vụ  và Anh Nguyễn Ngọc Huấn có ý đứng ra tổ chức với sự trợ giúp về nội dung từ tờ Viết&Đọc, họa sĩ Tú Anh, các em thiếu nhi Oslo, và các quý vị thiện nguyện khác...

Anh Huấn liên lạc Tâm Thanh nói về mục đích và chương trình. Trái với thói thường “văn mình vợ người”, Tâm Thanh không chịu khi người ta dự định nói về văn của mình. Cuối cùng, hai vị đồng ý gọi đó là ”Buổi họp mặt đề cao văn hóa và nghệ thuật Việt Nam”, đề cập đến nhiều người, nhiều ngành, ví dụ hội hoạ, âm nhạc...

Khi NQS bước vào trong một chút, thấy ngay các chị, cả các anh nữa, đang loay hoay trong bếp lo chuyện ẩm thực. Và những tiếng cười nói thân tình. Vào chút nữa, đến hội trường lại thấy có người đang chỉnh âm thanh, ánh sáng, và đang dọn bàn ghế, có cả cụ Trương Chỉ đã quá tám mươi. Hội trường sáng sủa, gọn gàng với những bức tranh màu, nét dân tộc Việt đặc thù Tú Anh treo trên tường mời khách thưởng lãm. Lại nhìn vào tờ chương trình với những đề tài, những người góp truyện, NQS thấy nhiều hứa hẹn về một buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật đúng nghĩa.

Vào chương trình, Nguyệt Minh duyên dáng, Nguyễn Ngọc Huấn đĩnh đạc chào mừng quan khách và giới thiệu ban tổ chức: Trương Minh Đức, Nguyễn Ngọc Huấn, Nguyễn Văn Cao và Đinh Ngọc Cần. Nguyệt Minh tiếp tục vừa vui nhộn vừa sâu sắc qua huớng dẫn quan khách qua các tiết mục.

Duy, một sinh viên từ Trondheim đến, độc tấu đàn tranh, nam nhi chứ không phải một kiều nữ nào như thói thường. Như mây trôi, như suối chảy. Lòng người nhẹ nhàng để vào bài nói chuyện đầu tiên với Đặng Bản. Bản kể, bằng cách đọc một bài viết cũ, từ số 1 tờ Viết&Đọc, về Tâm Thanh với những băn khoăn của nhà văn qua những với những mẫu chuyện hội nhập từ lời ăn tiếng nói, đến sinh hoạt đấy thách đố hằng ngày của dân tị nạn xứ Việt với người bản xứ Na Uy. Đọc mà như kể chuyện. 

Kế đến, đáng lẽ là phần phỏng vấn, nhưng Tâm Thanh bệnh tái phát nặng, nên chỉ gởi một lời phát biểu ngắn, và anh Cần diễn đọc; không khí trang nghiêm khác thường; (có lẽ bởi vì biết anh đang nằm bên bờ vô hạn.) Ý chính: ”1. Từ hơn năm nay trên giường bệnh, tôi chỉ có một nỗ lực duy nhất: trở thành trẻ thơ để trở về với Thượng Đế.  2. Bản chất văn chương là hư cấu. Khi viết tôi bịa đặt hoàn toàn; nhưng khi sống, tôi ráng không phản bội những điều mình viết, dù một chữ. Thả bút viết "tình yêu" mà trong lòng đầy oán hờn, tôi không làm được.”

Múa Lạc Hồng của đoàn thiếu nhi Oslo gợi về một thời hào khí Trần Quốc Toản.

Cung Vĩnh Viễn khoan thai, nhập vai như nửa như tâm sự, nửa như kể một số truyện tiêu biểu của Tâm Thanh. Hội trường lặng im như tờ, bị hoàn toàn lôi cuốn bởi giọng kể, lời bình. NQS đã đọc những truyện này, nhưng vẫn bị mê hoặc, há hốc miệng nghe. Tiếng vỗ tay rầm rộ khi chấm dứt. Bầu không khí văn học đạt đến điểm đỉnh.

Giải lao với những món ẩm thực từ những bàn tay, từ những tấm lòng yêu mến Tâm Thanh, yêu mến việc chung. Mọi người rôm rã trò chuyện, vẫn còn phấn khích về phần đầu.

Phần hai, mở đầu với hai vĩ cầm thủ, Đan Thi và Cẩm My, tí hon mà ngón đàn đã điêu luyện lắm. Qua hai em, người ta thấy những con người ngày mai với những tương lai tốt đẹp.

Nguyễn Văn Thà nói về nghệ thuật viết truyện với những cứ liệu từ các tác phẩm của Nguyễn Du, Tâm Thanh, Phạm Tín An Ninh và vv; và nói một chút về tác phẩm mới nhất

và quan trọng của Tâm Thanh: Lệnh Triệu  Ban Rồi: một trường hợp ung thư.

Cũng chính Nguyễn Văn Thà hát bài Giữa Vọng Các Nhớ Sài Gòn, do NVThà phổ toàn vẹn bài thơ cùng tên của Khánh Hà, bạn đời của Tâm Thanh. Tiếc giọng hát không hay lắm, tiếng đàn đệm, cũng của NVT, lại dở, nên chưa lột hết được lời thơ, ý nhạc. Thôi, ít ra cũng là “cây nhà, lá vườn.”

Phần cuối, phần khác của văn học nghệ thuật, đó là phần nói về hội họa do nữ họa sĩ Tú Anh trình bày, người mặc áo dài với quần jeans. Nhìn là thấy khác người rồi. Cái khác người cũng thấy được qua sự trình bày bút pháp, đường hướng sáng tác của của cô. Và cụ thể qua những bức tranh treo quanh hội trường với những họa tiết Việt Nam. Và đặc biệt lối sáng tác dìu nhau giữa nhạc và họa: Trịnh Tiến Duy gieo những chuổi đàn tranh, Tú Anh nương suối âm thanh vờn bút. Và cũng không quên vẽ một chữ Tâm quốc ngữ tặng Tâm Thanh. Tài hoa cùng mình hai nghệ sĩ! Kế đến là phần giới thiệu và phỏng vấn về văn hóa nói chung và hội họa nói riêng. Người phỏng vấn hết sức nhà nghề: Hoàng Thị Thu Hồng. Khi nói về mức văn hóa của người Việt hải ngoại, Tú Anh nói về cái tiêu biểu nhất cho văn hoá nhất của người Việt hải ngoại là ”khi vào nhà một người Việt tị nạn, người ta chỉ sẽ thấy chai nước mắm và băng Thuý Nga.” Ý cô muốn nói chúng ta cần phải bồi đắp nhiều hơn nữa nền văn hóa của chúng ta. Diệp Bảo Dzũng, phu quân  Tú Anh, quay phim suốt buổi.

Dì (phước) Trang, mẹ bề trên dòng Mến Thánh Giá Oslo, vui tươi cùng cô bạn đồng trang lứa lên cảm ơn thầy Tâm đã dạy tiếng Việt cho họ và các bạn cùng lứa tuổi nay đã vào đời với một bồ chữ Việt và một tâm hồn Việt của thấy truyền lại. Một cành lan trắng sung mãn tặng thầy.

Nói về người tham dự, người ta hay ước lượng số người tham dự để đánh giá sự thành công của những buổi họp mặt là bữa ấy có đông người tham dự hay không; 100? 200 người? Nhưng điểm chính, NQS nghĩ, không ở chỗ số đông mà ở thái độ tham dự tích cực, văn minh của quan khách hôm ấy.

Trước khi ra về NQS có trò chuyện với anh Diệp Bảo Dzũng, dạy môn vi trùng học tại trường cao đẳng Nông Nghiệp Ås. Nói nhiều chuyện, nhưng một câu làm NQS nhớ mãi: “Bọn em, những người nghiên cứu các ngành tự nhiên, cứ học mãi cho tới khi tốt nghiệp rồi đi làm; ai cũng có thể làm được. Còn những người viết văn, làm thơ, đâu phải cứ học là được; tài lắm, hiếm lắm, đáng quý lắm.” Thiệt khiêm cung quá sức!

Lời này cũng là lời kết luận của phần ghi nhận này, và cũng dành cho Tâm Thanh, nhà văn yêu quý, tài năng, khiêm tốn của chúng ta.

 

2. Ra mắt tập thơ Biển Đời của tác giả Phụng Long

Buổi họp mặt kể trên sẽ khó xảy ra nếu không có buổi ra mắt tập thơ Biển Đời của thi sĩ Phụng Long trước đó bốn tháng nhằm 25.1. 2014, do hội đồng hương Việt nam vùng Bærum đứng ra tổ chức, vì chính sự thành công của buổi này làm cho những người thiện chí mới dám tổ chức những buổi họp mặt văn hóa kế tiếp.

”Trời đất, sao lại ra mắt tập thơ, sao gan cùng mình quá vậy!” – NQS nghĩ vậy khi nhận được thư mời – ”Đi vì cảm thấy trách nhiệm với văn học mà đi thôi.”

Hôm ấy lại lạnh căm, tuyết đầy trời, đầy đường, trời lại tối u u. Thơ nghe chừng như heo hắt. Lòng người đã không còn nồng nàn gì với thơ từ lâu; văn còn bị thảm bại, huống chi thơ. Thơ e khó sống.

Nhưng khi vừa bước vào hội trường của giáo xứ Bærum, thấy ngay một bầu không khí ấm cúng, ấm cúng nhất là chính nhà thơ và phu nhân, và anh Huấn. NQS vốn là công nhân, cả hơn một phần ba đời người phải làm việc toàn với những kẻ bạc lòng, thô lỗ, bỗng thấy ấm lòng, thấy nặng tình ngay, yêu người Việt mình quá, giống người Việt phép tắc, lịch lãm ngày xưa. Không phải chỉ các vị nơi cửa chào mừng quan khách, mà khi đi vào, cả quý vị tham dự nữa: lịch sự, thân tình, hớn hở. Ai dám bảo ”người Việt xấu xí.”?

Sau phần chào mừng quan khách của anh Huấn và Thiên Nhân, đỉnh cao của buổi ra mắt thơ là lúc nhân vật chính: nhà thơ Phụng Long. Anh đọc thơ của chính anh, đọc say sưa, đọc lâu 30 phút hay một giờ, NQS không còn nhớ nữa, vì đã say cùng nhà thơ túi thơ tẩm rượu trần gian của anh: Tình yêu, Nàng Thơ, vần điệu vờn theo ý thơ lạ. Nhìn quanh ai cũng vậy, không say thì cũng ngà ngà, hào hứng.

Đến phần ẩm thực, các món ăn cũng là những bài thơ đẹp, và với thơ, là chất xúc tác làm cho người người lại gần nhau hơn. NQS có hoa hòe  với phu nhân nhà thơ Phụng Long một câu: ”Sau mỗi bài thơ là có bàn tay của mỹ nhân.” ”Anh nói quá, em có chi mô anh!” – chị ấy đáp. Nhưng NQS nghĩ câu này đúng cho những bài thơ của phu quân của chị và cả những đĩa thức ăn ngon lành, và đẹp mắt nữa.

Rồi Đình Giang, Phạm Kim Tiên, Thi Hạnh, Lê Nguyên, Tiểu Thiên. Đặc biệt người-không-chịu-nhận-mình-là-thi-sĩ Đình Giang đọc bài vè về ông thủ trưởng thứ trưởng chịu chơi của mình: đi xe đạp, nhậu với nhân viên quèn như ông; lòng đầy ngưỡng mộ, đọc say sưa. Các nhà thơ khác cũng lần lượt lên đọc thơ, toàn thơ hay. Hóa ra có nhiều thi sĩ như vậy quanh ta. Đúng như lời một học giả Tây Phương nhận xét: ”Người Việt lúc nào cũng ứa ra thơ.” Câu này được xác nhận một lần nữa khi thấy quý vị tham dự không chỉ lịch sự, nghe cho có, nhưng tham gia cùng mình, trôi theo giòng thơ của các thi sĩ. NQS cứ ngỡ đang đứng trong một buổi đọc thơ của các thi sĩ tầm cỡ quốc tế nơi các giảng đường đại học Âu Mỹ mà hắn thấy trong TV.

Sẽ rất thiếu sót nếu không kể đến phim hoạt họa ngắn Việt-Hải Ngộ Thăng Long (Người Việt từ Biển Gặp Rồng Bay), như một hồi tưởng về quãng đường tị nạn, về những người Việt đầy can đảm, đầy hào hùng. Nguyễn Thành Trung từ Bergen là tác giả.

Chưa hết đâu: Còn hát, còn đờn địch: Thi Hạnh và con hát bài hát phổ từ thơ của Phụng Long, phu quân đệm đàn; rồi những ngón đờn nhuần nhuyễn của Minh Tú, của anh Công uốn theo những giọng ca sống động, thuần thục của các bạn trẻ.

Khi ra về NQS chúc mừng sự thành công của buổi ra mắt, Phụng Long giọng Huế: ”Cụng dzờ ơng Chúa cả.”

NQS ra về, và ”người Việt cao quý”, cái âm vang ngày xưa ấy, tưởng vĩnh viễn bị chôn vùi theo giòng thế sự nhục nhằn lẫn nhọc nhằn của Đất Nước, nghe như vang vang trong trời đất lạ, giá băng.

 

3. Buổi ra mắt tập truyện ngắn Nước Mắt Mùa Đông của Minh Hồng

Sẽ rất thiếu sót, nếu không kể đến buổi ra mắt tập truyện ngắn đầu tay Nước Mắt Mùa Đông của Minh Hồng ở hội trường Grorud Samfunnshus ngày 04-10-2014, từ 14 giờ 00 đến 16 giờ 30. Với lời giới thiệu trong chương trình như sau:

“Chúng ta rất may mắn được một cuộc sống hạnh phúc và phong phú trên vương quốc Na Uy. Và một trong những gía trị quý báu nhất trên xứ sở bình yên này là chúng ta đang tận hưởng sự tự do trong nhiều lãnh vực, như vật chất, ngôn luận, nhân quyền, sinh hoạt hội đoàn, và phát triển kiến thức và tiềm năng theo nhu cầu và điều kiện của mỗi cá nhân. Trong bối cảnh khách quan này chúng ta được sự đóng góp tinh thần và văn hóa của nhiều văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ, họa sĩ và cá nhân yêu thích và tự hào với văn hóa và nghê thuật Việt Nam tại Na Uy. Những đóng góp tích cực này giúp chúng ta phát triển và bảo tồn được văn hóa và nghệ thuật dân tộc.
Để sáng tỏ những lời nói trên, gia đình và một số bạn hữu của tác giả, xin trân trọng kính mời Quý khách đến tham dự buổi ra mắt tập truyện ngắn "Nước Mắt Mùa Đông".
Tập truyện ngắn "Nước Mắt Mùa Đông" là tập truyện đầu tay của tác gỉa Minh Hồng.
Với phương châm (motto): "Thành công nào cũng bắt đầu bằng một giấc mơ và một bước chân khởi đầu" chúng tôi mong chào đón Quý khách.

Trong chương trình (đính kèm) có phục vụ tiệc trà, cùng nhiều tiết mục văn nghệ khác.
Thân ái,

Lộc Huỳnh và Nguyễn Ngọc Huấn

Với một lời mời đầy tính thuyết phục và hấp dẫn như thế là phải đi thôi, dù NQS bản tính vốn lười, chỉ thích nằm dài vào những ngày cuối tuần, nhâm nhi ly cỏ nhác, đọc một cuốn truyện hay.

NQS đi xe buýt, và mò theo bản đồ của Ruter để kiếm hội trường, lò mò hồi lâu, hỏi han đủ thứ người vẫn không tìm ra, tính quay về, thì có một xe hơi sang trọng với đôi vợ chồng quần áo sang trọng rà tới hỏi: “Anh đi dự buổi ra sách hả?” “Vâng.” Thế là đi.

Vào hội trường lại gặp ngay anh Huỳnh Lộc, anh Huấn (lại anh Nguyễn Ngọc Huấn), T. H. Victoria, cô sinh viên, nay là bác sĩ tâm lý mới ra trường, (người đã đọc và nhận định sâu sắc về tác phẩm Lụa Bạch – Hvite Silke của Tâm Thanh, bản dịch ra tiếng Na Uy của NVThà), rồi sau đó chính tác giả Minh Hồng ra chào. Tay bắt mặt mừng. Lịch lãm. Lại chào hỏi những người tham dự. Cái âm vang “Người Việt Cao Quý” vang vang đâu đó trong không gian.

Các tiết mục văn nghệ chen lẫn với những đóng góp thơ của Cẩm Vân, của một người bạn của tác giả (NQS quên tên) và của NVThà thật ngắn về truyện ngắn dài hơn trăm trang của Minh Hồng. T. H. Victoria cũng nói đôi giòng về sự sáng tác đầy chăm chỉ và say mê của mẹ mình, tác giả Minh Hồng. Nhưng bài nhận định quan trọng nhất của Nguyễn Ngọc Huấn mới là đầy đủ, sâu sắc và quân bình. Chỉ có một người yêu văn chương và có đầu óc phân tích tế nhị như anh Huấn mới nhận định được như vậy. Rồi đến phần phỏng vấn tác giả kỹ thuật và quá trình sáng tác tác phẩm.

Đã thế, còn nhiều hoa, nhiều người đẹp, nhiều thức ăn ngon. Và nhất là tình gia đình giữa anh chị Lộc + Hồng + hai con; cả gia đình cố tạo cho buổi ra mắt sách của vợ mình, của mẹ được thành công và làm hài lòng mọi khách tham dự.

Đây là buổi ra mắt sách thành công, nhiều ân tình. Khi nói thành công NQS không kể đến số đông, hay số sách bán ra. Một người mà tri kỷ vẫn còn hơn ngàn người mà hững hờ, chiếu lệ. NQS tiếc cho những bạn không biết mà đến, hay những bạn biết mà không đến.

Trong ba buổi họp mặt lúc nào cũng có anh Nguyễn Ngọc Huấn. Không những anh chỉ có mặt hôm đó và thuyết trình, anh còn lo liệu, sắp xếp từ đề tài, chương trình và nhân sự cho cả ba buổi. Nhìn anh, NQS thấy niềm hi vọng cho một Việt Nam tương lai với những con người như anh. Và không phải chỉ mình anh, sự tham dự của quý vị quan khách cũng là một đóng góp cho văn hóa Việt Nam hôm nay và mai sau.

Lời anh Diệp Bảo Dzũng trên kia cũng dành cho không chỉ Thanh Tâm mà còn cho thi sĩ Phụng Long, nhà văn Minh Hồng của chúng ta.