Xuân Đó Xuân Đây - Thi Hạnh

2014-08-29 09:40

Tháng hai, khi những hạt tuyết trắng vẫn còn trải dầy khắp đó đây, lại là lúc mọi người phấn khởi hân hoan chào đón Xuân về. Năm nào cũng thế, tuy tuyết vẫn còn cao đến bụng, hoặc ít nhất cũng đến đầu gối, tôi cũng vẫn cố gắng lội tuyết vào rừng để chặt về một nhánh cây khô. Người ta bảo mang cây về ngâm vô nước ấm thì cây sẽ đâm chồi vì lầm tưởng mùa xuân đã đến. Bao năm qua tôi vẫn làm theo như thế, nhưng lại không thấy nhánh cây nào đâm chồi lá non.  Mà thôi cũng không sao, vì mục đích tôi đem nhánh cây về, không phải chỉ đơn thuần ngâm nước cho cây ra lá, mà quan trọng hơn nữa, đó là gắn lên đó những cánh hoa mai.

Mấy đứa nhỏ trong căn nhà này hình như cũng đã quen thuộc với hình ảnh ấy mỗi năm, tuy nhiên, con nít thường hay quên, nên năm nào chúng cũng hỏi tôi những câu quen thuộc:

- Mẹ mang cành cây khô về nhà làm gì vậy mẹ?

- Để mẹ gắn hoa mai lên cành cây.

- Sao mẹ lại gắn hoa giả lên cây vậy?

- Thì tại bên này không có hoa thật, nên mình phải dùng tạm hoa giả vậy đó mà.

- Tuy không có hoa màu vàng này, nhưng khi nào mùa xuân đến thì cũng sẽ có những hoa khác mọc ra mà mẹ.

Đúng là như thế, những khi mùa xuân đến thì ở Na Uy này, tuy lạnh, nhưng hoa cỏ cũng không thiếu. Mùa xuân đối với trẻ em ở đây, đó là lúc tuyết tan, và những cánh hoa dại bắt đầu ngoi lên ở ven đường. Sớm nhất cũng vào tháng tư, và theo kinh nghiệm thì mùa xuân chỉ thật sự đến vào tháng năm, sau ngày lễ Quốc Khánh, vì đó là khi nhiệt độ không còn xuống quá thấp vào ban đêm, và ngày bắt đầu dài hơn. Có lẽ không chỉ riêng ở đây, nhưng những nơi khác cũng thế, tuy khí hậu có ấm hơn thật, nhưng hoa Mai thì vẫn phải dùng loại giả được "made in Viet Nam".

Khi những cánh hoa đã được gắn gọn gàng trên nhánh cây khô, tôi thường đem treo lên đó hai cái phòng bì đỏ. Tôi nhớ có lần con bé chị hỏi đó là cái gì, thì thằng em tỏ vẻ khôn hơn nên giải thích:

- Trong đó có tiền đó chị hai, bố mẹ sẽ cho mình, bộ chị hai không nhớ hả?

Tuy thằng em nhỏ hơn, nhưng trí nhớ rõ ràng là tốt hơn bé chị. Nó còn nhớ trong bao đó có tiền, và tiền đó thường được mang theo để chơi hội chợ trong những ngày Tết của cộng đồng. Tuy lúc nào cũng thua, cũng hối hận vì đã chơi hết không còn đồng nào bỏ ống, nhưng chơi thì vẫn cứ chơi. Năm nay để cho khác hơn, tôi không treo lên cây hai bao đỏ nữa mà treo thật nhiều bao lên đó. Con chị thấy lạ lại hỏi bằng tiếng Na Uy:

- Sao nhiều bao vậy mẹ, nhà mình cũng chỉ có hai con nít thôi mà?  

Thằng em cũng lại nhanh nhẩu hơn:

- Chắc năm nay mẹ cho chúng mình nhiều bao hơn.

Rồi chúng hớn hở ra mặt, bàn với nhau rằng năm nay sẽ để dành tiền lì xì, sẽ góp ống cho thật nhiều để mua xe đạp mới, vì xe cũ bây giờ nhỏ rồi. Con chị thì không mua xe đạp mà mua iPhone mới hơn, thằng em ngăn:

- iPhone mới đắt lắm đó chị hai.

Con chị năm nay lớn hơn, nên hình như cũng khôn hơn rồi, biết tính toán:

- Thì mình góp ít thôi, rồi xin bố mẹ thêm cho đủ.

Tôi chợt nhớ lại ngày thơ, khi còn ở Việt Nam, những ngày Tết là những ngày vui nhất. Không phải vì hoa thơm hay áo đẹp, nhưng là vì những bao lì xì màu đỏ. Những bao lì xì ấy luôn luôn là sự mong đợi lớn nhất, không phải chỉ của tôi, mà cũng là của chung những trẻ em khác. Hôm nay cũng vậy, tuy sống trên xứ này quá ư đầy đủ, nhưng những bao lì xì màu đỏ kia vẫn là niềm vui, là sự mong đợi của những đứa trẻ Việt Nam mỗi khi Tết đến. Tôi nghĩ; có lẽ những chiếc bao lì xì kia phải có một nét linh thiêng nào đó, vì ở xứ tây phương này, trẻ em không thiếu món gì. Sinh nhật được nhận bao nhiêu là quà. Giáng sinh được nhận bao nhiêu là quà. Đó là chưa tính đến những thứ lai rai như mẹ đi công chuyện xa vài ngày về cũng có quà, hoặc bố đi làm xa vài ngày về cũng có quà v.v... Vậy mà đến Tết, chúng vẫn hớn hở đón nhận những bao lì xì, tuy biết rằng trong ấy cũng chẳng có bao nhiêu. Những cái ống heo cũng chỉ góp để cho vui thôi, vì thứ gì thì chúng cũng có đủ cả rồi. Ước gì tất cả những trẻ em trên thế giới này đều được một ngày ăn Tết, vì Tết thì cũng chỉ mỗi năm một lần.

Thi Hạnh